Nguyên Kha (Vĩ Hạ)
(Vanchuongphuongnam.vn) – Câu chuyện về những tư duy trẻ, khi chúng ta nghe, thường sẽ có những mường tượng về sự tươi mới, đầy những khát vọng cao cả, sự năng động và nhiệt huyết non sơ,…
Nhưng trong những cái tươi non – “những cuộc vui mình đã chọn” ấy, người trẻ, vẫn có những niềm đau khó lòng tâm sự với những người khác. Đã có rất nhiều lần, ta chọn đọc thơ và coi thơ chỉ là những nhịp đập bay bổng đầy vần nhịp, phải lúc nào cũng tụng ca, song cái chính của thơ ca vẫn là kể lại chính câu chuyện riêng tư nhất của người viết và người đọc, và có những cái riêng tư không thể bay bổng như vậy. Đôi khi, thơ ca trẻ chỉ là những lời thủ thỉ khô khan, những chênh vênh hay thậm chí là tuyệt vọng, nhưng sau cùng, thơ vẫn chấp nhận được những điều đó.
Những phức cảm của sự lạc loài bên trong một người sinh trưởng ở một đô thị nhộn nhịp phía Nam, những uất ức về thân phận gia đình mình và ý thức về trách nhiệm của bản thân với từ những điều giản đơn đến những di sản mà người trước để lại, tất cả những niềm đau ấy dồn lẫn vào trong tập thơ Tôi học ca hát như những cuộc vui mình đã chọn của Đoàn Nguyễn Anh Minh (Người – ngồi – chơi – xếp chữ).. Những dòng tâm sự, không chú trọng quá nhiều về vần nhịp, không tụng ca cuộc sống theo cách của tập thơ mà tụng ca theo cách của một con người vẫn đang học cách điềm tĩnh, cố gắng tìm thấy một ánh nắng lọt được qua khe cửa bi quan. Có thể nói, tư duy của Đoàn Nguyễn Anh Minh trong tập thơ này, vốn đã được anh hoàn thành bốn năm về trước, là một tâm hồn chọn cách khờ dại để sống sót và để viết, cho mình, cho những người thương yêu: là ba, mẹ, là những người bạn thân. Sau những thăng trầm, từ gia đình ly tán đến bấp bênh trong sự nghiệp học vấn, thơ Minh tìm kiếm cái đồng cảm của người đọc bằng những trò chơi chữ, tự vỗ về mình bằng những niềm vui giản dị của việc che lấp cái u buồn đấy đi – có một chút gì đó e ấp với niềm đau của mình, với tâm sự thật lòng của mình, đó không phải là điều hiếm hoi trong chữ nghĩa. Nhưng để thành thật viết: “tôi chấp nhận là kẻ đầy tớ suốt đời/người mang ơn những hình phạt/tôi chấp nhận trái tim đen tối từ những nguồn cơn” (Không có thần tượng nào đứng trong lòng tôi được mãi), cũng đã là một quá trình can đảm, để đấu tranh và chấp nhận thẳm sâu bên trong mình có gì. Cái chính của thơ là vậy, chẳng phải Robert Frost đã nói: “Một bài thơ bắt đầu từ một cục nghẹn trong họng, một cảm giác về sai lầm, một nỗi nhớ nhà, một nỗi nhớ tình.”?
Việc gần như khước từ nhịp điệu trong câu thơ của tập thơ này có hại không ? Thiển nghĩ cũng không hẳn. Nhịp của thơ không chỉ nằm trên mặt âm thanh, ngữ âm, mà còn là nhịp nghĩa từ. Nghĩa là, từ nghĩa của một chữ, một câu thơ trước, lại dẫn ta đến nghĩa của một câu thơ sau, tạo ra một nhịp đập ngầm khiến cho thơ đôi khi như những bộ phim ngắn hay những bài poetry – song. Và điều đó rất phù hợp với phong cách “lời nói” trong tập thơ này: từ phía “song song trong một giấc ngủ/ là tôi nằm im nhưng vẫn còn mở mắt/màn sương như lá chắn/thời gian như lát cắt”, người viết đẩy nhịp nghĩa đến ngay sự nhận thấy bất thường của giấc ngủ và bản thân: “giấc ngủ cũng nhận ra mình/đã tìm sai người để đày đọa”, và cái “song song” ấy dần hiện ra nguyên hình là một cơn mộng, với những “mặt màu đen” ác mộng, “mặt màu vàng” yên thùy, hay “mặt màu trắng” hồi tưởng. Đi từ từ sau những cơn mộng mị ấy, cuối cùng bài thơ lại đến một cái êm dịu sau giấc ngủ – như thở làn môi chấm phá/lên ngực cây tùng dương. Chẳng phải, đấy chính là cái nhịp mơ màng của giấc ngủ mà chúng ta vẫn luôn tìm kiếm như một lời tự sự của một người trẻ cô độc ?
Có thể nói thơ của Đoàn Nguyễn Anh Minh là một trường hợp khá đặc biệt, và anh chấp nhận phơi bày những phần tối nhất của bản thân ra ngoài ánh sáng, để gạn lọc và thanh tẩy, và phần nào đó là chấp nhận chính cái u tối ấy dể có thể tìm ra giọng ca của mình. Về cuối cùng, thơ vẫn là để cho con người ta còn thấy một nơi chốn để chợp mắt, để xả ra những cái tích tụ bao năm. Và cũng từ đó, người ta lại bắt đầu có hi vọng sống. Tập thơ này cốt lõi vẫn là thế, vẫn là ca hát cho niềm vui, vẫn sẵn sàng tin tưởng, sau bấy nhiêu niềm đau ấy, một ranh giới, một vùng trời, và để ngoái đầu nhìn lại.
MỘT SỐ BÀI THƠ TRÍCH TỪ TẬP “TÔI HỌC CA HÁT NHƯ NHỮNG CUỘC VUI MÌNH ĐÃ CHỌN” – ĐOÀN NGUYỄN ANH MINH
- Giấc ngủ cũng nhận ra mình đã tìm sai người để đày đọa
song song trong một giấc ngủ
là tôi nằm im nhưng vẫn còn mở mắt
màn sương như lá chắn
thời gian như lát cắt
giấc ngủ cũng nhận ra mình
đã tìm sai người đày đọa…
bởi vì thật mơ màng trong làn khí ấy
một khuôn mặt màu đen hù dọa
một khuôn mặt màu vàng tĩnh tại
và một khuôn mặt màu trắng trang nghiêm
những ảo vọng trong tôi hiện ra
thật dễ chịu
như ly nước đã đầy lại cạn
lá trong vườn vẫn thật êm dịu
nhảy điệu trăng trăng
thở làn môi chấm phá
trên ngực cây tùng dương
- ngồi bên cục đất ru trời
người khách lãng du quá
xin một chút tiền ngồi tới thiên thu
người cho người bảo mộng du quá
người cho khất nợ theo gió thu lu
đi vào khu chợt xắt dọc xắt ngang
những hành lang nhỏ
tìm ai mà tìm
thấy dáng đường vẫn đài rộng thênh thang
thấy bóng người đã mộng thành cây um tùm
thấy chẳng còn buồn miệng để hỏi
những chuyện tình cũ
ngồi bên cục đất ru trời
nhạt nhạt ở mồm như con chó đứng ngoài chợ
sủa chẳng thành câu thành lời
ngày xưa trời đất nhiệm màu
ngày nay trời đất hãy còn hoài một tấm bia
ven đường
người khách lãng du, người khách lãng du
ăn năn như đã thói quen khất nợ
món nợ giờ viện dẫn tới
trăm ngàn mối lo cách tân
- Bài thơ gửi một nhà thơ già, khoảng cách giữa hai thế hệ
đã bốn mươi sáu năm sau ngày giải phóng
thế hệ các anh đã nhiều người nằm xuống để thế hệ chúng tôi
được sống trong hòa bình
nhưng chẳng phải là chẳng còn đấu tranh
từ ngày đất nước công nghiệp hóa,
những nhà máy mọc lên
từ ngày làng quê, từ ngày đô thị
từ nhà mái xập xệ đến nhà cao tầng
trên đường đã từng có rất nhiều người đạp xích lô
những chiếc honda đầu tiên chỉ có năm mươi phân khối
những chiếc xe đạp thịnh hành
áo dài, nón lá, áo bà ba
đi đâu cũng thấy
ai nhìn cũng biết phụ nữ việt nam
giờ chỉ còn rất lờ mờ trong câu chuyện người lớn kể
những tấm ảnh rất cũ, những bức tranh đã sờn
ngày tôi đọc lại thơ các anh
tôi biết thêm về làng quê
tôi cảm nhận mùi hoa sữa ngòn ngọt
tôi ngửi thấy mùi đất
của một miền rất nhiều hoa trái lớn lên từ đôi bàn tay con người
cây cam, cây bưởi, cây mận, cây quýt, cây vú sữa,
cây sầu riêng, cây dừa, cây mít, cây ớt…
những nhà thơ xưa tôi yêu thích
yêu quý những loài hoa, loài cây mình như thể
mà trong tâm trí tôi chẳng tài nào hiểu hết
bây giờ chúng tôi sống trong cảnh sung túc hơn
có phần vô vị đổ nát
có người tìm vui giữa chỗ thành thị
có người tìm trong khói thuốc, hơi men
có người tìm trong những chương trinh tivi chiếu
lại, phim mới ra rạp, nhạc thịnh hành, sách bán chạy
có ngưòi chẳng tìm được chối bỏ, khổ đau
có người bắt đầu tìm về những niềm vui của các anh
trong mỗi bữa cơm hàng ngày
trong mỗi lúc tình cờ lật một trang sách
trong khi ngộ nhận đi gặp nhau hàn huyên ngoài phố
trong một phút giây thôi cũng tình cờ phát hiện
chẳng một ai đang đi ngoài đường lướt qua mặt
chúng tôi kia
muốn chúng tôi trên đời
chẳng ai nói ra, vì chính chúng tôi đã cùng nhau
đầu độc lẫn nhau
chúng tôi một mình khóc nỗi buồn chẳng biết gọi tên
các anh gọi chúng là chiến tranh, là mất mát người
thân, đồng đội
còn bây giờ chiến tranh đã qua,
chúng tôi biết gọi chúng là gì
thế là chúng tôi quay sang lạc kõng
trách móc người lớn
trách móc các anh
không hết rồi lại trách móc chính mình
ước mình chưa từng sinh ra
bao nhiêu vụ tự sát, những cái chết lơ đãng
nhiều người lớn bảo chiến tranh đã qua
nhưng sao bọn trẻ vẫn dễ chết đến thế
không còn chiến tranh
không còn thành lũy
tổ quốc như một danh từ đè nặng
lên hai vai chúng tôi
chẳng phải chúng tôi chỉ thường cần nhắc đến mấy
từ kiểu đó
trong lúc thi cử, bầu cử
có kẻ còn chẳng chịu học hành tử tế
nhưng trên môi vẫn đều
những từ như vậy cơ
bặm trợn làm sao
rồi đi đâu
tôi cũng nghe
người ta xúm xít
hỏi nhau đồng lương của mình
so sánh
rồi đếm
từng đồng bạc lẻ còn lại trong bóp
còn tôi chỉ gật gù
trả hết tiền của mấy người còn lại
rồi rời quán nước
với nụ cười trên môi
trên đường về nhà thì cũng nghĩ ra được
vài ý nghĩ cao siêu đấy
nhưng xem ra phần quan trọng hãy là
“có tiền…”
rồi cắt xén ý tưởng thành ra
gặp nhau thay vì ân cần
hỏi han
người ta chỉ dám bỗ bả với nhau
‘rồi anh mua cái này ở đâu thế
tôi thấy nó đầy trên mạng
mà chẳng biết chỗ mua
à thì món này đắt lắm
để tôi chỉ cho anh chỗ nào rẻ hơn nhá’
rồi tôi thử hỏi tên đường trên phố
nhưng giờ
những cái tên chỉ còn là dung lượng
chuyên chở con người đi từ nơi này tới nơi khác
mấy ai còn nhớ tới
‘bùi giáng, phạm công thiện, trần vàng sai, du tử lê,
tô thùy yên…’
chứ còn nhắc tới chỉ
‘plato, aurelius, rimbaud, lão tử, nietzsche,…’
chẳng phải đâu
xin ông đứng nhầm lẫn
rằng tôi cắc cớ mà trách móc
bài thơ này chẳng viết cho ai khác ngoài ông
bài thơ này chẳng cho ai khác ngoài tôi
tôi xin ca thán nỗi bực dọc này
do chẳng tìm được
ý từ nào hoàn mỹ
đành trần truồng nó ra bài thơ đây.
V.H