Học giả, nhà thơ Nhật Chiêu bình Truyện Kiều nhân 200 năm ngày mất Nguyễn Du

1470

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du (1820-2020), học giả, nhà thơ Nhật Chiêu cùng Tiến sĩ Bùi Trân Phượng sẽ có buổi nói chuyện về Truyện Kiều với chủ đề “Kiều và cái hồng nhan”.

Thư mời của buổi trò chuyện “Kiều và cái hồng nhan”

Chương trình diễn ra vào 14h ngày 20/6 tại Cà phê thứ Bảy, địa chỉ 38 Võ Văn Tần, Q3, TP.HCM. Nhật Chiêu lấy ý tưởng chủ đề cuộc trò chuyện từ câu Kiều: “Còn chi là cái hồng nhan, Đã xong thân thế còn toan nỗi nào?”.

Nói về “Cái hồng nhan” trong thế giới Truyện Kiều, Nhật Chiêu – một chuyên gia về Kiều – đã viết: “Đã trải qua 200 năm đọc Truyện Kiều từ khi đại thi hào Nguyễn Du qua đời. Vậy mà không bao giờ nói hết được ý nghĩa và cái đẹp của tuyệt tác vô song là Truyện Kiều. Vậy thì ta lại nói về Kiều. Về cái đẹp bị đày đọa trong cõi người ta. Điều mà ta có thể nhận thấy ngay trong kiệt tác của Nguyễn Du là cái đau đớn đọa đày ấy ở đàn bà qua hình tượng nàng Kiều. Kiều, hình bóng đau khổ của Người Nữ, cái khổ mà Nguyễn Du gọi là Cái Hồng Nhan, “còn chi là cái hồng nhan“ (câu 3101).

Học giả, nhà thơ Nhật Chiêu

Ngoài giảng dạy về Kiều và Nguyễn Du, viết nhiều bài phân tích, nghiên cứu về giá trị Truyện Kiều, Nhật Chiêu còn sáng tác một số bài thơ về Kiều và Nguyễn Du, Văn Chương Phương Nam trân trọng giới thiệu đến độc giả hai bài thơ mới nhất của ông.


Trong cõi tình không (*)

Người tình không ôi tình không
đã dư nước mắt đừng mong tiếng cười
má hồng không hận xanh trời
chỉ ghê vì một nỗi người hại nhau
người tình không ôi đớn đau
liều cơn nước mắt mưa rào cỏ xanh
người tình không dẫu mong manh
dạ thưa Kiều vẫn kham đành thế thôi

 

Tố Như là áng mây bay 

Về đây ta khóc với lòng
sông Lam khói tỏa núi Hồng mù mây
với người ta khóc hôm nay
chẳng mong ai khóc một ngày mai sau
hai trăm năm đã thế nào
những điều trông thấy mà đau hơn Kiều
tiếng đàn ai đã phiêu diêu
tiếng thơ ta vẫn còn chiêu liêu buồn
lòng người ra một cỗi nguồn
về đây mà vượt nhiễu nhương đời này
Tố Như là áng thơ bay
cõi người ta hát cho ngày phục sinh


Hồng nhan rượu 

Kiều 
Phơi phới xuân tình một chén xuân
bỗng dưng vỡ chén nát duyên trần
đứng bên dâng chén cho người khác
cuộc rượu tan vào ai ái ân

Vân
Tàng tàng chén cúc Vân say nhỉ
bình địa ba đào đến nữa ư
ai từng trả lại tình nhân thử
mới biết làm sao Vân ngất ngư

Hoạn Thư

Ta có vui đâu chén tạc thù
phiền không thể giải một đêm thu
tâm không còn ghét chi Kiều nữa
đau chỉ hồng nhan nước mắt dư

N.C

(*) “Người tinh không” mượn từ văn bản Liễu Văn Đường 1871:
“Sống thời tình chẳng riêng ai/ khéo thay thác xuống ra người tình không” – Hai câu này hầu hết các văn bản đang lưu hành đều khác: “Sống làm vợ khắp người ta/ hại thay thác xuống làm ma không chồng”. ”Người tình không” là một tứ tinh tế chỉ có thể Nguyễn Du hoặc một cao thủ cỡ ông viết ra.