Kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21- 6-2020
Lê Xuân
(Vanchuongphuongnam.vn) – Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là tấm gương sáng về ý chí và nghị lực không những trong hoạt động cách mạng mà ngay trong việc viết báo Bác cũng rất kiên trì, học hỏi, nhằm giúp cho việc hoạt động cách mạng đạt hiệu quả cao. Bác chính là người đã sáng lập nền Báo chí cách mạng Việt Nam.
Việc học viết báo bằng tiếng Việt đã khó nhưng viết bằng ngoại ngữ lại càng khó hơn. Tuy Bác biết tiếng Pháp vì đã được học một thời gian theo ở trường Quốc học Huế nhưng chưa có đủ trình độ để viết báo. Để học được ngoại ngữ Bác phải kiên trì mỗi ngày học thuộc mười từ, học ở mọi nơi, mọi lúc cho kỳ thuộc, có khi viết các từ đó lên cánh tay để vừa làm vừa nhìn vào đó cho nhớ. Hôm sau lại học mười từ khác, cứ thế mà tích luỹ dần như người ta bỏ tiền tiết kiệm hàng ngày vào ống. Bằng cách đó dần dần Bác đã có một vốn từ rất phong phú để viết báo bằng tiếng Pháp.
Ông Trần Dân Tiên kể lại: Chủ nhiệm báo Dân chúng – cơ quan của đảng Xã hội Pháp – ông Jean Longuet, cháu ngoại Các-Mác và là nghị viên của Quốc hội Pháp, đã khuyến khích Bác viết bài và ông sẽ đăng lên báo Dân chúng để làm cho nhân dân Pháp hiểu rõ những sự bất công xảy ra ở Việt Nam. Bác không đủ vốn tiếng Pháp để viết, phải khẩn khoản yêu cầu ông Phan Văn Trường viết thay. Ông Trường viết giỏi, nhưng không muốn ký tên. Nhất là ông Trường không viết tất cả những điều Bác muốn nói.
Vì vậy Bác bắt tay vào việc học viết báo. Thường lui tới toà soạn báo Dân chúng, Bác đã làm quen với chủ bút tờ báo Đời sống thợ thuyền. Cũng như ông Longuet, người chủ bút này rất đáng mến. Ông ta bảo Bác viết tin tức cho tờ báo của ông. Bác nói thật là mình còn kém tiếng Pháp. Người chủ bút nói: “Điều đó không ngại, có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài của anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài, năm sáu dòng cũng được“. Bắt đầu viết rất khó khăn, tin tức về Việt Nam Bác không thiếu, thiếu nhất là văn phạm Pháp. Mỗi bài Bác viết thành hai bản, một bản gửi toà soạn, một giữ lại để đối chiếu với bài báo nếu được đăng, sửa những chỗ viết sai. Khi thấy viết đã bớt sai, ông chủ bút bảo: “Bây giờ anh viết dài hơn một tí, viết độ bảy, tám dòng“. Bác viết bảy, tám dòng, dần dần có thể viết cả một cột báo và có khi dài hơn. Lúc bấy giờ, người chủ bút, khẽ bảo: “Bây giờ anh viết ngắn lại. Viết từng này hoặc từng này dòng không dài hơn“. Bác thấy khi phải rút ngắn cũng khổ như trước kia phải kéo dài ra. Nhưng cũng hết sức cố gắng, và Bác đã thành công. Ông chủ bút bảo: “Từ nay anh có thể viết ngắn hay dài theo ý định của mình”.
Ngoài việc học ngoại ngữ, viết báo, Bác còn học cách tích luỹ vốn ngôn ngữ và văn học nữa, để giúp cho việc viết báo và sáng tác văn học sinh động hơn. Bác đã tranh thủ đọc sách của những nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng, như: Shakespeare, Dickens bằng tiếng Anh; Lỗ Tấn bằng tiếng Trung Quốc; Hugo, Zola, Anatole France, Léon Tolstoi bằng tiếng Pháp, Mắc-xim Gorky bằng tiếng Nga… Bác đã viết cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” bằng tiếng Pháp, gồm những tài liệu chống thực dân Pháp, lấy tư liệu trong sách của người Pháp ở thư viện quốc gia và viết vở kịch “Con Rồng tre” đả kích Khải Định khi y sang Pháp dự triển lãm hội chợ thuộc địa ở Mắc-xây. Vở kịch bị chính phủ Pháp cấm, nhưng Câu lạc bộ ngoại ô Paris đã công diễn, được các nhà phê bình văn nghệ Pháp khen hay.
Ngày nay chúng ta có rất nhiều điều kiện để học tập tốt hơn, viết tốt hơn nhưng do thiếu ý chí và thiếu phương pháp tự học, lại ngại khó khăn gian khổ nên kết quả chưa cao. “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, mỗi chúng ta cần phải có tinh thần, nghị lực, ý chí và phương pháp tự học như Bác Hồ. Mỗi nhà báo nói riêng và người cầm bút nói chung trước khi viết hãy tự trả lời các câu hỏi mà Bác thường đặt ra trước khi viết: Viết cái gì (xác định nội dung viết), viết để làm gì? (mục đích viết), viết cho ai? (xác định đối tượng viết) và viết như thế nào? (phương pháp viết). Mỗi nhà báo luôn ghi nhớ lời Bác dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí của họ… Mỗi nhà báo là một tờ hịch cách mạng” (Tại đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8/9/1962). Từ đó, ta mới có được đạo đức nhà báo trong sáng, có được trình độ, kiến thức toàn diện để sống và làm việc trong thời hội nhập quốc tế ở thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
L.X