Học trò – Tùy bút của Nguyễn Thanh

1305

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hiện thực hôm nay, môi trường chữ nghĩa và không gian trường lớp của thầy trò dù đôi khi bị u ám bởi vài đám vân cẩu lạc loài ngoài ý muốn của xã hội, tự đáy lòng mình, thầy giáo Sinh vẫn lạc quan về đạo nghĩa thầy trò thiêng liêng cao đẹp.

Nhà văn Nguyễn Thanh 

Hè năm nay về muộn bởi mùa dịch tai ác đã khiến cho màu phượng sân trường e ấp không còn rực rỡ ở đỉnh cao sắc hồng tươi thắm của tuổi học trò. Những ngày giãn cách không đến trường, Sinh cảm thấy có dịp ngồi một mình trước bàn phím trong thư phòng tĩnh lặng. Thỉnh thoảng, chú thạch sùng nằm giấu mình sau lưng kệ sách bên chàng buông rời rã những tiếng than rời rạc não nùng. Bỗng có tiếng chuông điện thoại reo vang, Xuân cầm máy lên, nhìn vào chiếc màn hình nhỏ xíu, trong lòng ngạc nhiên với một dãy số lạ:

– A lô! xin lỗi ai gọi…?

– Dạ em, em là Tâm – Nguyễn Minh Tâm, học trò lớp thầy chủ nhiệm ngày xưa của trường Lương Khê mấy năm sau ngày thống nhất đất nước.

– À Tâm, chào em. Bây giờ em ở đâu? Tâm chắc cũng đi làm việc, có gia đình rồi phải không? Thầy rất vui khi nhận ra được giọng nói của em.

– Thưa thầy, em đang ở Pháp, có vợ đi làm và cũng được hai con rồi. Thầy vẫn bình an mạnh khỏe? Mùa dịch tai ác vừa qua làm em khiến em nhớ và lo lắng cho thầy cô ở quê nhà…

– Thầy vẫn bình thường, cám ơn Tâm…

Thoáng chốc, Sinh cảm thấy trong lòng dào dạt niềm vui mỗi lần nhận thêm được tin tức từ những đứa học trò ngày xưa của anh tại quê nhà hoặc hiện đang sống ở phương xa. Hôm sau, thầy giáo Xuân nhận được giấy báo đến bưu điện nhận hàng. Vì không có người thân ở hải ngoại, Xuân không có sẵn sổ nhận hàng. Anh phải mang chứng minh nhân dân và hộ khẩu ra bưu điện nhận hàng của Tâm gửi về gồm một đống quà lủ khủ với áo lạnh, thuốc bổ, dầu gió, một hộp sơn dầu và cọ vẽ khiến Xuân không khỏi ngạc nhiên và cảm động.

Trong cuộc đời làm nghề gõ đầu trẻ, Sinh đã yêu thương những đứa con tinh thần ở trường học với tất cả tình cảm trong sáng của một nhà mô phạm yêu nghề và yêu trẻ. Sinh đã đem hết tâm huyết truyền thụ kiến thức cho đám học trò hiếu thảo, chuyên cần của mình mà anh đã coi chúng như những đứa con mình sinh ra. Sinh nhớ lại Tâm là cậu học trò ở làng quê mà anh đã xin cho em chuyển trường với lý do gia cảnh từ một vùng sâu về thành phố vào học luôn lớp anh chủ nhiệm để Sinh dễ bề kèm cặp em được chu đáo. Bất hạnh sớm mồ côi cha, gia đình nghèo ở quê, ngày ngày mẹ phải bơi xuồng ra chợ bán rau cải nuôi con. Mẹ cũng hãnh diện với bà con hàng xóm Tâm là đứa con trai duy nhất học giỏi lại rất ngoan hiền. Khi nghe Sinh chân tình trình bày hoàn cảnh đáng thương của Tâm, hiệu trưởng cảm thông chấp thuận cho em vào học. Biết thân phận mồ côi, thương mẹ vất vả tảo tần khuya sớm nuôi con và nghĩ đến công ơn thầy tận tâm dạy dỗ, Tâm dốc lòng chăm chỉ sách đèn học tập, trở thành học sinh ưu hạng về học tập và đạo đức thật tốt, nhận được học bổng đi du học nước ngoài. Sau bốn năm cặm cụi học tập ở hải ngoại không chút mặc cảm, Tâm gan góc đi lên từ nghiệt ngã từ hoàn cảnh thiếu thốn của một du học sinh nghèo. Tâm đã tốt nghiệp vẻ vang Tiến sĩ Văn chương (Doctor of Literature/ Docteur- ès- Lettres) ưu hạng sau khi vinh dự lĩnh nhiều giải thưởng đỉnh cao về ngôn ngữ văn chương thế giới, đã làm rạng rỡ thế hệ sinh viên du học nước nhà

*

Thế hệ học sinh đàn em ở quê hương lạc quan, tin tưởng kế tục gương sáng của Tâm thuộc lớp đệ tử của Sinh tại tỉnh nhà. Cứ mỗi độ hè sang, nhìn sắc phượng nở thắm sân trường, khi Sinh cảm thấy lòng bồn chồn nhớ đến những thầy cô đã tận tâm dạy dỗ mình, anh cũng không quên những đứa học trò hiếu thảo – những môn sinh đạo đức chuyên cần một thời đã sát cánh với thầy cô trong cả chuyên môn và sinh hoạt xã hội trong nhà trường với tất cả lòng tôn sư trọng đạo. Một số em đã học tập gương tốt của đại tướng Pháp Carnot ngày xưa. Khi đã làm đại tướng, công danh rạng rỡ, ông Carnot vẫn lăn lội tìm về quê thăm lại trường cũ thầy xưa, cùng bạn học trong những ngày thơ ấu. May mắn, hai thầy trò hạnh phúc gặp lại nhau, với chùm tóc đã lơ thơ ngã màu thời gian. Thầy trò xúc động ôm nhau trong vòng tay, chan hòa nước mắt, nghẹn ngào nhắc lại kỷ niệm xưa.

Lễ Nhà giáo, ngày Tết truyền thống, học trò, sinh viên Sinh vẫn từ hải ngoại về thăm quê nhà, lặn lội trên chiếc xe ôm với với gói quà sắm sẵn tự phương xa. Các em tìm đến thăm Sinh mà lòng nôn nao không biết thầy cô còn ở địa chỉ cũ hay đã thay đổi chỗ ở, hoặc  đã khuất bóng vì tuổi cao sức yếu. Bất ngờ gặp lại các em, nhiều thấy cô chỉ mang máng nhớ mặt mà nhiều khi quên tên, Sinh thực lòng vô cùng xúc động, khôn cầm nổi nước mắt! Những lần nghiên cứu sinh nước ngoài đến trường phỏng vấn, thu âm, ghi hình để chuẩn bị cho tiểu luận, anh luôn tự hào khẳng định với các bạn trẻ nước ngoài là học sinh Việt Nam nổi trội trước hết ở nền nếp học tập chuyên cần, và luôn có truyền thống tôn sư trọng đạo, lúc nào các em có nghĩa tình sâu nặng với thầy cô.

*

Những ngày hè rảnh rỗi, không đi học thêm, học trò Sinh thường đến nhà anh giúp thầy sửa lại tấm vách hư, sơn lại tường nhà rồi thầy trò cùng thân mật ăn cơm dưa muối chung với nhau như một gia đình. Thời gian cuối chạp sau lễ đưa Táo quân về trời, học trò thường đến tận nhà giúp Sinh quét lại nước vôi mới cho nhà cửa.

Sinh còn nhớ rõ, vào cuối một mùa hè đi diệt dốt ở Ba Trinh, Sóc Trăng, mấy năm sau ngày giải phóng còn khó khăn vật chất, khi về nhà anh bị sốt rét phải nằm viện. Học sinh nhỏ ở những lớp phổ thông lẫn học viên cán bộ lớn tuổi ở lớp bổ túc anh dạy thêm đều có mặt thăm thầy với những viên kí ninh, aspirine bé tí xinh xinh gói kín trong tờ giấy lịch với bọc đường sữa khiến Sinh không thể nào quên lòng tốt của đệ tử với thầy cô. Anh cảm thấy hạnh phúc vô bờ khi được cầm phấn đứng lớp dạy học. Sống cô độc một mình trong đời, anh đã coi trường học và học trò như một đại gia đình. Sinh đã tìm được niềm vui trong sáng thanh cao giữa những thành viên có tâm hồn cao thượng, biết yêu thương, san sẻ cho nhau những nỗi vui buồn trong cuộc sống. Khi thấy thầy chủ nhiệm mặc chiếc áo cũ phai màu và cái quần đen bạc thếch có lỗ vá, em Nguyễn Văn Sang đã âm thầm cùng các bạn trong lớp đóng góp mua vải tặng thầy may bộ đồ lành. Vẫn với đôi kỷ niệm nhỏ mà ý nghĩa lớn trong nhiều năm gần đây với những học trò của bốn, năm thập niên về trước của Sinh. Lương Thị Ngọc Huệ, Long Mỹ và Lê Ngọc Long, Tân Quới, em ở Mỹ, đứa ở Pháp đang sống nơi đất khách xa xôi với đời sống bươn chải tất bật. Mỗi năm nếu không có dịp về nước, các em cũng không bao giờ quên gọi điện hỏi thăm sức khỏe thầy cô dạy đỗ mình trong  những ngày 20 tháng 11.

Hiện thực hôm nay, môi trường chữ nghĩa và không gian trường lớp của thầy trò dù đôi khi bị u ám bởi vài đám vân cẩu lạc loài ngoài ý muốn của xã hội, tự đáy lòng mình, thầy giáo Sinh vẫn lạc quan về đạo nghĩa thầy trò thiêng liêng cao đẹp. Sinh vẫn lạc quan tiếp tục cầm phấn, đốt soi đường đôi khi cũng không ngại tự nguyện làm những chiếc lá mục lót đường cho thế hệ ngày mai. Anh mãi lạc quan về đám đệ tử sẽ là những thành viên tốt của xã hội ngày mai. Với thầy giáo Sinh, anh mơ ước sao cho trong tương lai không xa, học đường sẽ là viễn tượng tiệm cận dần đến một thiên đường ở cõi nhân gian cho đúng với sứ mệnh cao quý của hai từ giáo dục.

N.T