Lê Xuân
(Vanchuongphuongnam.vn) – Là một giáo viên Văn đứng trên bục giảng hơn 40 năm, tôi khẳng định rằng: Môn Văn trong nhà trường phổ thông giữ một vị trí rất quan trọng. Song, hiện nay học sinh phần lớn chú trọng học Toán, Lý, Hóa, Sinh để thi khối A và B là chủ yếu. Còn việc học Văn trong nhà trường phổ thông cũng như ở đại học đang đứng trước những thử thách, trái với những kỳ vọng của chúng ta về môn Văn.
Ở đại học, nhiều sinh viên khoa Ngữ văn rất lười đọc sách, ít tự học với tư duy sáng tạo, phần lớn sao chép lại các giáo trình trên mạng hoặc bài giảng của thầy để đưa vào bài làm, luận văn. Đặc biệt những bài viết về Nghị luận xã hội rất yếu, vì nhiều em ít tìm hiểu thực tế, ít giao lưu với bạn bè, thầy cô, ít tham gia các hoạt động xã hội… Và khi ra trường nhiều em “ngơ ngác” trước thực tế cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Vì thế, trước hết cần xác định “học Văn là học để làm người”.
Trong một lần nói chuyện với sinh viên khoa văn đại học sư phạm Hà Nội, nhà thơ Chế Lan Viên đã tâm sự: “Học thơ, thơ từ cổ chí kim, của bất cứ ai, đáng gọi là thơ, học kịch, học văn và học cả những gì dường như văn chương không bao giờ đụng tới”. Bể học là mênh mông “không có nấc thang cuối cùng”. Và sách đã giúp chúng ta mở ra những “chân trời mới”. Nhưng “Văn chương có loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Loại không đáng thơ là loại chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ loại chuyên chú ở con người” (Nguyễn Văn Siêu). Vì vậy, việc chọn lựa những gì giúp cho việc học văn, học làm người là điều đáng suy ngẫm…
Mấy năm gần đây Bộ GD-ĐT đã có nhiều cải cách về chương trình, sách giáo khoa, thi cử, phương pháp giảng dạy… thu được một số kết quả bước đầu, tuy vẫn còn nhiều bất cập. Hiện nay đa số học sinh, sinh viên không thích học văn, ít thi vào lớp văn ở các trường THPT chuyên, ít đăng ký thi Đại học – khối C. Ở đây có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan về phía xã hội, thời đại, người dạy, người học. Đó là khó khăn về chương trình văn chưa thật đổi mới, còn quá tải, phương pháp giảng dạy văn còn nặng nề, thiếu hấp dẫn. Và đặc biệt, việc tìm kiếm công ăn việc làm của sinh viên khối C sau khi tốt nghiệp rất khó. Song, điều quan trọng là: Việc dạy và học Văn lâu nay xa mục tiêu “Học để làm người”.
Từ xa xưa cha ông chúng ta đã quan niệm “Văn dĩ tải đạo” (Nghĩa là trong nội dung văn chương phải chứa được đạo làm người). Nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu đã viết “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thàng gian bút chẳng tà” (Nghĩa là: Con thuyền văn chương chở bao nhiêu đạo lý làm người cũng không chìm đắm. Mọi người phải dùng ngọn bút làm vũ khí để đuổi đánh bọn gian tà). Và nhà thơ Sóng Hồng (tức đồng chí Trường Chinh – nguyên Tổng Bí thư Trung ương Đảng) đã viết “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”.
Nhà văn M.Góc-ki (người Nga) đã nói “Văn học là nhân học”. Còn ở phương Tây, A-ri-xtốt đã nêu “Văn học phải mang sứ mệnh thanh lọc”, tức là hướng con người tới những phẩm chất tốt đẹp. Ở Việt Nam, ngay từ thế kỷ XV, trong Lĩnh Nam chích quái, các tác giả Vũ Quỳnh và Kiều Phú đã nói rõ: “…Văn tuy thần bí nhưng không nhảm nhí, tuy nói những chuyện hoang đường mà tung tích vẫn có bằng cứ, há chẳng phải là khuyên điều thiện, trừng điều ác, bỏ giả theo thật để khuyến khích phong tục đó sao”.
Và biết bao tác phẩm như Tấm Cám, Thạch Sanh (cổ tích), Thánh Gióng (Truyền thuyết), Ca dao- dân ca- tục ngữ (dân gian), Truyện Kiều (Nguyễn Du), Chí Phèo, Đời thừa, Sống mòn (Nam Cao), Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh) và biết bao bài thơ, bài văn khác trong và ngoài nước được đưa vào chương trình sách giáo khoa… là những áng văn hay giúp ta đạo làm người.
Cách dạy và cách học chưa khơi dậy được tình yêu văn chương:
Điều quan trọng của việc dạy và học văn là lòng đam mê, yêu thích văn chương. Đó là điều cực kỳ quan trọng. Cố nhà thơ Xuân Diệu đã nói: “Mỗi áng văn là một cá lội, con bướm bay, con chim hót. Việc nghiên cứu thơ văn là phải đưa vào trái tim người đọc cái kỳ diệu của chim hót, bướm bay, cá lội, chứ không phải làm cho bướm ép dẹp, chim nhồi rơm và cá chết khô”. Nhưng một thực tế mà không ai chối cãi là lâu nay các em ít mặn mà với môn văn, vì các em không cảm được cái hay của nó ở chỗ nào. Điều đó có lý do ở người dạy. Nhiều thầy cô quên mất đặc trưng của văn học, dạy văn mà cứ như dạy chính trị, dạy giáo dục công dân. Suốt 45 phút không thấy có một lời bình văn, không khai thác được những “điểm sáng thẩm mỹ” của hình tượng văn học. Quanh đi quẩn lại chỉ thầy trò vấn đáp rời rạc, rồi nếu có màn hình vi tính thì cho các em xem vài cảnh đẹp thiên nhiên, con người, tác giả, tác phẩm… Học sinh ra khỏi lớp là quên tất cả.
Sở dĩ hơn nửa thế kỷ trôi qua mà lớp nhà giáo đã nghỉ hưu như chúng tôi vẫn còn nhớ như in những giờ dạy văn của một số thầy hồi còn học cấp II, cấp III hay Đại học, chính là nhờ những phút giây được “thăng hoa” cùng lời bình văn của các thầy. Những giây phút đó trí tưởng tượng của chúng tôi được “bay lên” cùng những vần thơ giàu tính họa, tính nhạc, hoặc được sống với những nhân vật trong văn xuôi, kịch. Một lời bình hay, đúng lúc, đúng chỗ sẽ nâng cao giá trị thẩm mỹ của bài văn, bài thơ, khơi dậy ở trái tim non trẻ của các em tình yêu người, yêu đời để các em biết ghét cái ác, cái xấu mà hướng tới chân, thiện, mỹ.
Từ thời phong kiến, người ta đã quan niệm: Văn chương là điểm quy chiếu của triết học, lịch sử, đạo đức… là một thứ giáo lý “văn sử bất phân”, “văn triết bất phân”, “văn dĩ tải đạo”. Từ Tam tự kinh, Sơ học vấn tân, Ấu học ngũ ngôn thi, cho tới Tứ thư, Ngũ kinh… đều được quán triệt ý thức Nho giáo, lấy đạo thánh hiền làm chân lý tuyệt đối, được truyền thụ từ đời Tam hoàng, Ngũ đế cho đến bấy giờ, áp dụng khắp bốn biển không sai, muôn đời vẫn đúng… Vì thế, đã hình thành một phương pháp học thuộc lòng, nhớ suốt đời theo sách, theo lời thầy giảng nên đã hạn chế rất nhiều đến sự suy nghĩ độc lập của người học về tư tưởng và bị gò bó tính sáng tạo về học thuật. Tuy nhiên, nhiều người đã vượt qua rào cản của lối học văn “tầm chương trích cú”, thoát ra khỏi những khuôn mẫu cứng nhắc của văn chương cổ Trung Hoa và tạo nên những tác phẩm lớn mang bản sắc dân tộc. Đó là các nhà văn hóa, nhà thơ, nhà văn lớn, như: Trương Hán Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Trãi, Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Lê Qúy Đôn, Phan Huy Chú, Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan… mà đỉnh cao là Nguyễn Du với kiệt tác Truyện Kiều.
Từ CMT8 đến nay, việc dạy và học văn luôn đổi mới theo tinh thần cải cách giáo dục. Trong dạy và học văn, học trò được đưa lên vị trí số một. Người thầy chỉ làm “đạo diễn” đứng sau “sân khấu”, ở vị trí thứ hai. Thầy và trò cùng tìm hiểu, khám phá bài văn ở phần “Đọc hiểu tác phẩm”. Thầy không cảm thụ thay cho trò, mà chỉ gợi mở, dẫn dắt… Một bài thơ, bài văn có nhiều tầng nghĩa chìm hoặc nổi khác nhau, tùy trình độ mỗi em mà có cách cảm thụ, phát hiện cái hay, cái đẹp hoặc những mặt còn hạn chế của tác phẩm theo một cách riêng. Và cuối buổi học thầy chỉ chốt lại những ý chính và những liên tưởng, bài học từ tác phẩm. Còn phần “tảng băng chìm” các em tiếp tục khám phá.
Học văn trước hết học văn là phải đọc văn:
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và sự ứng dụng rộng rãi các phương tiện nghe nhìn của công nghệ thông tin vào đời sống đã tạo ra những biến đổi đa dạng trong nhu cầu thị hiếu của con người. Văn hóa nghe, nhìn đang lấn át văn hóa đọc. Điều đáng buồn là “văn hóa đọc” đang bị xuống cấp một cách đáng báo động. Hứng thú đọc của các em đang chịu sự chi phối của tâm lý xã hội, hệ thống thẩm mỹ của thời đại. Phim chưởng, truyện tranh, truyện trinh thám, băng đĩa… đã hút các em xa dần các tác phẩm văn học. Mặt khác một số tác phẩm văn học chọn đưa vào SGK chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của học sinh. Có những tác phẩm không còn đáp ứng được đòi hỏi của lịch sử, xã hội hiện nay nữa. Nhiều học sinh không có thói quen đọc sách. Nếu có đọc thì chỉ đọc các trang blog, web trên mạng internet. Thậm chí một số thầy cô cũng chưa đọc hết những tác phẩm có trong chương trình mà chỉ đọc những đoạn trích, nhất là những tác phẩm văn học nước ngoài.
Ví dụ: Học đoạn trích: “Uy- lit- xơ trở về” mà chưa được đọc sử thi “Ô- đi- xê” của Homer thì làm sao thấy được tâm trạng của Uy- lít- xơ. Học “Hồi trống cổ thành” (hồi 28) mà chưa đọc “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung thì làm sao hiểu được một phần tính cách của nhân vật Quan Công, Trương Phi. Học “Hoàng hạc lâu” của Thôi Hiệu mà không đọc thơ Đường, thơ Tống thì làm sao cảm được hết cái hay của nó. Chỉ bốn câu Nguyễn Du tả tiếng đàn của Thuý Kiều buổi đầu đánh cho Kim Trọng nghe mà người dạy không đọc “Tì bà hành” của Bạch Cư Dị thì làm sao thấy được cái tài “vay mượn” rất khéo léo và sáng tạo của Nguyễn Du trong việc tả tiếng đàn trực tiếp hay gián tiếp… Đa số thầy và trò không có thì giờ nên chỉ đọc đoạn trích và những bài giới thiệu về tác phẩm đó. Ngay tuyệt tác Truyện Kiều mà nhiều thầy cô chưa đọc hết chứ chưa nói tới học sinh. Thật buồn thay.
Nếu không đọc để hiểu sâu về tác phẩm thì không thể thấy hết được cái hay cái đẹp của tác phẩm đó. Đọc lần thứ nhất chỉ là “bì phu” (mới sờ tới phần “da” của tác phẩm), đọc lần thứ hai hiểu thêm một tầng nghĩa nữa, là cách đọc “cốt nhục” (hiểu được xương, thịt của tác phẩm), và đọc đến lần thứ ba, thứ tư là đã hút được chất “tuỷ” của tác phẩm. Song, nếu thầy và trò không được đọc toàn tác phẩm, hoặc có tác phẩm mà không biết cách đọc thì khó hiểu hết ý nghĩa của đoạn trích.
Học văn là học nhiều điều trong cuộc sống:
Việc quan niệm “Văn học là nhân học” ta có thể hiểu “văn tức là người” và suy rộng ra học văn cũng là để hiểu con người, để làm người và hiểu cuộc sống. Đó còn là sự khám phá đối với bản thân mình nữa. Còn thầy “dạy văn” cũng là “dạy người”. Đôi khi văn chương đem đến cho ta sức mạnh về tinh thần hơn cả sức mạnh vật chất. Những bức thư trong “Quân trung từ mệnh tập” của Nguyễn Trãi, theo Phan Huy Chú “có sức mạnh hơn mười vạn tinh binh”.
Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Thơ đong từng ngao nhưng tát bể/ Làm cái cân nhỏ xíu lại cân đời. Và “Đời cần thơ như cần hồn chiến trận/ Cần tiếng sáo thổi lòng thời đại/ Cần giao liên dắt dẫn qua đường”. Nhà thơ Nga Raxun Gamzatop trong tác phẩm “Thơ ca”, có đoạn viết:
“Thơ là việc nghỉ ngơi vừa là việc đầy lao lực
Thơ vùa là chỗ dừng chân, vừa là cuộc hành trình
Thơ vừa là bài hát ru ngây ngất đầu giường thơ bé
Như ước mơ mùa xuân như khát vọng chiến công”.
Nhà văn lấy chất liệu từ cuộc sống và con người, và qua hư cấu, tưởng tượng làm nên tác phẩm văn học như con ong hút ngàn vạn bông hoa để làm nên mật ngọt cho đời. Tác phẩm đến với người đọc qua kênh “cảm thụ”, qua các thao tác phân tích, giải thích, chứng minh, bình luận theo một định hướng nào đấy sẽ tác động đến bản thân và cuộc sống. Tác giả xây dựng những hình tượng văn học, còn người đọc sẽ giải mã những “hình tượng” ấy theo một cách riêng, đôi khi trái ngược hoặc đồng sáng tạo với tác giả.
Biết bao điều hay và dở của cuộc sống ùa vào tác phẩm qua sự chọn lọc của nhà thơ, nhà văn. Người đọc sẽ tìm thấy ở mỗi trang viết bao điều kỳ diệu của thế giới tự nhiên, xã hội, và cả tâm linh nữa. Nhưng “cuộc sống là một trường học lớn”. Vì vậy, các em cần phải học bao điều ngoài sách vở. Tục ngữ có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là thế. Phải “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Phải sàng lọc lấy những cái hay, cái đẹp, cái tốt mà học, chứ không phải thấy cái gì cũng “bắt chước”. Kiến thức của tiền nhân và của nhân dân ở đông tây, kim cổ là một kho vô tận làm sao ta có thể học hết được. Vì vậy rất cần phải sàng lọc.
Các em hãy tự thổi bùng ngọn lửa văn chương trong trái tim của mình trước cuộc đời để hướng tới những điều tốt đẹp. Muốn thế, các em phải có lòng yêu tiếng Việt:
“Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình, quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình”.
(Tiếng Việt – Lưu Quang Vũ)
Tóm lại:
Việc dạy và học văn “không có nấc thang cuối cùng”. Ngoài những bài thầy cô dạy trên lớp, chúng ta còn phải học biết bao điều ở sách vở và cuộc sống. Và sách là “người thầy thứ hai” giúp ta mở ra những “chân trời mới”. Vì vậy, việc chọn lựa học cái gì, học như thế nào để giúp việc “Học Văn là học để làm người” luôn là một câu hỏi lớn, là một điều trăn trở để mỗi chúng ta tự tìm ra được lời giải tốt nhất.
L.X
(Nguyên giáo viên Văn trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ)