Hồi chuông khát và khát vọng giao hòa với tình yêu và cái đẹp

663

Võ Tấn Cường

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tập thơ Hồi chuông khát của Trần Hoàng Vũ Nguyên chính là hành trình tâm linh của bản thể nhà thơ, bộc lộ sự khát khao giao hòa với tình yêu và hướng đến chân trời hạnh phúc.

Tập thơ Hồi chuông khát của nhà thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên

Chiều vắng. Giữa không gian tĩnh lặng chợt vang vọng tiếng chuông gợi ấn tượng về cái đẹp linh thiêng, thánh thiện. Tiếng chuông lan tỏa trong không gian và âm vang giữa hồn người. Tôi chậm rãi đọc tập thơ: Hồi chuông khát của Trần Hoàng Vũ Nguyên (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn) trong tâm thế của một người hướng tâm hồn về thế giới của cái đẹp trong trẻo, thánh thiện. Nhà thơ Trần Hoàng Vũ Nguyễn đã xuất bản tập thơ “Ngựa núi” (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, năm 2009). Tập thơ: ”Ngựa núi chính là ẩn dụ về sự vật vã đớn đau của thế giới nội tâm con người trên con đường hướng về chân trời khát vọng tự do… Tập thơ Hồi chuông khát của Trần Hoàng Vũ Nguyên chính là hành trình tâm linh của bản thể nhà thơ, bộc lộ sự khát khao giao hòa với tình yêu và hướng đến chân trời hạnh phúc.

Trần Hoàng Vũ Nguyên sống gắn bó với vùng đất Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã hơn 20 năm. Hồn thơ của chị mang vẻ đẹp trầm mặc của núi rừng và ẩn chứa sự phóng khoáng, bao la của nắng gió cao nguyên. Thơ đối với Trần Hoàng Vũ Nguyên không phải là cuộc chơi chữ nghĩa mà là sự cứu độ tâm linh của chính mình giữa cõi nhân gian đầy biến động, bất trắc.

Mở đầu tập thơ “Hồi chuông khát”, trong bài “Tôi đã…” (Thay lời tựa), Trần Hoàng Vũ Nguyên viết: “Viết là thực hiện một chọn lựa, đồng thời là một định mệnh, một dấn thân mở ra những khả tính mới cho sự im lặng, hồi sinh những quên lãng, lưu dấu những khoảnh khắc của ma trận tâm cảm đang vây quanh, quấn chặt đời sống từ lúc sinh ra đến khi mất đi…”. Nhà thơ đã xác tín công việc làm thơ như là một định mệnh. Công việc làm thơ không phải nhằm để lưu danh mà là để khám phá con người  sâu thẳm, bản thể của chính mình và khám phá sự bí ẩn của hồn người, sự vật trong vũ trụ.

Thơ của Trần Hoàng Vũ Nguyên thường bộc lộ sự khám phá chiều kích sâu thẳm trong bản thể con người, khắc họa sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, giữa bản năng sống và khát vọng giao hòa với vẻ đẹp của tình yêu. Trong bài thơ: “Hồi chuông khát” Trần Hoàng Vũ Nguyên viết:

“Người đàn bà ngỡ ngàng thức giấc sau mùa đông

Thắp ngọn đèn leo lét đỏ

Nắm chặt bông hồng đen mặc nhói gai

Rót tràn ly

39 độ whisky đổ vào trái tim

Tan vào chính mình

Cất tiếng hát khát từ bộn bề yếu đuối

Mặc thành trì đổ – định vị đảnh lễ một hồi chuông”

Trần Hoàng Vũ Nguyên thường đặt tâm thế của người đang yêu trong mối quan hệ giữa sự sống và cái chết. Qua đó, nhà thơ chiêm cảm về cứu cánh và sức mạnh của tình yêu đối với sự sống của con người.

“Em

Kẻ hành khất chơi sang đời mình

Chỉ xin ra đi ôm anh trong giông tố vô thường”

Thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên bộc lộ khát khao về một tình yêu cháy bỏng, thăng hoa và dâng hiến đến tận cùng tâm hồn và thể xác.

“Hãy yêu em bằng một vòng tay của gió

Bằng đôi môi của lửa”

(24h tình nhân)

“Ước gì là mây bay qua núi đồi

Thành gió tự do vút bổng chạm bàn tay anh lạnh giá”

(Phía dòng sông)

Hầu hết các bài thơ của Trần Hoàng Vũ Nguyên đều là thơ tự do, cấu trúc câu thơ co duỗi linh hoạt, ý thơ tuôn chảy, bung phá tùy theo diễn biến tâm trạng và sự suy tưởng của chủ thể trữ tình. Ngôn ngữ trong thơ của chị mang vẻ đẹp thô ráp của vỏ cây thông nhưng hồn thơ lại ngân vang như tiếng rừng thông giữa cao nguyên ngút ngàn nắng gió.

“Anh sợi xích khóa em bằng giao cảm

Anh đời thường trong ý nghĩ sinh thành

Cổ tích em lên ngôi”

(Tận hiến)

Sáng tạo thơ đối với Trần Hoàng Vũ Nguyên chính là “chọn lựa” bộc lộ sự dấn thân và chính là, “khước từ” sự lãng quên, sự phù du của kiếp người. Thơ của Trần Hoàng Vũ Nguyên trong dòng chảy của thơ đương đại Việt Nam giống như “Cơn mưa nguồn lặng lẽ đổ vào đại dương xanh” (Đêm trầm mặc).

V.T.C