Có ai để ý rằng đời sống văn hóa văn nghệ của Hải Phòng cứ âm thầm, nhàn nhạt đi cùng năm tháng.
Văn học nghệ thuật, thơ ca, nhạc họa… ngoài tên tuổi nổi danh từ xưa như: Văn Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi… rồi đến khi nhà thơ Đồng Đức Bốn khuất bóng về với trăng sao, thì những cái tên mới ngày nay khi nhắc đến để khen người ta cũng phải khe khẽ, thì thào, bởi lo tên mình vừa nhắc chả ai biết.
Đất Hải Phòng “địa linh nhân kiệt” không thiếu nhân tài, là đất lành rồi mà chim chưa đậu, cứ mải miết bay đi đâu tìm tổ? Phải chăng vì chưa có nơi ấm êm cho đàn chim trú ngụ?
Lướt qua trang cá nhân của một số anh chị em văn nghệ sĩ Hải Phòng, đọc ý kiến, thấy hình ảnh trụ sở mới của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng mà thấy méo xệch nụ cười.
Hải Phòng gần đây có sự chuyển mình về cơ sở hạ tầng, kinh tế, đường mở, cầu xây, nhà cao tầng san sát, các khu đô thị mới đẹp như trời Âu. Chỉ có đời sống văn hóa nghệ thuật là còn trầm lắng, chưa tương ứng với quy mô và tầm vóc của thành phố.
Một thành phố công nghiệp hiện đại lại càng cần có không gian cho văn hóa, văn học nghệ thuật phát triển. Đó là nguồn mạch sâu của cuộc sống, là yếu tố kích thích du lịch, tạo chất liệu, tiền đề cho các tác phẩm phim ảnh, MV… góp lên sự thành công toàn diện, hấp dẫn của thành phố cấp 1 trung ương, là nền móng để xây dựng chuẩn mực văn hóa, đạo đức xã hội…
Văn nghệ sĩ là người lao động sáng tạo nghệ thuật đặc thù. Họ có cá tính mạnh, tự ái cao mới giàu sức sáng tạo trong thế giới của riêng họ. Do đó, sự tôn trọng là điều họ rất cần, bởi nhiều khi “miếng trầu quý bởi tay bưng”.
Đây là nơi quy tụ của 9 ngành nghệ thuật với gần 700 thành viên tinh hoa của thành phố cửa biển.
Trụ sở của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng – nơi quy tụ của 9 ngành nghệ thuật với gần 700 thành viên tinh hoa của thành phố cửa biển mà như thế này liệu họ có tự tin khi bước chân vào, hay họ thấy ngương nghịu như ăn vụng bị bắt quả tang khi giới thiệu cho bạn bè anh em trụ sở sinh hoạt, tôn vinh văn hóa nghệ thuật của thành phố.
Trụ sở của Hội là bộ mặt văn hóa của thành phố, là nơi sinh hoạt, đón tiếp các đoàn nghệ thuật bạn đến giao lưu. Chuyện trong nhà có thể giấu, không nói thì ai biết nhuận bút triển lãm tranh vẫn chỉ 150.000 đồng, không đủ tiền vận chuyển, nhuận bút đăng trên tạp chí Cửa Biển không đủ cà phê đãi bạn bè…, nhưng trụ sở của Hội thì phải đoàng hoàng và… nghệ thuật.
Lợi điểm khi có nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ nổi danh tại Hải Phòng thì danh tiếng sẽ thành thương hiệu, điểm kích cầu du lịch, giao lưu, thăm viếng…, mà sao Hải Phòng chưa mạnh dạn đầu tư.
Dự kiến, bộ bàn ghế mà nhà văn Nguyên Hồng dùng sẽ được kê tại Trụ sở mới của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng.
“Thời thế tạo anh hùng”, nếu không có đổi thay lớn, văn nghệ sĩ không có dấn mình trải nghiệm, thì sức sáng tạo lớn đến đâu cũng chỉ là hạt giống tốt gieo trên sa mạc, có chăm chút đến đâu cũng chỉ là giống xương rồng.
Văn nghệ sĩ Hải Phòng nhân tài có không? Câu trả lời là: Có! Vấn đề là ở Hải Phòng quá ít sự cạnh tranh, làm họ như cây cho quả ngọt một mùa. Ở nơi nhân tài nhiều như lá rừng, sức cạnh tranh, sức hút khán giả làm người ta không thể đứng yên, phải miệt mài lao động sáng tạo nhiều hơn để không chết chìm trong cái bóng của chính mình.
Hải Phòng đang chuyển mình mạnh mẽ, sẽ là nguồn đề tài cảm hứng cho các tác phẩm mới ra đời. Văn nghệ sĩ Hải Phòng có nhiều thông tin, trải nghiệm để sống và cho ra những đứa con tinh thần để đời trong sự nghiệp.
Cơ chế, chế tài thì đã thành Nghị quyết:
“Tiếp tục có cơ chế khuyến khích văn nghệ sỹ sáng tác văn học nghệ thuật, biểu diễn nghệ thuật, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân”. (Trích Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hải Phòng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025)
Cần lắm anh chị em văn nghệ sĩ Hải Phòng “khiêm, cung, mạc ngôn”, chứng minh giá trị của mình bằng tác phẩm. Cần lắm thay sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, để ngày càng có nhiều văn nghệ sĩ đủ tâm, tầm, tài phất cờ “hiệu triệu quần hùng” hướng đến ngày “cờ bay gió thổi”.
Và để Hải Phòng thành điểm đến thành công của nghệ thuật, hãy bắt đầu từ việc xây cái tổ tử tế trên đất lành cho đàn chim đậu. Đừng chua chát như câu thơ Đồng Đức Bốn từng viết:
“Cầm lòng bán cái vàng đi.
Để mua những thứ nhiều khi không vàng”…
Theo Minh Tuấn/DĐDN