Hội nghị quốc tế mổ xẻ tiếng cười

578

Lê Văn Nghĩa

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong đời sống đố ai chẳng nở nụ cười. Đố ai chẳng muốn nghe chuyện vui để mình cười, để mình được sảng khoái. Văn học dân gian bất cứ nước nào đều cũng có kho tàng chuyện cười có thể là truyền miệng hoặc có thể lưu hành bằng chữ viết. Hơn thế nữa, trước kia những tác giả truyện cười thường là khuyết danh do truyện cười chỉ lưu hành bằng lời kể nhưng sau này có những nhà văn chuyên viết truyện hài hước.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa

Nhưng tại sao con người thích cười. Truyện cười có thể quốc tế hóa được không? Và, viết truyện cười như thế nào? Đều là những câu hỏi bỏ ngõ cho một Hội nghị Văn bút lần thứ 37 có đề tài “Hài Hước trong Văn chương Đông và Tây” tổ chức tại Hàn Quốc vào năm 1972. Hội nghị này quy tụ 60 tổ sư bồ đề của 33 quốc gia như John Updike, John Che-Ever (Mỹ), Lâm Ngữ Đường (Đài Loan), Võ Phiến…

Hài hước có phân tích được không?

Người ta có thể nghe hay đọc một câu chuyện rồi họ cười phá lên. Khi hỏi tại sao họ cười thì họ sẽ bảo vì chuyện đó rất là…mắc cười. Nhưng tại sao mắc cười thì họ không phân tích được.

“Đã có ít nhất 80 lý tuyết từ Platon đến Bergson và Freud giải thích tại sao người ta cười, nhưng không như bi kịch, hài hước bất cần phân tích.” Nhà văn, đại biểu Philippin R.Roces đã cho biết ý kiế như vậy. Theo ông này thì hài hước hết còn là hài hước ngay khi đem ra phân tích. Trước hết con người ta khóc cùng một kiểu nhưng lại có nhiều cách cười khác nhau. Bi kịch là bi kịch ở bất cứ nơi nào, nhưng cái gì khôi hài đối với một nhóm người này sẽ không còn khôi hài đối với một nhóm người khác. Chuyện chỉ khôi hài nếu chỉ xảy ra cho ai khác thôi. Kiểu khóc không thay đổi bao giờ, nhưng cười thay đổi từ nụ cười của Monalisa đến cười bể bụng. Khi một quan tham nói rằng mình xây được biệt phủ nhờ đi bán cổi đót, làm thối móng tay hay chạy xe ôm thì hết sức khôi hài cho những người được nghe các cái miệng có gang có thép đó phát biểu chứ chẳng có gây sự hài hước cho nhóm có cùng lợi ích như các quan nói trên. Bởi vậy chúng tôi làm báo TTC ngày càng khó vì các quan đã giành lấy phần gây cười của các cây bút không biết làm chổi đót, chạy xe ôm để làm giàu như chúng tôi rồi.

Ngoài chuyện hài hước không thể phân tách được, nó còn bất khả chuyển tải sự hài hước từ một ngôn ngữ hay văn hóa này sang một văn hóa khác. Nhà văn Mỹ, John Updike phát biểu “Tôi cũng xin thú thật là tôi không thể tưởng tượng được một ngôn ngữ nào ít có tính chất quốc tế bằng văn hài hước. Bởi vì hài hước, bằng văn viết ra hay thế khác, nằm trong lãnh vực kinh nghiệm và thông cảm một cách tinh vi, nó không những là một trò chơi chữ không tài nào diễn tả nổi từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác mà còn làm người ta dễ bị lầm lạc về âm điệu, tiếng lóng và câu nói bóng gió nửa kín nửa hở. Nhà văn Á Căn Đình Jorge Luis Borges khi phê bình văn hài hước của Shakespeare không làm ông thích thú, đã đưa một ý kiến lạ lùng khi ông cho rằng hài hước… là một loại văn nói miệng, như đột nhiên lóe ra trong lúc trò chuyện, chứ không phải là loại văn viết”.

Hài hước khác châm biếm như thế nào 

Luận đề này xin dành cho U mặc đại vương Lâm Ngữ Đường. Một cách ví von rất là không hài hước theo ông thì ta hay lẫn lộn giữa hài hước với lanh trí và còn lầm cả nó với lối giễu cợt, khinh khi hay lối nói châm biếm chua chát. “Nói châm biếm gây cảm giác như gió buốt mùa đông. Hài hước giống như những trận mưa mát mẻ bao bọc chúng ta trong bầu không khí ấm cúng, vui vẻ trong tình thương nhân loại. Nó như mặt hồ gợn sóng hay ánh tà dương chiếu trên cánh đồng cỏ xanh tươi. Nói châm biếm chạm tự ái kẻ khác và làm người này khó chịu khi thấy mình bị làm trò đùa cho thiên hạ”.

U mặc đại vương cho rằng hài hước đem lại cảm giác nhẹ nhàng như gãi đúng chỗ ngứa. Gãi đúng chỗ ngứa thì quá xá là đã, là một trong những thú khoái lạc nhất trên đời, nó làm cho bạn sung sướng khoan khoái vô cùng đến nỗi lắm khi bạn muốn đòi gãi thêm. Và chính đấy là đặc điểm của loại văn hài hước ý nhị. Nó sáng ngời và tràn ngập lòng bạn đến mức bạn bần thần không rõ ở đâu và tại sao…”. Bạn đọc báo Tuổi Trẻ Cười thì vô cùng sâu sắc, thấu cảm với nhận định này vì báo TTC thường xuyên gãi đúng chỗ ngứa của bạn đọc với… cây gãi lưng kèm tặng kèm.

Gãi đúng chỗ ngứa vì phương pháp hài hước như một khí giới tinh thần chống lại cái ác theo lời của nhà văn Hàn quốc  Lee Eun Sang. Lâm Ngữ Đường bổ sung cho ý kiến này bằng cách trích dẫn Trang Tử một đồ đệ của Lão Tử ở thế kỷ thứ ba trước Thiên Chúa giáng sinh. Trước cảnh hỗn loạn trong thời đại ông đã viết mấy câu thơ: “Cướp một lưỡi câu/ Thì bị xử tội treo cổ/ Còn cướp cả ngai vàngThì được phong làm tướng công”. Đọc những câu thơ của ông Trang mà sao cám cảnh nghĩ đến một người ăn cắp năm con vịt thì ở tù, còn ông quan tham nhũng thì xử lý nội bộ ở Việt Nam ghê há. Ông Trang Tử ơi, sao ông giỏi lắm thế ông ơi là ông!

Một hội nghị như vậy mà cũng được người đứng đầu đất nước Hàn Quốc theo dõi và có phát biểu mới thấy hội nghị về hài hước này không hài hước chút nào. Theo lời Tổng thống Hàn quốc Park Chung – Hee: “Ngày nay hay bất cứ lúc nào khác, hài hước có giữ vai trò một vị thuốc an thần của nhân loại”. Ông tuyên bố Hội nghị Văn bút ở Đại Hàn cần phải “Cung cấp nhiều phương tiện để mở rộng tầm mắt nhìn thế giới, củng cố quyết tâm của chúng ta muốn tạo lập một nền văn hóa tân tiến”.

Và đầy là một kết luận cũng không kém phần hài hước lẫn châm biếm. “Các hội nghị chính trị đôi khi có thể thất bại, nhưng các hội nghị của các nhà văn đều thành công đúng theo tiền định” (Nhà văn đoạt giải thưởng Nobel Yasunari Kawabata). Đúng vậy thôi, hãy nhìn vào các kỳ đại hội Hội Nhà Văn Việt Nam thì biết!

L.V.N