Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, tổ chức vào cuối năm 2020, thành công tốt đẹp. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành (BCH) gồm 11 nhà văn, nhà thơ đang đầy nhiệt huyết và khao khát được cống hiến cho nền văn học nước nhà; đặt ra nhiều kì vọng của công chúng về mục tiêu đổi mới, sáng tạo của Hội Nhà văn Việt Nam trong giai đoạn mới.
Hơn 10 tháng qua, trước đại dịch Covid-19 và những khó khăn thách thức khác, BCH nhiệm kì mới đã có những hoạt động gì nổi bật? Dưới đây là chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn với phóng viên…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
* Xin ông cho biết những khó khăn của Ban Chấp hành (BCH) nhiệm kỳ X và áp lực cá nhân ông khi giữ cương vị Chủ tịch kiêm Giám đốc NXB Hội Nhà văn.
– Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Có rất nhiều khó khăn. Nhưng tôi nghĩ, khó khăn lớn nhất đối với BCH nhiệm kì này là những đòi hỏi chính đáng lâu nay của người đọc và xã hội về chất lượng sáng tác, về thái độ của nhà văn trước những vấn đề lớn của con người, của dân tộc, về lòng can đảm của nhà văn trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác ở mọi hình thức trong đời sống.
Và khó khăn từ chính các nhà văn vì họ có vượt qua được những gì đã và đang trở thanh lối mòn trong tư duy và sáng tạo.
Tôi ở cương vị phải chịu trách nhiệm cao nhất cho mọi hoạt động của Hội Nhà văn trong nhiệm kỳ mới. Bởi thế, áp lực dồn xuống tôi là nặng nề nhất. Nhưng thật may mắn là 11 ủy viên BCH tuổi còn nhiều nhiệt huyết và khao khát làm được điều gì đó tốt đẹp cho nền văn học nước nhà.
Tôi hiện vẫn kiêm Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Sự thay đổi nhanh chóng của xã hội đòi hỏi nhà xuất bản phải đáp ứng kịp thời. Bản thảo mỗi ngày gửi đến nhà xuất bản nhiều hơn, phức tạp hơn và “gai góc’’ hơn. Làm thế nào để có thể vẫn cho ra được những tác phẩm đúng với tinh thần của tác giả mà không mang lại sự hoang mang cho bạn đọc về con người và những vấn đề xã hội.
* Thưa ông, sau Đại hội (tháng 12/2020) đến nay, BCH nhiệm kì mới đã thực hiện những công việc gì được cho là nổi bật nhất?
– Đại dịch Covid-19 đã cản trở hoạt động của Hội Nhà văn rất nhiều. Ngay cả những kỳ họp BCH quan trọng chúng tôi cũng không tổ chức được. Tuy vậy, tôi có thể nói, BCH đã có những đột phá trong hoạt động của mình.
Chúng tôi đã thực sự bắt tay vào cuộc cải cách Báo Văn Nghệ, cho dù mới được mấy tháng và quá nhiều khó khăn, quá nhiều thách thức. Cho dù sự đổi mới của tờ báo này mới được một thời gian rất ngắn nhưng nó cho thấy sự quyết tâm, không chùn bước của BCH; nó làm cho không ít người lãng quên tờ báo giờ lại có cảm giác chờ đợi.
Có nhiều ý kiến khác nhau về Báo Văn Nghệ bộ mới. Đó là chuyện bình thường. Nhưng chúng tôi tin vào sự đổi mới này và không còn con đường nào khác.
Chúng tôi đã và đang đổi mới Tạp chí Nhà Văn & Cuộc Sống trên nhiều bình diện. Chúng tôi đã làm cho trang web (vanvn.vn) của Hội trở nên sống động hơn bao giờ hết.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự Triển lãm tranh của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Chúng tôi còn lập ra Giải thưởng cho các nhà văn trẻ mang tên Giải thưởng Tác Giả Trẻ (dành cho các tác giả dưới 35 tuổi).
Đây thực sự là một bước ngoặt quan trọng. Chúng ta phải luôn nhớ rằng: chỉ 10 đến 15 năm nữa thì những tác giả trên dưới 30 tuổi lúc này sẽ trở thành những chủ nhân quan trọng của văn học Việt Nam chứ không phải là những người ở tuổi như tôi nữa.
Chúng tôi lần đầu tiên có Giải thưởng Văn học thiếu nhi. Đây là một lĩnh vực văn học thú vị và quan trọng.
Đó là một trong những cách chúng ta tạo dựng nền tảng để xây dựng nhân tính cho các thế hệ người Việt tương lai. Chuẩn bị tới, chúng tôi sẽ phát động cuộc vận động viết về đề tài thiếu nhi.
Chúng tôi muốn có những tác phẩm tốt nhất cho trẻ em Việt Nam. Chỉ mới hơn 10 tháng và phải gánh chịu sự đe dọa của dịch Covid-19 nhưng chúng tôi đã triển khai được những công việc, tôi cho là then chốt trong hoạt động của Hội Nhà văn và thực sự đổi mới.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
* Được biết những năm gần đây, việc xét kết nạp hội viên và xét Giải thưởng Hội Nhà văn hàng năm để lại không ít tai tiếng trong dư luận. Xin ông cho biết, BCH đã chuẩn bị cho công việc xét kết nạp và trao giải thưởng như thế nào để khắc phục tình trạng trên.
– Đúng là có dư luận như vậy trong nhiều năm trở lại đây. Có những luồng dư luận thiện chí và có cả những luồng dư luận không thiện chí với Hội Nhà văn. Nhưng BCH khóa X đã lắng nghe một cách nghiêm túc nhất để hiểu đúng dư luận của hội viên và của xã hội về Hội Nhà văn.
Chính tôi đã công khai email của Chủ tịch Hội Nhà văn để mọi người có thể viết thư góp ý, phê phán, phản biện, chia sẻ… về công việc của BCH và của cá nhân Chủ tịch. Nếu không mang thiện ý để Hội Nhà văn phát triển, tôi không dại gì công khai email đó. Và tôi nhận được rất nhiều thư của hội viên và của những người quan tâm đến Hội Nhà văn, đến văn học. Tôi đã trả lời tất cả các thư đó một cách trung thực và trách nhiệm nhất.
Một trong những thay đổi về xét kết nạp của BCH khóa X là chủ động mời những nhà văn có tài, có tư cách vào hội.
Còn giải thưởng thì nhiều phụ thuộc. Đó là liệu có tác phẩm xứng đáng để trao giải không? Bởi văn học không thể nói năm nào cũng có tác phẩm hay. Nhưng BCH, các hội đồng có nhiệm vụ “săn lùng’’ tác phẩm hay chứ không ngồi chờ ai đó gửi đến.
* Như ông đã nêu, sau Đại hội, BCH đã làm nhiều việc quan trọng; trụ sở Hội cũng khang trang hơn. Xin ông cho biết, nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động chuyên môn và sơ sở vật chất của Hội khai thác từ đâu.
– Nói đến tiền lúc nào cũng là nỗi hoảng sợ của Hội Nhà văn. Có những ý tưởng lớn mà không có tiền thì ý tưởng mãi mãi ở trong đầu mà thôi.
Hội Nhà văn có một số thay đổi, trụ sở sạch sẽ hơn, cảm giác văn chương hơn mà chủ yếu từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Đó là sự ủng hộ của cá nhân những người yêu quí văn chương mà đợi chờ những điều tốt đẹp hơn từ Hội Nhà văn.
Riêng Giải thưởng Tác Giả Trẻ, chúng tôi đã nhận được sự đồng hành không thể tốt hơn của Tập đoàn Thaco.
Cuộc vận động viết về đề tài thiếu nhi cũng đang nhận được sự ủng hộ của những tập đoàn kinh tế tư nhân. Chúng tôi vui vì kinh phí một, thì vui vì sự đồng hành của các doanh nhân hơn nhiều lần.
Bởi, các doanh nhân ý thức cùng Hội Nhà văn thúc đẩy sự phát triển của văn học để phục vụ đời sống tinh thần của xã hội.
* Được biết, ông từng được đào tạo nhiều năm ở nước ngoài và có mối quan hệ quốc tế rộng lớn. Xin ông cho biết, ông sẽ vận dụng mối quan hệ cá nhân để quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới như thế nào.
– Tôi đã âm thầm làm những công trình dịch thuật với các nhà văn, nhà thơ nước ngoài và truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới nhiều năm nay với nhiều hình thức.
Nhưng nỗ lực của cá nhân rất giới hạn. Bởi thế, BCH khóa X đặt ra một chiến lược lâu dài để truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới. Và chiến lược này cần sự ủng hộ của Chính phủ.
Nếu không, nó vẫn là một đường tiểu ngạch và hiệu quả của nó vô cùng hạn chế.
Các mối quan hệ mà tôi gây dựng từ hàng chục năm nay sẽ vô cùng quan trọng khi chúng tôi tiến hành chiến lược truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới.
Bởi họ không những là những dịch giả quan trọng mà còn là những người giới thiệu văn học Việt Nam bằng nhiều cách tới bạn đọc đất nước họ như họ đã và đang làm với cá nhân tôi.
* Cảm ơn ông!
Theo Nguyễn Trang Nhung/Tạp chí Lao động & Sáng tạo