(Kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, 1/7/1822 – 1/7/2022)
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam rất tâm đắc với tên của hội thảo “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”. Theo ông, Nguyễn Đình Chiểu để lại hai di sản quan trọng là Người và Chữ đầy giá trị. Cụ Đồ Chiểu vẫn đồng hành với chúng ta ngày nay. Trước cái ác và sự xuống cấp của đạo đức, nhân tính thì những giá trị của cụ Đồ lại hiện ra nhắc nhở chúng ta…
Nhân dịp kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, ngày 29/6, tại thành phố Bến Tre, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”.
Đây là một trong những hoạt động quan trọng của tỉnh Bến Tre thay mặt Việt Nam cam kết với UNESCO về việc vinh danh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu là Danh nhân văn hóa, kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của ông (1/7/1822 – 1/7/2022).
Theo Tiến sĩ Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nguyễn Đình Chiểu là tác giả Việt Nam có tác phẩm được phổ biến ở nước ngoài chỉ đứng sau Đại thi hào Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời, sự nghiệp của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã được nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu ở Việt Nam và quốc tế tìm hiểu trong suốt hơn 150 năm qua. Những giới thiệu về tác phẩm của ông được người Pháp tiến hành ngay từ khi nhà thơ còn sống. Trải qua thời gian, tác phẩm, cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu đã đi vào lịch sử, văn học, văn hóa – nghệ thuật vào đời sống của người dân Nam Bộ cũng như cả trong nước và nước ngoài.
Hội thảo khoa học quốc tế sẽ là một hoạt động góp phần gia tăng cam kết của tỉnh Bến Tre và Việt Nam với UNESCO, tiếp tục khẳng định giá trị di sản mà danh nhân Nguyễn Đình Chiểu để lại cho hậu thế, đóng góp hữu hiệu cho công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.
Tiến sĩ Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận, tiếp tục làm sáng rõ nhiều vấn đề xung quanh thời đại, quê hương và gia đình của Nguyễn Đình Chiểu; vị thế của nhà văn hóa được UNESCO vinh danh và giá trị các tác phẩm,… Từ đó đề xuất các giải pháp tiếp tục bảo vệ và phát huy di sản của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.
Theo đó, Hội thảo khoa học quốc tế tập trung vào các vấn đề như: Nguyễn Đình Chiểu trong lịch sử Việt Nam, khu vực và quốc tế nửa sau thế kỷ XIX; Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu với vận mệnh quốc gia, số phận con người trong chiến tranh qua nghệ thuật văn chương; Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Đình Chiểu; Đổi mới lý thuyết và cách tiếp cận truyện Nôm, văn tế và thơ Đường luật của Nguyễn Đình Chiểu.
Hội thảo thảo luận về nhân cách văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, những giá trị văn hóa trường tồn; tinh thần hiếu học của cụ Đồ trong xã hội thế kỷ XIX và dòng chảy lịch sử; Giá trị văn hóa, sức sống, tầm ảnh hưởng các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu với đương thời và hôm nay. Đặc biệt là hướng về nội dung bảo vệ và phát huy giá trị tư tưởng, nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu trong bối cảnh hội nhập quốc tế; Di sản Nguyễn Đình Chiểu và phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam, du lịch danh nhân ở Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng.
Theo tác giả Nguyễn Quang Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Bến Tre, Nguyễn Đình Chiểu trở thành thần tượng trong lòng dân Ba Tri, Bến Tre. Ở khắp nơi huyện Ba Tri, trong những thập niên từ đầu đến giữa thế kỷ XX, phong trào đọc thơ, ngâm thơ, nói thơ Lục Vân Tiên, hát tuồng Lục Vân Tiên, đờn ca tài tử, ca ra bộ có nội dung Vân Tiên – Nguyệt Nga diễn ra trên thực tế xã hội như một trào lưu áp đảo.
Giáo sư danh dự Jeon Hye Kyung phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN
Chính những hình thức sinh hoạt mang tính dân gian này, đã làm cho Lục Vân Tiên ngấm dần vào tiềm thức của nhân dân, khiến cho những người dù không biết chữ Nôm và chữ quốc ngữ vẫn diễn đạt, kể chuyện, nói thơ Lục Vân Tiên, nói tuồng Lục Vân Tiên một cách rạch ròi, hấp dẫn, duyên dáng, hào hứng. Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng văn hóa của Nguyễn Đình Chiểu là vô cùng to lớn, sâu rộng trong nhân dân, từ tư tưởng đến đạo đức, phẩm cách, từ nhận thức đến hành vi, phương châm, phương pháp, tổ chức, hành động một cách triệt để, nhất quán, trong sáng, rõ ràng.
Theo nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sĩ Venkat Reddy Konatham (Đại học Tiếng Anh và Ngoại ngữ (EFLU), Ấn Độ) và Thạc sĩ, nghiên cứu sinh Võ Thành Tâm, Trưởng Bộ môn Quan hệ quốc tế (Đại học Nguyễn Tất Thành), hình tượng Lục Vân Tiên và lối sống Nam Bộ đã có những ảnh hưởng nhất định đối với cộng đồng người Ấn Độ sinh sống tại Việt Nam.
Cụ thể, cộng đồng Ấn Kiều đã đến Việt Nam (chủ yếu ở Nam Bộ) đã tiếp xúc và giao lưu với văn hóa, con người và lối sống Nam Bộ như tinh thần trượng nghĩa, tính đoàn kết cộng đồng có trước có sau, luôn luôn sẵn sàng đùm bọc cứu giúp nhau trong cơn hoạn nạn, lúc khó khăn, có hiếu với cha mẹ, có chí tiến thủ, trọng nghĩa khinh tài, không quá chú trọng đến nhà cửa, yêu chuộng người tài, người có học, giáo dục truyền thống lễ nghĩa, trọng chữ tín trong làm ăn buôn bán. Đó chính là phẩm chất, lối sống Nam Bộ đã được khắc họa hết sức rõ nét trong tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Quá trình cộng cư đã hình thành những gia đình Ấn – Việt, sự ảnh hưởng của lối sống này ngày một rõ nét hơn.
Giáo sư, Tiến sĩ Venkat Reddy Konatham đề xuất một số kiến nghị như: dịch thuật, nghiên cứu và ứng dụng – thực hành – diễn xướng nói thơ Vân tiên và các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu dưới góc nhìn của văn hóa Ấn Độ; thiết kế các tour du lịch học tập danh nhân Nguyễn Đình Chiểu với điểm khởi đầu là từ các cộng đồng Ấn – Việt ở Ấn Độ và điểm kết thúc là khu mộ cụ Đồ Chiểu ở Bến Tre…
Đại biểu tham dự tại Hội thảo. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ khẳng định, Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa lớn, nhà thơ yêu nước tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, nhà giáo của nhiều thế hệ, thầy thuốc tinh thông y lý, y thuật và nổi tiếng về y đức. Tài năng và địa vị của ông trên văn đàn, y thuật và nền giáo dục nước nhà đã được ghi nhận, tôn vinh từ rất sớm, ngay cả lúc ông còn sinh thời và trong giai đoạn hiện nay.
Là một trong những người khai sáng và là tác giả tiêu biểu nhất của dòng văn chương yêu nước chống ngoại xâm nửa sau thế kỷ XIX, ông đã góp phần nâng cao tầm vóc và ảnh hưởng của văn học nước nhà. Ông còn là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, thương dân, ý chí kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm, chống lại mọi cám dỗ về vật chất, đe dọa về tinh thần, thể hiện rõ khí phách hiên ngang của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng và văn hóa.
Ông Lê Đức Thọ cho rằng, Nguyễn Đình Chiểu sống hòa mình vào Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân và đưa hình tượng người nông dân vào trong các tác phẩm của mình như những người tiêu biểu nhất của tinh thần yêu nước, với ý chí quật cường của dân tộc trong cơn khói lửa. Đối với khu vực Nam Bộ, nhất là tỉnh Bến Tre – vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ người Bến Tre nói riêng, Nam Bộ và cả nước nói chung về đạo lý làm người, về tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường, bất khuất.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, tấm gương yêu nước, sống gắn bó mật thiết với Nhân dân, vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, đem tài năng và trí tuệ của mình tận tâm, tận lực phục vụ cho dân, cho nước của ông trở thành là mạch nguồn truyền thống tốt đẹp ở Bến Tre – quê hương Đồng Khởi anh hùng. Việc vận dụng, phát huy những giá trị tốt đẹp của truyền thống ấy vào việc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước ở hiện tại cũng như trong tương lai là trách nhiệm của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh Bến Tre nói riêng, Nam Bộ và cả nước nói chung.
Nguyễn Đình Chiểu là một tượng đài, một tấm gương sáng của Việt Nam được nhiều nước biết tới, là một hình mẫu của con người luôn vượt lên những khó khăn, nghịch cảnh của cuộc sống và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời để phụng sự con người. Ông sinh năm 1822, mất năm 1888, tên thường gọi là Đồ Chiểu. Nguyễn Đình Chiểu là người học rộng tài cao, từng đỗ tú tài. Đến năm 1847, ông ra Huế học để chờ thi khoa Kỷ Dậu 1849 nhưng trớ trêu thay mẹ ông mất. Vì quá thương nhớ mẹ, ông đã khóc đến mù lòa hai mắt. Sau thời gian đó, Pháp xâm chiếm Gia Định, ông về ở Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tại đây, ông vẫn tiếp tục dạy học và làm thầy thuốc. Dù bị hỏng cả hai mắt nhưng ông vẫn tích cực dùng văn chương để kêu gọi lòng yêu nước của sĩ phu và nhân dân.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói rằng, danh nhân Nguyễn Đình Chiểu để lại hai di sản quan trọng là Người và Chữ. Ảnh: VANVN
Ngày 23/11/2021 tại Paris (Pháp), UNESCO đã thông qua Nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại và tham gia kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu vào năm 2022.
Trước thềm Hội thảo, chủ đề về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã thu hút đến 133 tóm tắt tham luận, toàn văn tham luận của các tác giả trong và ngoài nước, trong đó có 96 tham luận của các tác giả in trong Kỷ yếu hội thảo được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật biên tập. Kỷ yếu được in thành bản giấy, 2 tập, với các chủ đề: Thời đại, quê hương và gia đình; Nhà thơ lớn, vị thế, giá trị và văn bản tác phẩm; Nhà văn hóa được UNESCO ghi danh; Bảo vệ và phát huy di sản của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.
Theo Vanvn/TTXVN