(Kỷ niệm 90 năm phong trào Thơ mới, 1932-2022)
Cùng với nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh là một trong hai vị lãnh đạo nhiệm kỳ đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam còn lại với chúng ta đến đầu thế kỷ XXI (tại Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957, nhà văn Tô Hoài được bầu làm Tổng thư ký, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh là Phó tổng thư ký).
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh (1920-2020)
“Kính già, già để tuổi cho” – dân gian ta từng có câu như vậy. Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh là một người đôn hậu. Trong cuộc sống, ông rất biết trọng già, yêu trẻ. Song có lẽ, sức trẻ trong tâm hồn mà ông giữ được cho tới hôm nay có “công” lớn ở sự… hồn nhiên của ông, một sự hồn nhiên rất… Nguyễn Xuân Sanh. Nhà thơ Định Hải từng kể cho tôi câu chuyện vui: Hồi ông còn làm ở Nhà xuất bản Kim Đồng, một lần, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tìm đến đưa cho ông một tập bản thảo.
Nhìn tập bản thảo dày cộp, nhất là lại ý thức được rằng mảng thơ thiếu nhi của Nguyễn Xuân Sanh không phải đã thật thành công, Định Hải rất… ngại. Ông bèn tìm cớ để thoái thác bậc đàn anh. Ông nói: “Anh ạ, nhà Kim Đồng in sách cho các em mỏng lắm. Mỗi tập chỉ vài ba chục bài thôi. Hay là anh mang sang bên nhà Văn học xem sao”.
Những tưởng nhà thơ đàn anh sẽ chuyển hướng. Ai dè, Nguyễn Xuân Sanh thật thà hồn nhiên bảo: “Không can gì Định Hải ạ. Nếu thấy dày quá, Định Hải cứ tách ra thành.. 5 tập, in dần cũng được chứ sao”.
Có thể đọc đến đây, sẽ có bạn đọc cho rằng, cái sự gọi là “hồn nhiên” ấy chưa chắc đã đúng, mà có khi ẩn chứa đằng sau nó một sự… khôn ngoan, phớt lờ, giả như không biết thực ý người nói là như thế nào, cốt để được việc mình. Kỳ thực, những ai có dịp tiếp xúc nhiều với nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, sẽ thấy ông là người rất mực chân thành.
Những phát ngôn kiểu trên đều xuất phát từ cách nhìn đời… hồn nhiên của ông. Thậm chí, có những điều ai cũng biết là đùa, chỉ mình ông tin là thật. Nhiều cuộc ông đi nói chuyện thơ đây đó, ông say sưa nói, nói rất dài dòng, thính giả thậm chí không ít người sốt ruột muốn… về, song ông vẫn cần mẫn phục vụ, không chút mệt mỏi, xem như một trách nhiệm mình phải thực hiện cho chu đáo, trọn vẹn.
Nhà thơ Vũ Quần Phương kể với tôi rằng, một lần, anh dự một hội thảo về Bác Hồ. Các văn nghệ sĩ tuần tự lên bục diễn giả kể lại những hồi ức về Bác với sự phát triển văn hóa văn nghệ. Đến lượt nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, mặc dù sau ông còn nhiều người đăng ký tham gia phát biểu, song nhà thơ của “Xuân thu nhã tập” vẫn cứ nhẩn nha, bồi hồi kể lại kỷ niệm của tất cả những lần ông được gặp Bác.
Ban tổ chức rất đỗi lo lắng, sợ chương trình không hoàn tất theo dự kiến. Chủ tọa hết đứng lên ngồi xuống, đi đi lại lại mà xem chừng diễn giả vẫn còn sôi nổi. Sang đến đoạn Nguyễn Xuân Sanh kể chuyện ông được gặp Bác Hồ lần thứ năm thì Vũ Quần Phương (là một thành viên trong Ban tổ chức) thấy không đừng được, đã buột miệng: “Tính Bác Hồ là không thích nói dài”.
Mọi người nghe Vũ Quần Phương nói vậy, cười ồ. Đến nước ấy Nguyễn Xuân Sanh mới như tỉnh ra. Ông vội cất mấy tiếng cáo lỗi thính giả rồi lịch sự cúi đầu chào và rời diễn đàn. Theo nhận xét của Vũ Quần Phương thì mặc dù có “đặc điểm” nói hơi… kỹ, song Nguyễn Xuân Sanh lại là người rất cẩn thận, trách nhiệm trong công việc.
Ông không làm việc một cách tùy hứng. Ví như, với Nguyễn Xuân Sanh, dù lớp học chỉ còn một người, ông vẫn lên lớp bằng nhiệt tình không thay đổi. Trong ngữ điệu không hề có dấu hiệu chán nản, mệt mỏi, và đặc biệt là chỉ có… quá giờ chứ không khi nào ông cắt bớt thời gian.
Về việc này, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi từng minh chứng bằng một câu chuyện: Một lần, Nguyễn Xuân Sanh vào giảng bài cho các học viên ở Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ ở Quảng Bá. Khi tổng kết, ông nhắc nhở học viên phải không ngừng trau dồi đạo đức, bồi dưỡng nhân sinh quan cách mạng, đừng có sa đà vào lối sống tự do, bê tha, phóng đãng như một số nhà văn thời trước Cách mạng.
Câu nói khiến cả nhà văn Nguyễn Tuân và nhà văn Nguyên Hồng, những thầy phụ đạo của khóa học ấy đều… tự ái. Không đừng được, cụ Nguyên Hồng nói… mát: “Như tôi và anh Nguyễn Tuân thì nhiều cái xấu xa lắm, các bạn trẻ đừng nên bắt chước. Có bắt chước thì bắt chước ông Nguyễn Xuân Sanh, cũng là lớp nhà văn cũ đấy nhưng toàn điểm tốt chứ không có điểm gì xấu đâu”.
Kể đến đây, Nguyễn Bùi Vợi buông một câu: “Nguyễn Xuân Sanh không thanh minh, không cải chính, bình thản đọc tiếp” (xem “Chuyện vui các nhà văn Việt Nam hiện đại” – NXB Thanh niên, 1990). Qua đó, ta có thể thấy, với Nguyễn Xuân Sanh, dù ngoại cảnh thế nào cũng khó làm dứt mạch cảm xúc truyền thụ của ông với các đối tượng ông có trách nhiệm bổ trợ.
Tất nhiên, với cách diễn giải dài dòng của Nguyễn Xuân Sanh, cũng có người bình luận: Thời “tốc độ” mà ông cứ giữ nhịp sống khoan thai, như thể không biết “sốt ruột” là gì. Riêng tôi, tôi lại nghĩ khác. Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh là người đôn hậu, bản tính cẩn thận, cặn kẽ, cho nên, nói gì cũng phải có đầu có cuối, cốt sao để người đối thoại với mình nắm bắt được đầy đủ vấn đề.
Chỉ có điều, đại đa phần những gì ông sợ người đời không hiểu thấu nhẽ ấy, kỳ thực, họ đều biết cả. Cho nên, mới có nhà thơ đã làm câu thơ “ghẹo” ông: “Nay ông chưa viết người đã hiểu/ Sắp sáng thì nghe có tiếng gà“. Ôi, sắp sáng đương nhiên thì gà phải gáy, sự thật hiển nhiên như thế sao ông không nghĩ mọi người đều biết cả nhỉ? Chẳng qua là tại ông “thật thà” quá mà thôi. Ở đây, cái sự con cà con kê của ông ngẫm kỹ lại có phần đáng yêu.
Một lần, vẫn tại Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ ở Quảng Bá, nhà thơ Xuân Diệu được mời đến đọc, góp ý bản thảo cho học viên. Ông tỉ mỉ, chăm chút đối với các tác giả nữ, đến trường hợp một nam học viên, ông chỉ buông lửng một câu: “Thơ cậu không có gì đặc biệt để nói. Mong cậu cố gắng hơn nữa. Thôi cậu đi ra!”. Học viên này thắc mắc: “Thưa thầy, thầy Nguyễn Xuân Sanh bảo mỗi người chúng em được góp ý hai mươi phút…”.
Xuân Diệu cười: “Thơ như tình yêu ấy, cậu ạ, ai lại định giờ. Bao nhiêu nhiệt tình hào hứng tôi đã nói cả với Dạ, với Nhàn (hai nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và Phan Thị Thanh Nhàn) rồi, còn gì nữa mà nói với cậu”. Nhận nhắc tới sự chu toàn của Nguyễn Xuân Sanh, ở đây tôi muốn kể thêm một chuyện nữa mà tôi là người trực tiếp chứng kiến. Bấy giờ tôi còn công tác ở Hội Văn nghệ Hà Nội, là trợ lý cho Chủ tịch Hội Vũ Quần Phương.
Hôm ấy, Hội tổ chức lễ mừng sinh nhật lần thứ 75 của một nhà văn. Vì giữa Nguyễn Xuân Sanh và nhà văn này có những chuyện mắc mớ đau lòng về con cái nên bình thường ra, người biết ý sẽ không bố trí để hai ông giáp mặt nhau, sợ gợi lên nỗi đau xưa. Nhưng vì một cán bộ mới về công tác ở Văn phòng Hội nên chưa biết chuyện này, đã vô tư mời nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đến dự.
Trước giờ khai mạc ít phút, nhà thơ Vũ Quần Phương mới biết việc nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh cũng được mời dự cuộc này. Anh hốt hoảng kêu lên: “Thôi chết, phải ngăn lại ngay. Chứ nếu có mặt bác Sanh là bác X. (xin không nói rõ tên) không dự cuộc này đâu. Làm sinh nhật bác ấy mà bác ấy bỏ về thì hỏng hết việc”.
Tôi nêu ý kiến, việc giữa hai người đã như thế, chắc gì nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tới dự. Vũ Quần Phương tỏ ra rất thấu hiểu tính cách của Nguyễn Xuân Sanh, anh nói ngay: “Không, đã mời là ông Sanh ông ấy tới đấy. Họp hành, công việc ông ấy nghiêm túc lắm, coi như mệnh lệnh mà. Phải tìm cách nào…”.
Quả y như rằng, được một lát nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã dắt xe đạp xuất hiện ở cổng cơ quan Hội. Chúng tôi đành phải ra xin lỗi nhà thơ, giải thích lý do và xin ông nên như thế, như thế… Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh hiểu ngay, ông ngùi ngẫm ra về. Nhìn dáng ông lủi thủi, chúng tôi không khỏi bùi ngùi…
Sự chu đáo của Nguyễn Xuân Sanh còn thể hiện rõ trong việc tặng sách. Lời đề tặng của ông không bao giờ chỉ là những chữ “Thân tặng” suông cả. Người viết bài này hiện còn lưu giữ được cuốn “Tuyển tập Nguyễn Xuân Sanh” do NXB Văn học ấn hành năm 1991, có bút tích đề tặng của ông, như sau: “Thân mến tặng Phạm Khải với tấm lòng thương mến thành thực nhất của Nguyễn Xuân Sanh”.
Cuốn hồi ký “Này sinh viên ơi, đứng lên đáp lời sông núi” của ông (NXB Thanh niên, 2000), bút tích đề tặng nhà sử học Dương Trung Quốc cũng rất bay bổng, thắm thiết: “Thân quý tặng anh Dương Trung Quốc, lược sử biên và một số hồi tưởng về phong trào sinh viên yêu nước, thời tiền khởi nghĩa trên mảnh đất Thăng Long, Hà Nội ngàn năm văn hiến của chúng ta”.
Lắm lúc tôi cứ nghĩ, giá như ở phần bìa lót, nếu các NXB không để chừa chỗ trống một cách vừa phải, thì hẳn lời đề tặng của ông sẽ dài hơn nữa, mặn nồng hơn nữa? Chữ ông viết đẹp, tròn trịa, có phần… học trò. Đặc biệt là, trong tất cả những bút tích của ông in đây in đó mà tôi được biết, không bao giờ ông viết tháu, viết tắt cả.
Nói vậy để thấy, cái sự hồn nhiên đến mức… khác người của Nguyễn Xuân Sanh tất cả cũng là vì ông muốn thể hiện sự yêu mến, trân trọng đối với bạn bè, đồng nghiệp mà thôi.
Theo Vanvn