Hồn thi nhân – Niềm vui và nỗi đau

1947

Lê Xuân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Từ ngàn đời nay thơ vốn là một cô gái kiêu sa, khó tính nhưng vẫn phải làm dâu trăm họ. Mỗi nhà thơ trong cuộc hành trình đầy niềm vui và nỗi đau cao cả của mình luôn muốn chiếm lĩnh nàng thơ theo một cách riêng. Và bạn đọc yêu thơ, say thơ cũng mỗi người một vẻ. Nhà thơ Chế Lan Viên đã nói: “Thơ hay như người con gái đẹp dù ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng”. Đó là khi “hồn thi nhân” cộng hưởng cùng bạn đọc.

Trước cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu – ông hoàng của thơ tình yêu, đã từng tuyên bố:

Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây

Ngay nhà thơ Tố Hữu lúc bấy giờ đang “Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” cũng đã thốt lên:

Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước
Chọn một dòng hay để nước trôi

Nhà thơ Xuân Diệu xem mình như “Con nai bị chiều đánh lưới/ Chẳng biết đi đâu đứng sầu bóng tối” (Khi chiều giang lưới). Khi được “mặt trời chân lý” của Đảng rọi chiếu, thì ông cũng như nhiều nhà thơ khác đã nhìn đời bằng “đôi mắt xanh non” và đã “lột xác” để “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nhân dân và tìm cảm hứng cho thơ:

Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi
Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu gian lao.
(Những đêm hành quân).

Chế Lan Viên kêu gọi các nhà thơ “Ra trận”:

Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ
Bên những dũng sĩ
Đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi.

Còn Sóng Hồng (cố Tổng Bí thư Trường Chinh) đã dõng dạc tuyên bố:

Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ
Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền
Và khi cần, quăng bút lấy long tuyền.

Tố Hữu – “con chim đầu đàn” của thơ ca cách mạng Việt Nam muốn ca vang mãi, muốn “thổi bùng lên tim bỗng hoá mặt trời” về sứ mệnh thiêng liêng của thơ ca khi được cách mạng giải phóng:

Thơ ta ơi! Hãy cất cao tiếng hát
Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta.

Ở thời nào cũng vậy, từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam trên trái đất này hồn thi nhân đều có niềm vui và nỗi đau của trái tim sinh nở. Nhiều nhà thơ chưa viết được câu “thần” thì nhắm mắt không yên. Và khi chọn được một “nhãn tự” đặt đúng vào câu thơ thì còn gì sung sướng bằng! Bởi nói như nhà văn Nguyễn Tuân, nó làm cho “bài thơ nổi gió”. Xuân Diệu mỗi khi được đọc một câu thơ có vần hay thì như được “ngậm kẹo” trong miệng. Song, ít ai thấu hết được niềm vui kia, nhà thơ đã phải chưng cất qua bao công đoạn “khổ sai” nhọc nhằn mà nhà thơ Lê Đạt gọi họ là “phu chữ”. Niềm vui cũng như nỗi đau của nhà thơ phần lớn chỉ một mình mình biết, một mình mình hay. Đó là “Người đi cày trên cánh đồng lặng im” như Ma Trường Nguyên – nhà thơ dân tộc Tày, đã dặn với lòng mình. Nhà thơ cũng như người nông dân cày ruộng, nhưng khác ở chỗ “gánh mưa vác gió… vẫn cười làm thơ”. Họ kéo cày chữ nghĩa, thai nghén và sinh nở đứa con tinh thần một cách đặc biệt lý thú:

Câu thơ viết ở trong phòng
Cũng đầm mưa ướt gió đông lệ thường
Cũng là một nắng hai sương…
Cũng đầm mưa ướt gió đông lệ thường.
Nhà thơ Võ Văn Trực đã đồng cảm với Ma Trường Nguyên:
Bút càng vật vã câu thơ
Đồng càng xoáy gió cơn mưa mù trời.
(Bài thơ viết giữa mưa đồng)

“Thơ ca là một niềm vui cao cả nhất mà loài người tạo ra cho mình” (Cac-Mac). Nhưng có biết bao nhà thơ đã phải đối mặt với thực tế phũ phàng và nhận thấy “cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu). Trước đây Tản Đà có lúc chán chuyện trần thế nên đã mơ “đem thơ lên bán chợ trời”, nhưng cũng đành bất lực.

Ngày nay không ít những nhà thơ muốn dứt nợ văn chương, nhưng thơ vốn trở đã thành “cái nghiệp” rồi, đã nghiện thơ rồi, nó luôn chảy trong huyết quản của mình thì sao đành dứt bỏ? Cái “cô gái” kiêu sa kia luôn làm tình, làm tội thi nhân. Sau bao nhiêu năm vật vã với nghiệp thơ, nhà thơ Nguyễn Diệu đã phải nói vui lời chia tay:

Thôi đành bán hết mộng mơ
Lấy tiền làm bữa tiễn thơ về trời.

Nói vậy thôi, chứ thực ra anh đã chiếm lĩnh được nàng thơ từ lâu rồi. Nhà thơ có lúc thất thu, có khi bội thu, có lúc lại phải “lấy thực nuôi mơ”. Nhưng đối với một nhà thơ chân chính dù trong hoàn cảnh nào cũng không bao giờ cho phép mình bán linh hồn cho quỷ dữ, không bao giờ bẻ cong ngòi bút hoặc thờ ơ, đứng ngoài niềm vui và nỗi đau nhân thế. Nhà thơ, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương, trong bài “Phận thơ” đã khẳng định:

Giữa dòng chợ búa lao xao
Câu thơ thấp phận nâng cao hồn người.

Nhà thơ Nga Raxun Gazatop đã viết:

Thơ vừa là chỗ nghỉ ngơi vừa là việc đầy lao lực
Thơ vừa là chỗ dừng chân, vừa là cuộc hành trình.

Lao động nghệ thuật của nhà thơ là thứ lao động cực nhọc như con ong cần cù hút hàng triệu triệu bông hoa để làm nên mật ngọt vàng óng cho đời. Đó là thứ lao động như người đãi cát tìm vàng, luyện một thứ quặng hiếm:

Nhà thơ trả chữ với giá cắt cổ
Như khai thác chất hiếm rađiom
Lấy một gam phải mất hàng năm lao lực
Lấy một chữ phải tốn hàng tấn quặng ngôn từ
(Maiacopski – nhà thơ Nga)

Trước sự bùng nổ về thông tin trong thời mở cửa hội nhập với bao loại báo đọc, báo hình, báo nói, bao nhiêu trang website phát triển rất mạnh mẽ, có người cho rằng thơ đã bão hoà, nhiều người đọc ngoảnh mặt với thơ. Bởi vì thơ hay thì ít, thơ thường thường bậc trung và thơ dở thì nhiều. Ai có tiền cũng có thể in thơ để tự “đánh bóng” mình, để tiếp thị, quảng cáo, để tặng nhau… Điều đó đáng mừng hay đáng lo, đúng hay sai?

Xin thưa rằng: Điều đó đáng mừng hơn đáng lo, đúng nhiều hơn sai. Bởi dân tộc ta vốn có truyền thống yêu thơ. Nhiều người không biết chữ vẫn sáng tác ca dao, hò, vè, và thuộc hàng trăm câu ca dao, có người thuộc lòng Truyện Kiều hay dăm câu Lục Vân Tiên, Nhị Độ Mai, Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Chinh Phụ Ngâm… Thơ là món ăn tinh thần, thuộc thượng tầng kiến trúc. Vì vậy có người thích món này, không thích món kia cũng là lẽ thường tình. Sao có người lại cứ bắt người khác cũng phải thích cái món mà mình khoái khẩu? Mỗi ngày có hàng nghìn bài thơ in trên các báo, tạp chí, trên mạng. Mỗi năm có hàng ngàn tập thơ ra đời. Đáng mừng lắm chứ, sao lại lo? Có thơ nghệ thuật thứ thiệt 100%, lại có thơ minh hoạ, tuyên truyền kiểu diễn ca, hò vè về một chủ trương chính sách nào đấy. Có thơ vui, thơ tếu tặng vợ, tặng bạn. Có thơ “Bút Tre hoá”, có thơ vui của Bảo Sinh, Trần Nhương… thơ bàn nhậu, thù tạc. Có thơ về tình yêu nam nữ thì cũng có thơ nói về sinh đẻ có kế hoạch, thơ bóng đá, võ thuật, thơ mùa cô vít … Mỗi tờ báo do nhiệm vụ, chức năng, mục đích, tôn chỉ khác nhau thì việc in loại thơ này, không in loại thơ kia là hợp lẽ. Nhưng thơ ấy “phải là cái nhuỵ của cuộc sống” (Tố Hữu), không phản lại mỹ cảm dân tộc, không đi ngược lại các chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước…

Chúng ta mừng vì hiện nay đã có một lực lượng đông đảo người yêu thơ, sáng tác thơ. Họ không quay lưng lại với thơ. Mừng lắm chứ! Cái còn lại – thơ đích thực, thời gian sẽ sàng lọc, bình giá. Thời gian chính là trọng tài vô tư, công minh nhất. Có người cứ đại ngôn la lối, chê hết nhà thơ này đến nhà thơ kia, chỉ có “phê” mà không có “bình”, cứ quá lo cho thơ trẻ đi chệch hướng. Trong khi đó họ luôn nhìn thơ bằng cặp kính xám xịt, không vị tha, lòng không rộng mở để đón gió bốn phương, trí không cao và tâm không sáng, lúc nào cũng muốn làm “quan toà” phán xét tất cả. Quả là buồn thay, khi họ chưa ý thức được chính bản thân mình. Sao họ không mở lòng ra để vui với cái vui nho nhỏ và chia sớt nỗi đau, nỗi lo của nhà thơ?

Chỉ khi nào hồn bạn đọc bắt gặp và cộng hưởng cùng “Hồn thi nhân” qua mỗi vần thơ thì lúc đó cái hay, cái đẹp của thơ mới có thể loé lên và bùng cháy. Trí có sáng, lòng có trong thì thơ mới đọng lại. Nàng thơ kiêu sa kia được làm dâu trăm họ cũng đáng tự hào lắm chứ. Các nhà phê bình thơ, các độc giả khó tính đừng vội nóng lòng, sốt ruột trước sư bùng nổ của thơ hôm nay. Đó là một quá trình phát triển theo hướng hiện đại hoá có sàng lọc. “Hồn thi nhân”, dù vui hay buồn, đừng bao giờ bỏ thơ mà bay mà hãy hoà vào hồn đất nước, hồn dân tộc mà cất cao tiếng hát.

L.X