Hồn thơ của thầy giáo văn

836

Lê Xuân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Từ những ngày còn là học sinh, thầy giáo Nguyễn Thanh đã viết qua nhiều thể loại: thơ, truyện, ký, phê bình, nhạc họa… và để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc. Nhưng có lẽ nhiều gặt hái và đam mê nồng nhiệt hơn cả với anh vẫn là… “nàng Thơ”.


Nhà giáo, nhà phê bình – Nguyễn Thanh.

Bạn đọc phía Nam đã quen với bút danh Ngũ Lang, Đan Thanh, Nguyễn Thanh,… qua một số tập thơ – văn như: Những áng văn hay (Thơ hay với lời bình – Cần Thơ ấn quán 1963), Những áng văn hay (Văn hay với lời bình – Cần Thơ ấn quán 1964), Tình khúc mùa xuân (Tập thơ – Nhạc NXB Mũi Cà Mau – 2003), Lời tự tình mùa thu (Tập thơ – NXB Văn nghệ TP. HCM 2004), Bến Tình (Tập thơ (NXB Văn nghệ TP. HCM 2008),  Những nét đan thanh (Tập tiểu luận văn nghệ, NXB Văn nghệ TP. HCM 2008); các tập truyện ngắn: Người vợ hai lần cưới (NXB Văn nghệ TP. HCM 2009), Yêu chỉ một lần (NXB Hội nhà văn 2021); các tập thơ dịch song ngữ: Love poems (thơ tình Anh-Việt- NXB Văn hóa-Văn nghệ TP. HCM 2013), Poèms d’amour (thơ tình Pháp-Việt, NXB Hội nhà văn 2013), Tập nhạc Thương hoài (NXB Âm nhạc – 2013). Nhiều tác phẩm hiệu đính và biên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, Pháp, Hoa, Đức, Ý, Nga… cho các nghệ sĩ nhà văn, bác sĩ: nghệ sĩ Trịnh Linh Phượng, Tiến sĩ Ngô Hồ Anh Khôi, Nhà thơ. BS Trần Tuyển, Nhà thơ. BS Huỳnh Văn Bá, GS. Hiệu Trưởng Võ Thanh Hùng… Đồng thời, Nguyễn Thanh cũng vẽ tranh, phổ nhạc, viết ca cổ cho nhà thơ Nguyễn Thanh Hùng, nhà phát kiến Võ Tấn Dũng cũng như hợp đồng biểu diễn Thư pháp – Vẽ ký họa tại cơ quan, nơi công cộng trong các ngày lễ Tết…Tác phẩm xuất bản của Nguyễn Thanh có hơn con số 50 trong đó gồm 12 tác phẩm in riêng, 15 hiệu đính và biên dịch và hơn 20 tác phẩm in chung với nhiều tác giả khác. Dù tốt nghiệp ban Toán, Văn, Mỹ thuật… nhưng hiện nay Nguyễn Thanh đang dạy Ngoại ngữ và hướng dẫn Biên dịch Anh-Pháp-Trung… hơn 10 năm nay cho sinh viên khoa Ngoại ngữ tại Cần Thơ.

Ngũ Lang – Nguyễn Thanh chính là anh Nguyễn Tấn Thành – một nhà giáo nặng lòng với nghệ thuật văn chương từ trước năm 1975. Anh đã có nhiều bài viết đăng trên các báo và tạp chí Trung ương và địa phưong như: Văn nghệ, Tạp chí Thơ, Nhà văn, Hồn Việt, Tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, Kiến thức Ngày nay, Áo Trắng, Thời văn,…

Từ những ngày còn là học sinh, anh đã thử qua nhiều thể loại: thơ, truyện, ký, phê bình, nhạc họa… Nhưng có lẽ nhiều gặt hái và đam mê nồng nhiệt hơn cả với anh vẫn là… “nàng Thơ”.


Bìa tập thơ “Lời tự tình mùa thu”. 

Lời tự tình mùa thu là một trong ba tập thơ xuất bản đầu tiên trong sự nghiệp văn chương của Ngũ Lang – Nguyễn Thanh trong hơn nửa thế kỷ nay. Tập thơ có 36 bài chọn ra từ mấy trăm bài mà anh sáng tác từ năm 1953 đến năn 2004. Cuối tập thơ có phụ bản là một bài phê bình văn học. Đây là tấm lòng của anh gửi tới quê hương, gia đình, bè bạn… với bao kỷ niệm buồn vui.

Thơ Ngũ Lang cũng như cái “tạng” của anh vậy, nó thâm trầm sâu lắng thường thiên về hoài niệm, nó thấm đẫm một nỗi buồn lãng mạn lúc sương sớm, chiều buông, nó ngân vang như câu vọng cổ xuống hò. Bài mở đầu tập thơ Lời tự tình mùa thu có thể nói là một tiếng lòng anh gửi đến quê hương, bè bạn tuổi trẻ một nỗ hoài vọng da diết:

Tiếng dế ram ran trổi nhạc vườn,         

Mê hồn nghệ sĩ đắm say hương

Ôm đàn mong phổ bài ca dịu,

Cung thư tê lòng ngập nồ thương.

Anh cảm nhận sự “độc hành” của cuộc đời mình và trong thơ để tìm đến “Chân-Thiện-Mỹ” tuyệt đích của cuộc sống, lòng anh ôm nhiều ước mơ chưa trọn nên nỗi buồn cứ trải ra như áng tranh nâu, như tiếng dế râm ran, như một điệu buồn bất tận. Nhưng điều đáng quý là nó không bi lụy, sướt mướt. Nó là tiếng giục giã để anh vững lòng bước lên một tầng cao mới. Thơ anh viết về đồng quê là một bức tranh trán đầy màu sắc tươi tắn và rộn rã những âm thanh cuộc sống:

Trời trong vắt, trời cao thăm thẳm,

Lúa xanh rờn lúa tắm nắng mai;

Líu lo chim hót cành cây,

Du dương chìm bổng bên tai mục đồng

                                       (Đồng quê)

Ở bài Trưa hè, anh vẽ được một hình ảnh trẻ thơ nông thôn rất hồn nhiên:

Bên cạnh mẹ, một thằng cu rũ rượi,

Cởi áo trần, nằm dưới đất khô khan,

Rồi thả hồn trong giấc ngủ miên man

Lông lốc bụi, com mèo đang giỡn bóng.

Ở các bài Võng trưa, Mặt trời mọc trên núi Cấm, Tiếng cú đêm khuya, Thới Đông, Vế Long Mỹ, Đến với Nha Trang, Nhật ký Vòng Cung, Nỗi  niềm Dốc Lết… anh đều khắc họa được những bức tranh tâm trạng qua những cảnh thiên nhiên và con người ở một vùng sông nước vừa hiện thực, vừa đậm chất lãng mạn.

Cái tình của anh trải ra cùng bè bạn, sẻ chia cho mọi lớp người đang bươn bả trước cuộc đời dâu bể. Đây là cảnh trường quê trong kháng chiến chống Pháp.

Những thầy giáo trẻ lên đường hết,

Lớp học buồn như lạnh rét đông,

Trường quê tắt lịm âm vang trước

Trống cũ giờ thay vỏ đạn đồng.

Những tên làng, tên núi tên sông cứ ùa vào thơ anh như cuộc sống vốn có: Lộ Vòng Cung, Trường Lạc, Cả Thôn, Trà Luộc, Tân Quới, Ba Mít, Tân Thới, Thới Đông, Thất Sơn, Núi Cấm… Mỗi địa danh đều gắn với một cảnh quan đẹp hay một sự tích anh hùng.

Nhưng có lẽ sâu lắng và nhiều ẩn ức, hoài niệm hơn cả trong thơ anh là những bài thơ tình. Cái tình của anh nhẹ nhàng, bay bổng nhưng luôn trăn trở một niềm riêng, một nỗi buồn man mác có lúc tưởng như “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (Xuân Diệu). Đôi khi ta “nhìn em” để rồi “nhìn tôi” trước sự ngỡ ngàng:

Mặn mà sánh đôi

Trên những con đường Thiên Thai thoát tục

Tự thấy mình sa mạc độc hành

Chợt thoáng nhìn em ngây thơ trái cấm”.

Có lúc anh đặt một “Dấu hỏi” trước một ánh mắt xa lạ mà “giao thoa” như đã hẹn hò, linh cảm từ kiếp trước: “không gian hành hương / Tĩnh lặng? Em – tôi, hai người xa lạ / Nghĩ gì? / Khi ánh mắt nhìn / bất chợt giao thoa”.

Và vẻ đẹp chân quê của những cô gái miệt vườn đã choáng ngợp hồn anh:

“Đẹp là nét đẹp trinh xưa

Xinh là xinh vẻ nắng mưa dãi dầu

Thà em cam phận gái vườn

Chân bùn tay lấm nắng sương phận nghèo”

                                   (Quê hương)

Thơ Ngũ Lang có sự kết hợp hài hòa giữa hướng nội và hướng ngoại, vừa giản dị vừa triết lý. Tác giả đã khéo léo kết hợp các giọng điệu thơ vừa mang âm hưởng của những thể thơ lục bát, vừa có cái sâu sắc của thơ Đường, cái tự do thoải mái của thơ mới, thơ tự do… Nhưng điều đáng quý ở thơ anh là sự chân tình mộc mạc như chính cuộc đời giản dị mà anh từng trải. Anh đã tránh được lối viết cầu kỳ, tỉa tót, vì anh có vốn ngoại ngữ căn bản tiếng Anh, Pháp, Hoa, đã đọc và dịch nhiều bài thơ từ nguyên bản tiếng Anh, tiếng Pháp, nên cách ngắt câu, dùng từ khá linh hoạt. Dù rằng đâu đó vẫn còn một số từ dùng “cổ” chưa phù hợp với nội dung hiện đại.

Lời tự tình mùa thu là lời của một trái tim đau đáu một tình yêu và nỗi đau, nỗi lo trước cuộc sống còn nhiều bươn chải. Âu đó cũng là một tình yêu lớn với dân tộc, quê hương, gia đình, bạn bè, tình yêu. Từ sự trầm lắng hoài vọng, ta vẫn bắt gặp cái nhìn lạc quan yêu đời của Ngũ Lang – Nguyễn Thanh trước cuộc sống trăm hồng, ngàn tía, trước con người với tất cả niềm tin và vẻ đẹp vĩnh hằng của nó. Đó cũng chính là thông điệp của những lời tự tình nhẹ và êm, đẹp như nắng, gió mùa thu của anh đem đến cho bạn đọc.

L.X