Huệ Thi với tác phẩm Tơ trời

1529

(Vanchuongphuongnam.vn) – Vào cuối năm 2015, Huệ Thi tổ chức ra mắt tập thơ Khát Khao tại khách sạn Netsta Cần Thơ đã chiếm được cảm tình của đông đảo bạn yêu thơ đến dự. Sự kiện ra mắt tập thơ đầu tay của Huệ Thi đã tạo được tiếng vang không những ở TP Cần Thơ mà còn bay xa, lan tỏa khắp các tỉnh thành trong cả nước. Đọc tập thơ Khát Khao, bạn bè yêu thơ cùng chung nhận định: thơ của Huệ Thi truyền cảm, vừa mượt, vừa chất và chắc chắn sẽ còn tiến xa… Quả nhiên không lâu sau đó, Huệ Thi được kết nạp vào Hội Nhà văn TP Cần Thơ.

Bìa tập thơ Tơ Trời

Sau tập thơ Khát Khao (2015), nhà thơ trẻ Huệ Thi lần lượt ra mắt các tập thơ: Bóng Quê (2016), Đa Đoan (2017), Ngược Dòng (2018) và Tơ Trời là tập thơ của năm 2019.

Mỗi năm Huệ Thi đều đặn ra một tập thơ và ra mắt bạn đọc đã là kỳ công trong thời buổi “văn chương hạ giới rẻ như bèo” như bây giờ. Đáng quí là nhà thơ Huệ Thi còn phải bận bịu trăm công nghìn việc, vừa lo gia đình vừa gánh trách nhiệm Công ty mà nhà thơ đang giữ chức vụ Giám đốc.

Phải chăng “Duyên Tơ Trời” đã buộc chặt vào tâm hồn nhà thơ:

Tơ trời thôi hóa tàn mây

Tan đi như thể hóa say lụy phiền

Buộc chi chẳng phải lương duyên

Phù hoa mấy độ câu nguyền thành sương

 (Tơ Trời)

Chỉ là trích đoạn thôi, người đọc đã lâng lâng với những vần thơ lục bát mượt mà, ẩn chứa bao điều tâm sự. Trong tập thơ “Tơ Trời”, Huệ Thi rất ưu ái thể thơ lục bát. Tập thơ có 38 bài thơ, trong đó 2/3 là bài thơ lục bát. Xin nói thêm, không riêng gì Tơ Trời, các tập thơ trước của Huệ Thi, thơ lục bát luôn chiếm đa số. Điều này chứng tỏ, thơ lục bát là sở trường của Huệ Thi. Trữ tình, mềm mại, giàu hình tượng, nữ tính… đã tạo nên phong cách rất Huệ Thi:

Dặt dìu đắm tận hoan ca

Thôi khe khẽ kẻo gió va phải mành

Trời sao xanh đến là xanh

 Đông len lén liếc

Long lanh bên thềm

(Khẽ Gọi Mùa Sang)

Cảnh và tình trong tập thơ Tơ Trời hòa quyện với nhau rất tự nhiên, dùng cảnh tả tình, thể hiện cảm xúc thông qua ngôn ngữ hình tượng rất sành điệu, vừa hồn nhiên vừa lãng mạn, khiến người đọc cảm nhận được nỗi nhớ thương cay đắng xót xa, còn niềm đau thì lại ngọt ngào thi vị:

Chơ vơ buộc nhớ vào không

Hỏi mây trôi lạc miền thong dong nào

Cho ta gói chút cồn cào

Rằng xa bỗng nhớ đến đau đau là

 (Nhớ Đau Đau Là)

Đến “cái ghen” cũng rất ư là đáo để:

Chiều tàn bó gối lặng thinh

Giờ này phương ấy mình mình em em

Nhạt nhòa gối ướt mi rèm

Chém cha cái kiếp! tàn đêm rã rời.

 (Thôi… Về)

“Tơ Trời” thiên về thơ tình: “Buộc Nhầm Sợi Tơ”, “Bạc Tình”, “Nhớ Đến Xanh Xao”, “Ngã Tình”… đều mang dáng dấp một bóng hồng “Đa Đoan”, luôn “Khát Khao” với một tình yêu cháy bỏng dành cho một nửa của riêng mình, cho thơ:

 Khi đêm về ta bấu víu câu thơ

  Là gào thét để dồn vào con chữ

Hỏi nhân gian sao vẫn đành chế ngự

Sợ đời đau giành lấy cho riêng mình

(Ta Sẽ Về Đâu)

Hoặc là:

 Em rót tình vào đâu

 Cho đời thôi nặng nợ

 Cho tim đừng vụn vỡ

Cho chiều bớt bơ vơ

 (Rót…)

Đặt biệt trong tập thơ “Tơ Trời”, giữa những bộn bề nhớ nhung, dỗi hờn tình cảm lứa đôi, Huệ Thi vẫn ý tứ dành một bài thơ trang trọng viết về Mẹ (Viết cho những ai không còn Mẹ), lời thơ da diết, sâu lắng:

Mẹ ơi mưa hắt bên sân

Đêm nay trăng khuyết chuông ngân vọng về

Tựa đời gọi khản u mê

Cuốc kêu tìm bạn bốn bề mênh mông…

 (Xa Mẹ Mùa xa)

Trót vương kiếp nợ văn thơ không ai mà không lao tâm khổ tứ, đánh vật với con chữ để cho ra đời những tác phẩm làm đẹp cho đời. Đã từng bắt gặp Huệ Thi “than vắn thở dài”, trăn trở với cách đặt tên của một tập thơ lúc còn trên bản thảo, mới biết tác giả không hề dễ dãi với thơ, luôn chăm chút câu từ, vần điệu, ý tứ trong các tác phẩm của mình.

Tơ Trời là một tập thơ lan truyền cảm xúc của tác giả đến người đọc.

Ông Trời thả tơ, nhà thơ Huệ Thi vương phải hay tác giả “Tơ Trời” giăng tơ, độc giả vướng phải. Tùy vào “Duyên Tơ Trời”.

Dũng Trần