Huệ Thi với tập thơ Thăng Hoa

1248

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà thơ Huệ Thi tên thật là Nguyễn Thị Huệ, sinh năm 1982 tại làng Trang Điền, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, hiện đang sống và làm việc tại thành phố Cần Thơ. Chị tốt nghiệp kỹ sư cầu đường (ĐH GTVT) và là Hội viên Hội Nhà Văn Tp Cần Thơ. Huệ Thi sáng tác từ những năm học cấp 2 và là cộng tác viên thường xuyên của báo Áo Trắng, Mực Tím… Từ năm 2015 đến nay, Huệ Thi đã in 8 tập thơ và Thăng hoa (NXB VH-VN) là tập thơ thứ 9 của chị vừa xuất bản. Vanchuongphuongnam.vn trân trọng giới thiệu bài cảm nhận của nhà văn Nguyễn Trí về tập thơ này.

Tập thơ Thăng hoa của Huệ Thi

Tình yêu là hư vô nhưng con người luôn đắm chìm vào nó. Đắm chìm để sống để chết và sau đó là thăng hoa. Thăng hoa là chi?  Theo vật lý học thăng hoa là quá trình chuyển biến từ thể rắn qua thể khí, mà không qua thể lỏng. Theo quý vị từng bị tình đập cho thê thảm thảm thê thì thăng hoa là trạng thái của những kẻ yêu được yêu và thất vọng vì yêu sẽ cho ra thơ. Nói nghe dễ quá. Yêu. Được yêu và thất vọng mà ra thơ thì cả thế gian nầy ai cũng là thi sĩ ráo.

Có một giang hồ thứ thiệt ba chìm bảy nổi chín lênh đênh chả thua ai trên luân lạc đời. Một hôm cùng bạn bè nâng chén tiêu sầu. Bè bạn của giang hồ thứ thiệt nầy toàn văn nhân thi sĩ.  Nhớ đến tình đầu dang dỡ trong cay đắng giang hồ bèn cất giọng mà thơ rằng:

Ta xin chết vạn lần có thể

Dưới môi em tinh khiết tựa mây trời

Xin một đời tưới mát giọt mưa rơi

Ươm tóc thơm theo bốn mùa thương nhớ

Xin cho ta say kiệt cùng hơi thở

Được nhìn em xuống phố mỗi thu vàng

Mắt em cười đốt cháy cả miền hoang

Ta khờ dại gối quì xin đáy mắt

Ta van em trong lặng thầm im bặt

Mơ đêm dài áo trắng đẫm tinh khôi

Chẳng thể chạm qua núi núi đồi đồi

Ta sẽ giữ một đời màu thanh khiết

 Em là ai giữa biển chiều sóng biếc

Dội vào đâu cũng ngây ngất men nồng

Ta gã khờ tát mãi chẳng cạn sông

Tình cho em ghìm dặn đừng bão tố.

Văn nhân thi sĩ nhìn giang hồ ồ lên kinh ngạc rằng sao mà hay quá thơ của túc hạ sao mà hay thế. Nhưng khách giang hồ lòng tự trọng cao như thái sơn. Hắn ta bảo:

Những từng trãi và những cái đang có trong đầu tại hạ mà làm được thơ thì quý túc hạ đây buông bút hết. Đây là bài “Em là ai?” Của nữ sĩ Huệ Thy. Tại hạ muốn làm một bài để tặng tình đầu dang dỡ nhưng kẹt cái thơ nặng lắm quý huynh đài ạ. Với thi ca thì lực như tại hạ đây không kham nỗi. Đành mượn thơ người khác để giãi bày tâm tư mình.

Thơ vốn dĩ bay bổng nhưng lại nặng như núi.  Để người đọc cảm nhận được sâu lắng của tâm hồn thì không thể dùng lý trí mà được. Nhưng khi răng cắn chặt quản bút và mắt đăm chiêu nhìn vào bóng tối của ánh sáng… không dùng lý trí để xếp đặt con chữ thì dùng chi? Có những nhà văn viết hàng vạn chữ. Sách in hằng hà sa số nhưng không viết được một bài thơ. Mới hay rằng thơ cực kỳ khó. Không bay là thơ chết. Bay nhưng lại nâng được cả núi non sông bể mới thật là kỳ lạ.

Nhà thơ Huệ Thi

Viết – trước tiên – để giãi bày những uẩn ức tâm hồn. Một niềm vui một nỗi buồn đang ngập tràn không thể giữ phải phóng bút khi đã thực sự thăng hoa. Viết xong lại có người mượn tạm để giãi bày tâm tư là một thành công hiếm có. Một nhà thơ được vài câu để tha nhân nhắc đến khi trà dư tửu hậu là cực kỳ quý hóa. Một bài thơ được bằng hữu khi chén rượu khi cuộc cờ đọc lên để cũng nhau thưởng ngoạn thì hạnh phúc nào bằng.

Giang hồ thứ thiệt – kẻ mượn bài Em là ai? – để đọc khi chén rượu canh trà thuộc rất nhiều thơ hay. Hắn chia thơ ra làm hai thể. Một thể rắn và một thể khí. Thể rắn xuất phát từ ánh sáng của của ánh sáng. Loại thơ nầy nấy rất khó cảm thụ bởi sự chói chang của trí thức hoặc học đòi trí thức. Ở thể khí thì khác. Khí thơ được thăng hoa từ những phút xuất thần khi nhìn thấy được bóng tối trong ánh sáng. Bọn giang hồ không kẻ nào không biết hai câu giang hồ ta chỉ giang hồ vặt nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà của Phạm Hữu Quang hoặc giang hồ cứ ngỡ  mình cứng cỏi, nửa đêm nhà lạ lạc mênh mông, quờ tay chạm phải đêm vô tận, một mình nghe khói rớt ven sông của Nguyễn Trung Nguyên… và nhiều nữa những câu những bài đã bay lên đến thượng tầng thanh khí.

Hắn bảo rằng thơ Huệ Thy có thần. Thần khí. Và dẫn chứng:

Người đứng bên lề nỗi đau

Làm sao hiểu tái tê vết thương rỉ máu

Làm sao biết tận cùng cơn đau là hơi thở dài thắt ngực

Là bầm môi như thể ngày tàn.

“Là bầm môi như thể ngày tàn”. Đọc xong ta nghe như có một chiếc lá vàng rụng xuống đời và hóa thành một vạn nỗi buồn. Chỉ một câu mà sức lan tỏa như vậy không thần thì là chi?

Tập thơ có tên “Thăng hoa” gồm ba mươi chín bài. Hầu hết là thơ tình. Tất cả như cái tên bởi tất cả đều nằm ở dạng thượng tầng thanh khí. Tình nên có đủ cung bậc của thất vọng hy vọng buồn vui hờn giận. Từ vu vơ:

Xin thời gian hãy dừng

Cho phút giây thôi đừng lưng chừng đùa cợt

Em nhớ anh

Là em nhớ anh

Như chiếc lá còn xanh khô cằn dòng nước

Anh ơi…cớ sao bước chân quay ngược

Bơ vơ chiều thảng thốt hướng về đâu

 Đến não nùng:

Đã bao lâu em tự ủ môi mềm

Tiếc thanh xuân trôi qua đời vô nghĩa

Nụ cười dấu nhẹm dưới lớp son đủ sắc màu lấp liếm

Sao tận cùng nức nở rướm màu khô

Và yêu và thương và buồn ơi là buồn:

Tưởng gần mà hoá thật xa

Tưởng yêu lại hoá chỉ ta mơ ngày

Tự lòng bó gối cơn say

Chuốc mềm đêm trắng bỗng cay cay đời

 Ơ kìa sao bỗng rối bời

Đánh rơi ánh mắt phía trời không trăng

Thì ta ta chỉ nói rằng

Nhặt rồi sao nỡ giấu ngăn nửa vời

  Cũng rất tận cùng tuyệt vọng:

Hơn một lần mình nói tiếng chia tay

Băm tình yêu bằng trăm ngàn thù hận

Cạn chén tình, úp trơ men nào giận

Là tại ta không ru hạnh phúc một lần !

 Thêm một lần chờ đợi tiếng chuông ngân

Mình gian dối vò nhau bằng đêm trắng

Em đã hôn anh vào tấm hình… hôn tràn trong ức nghẹn

Sao không một lần nhắn vội: nhớ nhớ người ơi

Văn nhân thi sĩ bạn của giang hồ bảo rằng hắn ta quá ngạo nghễ khi dám chia thơ ra rắn và khí, lại cường điệu khi đưa thơ Huệ Thy lên thanh khí thượng tầng. Hắn bảo rằng trong thơ phải có nhạc và họa và trong thơ Huệ Thy vừa đủ nhưng yếu tố ấy. Rồi ví dụ:

Em về mặc áo màu xanh

Hôm nao anh khẽ dỗ dành màu yêu

Ngoài kia phố đã rám chiều

Bơ vơ cất bước vạn điều mơ anh.

Trong thơ nhạc có họa có tâm tình.  Để trên đầu nắm buồn buồn mở ra đọc không thượng tầng thì là chi? Nếu quý túc hạ không tin cứ đọc “Thăng hoa” thử xem tại hạ cường điệu hay không là biết liền.

Nguễn Trí