Hùng tráng bản trường ca Hòn Khoai 

1511

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Phan Ngọc Hiển hy sinh nhưng khoảng 70 tác phẩm đa dạng ông để lại mang khí phách của nhà giáo yêu nước, in đậm dấu ấn của một chân dung văn hóa văn nghệ đích thực. Ông viết theo nhiều thể loại: từ sáng tác như truyện ngắn (10), tiểu thuyết, thơ, tùy bút, bút ký đến phóng sự (20), điều ra, chính luận (10…Riêng tiểu thuyết: Mương đào ổ yên được sáng tác trong năm 1936 với hơn 40 ngàn từ.

Anh hùng Phan Ngọc Hiển 

Khai triển sâu sắc mối tương quan giữa hoàn cảnh đặc thù và lý tưởng anh hùng trong đời người, thi sĩ – nhà chính trị Phan Châu Trinh (1872-1026) nói: Nếu phải đường đời bằng phẳng hết/ Anh hùng hào kiệt có hơn ai. Thi sĩ lãng mạn Pháp Alfred De Musset (1810-1857) cũng đã tinh tế ví von: Tiếng ca tuyệt vọng nhất là tiếng ca hay nhất (Les plus désespérés sont les chants les plus beaux). Tư tưởng thâm thúy trên khả dĩ minh chứng được bằng những cuộc đời ngoại hạng của những danh nhân tên tuổi rạng ngời trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc: Hồ Chí Minh, Lê Bình, Nguyễn Việt Hồng, Phan Ngọc Hiển. Trong số những hào kiệt đó, nhà giáo Phan Ngọc Hiển là một chí sĩ chân dung văn hóa sáng chói gắn liền với lịch sử kháng chiến thời Nam kỳ Khởi nghĩa ở Nam bộ. Cũng hơn thập niên trước, tôi có dịp tiễn một bạn đồng nghiệp từ trường PTTH Châu Văn Liêm thuyên chuyển về dạy Văn tại trường Trung học Phan Ngọc Hiển tọa lạc tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, thành phố Cần Thơ. Từ đây, được may mắn tìm hiểu thêm về nhà chí sĩ yêu nước mà trường học mang tên, tôi càng thích thú và vô cùng cảm phục nhà giáo-nhà báo anh hùng Phan Ngọc Hiển.

Phan Ngọc Hiển (1910-1941) sinh ra tại phường Thới Bình – cùng quê quán với cô nữ sinh lớp Đệ Ngũ trẻ đẹp Phạm Thị Hồng Hạnh, tác giả bài thơ ”Cây tre” hàm ý chống chế độ Ngô Đình Diệm nên bị đuổi học khỏi trường Trung học Phan Thanh Giản  (1957) – thuộc quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Xuất thân từ một gia đình lao động nghèo, cha Phan Ngọc Hiển là Phan Văn Vinh và mẹ là Trương Thị Cư. Không may cả song thân đều mất sớm hết ngay từ lúc mới lên 10 tuổi, Phan Ngọc Hiển sống với hai anh chị ruột là Phan Văn Thới và Phan Kim Sa. Được sự đùm bọc tận tình của người cậu ruột giàu lòng thương cháu là Trương Quang Đẩu, Phan Ngọc Hiển tự hiểu biết thân phận, lo chăm chỉ học hành. Ông Đẩu nhận xét tích cực về đứa cháu mồ côi của mình: Thằng này về sau ắt sẽ làm nên. Thông minh hiếu học, năm 21 tuổi, Phan Ngọc Hiển đã tốt nghiệp Sư phạm Trung học tại Sài Gòn. Trong thời gian còn đi học ở trường, Phan Ngọc Hiển sớm nảy nở lòng yêu nước và tinh thần phản kháng chống thực dân. Khi nghe tin chí sĩ Phan Châu Trinh qua đời, Phan Ngọc Hiển đã cùng các bạn trong trường và đông đảo các tầng lớp đồng bào cùng nhau bãi khóa để tang. Thực dân Pháp đã ghi tên anh vào sổ đen, sau đó đày thầy giáo trẻ có lý tưởng giải phóng dân tộc đến dạy học tại Rạch Gốc, miệt đất Mũi tỉnh Cà Mau nơi tận cùng đất nước.

Được biết Rạch Gốc vào thời điểm đó có khoảng 450 hộ dân trong đó chỉ có một số ít hộ khá, còn lại là người lao động nghèo. Đa số làm nghề chài lưới phải đi vay tiền của mấy ông Bang người Hoa Kiều để sắm thuyền ra khơi và mua ngư cụ. Tôm cá đánh bắt được còn tươi hoặc phơi khô thì người Hoa Kiều giàu có độc quyền mua trước để chở lên bán ở Sài Gòn. Không bán cho họ thì họ siết nợ hoặc không cho vay nữa. Do vậy mà dân nghèo càng thêm điêu đứng. Phan Ngọc Hiển đã tranh thủ nhiều dịp đứng ra trình bày cho người dân địa phương hiểu rõ. Khi đứng lớp dạy học hoặc tiếp xúc với phụ huynh, bà con thôn xóm, thầy giáo gốc Tây Đô luôn gây ý thức tốt cho họ: Muốn có một nền văn hóa đặc thù, việc đầu tiên dân tộc phải làm là làm sao có độc lập tự do. Trước mặt học trò trong lớp, nhà giáo Phan Ngọc Hiển không máy móc giảng theo sách giáo khoa mà nhà nước thuộc địa thời ấy đã ghi: Tổ quốc ta là nước Pháp, tổ tiên ta là người Gô-Loa (Notre patrie est la France, nos ancêtres sont des Gaulois). Nhà giáo yêu nước đã mạnh dạn giảng dạy những bài học đúng đắn tích cực cho những học trò vùng xa mà không  hề sợ bị tù đày: Tổ quốc ta là nước Việt Nam và chúng ta là Con Hồng cháu Lạc.

Mở rộng thêm không gian hoạt động, thầy Phan Ngọc Hiển xướng ra việc thành lập Hội Đá Banh, hội Ca Nhạc với mục đích tập họp thanh niên, quần chúng  hằm hun đúc ở họ lòng yêu nước.

Trong hai năm dạy học tại Cà Mau, thầy giáo Phan Ngọc Hiển đã bị thực dân Pháp bắt 2, 3 lần. Kính yêu, tín nhiệm thầy Phan Ngọc Hiển, học sinh, phụ huynh và bà con địa phương rầm rộ đứng lên phản đối và yêu cầu nhà cầm quyền phải thả ông ra. Chùng bước trước sự đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, bọn cầm quyền thực dân buộc lòng phải trả tự do lại cho nhà giáo Phan Ngọc Hiển.

*

Ý thức được sứ mệnh thiêng liêng cao cả của giáo dục và văn nghệ – báo chí trong lĩnh vực văn hóa nước nhà, Phan Ngọc Hiển chuyển sang làm báo. Trước tiên, anh là phóng viên cho tờ báo Tân Tiến có tòa soạn đặt tại tỉnh Sa Đéc (nay thuộc Đồng Tháp). Thấy rõ lập trường kiên định và tinh thấn phản kháng thực dân mạnh mẽ, cách mạng điều anh về Sài Gòn bổ nhiệm vào Ban Biên tập cho báo tiến bộ Liên đoàn Lao động. Đến tháng 6 năm 1939, do yêu cầu của tình hình chính trị địa phương, Phan Ngọc Hiển được phân công trở lại hoạt động ở vùng Rạch Gốc, Cà Mau.

Trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, Phan Ngọc Hiển hăng hái dứng ra trực tiếp lãnh đạo tổ chức cuộc nổi dậy ở Hòn Khoai ngày 13/12/1040. Hòn Khoai là tên một hòn đảo nằm trong cụm đảo mang cùng tên, nằm cách đất liền khoảng 14, 50km, thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau. Đó là một dấu mốc tiền tiêu của mảnh đất mới còn non trẻ được hình thành theo thời gian mang vẻ đẹp hoang vu thần tiên với bãi cát vàng trải dài kỳ thú. Nơi đó có những bãi đá trứng tròn trĩnh xinh xắn sắp đặt tự nhiên hoang dã ẩn dưới làn nước trong xanh vô tận. Một ngọn núi nhỏ xanh um rập rạp với ngàn cây nhưng cô đơn giữa biển khơi, ngày đêm âm vang rì rào tiếng sóng vỗ hiền hòa. Hòn Khoai chỉ cao hơn 300 mét nhưng sừng sững với ngọc hải đăng cần mẫn ngày đêm soi rọi về bốn hướng khơi xa và đất liền quê mẹ. Ngày thầy giáo Phan Ngọc Hiển ra mở trường dạy học, đảo chỉ có độ mươi người vốn là gia đình của những nhân viên trông coi đèn biển dười sự chỉ huy của một sĩ quan Pháp tên Oliver.

Dù anh em quyết tâm với môt ý chí lớn nhưng do hoàn cảnh khách quan ở một nơi đìu hiu quạnh vắng giữa mênh mông biển khơi, cuộc khởi nghĩa bị lộ, nghiệp lớn không thành. Thầy giáo Phan Ngọc Hiển, người chỉ huy trong số “10 chiến sĩ cảm tử Hòn Khoai” đã bị bắt và bị thực dân hành quyết tại tại sân vận động thị trấn Cà Mau ngày 12/7/1941 khi anh mới 31 tuổi.

Tại pháp trường, Phan Ngọc Hiển thể hiện sự dũng cảm không  hề sợ chết, giật chiếc băng đen bịt mắt, nhìn thẳng vào kẻ thù, khẳng khái bằng những lời tuyên bố thép hừng hực ý chí căm thù: “Chúng tôi sẵn sàng chết để tranh đấu cho đồng bào được ấm no, nhất định những người kế tục chúng tôi sẽ tiêu diệt thực dân Pháp. Nhất định nước Việt Nam sẽ hoàn toàn độc lập”. Trước khi bọn đồ tể tay sai nổ súng, thầy giáo – nhà báo – nhà văn, thủ lĩnh cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai Phan Ngọc Hiển đã anh hùng dõng dạc hô to khẩu hiệu: “Hồ Chí Minh muôn năm”, “Nước Việt Nam độc lập muôn năm”. Sau khi bị thực dân xử bắn 10 chiến sĩ Hòn Khoai, báo Tia Sáng ở Sài Gòn có đăng tin trang trọng.

*

Phan Ngọc Hiển hy sinh nhưng khoảng 70 tác phẩm đa dạng ông để lại mang khí phách của nhà giáo yêu nước, in đậm dấu ấn của một chân dung văn hóa văn nghệ đích thực. Ông viết theo nhiều thể loại: từ sáng tác như truyện ngắn (10), tiểu thuyết, thơ, tùy bút, bút ký đến phóng sự (20), điều ra, chính luận (10…Riêng tiểu thuyết: Mương đào ổ yên được sáng tác trong năm 1936 với hơn 40 ngàn từ.

Mang hồn cốt nhà báo, Phan Ngọc Hiển hằng tâm niệm sâu sắc mà thực tế: “Báo giới là lòng dân trước chính phủ, là ngọn đuốc giúp chính phủ thấy rõ đâu chánh, đâu tà, đâu liêm sĩ, đâu ô trược, đâu bình dân, đâu hiếp dân”.

Quan niệm về văn học là phải gắn liền với đời sống thiết thực của nhân dân, Phan Ngọc Hiển viết: “Cái chân giá trị của nhà văn là làm sao cho người xem văn phải hóa theo văn, chớ không phải ở câu văn dồi dào như mây gió thoảng qua. Một người văn sĩ bình dân thấy rõ chỗ cần dùng, chỗ đói khát của dân, biết tâm lý của dân, thì đoạn văn, quyển sách ấy không liệt vào hạng sách nhảm nhí”. Từ đó, Phan Ngọc Hiển khẳng định chí lý nghề văn phải gắn kết hữu cơ với trách nhiệm xã hội và đất nước: “Con tằm mảng nhả tơ… nhà văn ngày đêm cặm cụi cạo óc, trả nợ đời, trả hoài không dứt. Cảnh khuya lai láng tình non nước… nước mắt chan hòa”.

Về kinh tế, Phan Ngọc Hiển, chủ trương chấn hưng nghề nông  và cố làm sao cho kinh tế được phát triển vì đó là tiền đồ của đất nước: “Phải chung sức chung lòng mờ mang thương mãi, phát triển công nghiệp để tự chủ, tự lập”.

Về giáo dục, con đường đã chọn ngay từ đầu sự nghiệp, Phan Ngọc Hiển viết nhiều bài kêu gọi đấu tranh thực thi công việc khai hóa dân trí vì sự dốt nát làm lu mờ dân tộc hai mươi mấy triệu dân da vàng này chừng nào mới thoát khỏi vòng nô lệ. Nhìn chung, tâm huyết của Phan Ngọc Hiển ở lĩnh vực nào cũng hội tụ về một quỹ đạo sáng trong cao đẹp là xây dựng ấm no hạnh phúc cho đồng bào bằng lập luận: “Phá và Lâp. Phá tan cái thành khổ, lau khô giọt lệ đau thương. Lập cá khí cũ để xây thành mới: âm no, tự do, hạnh phúc” cho nhân dân.

Nhìn chung lại, từ hành động đến tư tưởng thể hiện qua tác phẩm và cuộc đời, trong mọi lĩnh vực, Phan Ngọc Hiển vẫn được coi là biểu tượng của một chí sĩ yêu nước qua phong cách của một thầy giáo – nhà báo, nhà văn chân chính giàu tính dân tộc mà không  một ai có thể phủ nhận.

Với những cống hiến bằng tâm huyết của thầy giáo Phan Ngọc Hiển, được Nhà nước truy tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Ngoài ra, ngày nay, tên ông đã được lấy đặt cho tên trường học và tên đường tại nhiều thành phố trong nước. Tại Cà Mau: huyện Ngọc Hiển, một đường phố chính, hai trường Phổ thông Trung học, một trường PT Cơ sở, một trường Tiểu học. Tại thành phố Cần Thơ, quê quán của Phan Ngọc Hiển có trường TH PT Phan Ngọc Hiển lớn rộng khang trang nằm ngay tại Khu La Tin nội ô của Tây Đô. Nhà thơ Nguyễn Bá cũng đã cảm xúc sáng tác hai tác phẩm về Hòn Khoai: Trường ca Hòn Khoai (1978), Hòn Khoai (tiểu thuyết-1992) để bày tỏ lòng ngưỡng mộ Anh hùng Liệt sĩ Phan Ngọc Hiển.

                                                                          08.2021

                                                                                     N.T