“Hương chùm kết” – Tâm tình cô gái Huế

606

Ninh Giang Thu Cúc

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi ngồi im lặng thả hồn theo từng lời từng chữ, từng cung bậc bổng trầm mà nghệ sĩ Hoài Anh thể hiện bài thơ “Hương chùm kết”. Bài thơ của nhà thơ nữ Hồ Đắc Thiếu Anh viết theo thể lục bát có 24 câu nội dung khá thanh nhã.

Nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh

Với “Hương chùm kết”, tác giả đã đưa người nghe, người đọc trở về với cội nguồn yêu dấu, với mảnh đất cắt rốn chôn nhau, miền quê hương mưa dầm nắng lửa, nghèo nàn những xa xỉ xô bồ, nhưng lại giàu vô vàn những mật ngọt hương thơm mà điển hình là hương chùm kết. Hương chùm kết đã khơi dậy trong trái tim của bao kẻ xa quê có một thời là o học trò với làn tóc thề óng mượt bồng bềnh ôm ấp tấm lưng thon. Chẳng có mấy o nào lại không được mẹ mình nấu cho một nồi chùm kết sóng sánh một màu nâu dân dã cộng với hoa bưởi lá chanh thơm lựng mùi hương đồng cỏ nội. Nhờ bàn tay mẹ và nhờ hương vị của nước chùm kết mà mái tóc nào của chúng tôi cũng đẹp (xin đừng cười cho sự chủ quan này).

Bây giờ những kỷ niệm theo tháng năm đã trở thành hoài niệm. Ai chẳng nao lòng khi thoang thoảng bên tai:

Chừ em hong sợi tóc mềm

Trong cơn nắng hạ nhớ miền quê xưa

Nhớ dòng sông nhớ đò đưa

Nhớ hương chùm kết những trưa nắng hè

Chao ôi! Những trưa nắng hè của một quê hương giờ này xa tít tắp còn chăng là âm hưởng vọng về từ ký ức, từ thương nhớ u hoài:

Gió về kẽo kẹt đầu tre

À ơi tiếng mẹ vỗ về ru con

Vâng, cho dù ở bất cứ nơi đâu chẳng một ai quên được tiếng kẽo kẹt từ bụi tre già ở hai bờ sông nước đầu làng, tiếng lá rơi xào xạc ngoài hiên vắng trong những đêm heo may về se se lạnh. Quên sao được tiếng à ơi của mẹ hiền qua bao tháng năm bé dại ta nằm gọn lỏn trong vòng tay che chở ấp yêu…

Làm sao quên một trời kỷ niệm, đồi núi, dòng sông, bờ hồ, ngọn gió, những mơ mộng vu vơ của tuổi học trò, thoắt cười khóc, thoắt buồn vui.

Xin cảm tạ dòng sông, sợi nắng trên đất mẹ đã đưa “cô bé” đi vào cõi mộng mị thần tiên:

Gió trưa đưa nắng qua sông

Em nương theo gió bềnh bồng tuổi xuân

Có lẽ không ai trong chúng ta lại không hơn một lần thèm trở lại một thoáng huy hoàng của tuổi thanh xuân đầy mộng ước cho vơi bớt bao nhọc nhằn cay đắng của thực tại, ta cùng nhau đi theo mạch cảm xúc của tác giả và có thể của cả chúng ta trong niềm vọng tưởng:

Cõi riêng xõa sợi tóc buồn

Hương xưa thoáng chút cội nguồn quê hương

Chừ em dài sợi tóc buông

Nhớ hương chùm kết mà thương mẹ già…

Mẹ già! Ở góc biển chân trời nào trên hành tinh này chữ ấy lại không được viết hoa với tất cả niềm thương yêu tôn kính. Mẹ đồng nghĩa với quê hương, những cụm từ này không thể tách rời. Cứ thế lời thơ tuần tự đưa người nghe về miền không gian có thông xanh đỉnh Ngự, có nước trắng dòng Hương, có thành quách rêu phong, chùa chiền lăng miếu. Quê hương vẫn đứng trầm mặc thi gan cùng tuế nguyệt ngậm ngùi đưa tiễn bao đứa con ra đi. Kẻ đi dùng dằng thương nhớ, người ở đau đáu đợi chờ.

Nếu người xưa bảo: Văn là người, thì tôi xin chia vui với tác giả ở cặp kết đầy lạc quan này:

Chừ em cánh mộng say ngà

Chập chờn áo lụa quê nhà thoáng bay

Mong sao tác giả “Hương chùm kết” được trọn đời yên vui với hai bờ mộng – thực.

N.G.T.C 

 

HƯƠNG CHÙM KẾT

                             Hồ Đắc Thiếu Anh

Chừ em hong sợi tóc mềm

Trong cơn nắng hạ nhớ miền quê xưa

Nhớ giòng sông, nhớ đò đưa

Nhớ hương chùm kết vàng trưa nắng hè

Gió về kẽo kẹt đầu tre

À ơi tiếng Mẹ vỗ về ru con

Hương ơi sông nước có còn

Lòng xanh gợn sóng trải cơn gió về

Tóc bay mát mộng tình quê

Sợi dong nỗi nhớ lời thề mênh mông

Gió trưa đưa nắng qua sông

Em nương theo gió bềnh bồng tuổi xuân

Cõi riêng xõa sợi tóc buồn

Hương xưa thoảng chút cội nguồn quê hương

Chừ em dài sợi tóc buông

Nhớ hương chùm kết chạnh thương Mẹ già

“Gió đưa cành trúc la đà”

Lời ru chở ánh trăng ngà đêm sương

Chừ em giăng mắc sợi thương

Lỡ tay lỗi sợi nghe dường như đau

Chạm buồn sóng gợn đò chao

Âm vang nỗi nhớ ngọt ngào hôm qua

Chừ em cánh mộng say ngà

Chập chờn áo lụa quê nhà thoáng bay.