Hương Mù u – Truyện ngắn của Võ Văn Trường

905

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hôm ấy trời chiều se lạnh. Thói quen chị vẫn ra bến sông khi nắng chiều ngả tây, khi những ánh nắng vàng như kén tằm chảy xuyên qua những thân tre đan xen nhau thành bờ lũy và đó cũng là lúc bóng nắng rải thưa đều trên thân lá những cây gỗ xoan mà quê tôi người dân vẫn thường gọi sầu đông mọc ngay lối bậc đá nhẵn rêu chài ra phía dòng nước.

Tác giả Võ Văn Trường

Tiếng bầy sáo sậu ríu ran khi gần khi xa trên cây Mù u nơi bờ vực Lai Nghi. Sinh ra tự bao giờ mà thân cây to lớn người ôm cả vòng tay không xuể, da vỏ xám sẫm. Cây chỉ đứng thẳng ở phần gốc ngang vai người, còn phần trên ngọn thì đổ qụy ra vực, bóng che ngay chỗ vòng xoáy con nước đổ về. Quanh năm hoa Mù u nở những chùm năm cánh trắng tinh trên nền xanh thẫm của tán lá. Hương hoa Mù u nhẹ thơm nhưng lại ẩn mật một điều gì đó sâu xa, khó tường. Hoa Mù u có nhụy vàng trông giống như nhụy hoa mai. Một loài hoa trùng tên với chị.

Chân không nhẹ nhàng, bên chị là chiếc thúng tre lưng lửng những đồ vật thường ngày như ít rau xanh, vài thứ lặt vặt để cọ rửa như rổ, rá, xong nồi. Những năm đất nước bước vào đổi mới, vùng quê bắt đầu có những công trình dân sinh được đầu tư, rồi nước máy, nước giếng đầy ra nhưng không hiểu sao chiều nào chị cũng ra bến sông vo gạo, giặt giũ quần áo… Cây cầu tre bắt từ bến sông ra cánh đồng Ngạn xe đạp, xe máy chạy ầm ào đôi thời điểm trong ngày, nhất là khi mùa màng, người từ làng ra đồng sản xuất, thu hoạch còn lại vẫn lẻ loi đôi bóng người qua lại. Xóm bến Lai Nghi bao đời trầm buồn như một điệu slow.

– Chị thích vậy.

– Cứ ra bến sông lúc nào chị cũng thấy lòng mình thư thới, nhẹ nhỏm.

– Tôi chỉ mỉm cười, không nói gì nhưng trong lòng thầm nghĩ. Có lẽ với chị, những lúc mệt mỏi nhất, lòng bất an nhất, cô đơn nhất… chỉ có bến sông này mới lấp đầy những khoảng trống vắng đáng sợ ấy.

Rồi không biết từ bao giờ, hình ảnh chị trong những buổi chiều ra bến sông đã lắng lại trong hồn tôi nỗi nhớ nhung mang mát, se sẽ nỗi buồn không tên để rồi đêm về ai đã viết những câu thơ không đầu không cuối. Tôi mường tượng về những câu chuyện tình xưa cũ đâu đó đã đọc hay nghe kể lại. Thời gian miệt mài như ôm vòng lấy nhau để chiều chiều tôi lại cùng chị ra bến sông ngắm hoàng hôn buông xuống, ngắm chị với những công việc thường nhật như một thói quen mà chẳng biết mình đang nhớ mong điều gì.

Còn chị dần dà tôi mới hiểu chị ra bến sông là để tìm cho riêng mình khoảng không gian riêng tư và cũng là để thả lòng trông ngóng về một người con trai đang ở chiến trường K sau một ngày bận bịu với công việc đồng áng của một thôn nữ.

Anh đã không về nữa. Ba năm rồi năm năm. Riêng chị vẫn vậy, ngóng trông và chờ đợi…

Xinh đẹp như chị ai cũng nghĩ chị sẽ đi thêm bước nữa. Nhưng hết xuân đến hạ sang thu lại đông chị vẫn côi cút sống với ba mẹ tuổi đã cao, đứa em út cũng vừa lập ra đình ra riêng.

Bến sông, lũy tre xanh, con nước khúc qua làng yên ả, ngắt xanh bóng lá Mù u khi đổ về vực Lai Nghi với những mùa hoa Mù u trắng nở. Hoa tàn kết lại những trái bé xíu, lớn lên, già đi, chín ươm vàng rồi rụng rơi trôi theo dòng nước. Chiều quê những cánh cò lửa vụt bay lên hạ xuống góc thửa ruộng ven cánh đồng Ngạn như một đường tên gấp gãy, một nét kẻ nhì nhằng vào bức vẽ thiên nhiên. Tôi trông chị thật đẹp, dịu dàng như một cánh hoa.

Một ngày nào đó, một người đàn ông sẽ rước chị đi, chị sẽ trở thành một người vợ ở bên nhà người. Tuổi thơ tôi nghĩ vậy. Nhưng rồi chị không lấy người đàn ông nào khi tình yêu thương chị dành cả cho người trai tình nguyện bỏ mái trường để ra chiến trường. Bây giờ nghĩ lại tôi mới nhớ đó là Dũng. Dũng hơn tuổi tôi không nhiều, chỉ trên vài lớp. Chuyện tình chị và Dũng như khúc dạo đàn, rồi thoáng bóng mây bay như câu hát về một chuyện tình mà người con trai ấy đã hát tặng chị trước lúc nhập ngũ. “…Ngờ đâu tâm tư nàng đã trót ôm một nỗi buồn/ Chiều mưa rơi rơi/ Nàng hay đứng âm thầm nhớ ai/ Hỏi sao ngày vui đã mất/ hỏi sao lệ dâng khóe mắt…”. Lời hát ấy hay đâu đã vận vào đời chị.

Trước khi Dũng hy sinh trong lần cùng đồng đội truy kích Pôn Pốt, những lá thư viết tay nắn nót Dũng gửi về chị đã cho tôi xem trong xúc cảm buồn vui khó tả. Giấu đi những giọt nước mắt ướt nhòe trang thư giấy mỏng học trò, có lúc tôi giấu lòng bởi mình thầm ghen với những con chữ kia bởi nó đã làm chị rơi lệ.

*

Làng quê thay đổi thật nhiều theo thời gian, chỉ khác mỗi chị vẫn vậy. Chị bảo em đi lấy vợ, rồi con cái. Chị rồi cũng ra đi, còn ai ra bến sông này nữa. Tôi lại miên man dòng suy nghĩ để những câu thơ đâu đó vụt tuôn ra đầu bút: “Cành mai nụ một sớm mai bất chợt/ Chị đem xong nồi đen sì chùi rửa một mùa đông/Trong trắng màu hoa, ngạt ngào hương thiếu nữ/Bữa chị đi làm dâu ngày ấy đã xa rồi…”

– Ước như ngày xưa người yêu chị là em bây giờ.

– Tôi chết điếng khi nghe những câu từ đó.

– Liếc nhìn chị. Chị không quay mặt đi mà trao cho tôi cái nhìn với ánh mắt khác lạ… đong đầy trìu mến.

Trong tâm trí đứa con trai mới lớn tôi vẫn không hiểu hết điều gì đang xảy ra, chỉ biết trong mắt chị, hình như có bóng hình tôi ở đó, gần gũi thân thương.

– Em đừng lớn nhanh nhé.

– Chị cũng vậy, chẳng muốn già đâu.

Tôi nhìn chị đẹp và hiền diệu như một Ma soeur.

Đó là những gì tôi nhớ về chị giữa khi mọi người đang vớt thi thể chị dưới bờ sông lên. Không thể nữa rồi, chị đã vĩnh viễn ra đi vì ngạt nước, trong một chiều ra bến sông giặt giũ, vo gạo. Lòng tôi quặn thắt, tim tôi nhói đau, nước mắt chảy dài trên gò má nhưng tôi lờ tránh đi vì sợ mọi người nhìn thấy. Đám tang chị thật buồn trong một ngày mưa. Mưa thu như những giọt nước mắt người đưa tiễn. Chị đi rồi vắng một cuộc đưa dâu!

Đêm đó, trong giấc mơ tôi thấy chị nắm tay tôi đi hết con đường từ làng ra bến sông với nụ cười rất hiền. Chị bảo, anh ấy sẽ về thôi, ngày đó sẽ là ngày cưới của chị. Chị bảo tôi xòe tay để chị đặt vào lòng bàn tay một bông hoa Mù u trắng tinh rồi vụt chạy. Tỉnh giấc, bất giác tôi đưa tay lên nhìn thì những cánh hoa Mù u trong tay tôi nhè nhẹ rơi rơi. Đâu đó những câu thơ chợt vang vang trong đầu tôi: “Tháng bảy có hề chi ta biết buồn cũng vậy/ Như căn phòng chỉ còn lại mùi hương/ Như tiếng mưa của ngày em đến/ Đã quá tầm tay một kỷ niệm bên trời/ Tháng bảy có hề chi ta như là khói/ Nhớ người ở trọ trần gian”.

Chị mất được 49 ngày tôi qua nhà ba mẹ chị thắp nhang.

– Thương cho chị. Chị đi mà nào có yên. Nghe đâu ngôi mộ chị bị bọn xấu chuyên đi cầu cơ đã đào trộm bóc gỡ cả nắp quan tài. Tất cả bởi tin đồn cầu hồn mà cơ làm bằng ván trinh nữ rất linh. Liếc nhìn về phía ngôi mộ đất chôn chị là những vòng thép giai giăng rào rất cẩn thận.

– Trong câu chuyện của ông Tư với mấy người bà con thân cật tôi chú ý lắng nghe.

– Nó là đứa chung tình… mắt ông Tư đỏ hoe. Những giọt nước mắt của người đàn ông tuổi ngoài thất thập chắt ra một cách khó khăn quyện vào đuôi mắt đầy những rảnh chân chim chi chít rồi đổ xuống gò má cũng đã nhăn nheo.

– Biết làm thế nào. Năm tuổi nó thầy bảo không làm mồ mả kiên cố được…

Chiều chiều thói quen tôi lại ra bến sông nơi chị vẫn thường giặt giũ, vo gạo. Tiếng con chim vịt văng vẳng trong khoắc khoải vọng về tê buốt cõi lòng khi nghĩ về chị. Ngày xa quê lên phố học, tôi qua nhà ông Tư đốt nhang. Đêm ấy đúng rằm, trăng sáng, vườn quê gió từ sông thổi lên mát lạnh. Tôi lại mơ hồ bóng chị thấp thoáng đâu đó ở bến sông rồi đi về phía đường làng nhẫn nại bóng tre như con nước vẫn miệt mài ngày này qua ngày khác vẫn cứ đổ về phía vực Lai Nghi.

*

Mùa đông năm đó mưa bão thật to, ngôi mộ vừa xây của chị trôi theo cơn lũ, đến cây cầu bắt qua cánh đồng Ngạn cũng không trụ được. May thay làng tôi không ai thiệt mạng. Về quê tôi lại ra chỗ bến sông xưa thắp nén nhang cho chị. Hình bóng chị vẫn đong đầy ký ức. Bóng dáng một thôn nữ mảnh mai, mái tóc dày đen như chứa cả bóng đêm của cánh đồng Ngạn và đặc biệt là đôi mắt chị rất đẹp, diệu hiền mà buồn đến lạ.

Tôi gọi to, chị ơi! Tiếng gọi của tôi vọng lan ra tận bãi bồi xám ngát. Đêm đó tôi lại mơ về chị.

– Nếu như chồng chị là em. Chị nắm tay tôi, đâu đây mùi hương hoa Mù u thoang thoảng cả đến khi giấc mơ tan biến.

Rời quê lên phố học hành rồi lập nghiệp những lúc tình duyên chênh chao, trắc trở tôi lại ray rức nhớ về chị, nhớ bến sông, nhớ những buổi chiều… Một nỗi buồn dâng lên xâm chiếm cả hồn tôi. Cảnh vẫn đây nhưng người xưa đã vắng. Con sông xưa thủy điện ngăn dòng. Bến sông được thay vào là bãi bồi rau màu tốt tươi, nhất là những mùa hoa cải nở đẹp đến nao lòng. Đêm về những câu thơ chợt tuôn lên đầu bút “…Tháng chạp đưa con về giỗ nội/ Tuổi thơ của ba ở đây ruộng mạ, gò đồi/Dan díu nợ nần ơn sinh thành tơ tóc/Những vạt cải triền sông nghèo nắng trổ ngồng/ Con gái hỏi mùi đất tơi cuối bãi/ Gọi là gì sao ba cứ lặng im…”

Con gái ơi con có biết, cuối bãi ấy ngày xưa là bến sông, là kỷ niệm, là ước mơ một thời nơi quê nhà của ba chẳng thể nào còn trở lại. Có dịp đi đó đây các vùng quê vô tình khi bắt gặp những bến sông lòng tôi lại bồi hồi một niềm thương hồn quê xứ sở, để rồi lại nhớ về ngôi làng nhỏ quê mình có cánh đồng Ngạn với những thửa ruộng bé tẹo. Mùa đông những gốc rạ hoai mục đen sẫm váng phèn nhưng nhức dưới bóng nước là mây trời cứ mãi miết bay về đỉnh núi mờ xa, khói sương mơ hồ những buổi bình minh hay hoàng hôm buông xuống. Tôi nhớ ngày xưa chị từng bảo, chị yêu sắc vàng hoa cải nhưng chỉ thích mỗi mùi hương hoa Mù u.

Bến nước dòng sông xưa ơi, bãi bồi ký ức của tôi ơi.

Làng Phú Bình, Hiệp Đức, tháng 7.2021

V.V.T