Hương thơm cơm mới

716

Võ Văn Thọ

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cứ đến mùa gặt cuối tháng Tư, đầu tháng Năm, quê tôi lại quay sang làm vụ hè thu, còn gọi làm tăng vụ. Ruộng sau khi gặp xong, có thể vét luống để gieo đậu xanh, hoặc cày bừa để tỉa đậu, tỉa bắp hoặc sau khi cày bừa lấy nước vào ruộng để gieo sạ giống lúa ngắn ngày; trước khi bước vào mùa vụ chính – đông xuân. Và tôi đã viết thành thơ: Em ôm bông lúa vào lòng/Hạt vàng lóng lánh ấm trong cuộc đời/Bài ca cây lúa tuyệt vời/Cảm ơn trời đất vọng lời vang xa.

Sau khi gặt xong, lúa được phơi khô cho vào bồ (đan bằng tre và trét phân trâu, bò) hoặc cho vào chum sành lớn, để dành xay lúa bằng cối tre thành gạo, sau này có máy xay lúa thành gạo để nấu cơm nuôi sống con người đến mùa giáp hạt. Sau khi thu hoạch lúa xong, gia đình tôi không quên nấu bữa cơm mới tiêm tất, để cúng tạ thần linh, cô bác đã phò hộ, độ trì cho mùa màng bội thu thuận lợi, đạt được kết quả sau bao ngày tháng bỏ công sức ra chăm bón cây lúa từ lúc ủ giống, gieo sạ cho đến khi thu hoạch lúa chín về nhà.

Hồi thập niên 80, 90 tôi vẫn nhớ chưa quên cứ sau mùa thu hoạch lúa chín thì sớm muộn gì cũng được một bữa cơm mới hoặc bữa mỳ gà hay bánh xèo gạo mới. Tất nhiên, sau khi cúng kính xong là cả nhà được thưởng thức bữa cơm gạo mới thơm hương, hạt cơm dẻo, ngọt, bùi được chắt lọc từ nắng, mưa của thiên nhiên, từ giọt mồ hôi, từ đôi bàn tay, công sức của cha, mẹ tảo tần, tạo nên vị hương đồng nội hội tụ trong chén (bát) cơm gạo mới. Do vậy, nên bát cơm gạo mới mà ăn với cá đồng nướng vàng ươm và kho rim lá gừng, nghệ và bát canh cua đồng nấu với rau tập tành, hay bầu, bí xanh trong vườn nhà thì còn gì bằng. Được ăn, thưởng thức một lần là nhớ mãi.

Hạt lúa, hạt cơm hay nói khác đi là hạt ngọc trời đã nuôi sống biết bao thế hệ người Việt Nam và mãi mãi không có cây lương thực nào có thể thay thế vị trí số một này. Nền văn hóa, văn minh của dân tộc ta cũng xuất phát từ nền nông nghiệp trồng lúa nước mà hình thành nên cốt cách và khí chất của người Việt Nam điều ấy xin khỏi luận bàn. Chính vì đã ăn sâu, gắn bó vào trong tiềm thức hàng ngàn năm của dân tộc hay hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, nên người dân Việt Nam không thể từ bỏ, thoát ly khỏi cánh đồng, mảnh vườn quê. Dẫu ai đó có đi xa, mưu sinh lập nghiệp ở tận chân trời nào đó, thì lòng họ cũng luôn canh cánh nhớ về quê hương, về cội nguồn, về cánh đồng lúa. Đó là điều hiển nhiên. Còn ai đó, không còn yêu cánh đồng, mảnh vườn quê, thì người đó chẳng có tình yêu quê hương, đất nước. Có thể hiểu nôm na, họ ở hành tinh khác rơi xuống trái đất chăng?

Tuổi thơ tôi đã trải qua những năm tháng khó khăn nhất nhì của thời bao cấp, chỉ thiếu là chưa ăn bo bo thay cơm như bộ đội, nhưng có lẽ đó cũng là bản lề để cho mình vượt lên mọi khó khăn, thách thức để tồn tại và cố gắng phấn đấu. Tuy cái đích, ước mơ chưa thành hiện thực như ý mình, vì còn biết bao nhiêu trở lực, yếu tố bất lợi từ bên ngoài. Nhưng hãy bỏ qua, buông bỏ những cá nhân, nhỏ nhen ấy, để hướng đến những điều tốt đẹp nhất. Miễn sao sống có ý nghĩa không hổ thẹn với bản thân mình là tốt rồi, đừng nên quá cầu toàn bất cứ một việc gì, để rồi phải thất vọng. Và với tôi mãi trân quý hạt lúa, hạt cơm như hạt ngọc trời:

Hạt ngọc là của đời ta

Cho người hạnh phúc mọi nhà ấm êm

Dẻo thơm vị ngọt êm đềm

Cả đời ăn… vẫn cứ thèm hạt cơm

Cuộc sống vốn rất vô thường, đời người là hiện hữu và hạn hữu, không là vĩnh viễn, nên phải biết điểm dừng, và tôi tin vào luật nhân quả. Cuộc sống con người không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thẳng tiến, có khi còn “lên bờ, xuống ruộng” âu cũng là chuyện bình thường. Nhưng miễn sao cứ ngát hương thơm như hạt ngọc trời, dẻo ngọt, bùi như hạt cơm dù để nguội vậy là hạnh phúc rồi. Tôi chỉ mong được vậy!

V.V.T