Huyền ảo trăng – Khát vọng hạnh phúc diệu kỳ

603

Nguyễn Hồng Hạnh

(Trường PTHH Hà Huy Tập – TP Hải Dương)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Truyện của ông là tiếng lòng của những người lính cùng thời, ông nói thay họ cả những khát khao thầm kín nhất, những mộng ước tươi đẹp của những chàng trai 18 đôi mươi. Chính bởi vậy tác phẩm của Châu La Việt luôn chạm tới trái tim người đọc ở bất kể lứa tuổi nào.

Nhà văn Châu La Việt 

Tôi biết nhà văn Châu La Việt là một nhà văn từng mặc áo lính nên không có gì khó hiểu khi đề tài văn học mà ông viết từ tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký đến hồi ký… đều là những câu chuyện xoay quanh người lính và đời lính. Ông viết nhiều về những năm tháng cam go nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ở cả hai miền Nam – Bắc, Binh trạm 11 và 13 vùng Thượng Lào – nơi ông đã từng sống và chiến đấu. Truyện của ông là tiếng lòng của những người lính cùng thời, ông nói thay họ cả những khát khao thầm kín nhất, những mộng ước tươi đẹp của những chàng trai 18 đôi mươi. Chính bởi vậy tác phẩm của Châu La Việt luôn chạm tới trái tim người đọc ở bất kể lứa tuổi nào.

Trong số những kỷ niệm mà ông kể lại bằng giọng văn dung dị, chân thành và hồn nhiên nhất của mình, tôi đặc biệt ấn tượng với truyện ngắn “Huyền ảo trăng” (báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội và Vietnam New từng in). Câu chuyện kể về những người lính trẻ trong quãng thời gian huấn luyện ở miền Bắc, trước khi vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Những kỉ niệm về những ngày đóng quân ở những vùng quê Gia Viễn – Ninh Bình được tái hiện lại một cách sống động và chân thực qua lời kể của 2 nhân vật Huân và Toán. Câu chuyện bắt đầu khi những người lính ngồi quây quần bên nhau trong một hang đá ẩm ướt giữa mặt trận sau những ngày chiến đấu với giặc ác liệt, họ lại kể cho nhau nghe những “câu chuyện thật, mà cũng có khi là chuyện bốc phét, tưởng tượng”. Cách mở truyện như thế  làm tôi bất chợt nhớ đến truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng” của Nguyễn Minh Châu: “Vào một đêm mưa dầm, trung đội lái xe được dịp trở về gần đông đủ. Cái lán nứa rất ồn ào, thỉnh thoảng một dịp cười vang lên chuyển cả rừng, những chiến sĩ lái xe sau nhiều chuyến rong ruổi trên các ngả đường nay trở về gặp mặt nhau và tranh nhau kể chuyện”. Đời lính gian khổ có những phút giây thật bình yên và quý giá. Những câu chuyện hay vì thế cũng được ra đời và lưu truyền đi xa hơn. Cách mở truyện theo một mô tip rất truyền thống, nhưng cái lạ nhất là câu chuyện mà nhà văn Châu La Việt kể lại trong “Huyền ảo trăng” không hề giống với bất kể câu chuyện nào ta đã từng nghe. Chính vì thế nhà văn đã phải cam đoan “là chuyện có thật một trăm phần trăm” và phải có đến 2 nhân vật kể chuyện để minh chứng cho độ chân thật của nó.

Đọc “Huyền ảo trăng” ta không nên mong chờ một câu chuyện tình yêu lãng mạn, huyền ảo như nhan đề “đánh lừa”. Truyện ngắn đề cập đến một vấn đề gần như đã từng là sự “cấm kị” trong văn học một thời: sự ẩn ức về tình dục. Đặc biệt nhất, sự ẩn ức ấy lại xuất hiện trong cả 2 nhân vật ở cùng một thời điểm: chàng trai Toán – tân binh mới 18 tuổi và chị Hạnh – một người phụ nữ có chồng đã hy sinh.  Đối với Toán – một chàng thanh niên trẻ tuổi chưa trải mùi đời, tình dục có lẽ là sự tò mò, ham muốn của tuổi trẻ.  Còn với chị Hạnh – đã trạc tuổi ngoài bốn mươi, thân hình đẫy đà, hàm răng đen nhưng nhức và đôi mắt lúc nào cũng như biết cười. Chị đang ở độ tuổi hồi xuân của người phụ nữ, chính bởi vậy khát vọng về tình dục cũng trở nên mạnh mẽ hơn những độ tuổi khác. Châu La Việt không trực tiếp đề cập đến điều này trong tác phẩm mà ông đan cài, ẩn hiện trong từng chi tiết, từ “đôi má đỏ hồng như má người thiếu nữ” của chị Hạnh khi ngồi bên bếp lửa cạnh một chàng trai chưa đến đôi mươi, đến giọt nước mắt của chị rơi xuống khi nhắc đến tin người chồng đã hy sinh nửa năm nay.

Chất xúc tác khiến cho khát vọng về thể xác của chị Hạnh có dịp được bùng cháy là trong một đêm trăng sáng, trời lại lạnh cóng, những hồi ức ngọt ngào với người chồng năm xưa có dịp ùa về. Câu chuyện mà chị Hạnh tâm sự với Toán bên cốc nước chè xanh nóng hổi và củ khoai lang nướng thơm phức đã dần phá vỡ khoảng cách của hai chị em. Toán cũng thấy thương chị hơn, tình thương ấy, xuất phát từ bản năng và cũng có thể nảy sinh từ hoàn cảnh. Cách mà nhà văn Châu La Việt tạo ra tình huống cho nhân vật không hề tạo sự khiên cưỡng hay phi lí mà vô cùng tự nhiên và lô gic. Người đọc trôi theo mạch cảm xúc của truyện và nhận thấy chuyện cần xảy ra chắc chắn sẽ tới và cùng hồi hộp, chờ đợi sự kiện tiếp theo sẽ diễn ra. Tôi rất thích chi tiết Toán đề nghị đắp chăn chung cùng chị Hạnh để xua đi cái lạnh ở miền núi khi đêm đã trở về khuya. Một lời đề nghị vừa táo bạo, vừa ngây ngô, vô tư của một chàng trai mới 18 tuổi, như Toán giải thích là “Tôi chỉ đơn giản nghĩ làm sao cho qua được đêm đông giá lạnh này”. Có lẽ Toán chưa biết, chính cái khát vọng muốn được sưởi ấm của mình xuất phát từ bản năng tính dục của đàn ông. Khát vọng được sưởi ấm về thể xác đơn giản là bản năng của phái mạnh, chính bởi vậy Toán chủ động kéo tay chị Hạnh, thuyết phục chị nằm xuống và chung chăn cùng với mình. Chị Hạnh đã không thể từ chối lời đề nghị “lạ lùng” của Toán bởi chính chị cũng đang “khát cầu” được sưởi ấm bằng cả tâm hồn và thể xác. Người chồng đã vĩnh viễn không thể trở về, nỗi cô đơn vây bủa chị suốt mấy tháng qua, nỗi buồn không thể chia sẻ cùng ai, đêm nay đã có người giải tỏa và lắng nghe. Những ẩn ức về tình dục của người phụ nữ sau chiến tranh đã được nhiều nhà văn đề cập đến như: nhân vật chị Nhân không thể đến với Nguyễn Vạn, hay không thể đến với bất kỳ ai, lý do chỉ vì… chị là vợ Liệt sỹ trong “Bến không chồng” (Dương Hướng); bà Rúm trong “Vĩnh biệt mười chín con gà trống” của Nguyễn Quang Lập, mười chín năm đợi chồng chỉ biết lấy tiếng gà làm niềm vui, xua đi những thôi thúc bản năng bừng lên mỗi đêm. Thế mới thấy, nhà văn Châu La Việt đã rất “dũng cảm” khi xây dựng một tình huống “vượt rào” cho nhân vật là một người vợ liệt sỹ. Ông không để chị Hạnh phải đấu tranh tư tưởng quá nhiều hoặc ngại ngần đánh giá của thế gian. Đây là một bí mật của chị, cũng là lần “đi quá giới hạn” duy nhất sau khi chồng chị hy sinh. Chị đã sống đúng với khao khát của người phụ nữ, giải tỏa ẩn ức của bản thân đúng lúc để nó không trở thành tâm bệnh của mình. Châu La Việt đã để khoảng khắc vượt rào ấy diễn ra rất tự nhiên và hợp lí. Cho dù “đêm mây mưa” diễn ra trong đêm trăng huyền ảo ấy chưa đủ để làm thỏa mãn bạn đọc nhưng tôi tin, nhà văn Châu La Việt đã mở ra một lối tư duy mới, một cách nhìn nhận mới dành cho những người phụ nữ trong chiến tranh. Ông đã thể hiện và trân trọng họ một cách rất riêng, rất lính và cũng rất đời…

Nếu truyện chỉ dừng lại ở đêm trăng huyền ảo gắn với một kỷ niệm lạ lùng và khó quên trong đời đối với cả Toán và chị Hạnh thì có lẽ truyện cũng chưa hẳn gây ấn tượng với tôi. Tầm vóc của truyện lên rất nâng cao khi nhà văn Châu La Việt đã đẩy đến một kết thúc nằm ngoài sự tưởng tượng của nhiều người. Đó là cho chị Hạnh một hạnh phúc trọn vẹn, bù đắp cho những mất mát, thiệt thòi của chị sau khi cuộc chiến tranh qua đi. Mà người thực hiện điều đó là Hàn – đồng đội cũ của Toán – người đã trực tiếp nghe câu chuyện của Toán kể lại với tràn ngập sự tò mò, thắc mắc và ngạc nhiên. Chiến tranh kết thúc, anh Hàn về tận quê thăm cha mẹ của Toán, thắp cho người đồng đội đã hy sinh một nén nhang thơm và đến thăm chị Hạnh – người phụ nữ duy nhất mà người lính biền biệt  chốn bom rơi lửa đạn này biết qua lời kể của Toán và cũng là người đàn bà duy nhất trong lòng anh tơ tưởng đến suốt mấy năm qua. Lòng cảm thông của anh Hàn đối với chị Hạnh cũng thật kì lạ. Đó là một cơ duyên mà may mắn trong đời con người không dễ gì có được. Có lẽ, bên trong chất lính dạn dày, can trường, dũng cảm của Hàn chất chứa tình thương sâu thẳm, sự đồng cảm, tình yêu vô bờ bến dành cho người phụ nữ. Anh không dùng thái độ phán xét, hoài nghi đối với “danh tiết” của người phụ nữ đã có chồng – dù người chồng đó đã hy sinh, vĩnh viễn không trở về nữa. Anh yêu cái con người thật, cái khát vọng sống của chị và mong muốn dùng phần đời còn lại của mình để bù đắp cho những mất mát của chị. Lí do mà anh đưa ra cũng giản dị, chân thành như chính con người của anh vậy: “Tôi cũng đã lớn tuổi, chiến tranh thì loại lính như tôi còn đắt, chứ giờ hòa bình thì về cầm cày cầm cuốc thôi, nếu chị không chê  tôi, tôi sẽ về đây ở hẳn với chị…”. Có lẽ đây là một trong những lời “tỏ tình” đặc biệt mà hiệu quả nhất trong văn học Việt Nam hiện đại. Anh Hàn đã trực tiếp “gả” mình cho chị Hạnh bằng những lí lẽ khó có thể chối từ, đồng thời đánh trúng vào khát vọng sâu thẳm của con người: một mái ấm gia đình có vợ chồng bên nhau cùng cày cuốc. Niềm hạnh phúc đơn giản ấy, vậy mà đến quá nửa đời người, cả anh Hàn và chị Hạnh mới cùng nhau thực hiện được. Tôi luôn thích đọc những cái kết có hậu, và “Huyền ảo trăng” đã cho tôi được thỏa mãn bằng một kết thúc đẹp và kỳ lạ.

Nhà văn Châu La Việt đã từng chia sẻ: Ông yêu thích viết truyện về người lính và những kỷ niệm bên những người đồng đội năm xưa. Nhưng trong truyện ngắn “Huyền ảo trăng” tôi còn nhận ra tấm lòng của nhà văn Châu La Việt dành cho những người phụ nữ, những người chị, người mẹ đã hy sinh cả cuộc đời mình dành cho gia đình và chồng con để rồi cố quên đi, dập tắt đi những khát khao sâu kín trong trái tim mình. Nỗi niềm đau đáu ấy đã giúp ông xây dựng thành công hình tượng nhân vật Toán, chị Hạnh và anh Hàn – những người lính, vợ lính với những tính cách đặc biệt vừa chân thành, tràn đầy nhân tình, nhân nghĩa vừa vị tha và khát khao hạnh phúc đến tột cùng. Ánh trăng huyền ảo không chỉ soi rọi trong trang sách mà thực sự đã lan tỏa vào cuộc đời thực và nhắc nhở bạn đọc: cuộc đời luôn tồn tại những con người tuyệt vời, những điều kì diệu sẽ luôn xảy ra với những ai biết yêu thương và tin tưởng.

Văn học là nhân học. Văn học cũng là nhân văn, nhân ái với con người….

N.H.H