Huỳnh Thúy Kiều – Gương mặt thơ nữ triển vọng vùng sông nước Cửu Long

821
Nguyễn Văn Hoà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong đội ngũ những người làm thơ trẻ của cả nước nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng mà khi điểm tên, có lẽ không thể không nhắc đến nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều. Chị là nhà thơ nữ thuộc thế hệ 7X, hiện sống và làm việc tại Cà Mau.

Nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều 

Đọc thơ Huỳnh Thúy Kiều, người đọc nhận thấy đó là một hồn thơ trong trẻo, đằm thắm, nữ tính, mang đậm dấu ấn vùng sông nước nhưng lại có cái cao sang, duyên dáng, phóng khoáng và đáng yêu của một giọng thơ trẻ nhiều triển vọng ở vùng sông nước Cửu Long.

Hình ảnh vùng đất phương Nam đi vào trong thơ Huỳnh Thúy Kiều với những bờ bãi, ruộng vườn, cánh đồng, sợi khói rơm, dòng kênh, cá lìm kìm, bóng dừa, tràm, trái bần, bông điên điển, hoa mù u, hoa bèo, bông súng, vạt lau, bụi sậy, dòng sông, bến nước, thủy triều, nhịp cầu tre mùa nước lên, mùa lũ, phù sa, phù sa châu thổ, mái lá, mắm sặc kho, áo bà ba, câu vọng cổ… Những tên đất, tên làng và các địa danh cũng được chị nhắc đến như những gì quen thuộc, gần gũi và thân thương: Cà Mau, Bến Tre, Cửu Long, phương Nam, U Minh, sông Tiền, sông Hậu, Năm Căn…

Cá lìm kìm rượt nhau xé dòng mộng tưởng/ Châu thổ buồn thèm vực khúc đỗ quyên (Theo em về vùng cổ tích).

Áo bà ba che hết lối anh về/ Đêm hò hẹn níu từng ánh mắt đợi/ Hơn nửa đời khao khát/ Hơn nghìn lần mòn mong/ Tràm xanh dậy thì rót mật đuối môi hôn (Đến đây rồi. Ơi Mũi Cà Mau).

Ngẫu hứng chín dòng sông tiếng gà rải giọng tha phương

Máu Cửu Long đỏ quặn lòng chảy mềm dấu chân chim mắt mẹ

Những mái nhà thức giấc

Bóng dừa cỗi cằn sau cơn sấm vụt bừng xanh

(Ngẫu hứng chín dòng sông)

Chất giọng ngọt ngào, sâu lắng, nhẹ nhàng, man mác, dạt dào tình quê, tình đời được bộc lộ qua những bài thơ viết về quê hương, về người thân, người tình, về những người ruột thịt. Viết về đối tượng nào Huỳnh Thúy Kiều cũng có những cách thể hiện nhạy bén, tinh tế, dễ đi vào lòng người đọc.

Đừng thả sóng trên đồi hoa thiếu nữ/ Vườn hoang say tắm nắng nghẹn lời/ Mơ loang dấu môi mềm thơm hương cỏ/ Rỗng buổi chiều mặc sức gió cài then (Buổi chiều thưa gió).

Chị đã theo sát nhịp đập của cuộc sống để phản ánh, do vậy thơ chị rất đời, rất người. Tiếng thơ ấy đã đánh động lòng trắc ẩn của nhiều trái tim đa cảm. Người đọc cảm thấy nghẹn lòng khi đọc những vần thơ chị viết cho những người lính đã hi sinh khi giữ gìn biển đảo Tổ quốc. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại nơi đáy đại dương, nơi biển xanh cát trắng, linh hồn các anh đã hòa vào hồn thiêng sông núi và trở thành bất tử. Nhưng những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những đứa trẻ mồ côi là nỗi đau lớn không gì có thể bù đắp được. Bài thơ Em sẽ cùng mẹ ra thăm anh là một trong những bài thơ ám ảnh, cấu véo tâm can người đọc với hình ảnh: Mẹ còng lưng lặng thầm chờ con qua hoàng hôn đời người/ khóc sưng mắt đỏ/ Thổn thức vỡ òa trên gương mặt bao đứa trẻ mồ côi/ Tiếng gọi cha chỉ còn âm ba…/ đồng vọng.

Những vần thơ viết về quê hương bàng bạc, man mác, nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu lắng. Sống gắn bó với nơi mình đã từng sinh ra, lớn lên nhưng nhà thơ cảm thấy hình như mình mắc nợ với vùng đất này. Một sự “mắc nợ” rất đáng yêu, đầy tinh thần trách nhiệm công dân, hết sức nhân văn nhân ái của người con vùng sông nước mỡ màu này. Huỳnh Thúy Kiều đã tự thuật về nơi mình cất tiếng khóc chào đời, nơi đã chôn nhúm rau của mình ở đấy.

Tôi được sinh ra nơi đất rừng huyền thoại/ Đêm phương Nam buồn/ Phím nhạc cũng chùn rơi.

Nơi ấy gắn với không biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui, và những nỗi niềm thương nhớ.

Hơi thở tôi mang bùn đất quê nghèo

Nuôi khôn lớn từ tán bần nhánh ổi

Rặng trâm bầu

Rứt lòng bổi hổi

Dòng sông thơ chảy dọc tháng năm dài.

Tiếng sáo thả

Bậu về bên ấy

Cuốc kêu chiều

Khắc khoải giọng cố hương.

Từng chang đước dậy mình ôm biển mặn

Rừng tràm thơm gọi ong mật quay về.

 

Con vạc sành réo cao vút ngọn tre

Chao chao vành nón lá

Ngẩn ngơ hoài

Thầm gọi

Dấu yêu ơi!

(Hơi thở tôi mang mùi bùn đất)

Cũng chính mảnh đất này từ khi nhà thơ sinh ra đã thấy “nợ” rồi: Sinh ra con đã nợ rồi/ Cả tiếng dạ thưa/ Cả nhịp xuồng chèo khuya xa người đi trễ tép/ Mai sau tràm mật ngọt chỉ còn là kỷ vật/ Bướm bay chiều tà. Ơi nguồn cội khẳng khiu

Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất mới phương Nam với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng đặc biệt. Bên cạnh những thuận lợi còn lắm những thiệt thòi. Nhà thơ ngẫm ngợi và cảm thấy canh cánh nỗi lo âu:

Mùa nước lên

Đêm. Lúa thao thức cựa mình

Ánh trăng rớt dưới tàn cây cuối làng cổ thụ nhất

Trò chơi dân gian bặt tăm bóng dáng

Chú dế than buồn ngoẹo cổ gải râu.

Muốn quên đồng bằng. Dễ đâu quên được?

Màu ký ức cứ xoè ra như bàn tay năm ngón

Đây bếp lửa thơm mùi tro bánh tét

Mắm sặc kho bông súng chấm trưa nồng

Nợ khói ụn dừa buổi sớm lạnh đông

Nợ dọc đời người đau đáu chốn cưu mang …

(Mắc nợ đồng bằng)

Càng về sau thơ chị càng sâu lắng hơn với những trải nghiệm, nhìn nhận chín chắn về đời sống, về con người và thời cuộc:

Về khỏa nước sông quê để rửa trôi bớt nhọc nhằn

Mưa tháng sáu vẫn rạt rào chảy giữa hai bờ lúa

Đong tuổi thơ phía nào cũng thấy mình mắc nợ

Mấy lượt cây thay lá rồi mà tình đất vẫn tràn xanh…

(Giữa hai bờ lúa)

Tình yêu giờ đây cũng được nhìn nhận dưới góc nhìn của một người đã có những trải nghiệm, có độ lùi về thời gian để “em” suy ngẫm, thấu hiểu tình – đời:

Phố xá giờ hoen gỉ dấu chân/ đếm nhẫn nại/ bước buồn loang trật nhịp/ thẩm thấu khôn cùng/ phờ phạc trắng rơi rơi…

Gió vô tình gom về cuối con đường/ hẹn ước cũ/ anh khâu, chấp vá/ em đón tàn phai/ đủ xanh đỏ lọc lừa

(Không đề)

Vốn là người đàn bà nhạy cảm, bề ngoài có vẻ bản lĩnh và cứng rắn lắm nhưng bên trong rất yếu mềm, dễ xúc động, dạt dào tình cảm. Vì thế người đọc sẽ thấy nhiều bài thơ của chị có những kỉ niệm không chịu ngủ yên và thường trở đi trở lại, với những nỗi nhớ hoang hoải, những “vết xước” trong tình yêu và có cả lời trách móc nhẹ nhàng mà nhói buốt.

Em giặt mùa đông dưới bến hẹn hò

Phơi bờ giậu ngày lên xanh khói

Tháng năm đứng bên thềm gọi xuân hôi hổi

Chở giùm em cơn bão úa sân chiều

Khoác vai đêm

Đời ảo vọng đến không cùng

Một chút lạnh nêm cho vừa đủ rét

Nối hai đầu sợi buồn sao cho đừng cách biệt

Thức bình minh bóng nhớ sẽ ướt tràn

(Gởi)

Em tung đầy liếp nhớ lên hong

Tháng Chạp nhón gót vắt men sương rũ

Chiều xa hun hút

(Ngẫu hứng)

Biển chiều nay khỏa sóng lấp mặt người

Phía bên kia bầu trời đang nhức mắt

Đại dương xanh mà cây đời lại ngắn

Nụ đâm chồi sao lá úa trước thời gian…

(Phía bên kia bầu trời)

Thơ Huỳnh Thúy Kiều là tiếng lòng của một người con tình nghĩa, nặng lòng với vùng đất đã nuôi dưỡng cả thể xác lẫn tâm hồn mình. Chị vô cùng trân trọng và dành những tình cảm đặc biệt cho mảnh đất và con người quê hương. Chị đau nỗi đau của quê mình khi chiến tranh đi qua còn để lại những hậu quả khôn lường, những vết thương khó lành theo năm tháng: Mảnh pháo chiến tranh vắt ngang thân cây gòn mồ côi bám đất/ Dừa lồi lõm vết chiến tranh còn sót nhức…

Vẫn còn đó những giọt nước mắt của mẹ, sự trông ngóng vô vọng của những người đàn bà chờ chờ chồng, chờ con ngày trở về sau cuộc chiến để sum họp. Mẹ đã khóc cạn khô nước mắt, em đã chờ tóc bạc màu mây. Bàng hoàng, hẫng hụt trước mất mát và nỗi đau quá lớn:

Thời gian cứ xếp chồng lên đôi mắt mẹ những nếp nhăn đậm nhạt/ Mùa đông dài in rõ dấu chân chim… Những câu hỏi: Sao anh không về bên vành nôi để nghe bà kể lại chuyện cô Tấm ngoan hiền?/ Sao anh không về nhóm bếp lửa đầu hè?/ Cho mẹ sưởi ấm buổi tinh mơ mù sương gió bấc.

Đọc những câu thơ này, nước mắt tôi rơm rớm chảy. Tôi tin, không chỉ mình tôi mà còn nhiều người khác nữa cũng cảm thấy buồn khi thời gian và nỗi đau đã làm cho đôi mắt mẹ thêm nếp nhăn, thời gian đã lấy đi nhiều thứ quý giá của kiếp người.

Mọi thứ được ký gửi vào thời gian. Chị nhận ra sự khắc nghiệt của thời gian trước sự ngắn ngủi của đời người:

Bánh xe thời gian nghiến vòng xoay ròng rọc/ Phơi trơ đáy hoàng hôn/ Xoe mắt gió/ Dìm nỗi buồn lặn hút buổi tàn thu.

Hoa kỷ niệm vùi hư vô khóc nắng/ Đo nỗi dài bằng chiều nhớ lịm sắc mây/ Đá khát. Tinh thơm rát rạt/ Chảy mỹ miều khô khốc phía cuồng âm.

(Mắt gió)

Ngôn từ trong thơ chị bình dị mà không hề dân giã. Chị biết làm mới từ ngữ, hình ảnh, tứ thơ tạo nên những câu thơ đầy ám ảnh, những hình ảnh độc đáo: Đồng ngửa cổ/Ào ào cơn ngực sấm; Mùa hạ run nỗi niềm giáp hạt/ Cỏ ngậm đầy nụ đắng cánh đồng xưa; Châu thổ buồn thèm vực khúc đỗ quyên; Tượng đài đắp móng từ lồng ngực/ Gió một chiều có thổi mát được nỗi đau?; Sông thai nghén hình hài…

Huỳnh Thúy Kiều đã vận dụng sáng tạo những biện pháp nghệ thuật để tạo ra những dòng thơ ẩn chứa những ý nghĩa sâu xa. Nhà thơ đã mã hóa nhiều bài thơ tình của mình nên người đọc thể tự giải mã theo những cách riêng, vốn nằm trong một mạch ngầm cảm xúc.

“Giọt lệ quằn mi. Buồn ơi chảy làm chi ướt đất ?/ Xé thịt da mà khóc bụi trần tình …” (Nhớ một vầng trăng xa).

Mặc cả thời gian. Và em một mình vác đêm số phận/ Ánh lửa hoang ròng mắt ướt thổn khóc buổi hẹn hò (Và em… Một mình).

Vì vậy, khi đọc thơ chị, nhà nghiên cứu Võ Tấn Cường cho rằng: “Ngôn ngữ thơ, nhất là ngôn ngữ trong những bài thơ tình của Huỳnh Thúy Kiều mang vẻ đẹp lung linh và giàu chất tạo hình, nằm ở lằn ranh giữa ý thức và vô thức, giữa tỉnh và say, tạo nên nét nhòe của ngữ nghĩa, gây quyến rũ hồn người…”.

Thơ Huỳnh Thúy Kiều giàu cảm xúc, được cất lên từ sự thôi thúc của chính trái tim mình. Điều gì cũng làm cho chị xúc động. Những vui, buồn, hạnh phúc, khổ đau… trong thơ Huỳnh Thúy Kiều không chỉ là nỗi niềm riêng mà thấm đẫm tâm sự chung:

Buông luống cày bưng trời uống hết mật nắng tháng tư

Tựa chín cửa sông mình nhỏ nhoi trước chiều châu thổ

Cây mù u khoác những chùm hoa trắng nõn

Bịt khăn tang khóc phận bạc dưới chân cầu

(Châu thổ)

“bưng trời uống hết nắng tháng tư” là hình tượng đẹp, thể hiện niềm khát khao cháy bỏng, sự yêu thương vô bờ. Cùng với đó là sự tự thức, nỗi đau đáu trước những biến cố của con người, cuộc đời và thời cuộc.

Pha giấc mơ vào quê hương để giữ ngọt tiếng đồng bằng

Vạt áo đau nhét đầy bụi khói

Tấm chăn chiều vét hết trời xanh và cỏ dại

Bàn tay run …

Cầm con sóng mồ côi nức giọng gọi tím lục bình

(Mùa ẩn dụ)

Nhà thơ cảm thấy xót xa khi trẻ con bây giờ đã không còn được đắm mình trong sự hồn nhiên của tuổi thơ. Sự đối lập đầy xa xót giữa cuộc sống của trẻ em nông thôn và thành phố. Nỗi niềm ray rứt ấy không phải chỉ để tiếc nuối mà còn là nỗi đau của chị về những đứa trẻ – tuổi thơ bị đánh mất. Sống ở nơi phồn hoa, đô thị có lẽ trẻ sẽ thiếu vắng và có một khoảng trống lớn về những gì vốn gần gũi, gắn bó mật thiết với con người (Cây cỏ, hoa lá, ếch nhái, chim muông…). Trẻ thèm lắm được tắm ở con sông quê, được thả diều vào những chiều lộng gió, được chơi những trò chơi dân gian dưới ánh trăng vàng nơi sân kho hợp tác… Tất cả đã trở thành niềm khao khát cháy bỏng trong lòng các em. Vì ánh đèn thành phố đã che lấp ánh trăng. Tiếng xe cộ ồn ào át đi tiếng ve râm ran của những buổi trưa hè; tiếng còi tàu inh ỏi, tiếng quét rác xào xạc của chị lao công trong đêm… đã thay cho tiếng gà gáy điểm canh, báo sáng. Cái ồn ào, náo nhiệt, bụi bặm của phố phường đối lập hoàn toàn với cái yên bình, tĩnh lặng, mát lành trong trẻo ở quê… Một cách thể hiện đầy hình tượng và ám ảnh: “Tôi khóc riêng mình vì vô tình để lở loét bờ ca dao”.

Trung thu quê nghèo đâu rồi những nia thúng đựng trăng?

Giấc ngủ mớ đèn ông sao cá chép

Trẻ con thành phố cầm chiếc lồng như nhốt chùm trăng công nghiệp

Tôi khóc riêng mình vì vô tình để lở loét bờ ca dao

(Ru lại bờ cao dao)

Thơ Huỳnh Thúy Kiều không phải là những thứ xa vời, viển vông, hư ảo mà nhà thơ thường bám chặt những gì thật bình dị, đời thường. Tuôn chảy trong thế giới thơ chị là hình ảnh dòng sông, bến nước, con đường, cánh cò, đồng lúa, phù sa, tiếng gà, ánh lửa, làn khói lam chiều, đêm, nắng, gió… mà ở đó ẩn chứa những tình cảm sâu nặng của nhân vật trữ tình: Vốc ngụm bùn sông Hậu/ Mẹ bảo em gói thêm hoa mắm rừng chiều/ (Cánh sóng sẽ chuyển cho anh trăm ngàn nỗi nhớ)/ Con cá thòi thòi nghiêng chiếc vây trườn ngộ/ Đã lâu không về anh thắt thỏm nhớ hương cau… (Em viết cho anh từ phía cuối chân trời).

Đến đây rồi. Ơi Mũi Cà Mau!/ Chân anh chạm vào nơi tận cùng đất nước/ Ngực anh chạm vào căng phồng hơi thở em/ Thơm rối lừng chang đước/ Bến Năm Căn chiều dờn dợn đáy lòng sóng biển Mỹ Khê (Đến đây rồi. Ơi Mũi Cà Mau!).

Chính giọng thơ trong trẻo, da diết và đằm thắm ấy của chị là yếu tố gây ấn tượng cho người đọc. Có lẽ chính truyền thống và cái nôi văn hóa của vùng sông nước cộng với năng khiếu, sự tinh tế, nhạy cảm trong tâm hồn đã tạo ra một hồn thơ vừa đằm sâu, thao thiết, mang những phong vị, đặc trưng của vùng sông nước. Đó chính là nét riêng và cái đáng yêu của thơ Huỳnh Thúy Kiều.

Nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều đã ý thức sâu sắc rằng: “Thơ cũng như đứa trẻ khi mới tập đi chỉ đi trong nhà hoặc ngoài sân nhà mình. Khi lớn hơn và trưởng thành hơn trên những nẻo đường phía trước luôn luôn hấp dẫn thách thức sự tò mò khám phá. Khi viết về mảnh đất quê mình tôi có cảm giác nhiều vùng quê khác của đất nước như đang vẫy gọi tôi. Tôi nghĩ người làm thơ cũng cần hướng tới mọi nẻo đường của đất nước. Chính những bước chân ban đầu của đứa trẻ rất quan trọng nó bảo đảm cho những bước chân đi xa hơn sau này”.

Bên cạnh những thế mạnh mà chị có được, thơ Huỳnh Thúy Kiều còn có những hạn chế nhất định của người viết thơ trẻ. Đó là việc nói nhiều đến nỗi đau nên khó thoát khỏi những cảm xúc vụn vặt trong đời sống hằng ngày.

Hi vọng với sức trẻ và nội lực sẵn có chị sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh và khắc phục những hạn chế để định hình một phong cách thơ rõ nét hơn. Tôi tin, nhà thơ nữ trẻ Huỳnh Thúy Kiều sẽ còn tiến xa hơn, gặt hái nhiều thành công hơn nữa trên con đường lao động nghệ thuật đầy gian nan, lắm nhọc nhằn này.

N.V.H