Kẻ giết người hợp pháp – Truyện ngắn Vũ Tuấn Hoàng

584

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mãi đến chiều chủ nhật, Bogđan mới xuất hiện. Cứ nhìn khuôn mặt phờ phạc, hai mắt thâm quầng và chiếc áo sơ mi nhàu nát trên người ông, tôi đoán chắc, một tai họa thực sự đã đổ xuống đầu con người bất hạnh này. Có thể, người ta đã tìm thấy xác của vợ ông chăng? Hay một vụ bắt cóc tống tiền? Tôi vội gạt phắt đi giả thuyết thứ hai vì chẳng ai phí công tốn sức đi làm tiền một anh nhân viên quèn.

Tranh Thiếu nữ bên bờ biển Đen

Sau vụ cãi nhau với hiệu trưởng, tôi bị thôi việc dạy Anh văn ở một trường trung học của thành phố Lugansk.

Do hoàn cảnh gia đình gieo neo, tôi bèn tìm tới một người đồng hương tại thành phố cảng Odessa. Nhờ mối quan hệ làm ăn của anh và do thông thạo tiếng Anh nên tôi được nhận vào làm chân giúp việc trong một quán ăn khá nổi tiếng của người Hoa năm gần bãi tắm Akardia đẹp nhất thành phố. Tôi thuê một căn hộ nhỏ, nghèo nàn, cách chỗ làm ba bến xe điện. Hàng xóm không xa, cách một hiệu giặt, là phòng trọ của hai cô gái điếm từ quê lên kiếm sống. Sáng sáng, năm giờ tôi đã phải dậy để kịp chuyến tàu điện đầu tiên đến nơi làm và khi trở về nhà là lúc ngoài đường đã thưa thớt người qua lại. Công việc lúc đầu tưởng vất vả nhưng sau tôi quen dần và lại thấy thích thú. Làm việc ở đây cho tôi một cơ hội tiếp xúc với đủ các hạng người trong xã hội, từ các vị đại biểu nghị viện thành phố, các quan chức trong ngạch cảnh sát, đến những tay ma cô chuyên dắt gái cho các thủy thủ và khách du lịch nước ngoài. Tất nhiên, công việc không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, nhất lại là trong một thành phố cảng đông đúc, hỗn tạp đủ các sắc tộc như Odessa. Ngay tại phòng ăn của nhà hàng, đã nhiều lần diễn ra các cuộc đụng độ giữa các băng đảng maphia trong thành phố. Thường thường, bao giờ cũng kết thúc bằng việc nhà hàng bị cảnh sát bao vây, phải đóng cửa mấy ngày liền, hoặc xe cấp cứu rú còi chạy tới chở đi vài thân hình mềm nhũn, máu me be bét…Có khi phải cả tuần lễ sau, chúng tôi mới khôi phục lại được nhịp điệu làm việc bình thường.

Tôi cũng không nhớ mình để ý đến người đàn ông bí ẩn đó từ lúc nào?

Có lẽ do diện mạo hơi cổ quái của ông ta: Thân hình lực lưỡng của một võ sĩ quyền anh, thấp lùn, tóc luôn cắt ngắn gần như trọc. Và, chính là đôi mắt – Cái đầu tiên thu hút sự chú ý của tôi là đôi mắt đó. Nó lờ đờ, màu xanh đùng đục, không bộc lộ bất cứ tình cảm gì, ngay cả khi ông ta cười. Cũng có thể, còn một nguyên nhân nữa là sự xuất hiện của ông thường vào những giờ giấc không bình thường. Lúc sớm tinh mơ khi nhà hàng vừa mở cửa hay giữa đêm hôm khuya khoắt. Khi bước chân vào quán, tâm trạng ông bao giờ cũng rất lạ. Khuôn mặt tái nhợt như thể ông vừa bơi từ ngoài biển vào vậy. Mấy ngón tay cầm tờ thực đơn cứ run bần bật.

– Cho một ly conak!

Đó là món đầu tiên bất di bất dịch của ông. Cô hầu bàn vừa đặt cốc rượu xuống, ông ta chộp lấy ngay và ngửa cổ làm một hơi cạn sạch. Sau cốc rượu mạnh đó, ông ta mới lấy lại được vẻ thư thái để ăn những món tiếp theo. Có nhiều hôm, ông không ăn gì cả mà chỉ uống, uống cạn cả chai vodka nồng độ cao, rồi cứ ngồi trầm ngâm một mình như vậy. Đôi mắt lờ đờ nhìn chăm chăm vào một điểm vô hình nào đó trước mặt. Ông ngồi như vậy có khi cả tiếng đồng hồ, lãng quên hoàn toàn thế giới xung quanh. Đôi khi ông đến cùng vài người phụ nữ , chắc là nhân tình. Những lúc đó, ông ăn mặc lịch sự, cổ áo trắng tinh, thắt cavat to bản, tuy có hơi cổ điển một chút nhưng hợp với khổ người thấp đậm của ông. Mặc dù thân hình không phải lý tưởng, nhưng ông thích nhảy và nhảy khá duyên dáng, uyển chuyển trong vòng tay của những người đàn bà.

Rồi, cái sự việc mà tôi cho rằng đáng ghi nhớ nhất trong thời gian làm việc ở Odessa đã xảy ra. Nhiều năm sau này, mỗi khi nhắc tới thành phố cảng ở vùng miền Nam Ukraine, trong óc tôi lại hiện lên những hình ảnh liên quan tới người đàn ông này.

Hôm đó là chiều thứ bảy.

Trời mưa nên bãi biển vắng tanh vắng ngắt. Thường những hôm thời tiết như vậy, nhà hàng bao giờ cũng đông khách. Đúng lúc ban nhạc dừng chơi, thì cánh cửa nhà hàng bật mở. Tôi nhận ngay ra người đàn ông, khách quen của chúng tôi. Ông ta lưỡng lự mấy phút ở ngưỡng cửa và đưa mắt tìm bàn còn trống. Tôi đưa tay làm hiệu chỉ cho ông thấy một bàn chưa có ai ngồi sát bể cá cảnh ở góc phòng. Ông ta lách người đi giữa các dãy bàn ghế. Lúc này tôi mới nhận thấy, đi cùng ông còn có một cô gái trẻ mà thoạt tiên tôi không nhận ngay ra đó là một trong hai cô hàng xóm của tôi. Khi cả hai ngồi vào bàn rồi, tôi bước tới đặt thực đơn lên trước mặt họ. Ánh mắt của tôi và cô gái gặp nhau. Tôi khẽ gật đầu chào. Sau khi đi khỏi được vài bước, cái giọng khan khàn phát ra từ lồng ngực của ông còn vẳng đến tai tôi:

– Em quen cậu ta à?

– Em có đôi lần đến đây, thế thôi.

Từ đó, ông thường dẫn cô tới nhà hàng và chúng tôi trở nên quen thân hơn. Ông tên là Bogđan, bốn nhăm tuổi, làm việc trong một nhà tù của thành phố Odessa. Còn cô là Rita, theo như lời ông giới thiệu với tôi, là “sinh viên Y khoa”. Cũng thời gian đó, hai cô không còn thuê trọ tại căn hộ gần nhà tôi nữa. Theo sự phỏng đoán của tôi, Rita đã đến ở nhà của người tình. Sau đó hai tháng, đám cưới của họ được tổ chức tại nhà hàng. Do tuổi tác chênh lệch nhiều, nên ông rất chiều vợ. Hầu như thứ bảy tuần nào, họ cũng đến đây dùng bữa cơm chiều. Điều này đã trở thành một thông lệ, thậm chí vào cái tầm đó, tôi đã bảo các cô phục vụ dọn bàn cho hai người ở chỗ gần bể cá. Mặc dù quen nhau đã lâu, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện hỏi xem Bogđan làm việc gì trong nhà tù. Đối với tôi, nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Quản giáo, gác cổng hay giám đốc cũng vậy thôi. Tất cả đều là khách hàng. Nhân tiện đây, tôi cũng xin có dăm ba lời ngoài lề. Trước khi vào đây làm, tôi chưa phát hiện ra trong con người mình có một khả năng, hay nói chính xác hơn là “duyên thầm” khiến nhiều khách hàng đơn độc, nam có nữ có, thích bắt chuyện và tâm sự với tôi. Cũng có thể do cái giọng phát âm tiếng Nga đặc thù của người Việt nghe lạ tai hoặc do cái bản mặt tôi có nét gì đó dễ gây cho người khác cảm giác trước mặt họ là một thính giả tốt bụng, nhẫn nại ngồi nghe dù chủ đề có nhàm chán đến mức nào. Lắm khi tôi phải bấm bụng ngồi nghe những khách hàng kiểu như vậy cả  tiếng đồng hồ.

Tôi xin trở lại câu chuyện. Bỗng bẵng đi hai tuần liền, vợ chồng Bogđan không thấy xuất hiện. Cho đến một hôm, tôi từ hầm đựng rượu đi lên. Qua khe hở của các chai rượu để trên mặt quầy, tôi chợt nhận ra cái dáng quen thuộc của ông ta đứng trong ngưỡng cửa. Mặc dù hai tay còn bận bê một két rượu, tôi vẫn tìm cách tỳ vào cạnh bàn để đưa một tay lên chào ông từ xa. Song, phản ứng của ông khiến tôi hẫng người. Tôi phỏng đoán ngay, chắc có chuyện trục trặc giữa hai vợ chồng. “Chắc cô ả lại ngựa quen đường cũ” – Tôi thầm nghĩ bụng. Bogđan lừ lừ ngồi vào cái bàn gần cửa sổ, lưng quay về phía tôi. Cô phục vụ bâng đến cho ông một ly rượu. Như thường lệ, ông ngửa cổ làm một hơi cạn sạch và móc tiền trong ví ra quẳng lên bàn.

– Sao hôm nay ông anh vội đi đâu thế? Lâu không thấy qua nhà hàng? Mà sao lại lủi thủi một mình như thế này? Tôi vừa hỏi vừa đưa tiền lẻ trả lại cho ông, những Bogđan không thèm trả lời, vội vàng hấp tấp đi ra cửa.

Đúng là có chuyện không bình thường đã xảy ra. Bước ra ngoài vỉa hè được vài bước, ông mới sực nhớ ra và quay lại quẳng về phía tôi mấy câu cộc lốc:

– Xin lỗi cậu, tôi đang vội, Rita mất tích mấy hôm nay rồi!

Nói xong, ông mở cửa chiếc xe Jiguli để sát vỉa hè và rồ máy phóng thẳng. Tôi đứng ngây ra như phỗng, tri giác  đờ đẫn vì cái thông tin quá bất ngờ mà ông ném thẳng vào mặt tôi không kèm theo một lời giải thích. Mấy phút sau, lấy lại được bình tĩnh, tôi cúi xuống nhặt chiếc khăn lót tay rơi trên ngưỡng cửa.

*

Mãi đến chiều chủ nhật, Bogđan mới xuất hiện. Cứ nhìn khuôn mặt phờ phạc, hai mắt thâm quầng và chiếc áo sơ mi nhàu nát trên người ông, tôi đoán chắc, một tai họa thực sự đã đổ xuống đầu con người bất hạnh này. Có thể, người ta đã tìm thấy xác của vợ ông chăng? Hay một vụ bắt cóc tống tiền? Tôi vội gạt phắt đi giả thuyết thứ hai vì chẳng ai phí công tốn sức đi làm tiền một anh nhân viên quèn. Trong đau khổ, con người ta luôn cố tìm cách giãi bày tâm sự với bất kỳ ai, thậm chí với một người hoàn toàn xa lạ như thể xưng tội trước Chúa vậy. Chính ông lần này lại chủ động mời tôi ngồi xuống với ông

– Nếu cậu không bận, mà bây giờ có còn mấy ai đâu, ngồi xuống đây làm với mình một ly!

Như mọi bận thì tôi cũng cố tìm cớ này cớ khác để từ chối. Song lần này, trước một con người đang đau khổ như vậy, việc khước từ của tôi phải được xem như một hành vi nhẫn tâm. Tôi thực sự không dám đả động gì tới chuyện vợ của ông, mà cố lái câu chuyện về giá cả cho thuê nhà năm nay so với mùa nghỉ năm ngoái lại cao vọt lên, về một băng nhạc nổi tiếng đã hết thời của phương Tây lại được đón tiếp nồng hậu tại Odessa… Tôi biết chẳng một lời nào của tôi lọt vào được trong đầu của con người đang ngồi đối diện mà nỗi đau khổ đã làm cho khuôn mặt ông trở nên nhàu nhĩ. Sau nửa chai Vodka loại nặng, Bogđan dụi mẩu thuốc lá vào chiếc gạt tàn hình con cá sấu và đổ nốt chút rượu còn sót lại trong cốc để dập tắt hẳn vài sợi khói thưa thớt bay lên.

– Cậu có hay về quê hương không? Ít hả? Thế không được, phải cố gắng về thường xuyên hơn, về để nạp nghị lực sống. Tôi không phải người Odessa, quê tôi xa lắm, dưới chân dãy núi Kavkaz, thiên nhiên ở đó mới tuyệt làm sao! Chắc sắp tới tôi cũng phải thu xếp về quê một chuyến, đã bao năm rồi nhỉ? À, mà cậu chắc cũng chẳng bao giờ có ý định đặt câu hỏi, tôi làm việc gì trong nhà tù? Cho dù chúng ta quen nhau đã lâu. Có đúng thế không? Mọi tai họa trên thế giới này đều xuất phát từ sự thờ ơ đến vô cảm của con người đối với đồng loại đấy!

– Việc nào mà chả đáng quý trọng, chỉ kẻ nào ăn không ngồi rồi mới đáng xấu hổ thôi!

– Không đúng như vậy đâu. Cậu nói như một học sinh ngoan trên ghế nhà trường vậy. Tôi làm cái nghề mà chắc nói ra cậu sẽ nhìn tôi bằng ánh mắt khác. Nếu không ghê tởm thì cũng là kinh sợ. – Ông rót thêm một cốc rượu nữa và nâng cốc lên nhìn chăm chú những bọt tăm sủi lăn tăn, rồi bất ngờ ngửa cổ làm một tợp. Lấy mu bàn tay chùi mép, ông bình thản nói – Nghề thi hành án tử hình.

Quả thật, tôi bị choáng. Mặc dù cố gắng giữ bình tĩnh, song điếu thuốc đang cầm trên tay rớt xuống sàn nhà và ánh mắt tôi có vẻ gì đó thất thần, đã tố giác tất cả. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi đối mặt với một kẻ giết người. Thậm chí, tôi còn nhìn rõ cả những sợi lông loăn xoăn trên mu bàn tay của kẻ đã tước đi cuộc sống của đồng loại, dù nấp dưới vỏ bọc của pháp luật.

– Đấy, cậu thấy không, có phải nghề nào cũng tốt cả đâu. Giờ đây, giữa tôi và cậu không còn cái tình cảm như trước đây một phút nữa. Ánh mắt cậu nhìn tôi đã hoàn toàn khác. Nhưng thôi, nâng cốc cạn chén đi cái đã, mỗi người đã có một số phận rồi, không trốn tránh được đâu!

Tôi cố giữ để bàn tay run run của mình không làm sánh rượu trong cốc ra khăn trải bàn trắng tinh.

– Sao… sao anh lại chọn nghề này?

– Tôi trưởng thành trong trại trẻ mồ côi. Sự lựa chọn nghề nghiệp đâu phải do ý thích của mình. Trong hành trang nặng nề của tôi đã có ba nhăm mạng người. Kinh thánh có dạy: Thượng đế ban cho cuộc sống và cũng tước đi cuộc sống. Hình phạt chắc chắn sẽ đợi tôi ở thế giới bên kia.

– Anh có tin vào Thượng Đế không? Tôi hỏi, giọng vẫn còn run

Bogđan không trả lời thẳng vào câu hỏi, nói tiếp với giọng bình thản:

– Sau mỗi lần thi hành án, có hai cách để trấn an tinh thần: Rượu mạnh và nhà thờ. Án tử hình thường diễn ra vào lúc nửa đêm hoặc sáng tinh mơ. Khi đưa tử tù ra khỏi xà lim, chúng tôi giấu không cho biết là đem đi hành hình mà chỉ thông báo rằng đơn xin kháng án bị từ chối. Giây phút khủng khiếp nhất là khi tử tù bị dẫn vào phòng thi hành án. Đó là một căn buồng rộng ba mét, dài ba mét, tường bằng cao su đặc. Tử tù đứng khựng lại ở ngưỡng cửa vì biết rằng tiến thêm một bước nữa là cái chết. Nhiều kẻ bị vỡ tim trước khi thi hành án. Một số khác tìm cách chống cự. Tất nhiên là vô ích. Viên đạn bao giờ cũng nhằm vào thái dương bên trái… Sau mỗi lần như vậy, phải mất một thời gian khá lâu tôi mới lấy lại được thăng bằng tâm lý. Đôi khi gặp phải những giấc mơ khủng khiếp… tử tù lại chính là mình.

Bàn tay gân guốc của Bogđan chộp lấy cổ chai rượu. Tôi vội viện cớ phải vào nhà bếp có việc gấp. Tôi nôn khan mấy cái ở toilet. Trong đầu tôi hiện lên nhưng hình ảnh mỗi lần ông bước vào quán, tâm trạng bị kích động đến nhợt nhạt – Ông vừa giết người xong. Những cốc rượu của quán chúng tôi, đôi khi do tôi trực tiếp mang tới đã phục vụ cho một kẻ giết người. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu: Vợ ông chắc không phải bị mất tích mà bỏ trốn khi biết chồng làm nghề này. Tôi hình dung ra cuộc sống của cô khi hàng ngày phải ăn chung, ngủ chung với một kẻ sát nhân. Bàn tay ông vuốt ve cô cũng chính là bàn tay mà trước đó đã bóp cò súng…

Khi tôi quay trở ra, Bogđan đã say đổ gục xuống mặt bàn. Tôi và một anh phục vụ phải dìu ông vào phòng trong. Một cảm giác ghê ghê khi cánh tay ông đè lên vai tôi.

– Chắc chỉ bây giờ ông mới thực thanh thản – Tôi nhủ thầm.

 

***

Nhưng sự đời lại xoay theo một hướng khác. Ngay ngày hôm sau, tôi nhớ lúc đó các cô phục vụ đang dọn bàn ở phía ngoài sân. Trời nắng đẹp. Những làn gió biển mát dịu xua tan đi cái nóng oi ả của một buổi chiều hè. Bãi tắm đông khó len chân. Hình như ai cũng cố căng người ra để hấp thụ càng nhiều càng tốt nguồn năng lượng từ mặt trời để tích trữ cho mùa đông. Dưới bóng một chiếc ô lớn, tôi ngồi lơ đãng vừa ngắm những cánh buồm trắng no gió ở ngoài khơi, vừa liếc nhanh tờ báo “Odessa buổi chiều”. Chợt ánh mắt đập phải bức ảnh của Rita. Và bên cạnh là một dòng tít in đậm: “Một tử tù nguy hiểm đang bị truy nã”. Tôi ngốn ngấu đọc bài báo. Do sơ xuất của người cai tù và được sự giúp đỡ của một cô gái điếm. Tử tù Kravchuk đã trốn khỏi phòng giam một tuần trước khi thi hành án. Tung tích của cô gái điếm này (ảnh bên) đang được các trinh sát hình sự tìm kiếm…”.

Tôi đặt tờ báo xuống bàn. Chính đó là cô vợ của Bogđan. Óc tưởng tượng của tôi lập tức liên kết các sự việc lại với nhau. Người tử tù và Rita chắc có mối quan hệ gì đây: Cha con hay người tình? Cô lấy Bogđan không ngoài mục đích để lọt vào được phòng giam đặc biệt và thực hiện mưu đồ của mình. Suốt ngày hôm đó, đầu óc tôi luôn bị ám ảnh bởi sự kiện này. Tôi sốt ruột đợi Bogđan quay trở lại. Không chóng thì chầy, ông ấy sẽ thổ lộ với tôi ít nhiều về tình huống chớ trêu đó. Một tuần nữa trôi qua không động tĩnh gì. Cuộc sống trên bãi biển thật náo nhiệt. Mọi người hối hả phơi nắng, hối hả ăn uống và yêu đương. Khoảng ba giờ chiều ngày thứ sáu, từ phía dưới bãi tắm bỗng đưa lên những tiếng kêu thất thanh. Mấy cô phục vụ từ ngoài chạy vào  vẻ mặt hốt hoảng sợ hãi. Các cô đứng túm tụm bên cửa sổ và chỉ trỏ ra phía biển. Xác của một người đàn ông bị sóng đánh dạt vào bãi tắm. Xe cấp cứu đỗ ngay sát lối đi xuống bãi cát, gần mấy ki-ốt bán đồ uống. Một tốp bác sĩ và công an rẽ đám đông tiến vào hiện trường. Đến buổi tối, một khách hàng cho tôi hay, người đàn ông đó bị cảm đột ngột vì uống một lượng rượu mạnh khá lớn. Nghe phong thanh, ông ấy làm một chân gì đó trong nhà tù của tỉnh Odessa. Người tôi sởn da gà. Chẳng lẽ lại là Bogđan? Cũng từ đó, không thấy ông lai vãng tới quán. Tôi rất để ý theo dõi tờ báo “Odessa Buổi Chiều” nhưng không thấy đăng tiếp tin tức gì về vụ việc này.

Rồi, mùa thu đến, không gây chút ồn ào. Bãi tắm trở nên vắng tanh. Sáng sớm, khi tia nắng hình rẽ quạt vừa nhú khỏi chân mây, lác đác xuất hiện mấy chú bé con người địa phương lang  thang nhặt vỏ sò vỏ hến.

Biển lạnh đi song yên tĩnh hơn, thỉnh thoảng như giật mình vì những tiếng còi tàu vọng tới từ khu cảng ở gần đó. Mỗi khi đứng ở bậc thềm của quán nhìn ra biển, tôi hay tự vấn mình bằng một câu hỏi: Hay Bogđan đã tự sát?

Đến cuối thu, tôi rời Odessa.

V.T.H