Kem của tuổi thơ – Tản văn của Võ Văn Thọ

796

(Vanchuongphuongnam.vn) – Những ai còn nhớ que kem (cà rem) này chắc chưa thể bỏ quên tuổi thơ trong tiềm thức. Tuổi thơ một thời bao cấp sống trong thập niên 80 và những năm 90 trở về trước. Tuổi thơ hiện nay của thế hệ trẻ không còn bắt gặp hình ảnh này nữa. Vì đất nước ngày càng phát triển, đổi mới, điều ấy thật đáng mừng. Tuy nhiên, với tôi vẫn còn nhớ như in tuổi thơ những ngày gian khó ấy.

Tác giả Võ Văn Thọ 

Đang trưa đứng bóng, lũ nhỏ chúng tôi lén cha mẹ ra vườn, ra đường tìm bóng cây để chơi, trò chuyện, bỗng nghe tiếng leng keng từ tiếng chuông được gắn trên ghi đông xe đạp và kèm theo tiếng rao thân thuộc:

– Ai cà rem không? Ai có dép đứt, dép hư, nhôm nhựa không dùng được, bỏ đi; thì đem đổi cà rem đây?

Cứ thế tiếng rao khoảng ba lần liên tục, nếu không có tiếng trả lời, thì chú bán cà rem mới tiếp tục đạp xe đi tiếp trên con đường làng đầy nắng gió, bụi đường. Nếu có tiếng trẻ con lên tiếng: Chờ con đổi nhé! Thì chú bán cà rem sẽ nán lại chờ.

Hồi đó, tôi nhớ không lầm thì một ngàn đồng mua được hai cây cà rem. Còn một đôi dép nhựa đứt đổi cũng được bốn cây cà rem. Nhưng tìm, chờ có được một đôi dép nhựa “hết đát” là rất khó, vì thời buổi ấy tận dụng tối đa dép bị đứt coi thì dán lại nhiều lần để đi, chứ dễ gì có tiền mà mua dép mới. Có hôm loay hoay đi tìm nhôm, nhựa nhặt được đem cất một nơi, tìm một nẻo, chờ lâu quá chú bán cà rem đạp xe đi được một đoạn xa, nhưng vẫn cố chạy theo bán sống, bán chết để gọi chú cà rem lại đổi cho bằng được mấy cây cà rem để ăn hay nói đúng hơn là mút cho đỡ thèm. Thời buổi khó khăn, nên ăn uống thiếu chất, những đứa trẻ như tôi lúc đó gầy dơ xương, cộng thêm dang nắng, nên đứa nào đứa nấy đen ngoen như con khỉ. Có khi một cây cà rem mà tới hai đứa ăn chung cho đỡ thèm. Còn có tiền để mua cà rem thì thuộc loại VIP rồi.

Cũng phải thừa nhận rằng, những hôm đi học ở trường làng, nhất là về mùa giáp hè, về trưa 11h30’ đến 12 h00 vừa đói bụng, vừa khát nước, nếu có được cây cà rem mà đưa vào miệng thì còn gì bằng. Chính vì vậy, cà rem đã trở nên gần gũi, hiện hữu đối với một thời học sinh của tôi. Người ta nói nói: Món ăn cao lương, mỹ vị không phải món ăn đắt tiền mà là món ăn hợp khẩu vị cũng chẳng sai. Có thể nói cà rem, kẹo kéo, kẹo ú là món ăn được tụi nhỏ bọn tôi yêu thích nhất thời điểm ấy.

Năm tháng đã đi qua, song tuổi thơ trong tôi vẫn còn lắng đọng, có lẽ chính vì lý do ấy mà tôi “không lớn khôn lên được”, tôi chỉ như một đứa bé sống lâu năm mà trở nên già, chứ không chịu quên đi những năm tháng tuổi thơ. Dẫu những năm tháng đó là khó khăn, thiếu thốn.

Hiện nay, đã trải qua hơn hơn 35 năm đổi mới kể từ năm 1986 đến nay, đất nước phát triển, hội nhập nên những đứa trẻ hiện nay may mắn hơn thế hệ của tôi, có điều kiện để ăn ngon, mặc đẹp và có điều kiện tốt để học hành. Điều ấy, hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển của xã hội và mong ước của người dân và các thế hệ đi trước.

Giờ đây, những tiếng leng keng được phát ra từ tiếng chuông của chú bán cà rem năm xưa không còn nữa, những trưa hè oi ả cũng không còn cảnh tụi nhỏ chúng tôi trốn cha mẹ, để đi chơi, chấm ve, hái ổi và có khi còn được ăn mấy lằn roi dâu trên mông, trên đùi phồng lên, đỏ hoe và đau điếng đến ù cả tai. Nhưng lại chạnh nhớ biết bao! Tuổi thơ tôi chưa thể nói là “dữ dội”, nhưng cũng đủ cảm nhận, đủ để có chất liệu mà nhớ, mà thương và yêu nó đến không bến bờ…

Chiều 29.03.2021

V.V.T