(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngày cuối tuần. Sau thời gian suy nghĩ đắn đo, Ngọc thức dậy sớm để chuẩn bị vào khu du lịch vãn cảnh. Bình minh đang lên rực rỡ ở đằng Đông. Nắng vàng dần trải thảm trên các nẻo đường dẫn vào Làng tre, nơi Ngọc đang hướng tới.
Ảnh minh họa
Trên các cành cây, từng đàn chim chuyền cành hót líu lo đón chào ánh nắng ban mai. Sinh ra và lớn lên tại vùng quê này nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên chị để tâm chú ý và ngạc nhiên trước vẻ đẹp giản dị nhưng đầy quyến rũ của các sắc màu cùng sự ngọt ngào, dịu êm của âm thanh cuộc sống xung quanh. Mấy hôm nay Ngọc cứ xao xuyến, bồi hồi. Chị cảm nhận một cái gì đó vừa tươi mới mà thẳm sâu, vừa âm thầm mà mạnh mẽ đang trỗi dậy trong lòng mình. Mọi chuyện bắt đầu từ khi Ngọc tham gia chuyến du lịch trở về. Đó là tour du lịch ghép. Các thành viên trong đoàn thuộc hai nhóm khác nhau. Nhóm của Ngọc là các cán bộ, giảng viên của một trường đại học, còn nhóm kia là các văn nghệ sỹ lần đầu tiên chị gặp mặt. Tuy lúc đầu còn bỡ ngỡ nhưng rồi “trước lạ sau quen”. Chỉ mấy ngày thôi nhưng qua chuyện trò, tiếp xúc thân tình cũng đủ đông đầy kỷ niệm. Riêng với Ngọc, chị không ngờ đó là một cột mốc khó quên.
Suốt những năm tuổi trẻ đã qua, Ngọc chăm chỉ học hành và say mê công việc, quên hẳn bản thân mình. Từ thời học sinh phổ thông cho đến khi trở thành giảng viên đại học, có nhiều chàng trai để ý nhưng Ngọc cứ lờ đi. Thấy vậy, nhiều sốt ruột. Má Ngọc mỗi lần nhắc tới chuyện chồng con của chị nét mặt cứ buồn xo. “Hâm” hoài ế tới nơi rồi nhỏ, lo kiếm nửa kia đi!”, các đồng nghiệp lớn tuổi nhắc nhở. Mấy nữ sinh viên thì thường ý tứ khen dáng cô giáo chuẩn quá, mặc đồ gì cũng đẹp, cô khoác bộ đồ cưới cho tụi em ngắm đi cô! Nghe vậy, Ngọc chỉ cười trừ. Ngày qua ngày, chị vùi đầu tìm tòi nghiên cứu rồi truyền đạt kiến thức cùng niềm đam mê của mình cho sinh viên. Thực ra, không phải Ngọc hoàn toàn không nghĩ tới chuyện chồng con. Có điều, bận bịu với các chương trình học tập, nghiên cứu và giảng dạy, chị hầu như không có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài. Đồng nghiệp thì chẳng có ai vừa đôi, phải lứa. Phần nữa, nhìn vào đám bạn cùng lứa, đứa lấy chồng được một thời gian rồi ly dị, đứa tối mày tối mặt lo cho chồng con đến xọp cả người làm Ngọc chán nản. Cứ thế, năm tháng trôi đi, ngoài việc làm tròn bốn phận của một nhà giáo, Ngọc ít quan tâm đến những chuyện khác. Dần dần, chị quen với lối sống an phận.
Đây là lần đầu tiên Ngọc đi du lịch chung với các văn nghệ sỹ. Vừa lên xe là họ chuyện trò rôm rả. Hết bàn luận về thời sự đến bình phẩm các tác phẩm văn học, nghệ thuật, rồi chuyện đời, chuyện nghề… Có lúc cao hứng họ ca hát, diễn kịch, tạo nên không khí vui nhộn. Ngọc vốn yêu thích sự yên tĩnh nhưng có lẽ các câu chuyện và tiết mục văn nghệ của họ vừa có duyên lại tạo nên cảm giác gần gũi nên chị bị chinh phục và cuốn hút theo. Cô bạn thân ngồi kế bên huých nhẹ cánh tay nói nhỏ, tài tử văn nhân đầy ra đó, coi đám nào được thì kết đi. Kệ tui! Đang một mình sung sướng, kết chi cho mất độc lập tự do? Chợt Ngọc nhận ra anh nhà thơ ngồi đối diện với chị ở hàng ghế bên kia đang nhìn mình. Anh ta không tham gia cuộc vui mà chỉ ngồi nghe với nét mặt và nụ cười điềm tĩnh, bao dung. Vậy nhưng mỗi khi câu chuyện gặp khúc mắc thì anh ta là người tháo gỡ. Hình như mọi vấn đề thuộc các lĩnh vực, xưa, nay anh ta đều rành rẽ. Không hiểu sao, mỗi khi anh cất lời, Ngọc lại quay qua nhìn và gặp ánh mắt anh cũng đang nhìn chị như có sự lập trình sẵn. Mỗi lần như vậy, Ngọc lại có cảm giác như anh đang nói với riêng chị. Thôi, mặc kệ người ta. Để ý chi cho mệt. Ngọc nhủ thầm rồi ngả người ra phía sau, lim dim mắt. Chị tính làm một giấc nhưng cảm thấy đầu óc cứ tỉnh rụi.
Xe đưa đoàn tới điểm hẹn để đi tham quan các con thác nổi tiếng. Đường tới thác là lối đi nhỏ gập ghềnh, hết xuống dốc lại lên dốc. Lần đầu tiên đi du lịch ở khu vực có địa hình phức tạp nên Ngọc bỡ ngỡ. Chị loay hoay với đôi dày cao gót. Hướng dẫn viên du lịch có cảnh báo trước nhưng Ngọc chủ quan, cho rằng không có gì quan trọng. Giờ Ngọc mới thấy rõ vấn đề và tự trách mình. Sau phút giây bối rối, Ngọc ráng bước đi và bị vấp, té nhào về phía trước. Anh đang né đường cho mấy người đi sau bước qua để cúi xuống sửa lại quai dép thấy vậy liền xoay người đỡ Ngọc nhưng thất thế, bị ngã và bị ngọc nằm đè lên. Ngọc vội vàng nhổm người đứng dậy. Sau phút giây e lệ, ngại ngùng, chị ráng lấy lại bình tĩnh, nhìn anh nói: “Em xin lỗi. Anh có sao không ạ?”. Chợt nhìn thấy mấy vết trầy xước ở cánh tay và bàn chân anh, Ngọc xuýt xoa: “Ui cha, chấn thương chảy máu rồi anh!”. “ Lâu lâu thử xem đá cứng đến mức nào ấy mà! Không sao.” Anh nhìn Ngọc, vừa cười vừa nói vui để trấn an. Cảm thấy đau rát cánh tay trái, Ngọc kéo ống tay áo nhìn và thấy mình cũng bị chấn thương. Cô buồn rầu tính bỏ cuộc. Hình như đoán được suy nghĩ của Ngọc, anh bảo chị đứng chờ rồi vội vàng quay lại con phố lúc nãy mua thuốc sát trùng và bông băng tới băng bó vết thương cho Ngọc. Anh cũng không quên mua cho Ngọc đôi dày thể thao bằng vải. Ngọc tỏ ý ngại ngùng, nói lời cảm ơn và xin được gởi tiền lại cho anh. Anh xua tay cười và động viên Ngọc đi cho kịp với đoàn. Vừa đi, Ngọc vừa thắc mắc, sao lại cứ là anh ta nhỉ? Mọi chuyện cứ như có sự sắp đặt vô hình… Chợt Ngọc nghe anh bảo:
– Tôi nói điều này có gì không phải mong cô giáo thông cảm, tôi thấy cô rất quen nhưng không nhớ đã gặp ở đâu?
– Dân văn nghệ các anh giỏi tưởng tượng.
– Có thể là tưởng tượng thiệt… Nhưng tôi nói nghiêm túc đấy…
– Vui nhỉ…
Ngọc bật cười. Đến lưng chừng dốc, anh bảo Ngọc dừng chân nghỉ mệt và tạo dáng để anh chụp tặng pô hình làm kỷ niệm. Ngọc tính chối từ nhưng lại ngoan ngoãn nghe lời. Bạn bè hai nhóm đều giành cho Ngọc và anh những ánh mắt, nụ cười trìu mến. “Dân văn nghệ vốn tình cảm như vầy đó, em gái à”. – Một anh chàng cao to, đứng tuổi, có gương mặt phong trần đứng gần bên nói nhỏ với Ngọc.
Hành trình ngày thứ hai chinh phục ngọn núi cao để thưởng ngoạn kỳ quan ở đỉnh núi quá là một thử thách. Không chỉ vì dốc cao và dài. Càng đi lên càng thấy khó thở vì không khí bị loãng dần. Mọi người động viên nhau cố lên. Anh dừng lại, đi sau cùng như muốn làm điểm tựa cho Ngọc và các thành viên trong đoàn. Cuối cùng, họ cũng lên tới đỉnh trong niềm phấn khích. Dõi mắt nhìn phong cảnh xung quanh ngọn núi giây lát, anh thốt lên:
– Đẹp quá! Mình đã tới chỗ này vài lần nhưng mỗi lần lại như khám phá thêm được vẻ đẹp đầy thơ mộng và hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây.
Chợt anh quay qua hỏi Ngọc:
– Cô giáo có thích văn chương không?
Ngọc lúng túng chưa kịp trả lời, anh nói tiếp:
– Văn thơ bây giờ bèo bọt quá, nhưng bên cạnh cái nghiệp tự mang vào thân, hãy cứ xem như một thú vui tao nhã. Mà thú vui thì không thể cưỡng. Cô giáo thử viết xem sao…
– Dạ anh. – Ngọc trả lời. Chị nghe trái tim mình rạo rực khi nhìn thấy niềm vui ánh lên trong đôi mắt anh. Giọng anh trầm tư:
– Khách văn chương có thể nghèo về tiền bạc nhưng giàu tình cảm và tấm lòng luôn rộng mở. Mặc dù cũng có vài người đôi lúc hơi cực đoan…
Ngọc lắng nghe từng lời anh nói và nghĩ rằng đó là những câu thốt ra từ gan ruột của anh. Dọc đường trở về khách sạn, Ngọc nghe một nữ thành viên đứng tuổi bảo là chị kết nghĩa của anh nói rằng anh từng là một cán bộ lãnh đạo có tài và tận tâm với công việc nhưng lận đận trong con đường công danh sự nghiệp vì bản tính trung thực, thẳng thắn, ghét xu nịnh, không chấp nhận sự giả dối. Chị ta nhìn Ngọc, nói: “Đẹp trai, phong độ là thế nhưng tình duyên cũng lận đận không kém. Ráng lấy vợ để làm vui lòng mẹ già nhưng chưa gặp được “ý trung nhân”. Vừa quen một cô gái giỏi giang, đẹp người đẹp nết lại có khiếu văn chương, ai cũng mừng nhưng rồi cô ấy bị “dính” covid – 19 không qua khỏi. Thiệt tội nghiệp hết sức. Riêng với văn chương, cậu ấy đã sớm tạo được dấu ấn và ngày càng khẳng định vị thế trong làng văn”. – Ngừng giây lát, chị nói tiếp như để kết luận một mệnh đề: “Dù phải đổ mồ hôi, nước mắt và có khi cả máu nữa cho những đứa con tinh thần của mình, nhưng khác với chốn quan trường, vận mệnh của tác phẩm văn học nghệ thuật và người nghệ sỹ cuối cùng đều do thái độ tiếp nhận của công chúng quyết định, mà công chúng thì lúc nào cũng sáng suốt và công bằng. Vì vậy, những nghệ sỹ thực sự có tài năng và tâm huyết thường tạo được chỗ đứng của mình và tác phẩm của họ sống mãi với thời gian. Cậu ấy là một minh chứng”. Lần đầu tiên Ngọc nghe nói về những điều trên đây và chị cũng chưa được đọc các tác phẩm của anh. Tuy vậy, qua câu chuyện, chị hiểu phần nào về anh, về công việc anh đang làm và có thiện cảm với anh hơn. Ngọc lắng nghe những rung cảm mới lạ trong lòng mình và nhận ra những lúc được gần bên anh, chị cảm thấy yên bình. Mỗi buổi tối, sau khi các thành viên trong đoàn tạm chia tay nhau về phòng nghỉ ngơi, Ngọc lại xao xuyến trong lòng. Vết trầy xước hôm nào hình như đã liền da mà chẳng hiểu sao Ngọc không muốn gỡ băng. Chị mong đêm qua mau để ngày mới bắt đầu.
Quay đi quay lại đã sắp hết hành trình của chuyến du lịch. Ngọc có cảm giác thời gian trôi qua quá nhanh. Chị bồi hồi nhớ lại, lúc chia tay, anh hỏi chị:
– Kỳ này về cô giáo xuống trường hay nghỉ hè ở quê?
Ngọc bẽn lẽn:
– Dạ, em nghỉ ở nhà ít bữa rồi về trường ạ.
Anh lại hỏi:
– Nhà cô giáo ở đó có gần khu du lịch Làng tre?
Ngọc ngước nhìn anh, tỏ vẻ ngạc nhiên và vui mửng:
– Dạ, cũng gần ạ. Anh cũng biết chỗ đó, phải không ạ ?
Anh nhìn vào mắt Ngọc, hẹn ngày gần nhất sẽ lên thăm Làng tre quê chị. Anh bảo thỉnh thoảng vẫn thường lên đó vào dịp nghỉ cuối tuần…
Kia rồi. Làng tre đã hiện lên trước mặt. Qua tìm hiểu, Ngọc được biết đây là khu bảo tồn tre tự nhiên lớn nhất và sớm nhất nước, tọa lạc giữa một vùng công nghiệp – đô thị rộng lớn. Hàng trăm giống tre nơi đây được thu thập từ các vùng, miền của Tổ quốc. Vì vậy, những ngày nghỉ cuối tuần Làng tre thường thu hút một lượng khách thập phương khá lớn. Họ tới nơi đây để được thả hồn vào thiên nhiên, khám phá sự đa dạng, phong phú của hệ sinh thái tre xanh và tham quan, mua sắm những sản phẩm được làm từ tre. Sau khi gửi xe vào bãi, Ngọc hòa vào dòng người đông đúc. Tuổi thơ của Ngọc gắn liền với làng quê mộc mạc cùng lũy tre xanh. Vì vậy, đi dưới bóng hàng tre, nghe tiếng kẽo kè kẽo kẹt của những thân tre cọ vào nhau trong gió mùa hè man mác cùng tiếng chim hót líu lo làm Ngọc có cảm giác bồi hồi, xao xuyến. Chị lắng nghe tiếng lòng mình và mỉm cười tự hỏi, không biết hôm nay mình đến đây vì muốn tìm lại những kỷ niệm xưa hay vì một lý do khác? Anh bảo, mặc dù sống ở thành phố lâu năm nhưng anh yêu sự thanh bình cùng cảm xúc dịu êm khi được hòa mình với thiên nhiên. Có khi nào bước chân Ngọc trùng với những bước chân anh đã đi qua không nhỉ? Có bao giờ từ trong đoàn khách đang tới mỗi lúc một đông kia, có một người khách văn chương chợt xuất hiện trước mặt chị?… Ngọc nhìn ngắm xung quanh giây lát rồi đi sâu vào khu vực phía trong. Loanh quanh một vòng hết khu bảo tàng tre đến nơi dành cho các chuyên gia, sinh viên nghiên cứu các phương thức bảo tồn và phát triển tre xanh, chị dừng chân nghỉ mệt. “Khách văn chương giàu tình cảm và tấm lòng luôn rộng mở”. Đúng rồi còn gì. Chữ của nhà văn nhà thơ thường nhiều nghĩa. Chỉ tại mình nông cạn và cảm tính mà thôi… Đang suy nghĩ, chợt nghe có tín hiệu từ điện thoại, Ngọc mở xem thấy trên nhật ký zalo đăng hình anh ta cùng một cô gái trẻ trung, xinh đẹp đang tươi cười nắm tay nhau, phía dưới là dòng chữ “Tìm lại ngày xưa”. Cận cảnh phía sau bức hình là hàng tre xanh mướt. Bức hình vừa đăng lên đã có vô số người bày tỏ cảm xúc cùng những lời bình luận bóng bẩy, ướt át. Ngọc quá bất ngờ. Chị giận tím mặt. Làm gì là quyền của mỗi người, nhưng cũng phải chừng mực. Sao người ta có thể đối xử với mình một cách kệch cỡm như vậy chớ? Đây là cung cách của những người giỏi chữ nghĩa, văn chương ư? Ngọc chợt nhớ tới lời một cô bạn thân, rằng văn nghệ sỹ vốn có tâm hồn lãng mạn và mối quan hệ phức tạp nên họ ít chung tình, thậm chí nhiều khi có lối sống khác người. Lúc ấy chị đã tranh luận gay gắt với cô bạn và cho rằng ở đâu, lĩnh vực nào cũng có người thế này, người thế khác, không nên vơ đũa cả nắm. Vậy mà giờ đây chị cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Ngọc vừa giận vừa tủi hổ. Mãi một lúc sau, chị tự an ủi: “Ôi, mình với anh ta đã là gì của nhau đâu?! Coi như chưa hề quen biết”.
Tuy nghĩ như vậy nhưng Ngọc vẫn cảm thấy rất buồn. Đột nhiên, chị nhìn về phía dòng sông và lặng lẽ đi về phía ấy như một kẻ vô thức. Trong kỷ ức Ngọc, con sông quê hương đẹp và thơ mộng biết bao. Kia rồi, làn nước trong xanh trải dài trước mặt. Xuôi dòng không bao xa là bến nước với bãi cát vàng ỏng ả, gắn liền với những kỷ niệm thời tuổi thơ của chị. Ngọc bồi hồi nhớ lại những buổi chiều hè chị cùng đám bạn bè tung tăng bơi lội, đùa giỡn giữa dòng nước trong xanh, mát rượi. Chị thèm khát được quay trở về thời tuổi thơ sôi nổi và vô tư ấy biết nhường nào. Chị đưa mắt nhìn xuống dòng sông. Mặt nước dập dờn muôn ngàn con sóng nối tiếp nhau tưởng như vô tận. Vài con thuyền lặng lẽ theo con nước về xuôi. Lòng chị chạnh buồn khi vịn vào những câu thơ trong tác phẩm “Tràng giang” của Huy Cận:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả…”
Vừa nhẩm đọc mấy câu thơ trên đây xong, Ngọc tự chế diễu: “Hổng biết mình mê thơ văn từ hồi nào vậy?”. Chị bước từ từ xuống bến. Nước ven bờ lặng sóng. Chị soi mình vào dòng sông rồi đưa tay khua mặt nước như thuở nhỏ chị và mấy người bạn của mình vẫn thường đùa nghịch. Khuôn mặt khả ái động đậy rồi biến dạng theo làn sóng do tay chị tạo ra. Một lát sau, mặt nước bớt xao động dần, khuôn mặt chị lại chuyển động theo chiều ngược lại. Khi mặt nước yên hẳn, Ngọc bất ngờ thấy hiện lên bên cạnh hình bóng của mình là khuôn mặt cô gái lúc nãy chị vừa thấy trên màn hình điện thoại. Ngọc vội đứng thẳng người lên và quay phắt lại, thấy con người ấy, bằng xương bằng thịt, đang đứng ngay sát phía sau mình. Ngọc chưa kịp phản ứng thì cô gái đã nhẹ nhàng ôm lấy bờ vai chị, giọng vồn vã:
– Em chào cô. Xin lỗi vì đã làm cô giật mình. Cho em hỏi, cô có phải là cô Ngọc không ạ?
– Cô là ai mà hỏi tôi mới được chớ? – Ngọc hỏi lại.
Cô gái nhìn Ngọc, cười thật tươi:
– Vậy đúng là cô rồi! Dạ, em là Liên, học trò thầy Duy ạ. Tụi em thuộc bút nhóm Lũy tre xanh, được thầy ân cần dìu dắt vào nghiệp văn chương. Vừa rồi tụi em có nghe thầy kể về cô. Hôm nay thầy lên đây, em cùng mấy bạn trong nhóm đi theo thầy để mong được gặp cô và luôn tiện tham quan khu du lịch ạ.
– Cô kiếm tôi có việc gì? – Ngọc chưa hết cảm giác khó chịu trong lòng.
Liên lại cười tươi và liến thoắng:
– Tụi em rất kính mến thầy nên lẽ đương nhiên là kính mến cô và muốn được gặp cô thôi ạ!… Vừa tới Làng tre, thầy bảo thầy linh cảm cô đang có mặt đâu đó. Thầy không điện thoại cho cô vì muốn tạo sự bất ngờ. Mấy thầy trò đang đi tìm cô thì thầy “bị” một nhóm sinh viên phát hiện và bu lại xin được giao lưu. Thấy họ thiệt lòng nên thầy không nỡ chối từ. Vậy là em lách khỏi đám đông, thay thầy đi tìm cô. Hên là có người biết cô. Thấy em nhìn quanh nhìn quất, họ hỏi thăm và chỉ cho em ra đây. Thôi, giờ em mời cô đi vô trỏng nhen cô. Để em “bàn giao” cô cho thầy em nà.
Nói xong, Liên mạnh dạn cầm tay Ngọc dắt chị đi cùng mình về phía Làng tre. Phía ấy đang ngân vang những âm thanh rộn rã, tươi vui. Phía ấy, có người khách văn chương… Chợt Ngọc cảm nhận được đôi má mình đang mỗi lúc một ửng hồng.
N.Q