Khăn rằn ra trận

1537

Đan Thanh

Tặng những chiếc khăn rằn

(Vanchuongphuongnam.vn) – Văn hóa Việt Nam đa dạng và khởi sắc với sinh hoạt vật chất và tinh thần của hơn 54 dân tộc anh em sống rải rác trên khắp cả ba miền đất nước. Trong cuộc sống thường nhật hôm nay, hình ảnh áo bà ba, nón lá và chiếc khăn rằn từ lâu đã hình thành rõ nét một biểu trưng văn hóa đặc biệt của người dân Nam bộ.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Với chiếc khăn rằn, thường may bằng loại vải phổ thông vì tính năng đa dụng để ai cũng có thể sở hữu được nó. Hình thái khăn dung dị, chiều dài khoảng 120cm, chiều ngang 50cm nổi bật với những vạch in hay đường dệt đen – trắng, hoặc đỏ lạt – nâu, đan quyện thẳng góc nhau lằn ngang lằn dọc tạo thành ô vuông nhỏ trông rất xinh xắn…  Do vậy nên người ta gọi nó là khăn rằn. Có người bảo khăn rằn bắt nguồn trước tiên từ đất nước Chùa Tháp mặc dù đa phần nam nữ người dân Đồng bằng sông Cửu Long đã sử dụng rộng rãi hình thức trang phục này ngay từ thuở đi khai hoang mở cõi, nhưng không biết chính thức nó xuất hiện từ bao giờ.

Chiếc khăn rằn đóng góp đáng kể như một bộ phận không thể thiếu trong ăn mặc và trở nên vô cùng tiện lợi, gần gũi với mọi người dân trong đó có không ít người dân tộc Chăm và Cam-pu-chia trên những nẻo đường đi buôn bán đó đây của họ.

Trên bình diện lao động, người dân miệt vườn chích nó trên đầu khi làm việc ở nhà hay ngoài vườn vừa tránh nắng cho đầu vừa cho tóc không xổ ra bận bịu. Đôi lúc nó cũng được buộc ngang trán hoặc ngang bụng người đàn ông ở trần mặc quần đùi để chặn hoặc lau mồ hôi khi tiết trời nóng bức. Ở nhà hay ra đồng, đàn ông cũng dùng khăn rằn quấn cổ lúc trời lạnh hay lau mặt, lau mình khi tắm giặt. Trong công việc đồng áng ở nông thôn, khăn rằn xuất hiện gắn bó với người dân ruộng rẫy như một vật bất ly thân: khi gặt lúa tác đìa, lúc làm cỏ giăng câu. Đi làm mướn xa nhà, lúc cần cũng có thể dùng nó để gói quần áo, đựng đồ đạc lặt vặt hoặc bọc cả gạo thóc. Đồng bằng sông Cửu Long là quê hương của ruộng vườn sông nước nên chân dung người đàn ông chích khăn rằn trên đầu từ trước tới nay được coi là biểu tượng gần gũi nhất của người nông dân.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cam go kéo dài hơn hai mươi năm của nhân dân ta, chiếc khăn rằn gắn bó thủy chung với người lao động trong cuộc sống đời thường, với nam nữ chiến sĩ ta trong đấu tranh. Đậm nét nhất là khi nổ ra phong trào Đồng Khởi từ những năm đầu của thập niên 1960. Mỗi lần đi thực tế về xứ dừa hay bất chợt trông thấy bóng dáng chiếc khăn rằn trên đường phố, tôi cảm thấy tâm hồn lâng lâng nhớ lại hình ảnh nữ tướng rừng dừa Nguyễn Thị Định lẫm liệt bên cạnh đội quân tóc dài rất duyên dáng mà oai hùng. Đó là những ấn tượng khó phai với nhân dân Việt Nam và thế giới vì sự hiện diện của chiếc khăn rằn và áo bà ba mang đậm sắc màu truyền thống hiền lành nhưng quả cảm của người dân Nam bộ: Thấy bóng khăn rằn, anh tưởng rằng em tới/ Màu khăn Đồng Khởi – phụ nữ Bến Tre/ Con sông Hàm Luông tàu Mỹ chạy re/ Cầu Ba Lai đó giặc Mỹ lật xe chết hoài/ Quê hương Đồ Chiểu rạng ngời/ Tinh thần cách mạng đỏ trời vàng sao. (Ca dao thời chống Mỹ). Còn phải nhắc đến chiếc khăn rằn quyện chặc trên vai những nữ du kích cang cường trong địa đạo Củ Chi và những bà má Hậu Giang dũng cảm trong các cuộc đấu tranh chống thực dân đế quốc và áp bức, bất công ở miền Nam trước năm 1975. Một dạo ở miền Nam, bọn giặc Mỹ và tay sai phải lo lắng không yên khi phong thanh nghe tin có những chiếc khăn rằn và áo bà ba xuất hiện trên đường phố. Sự kiện đó là những điểm son lịch sử độc đáo của một thời đấu tranh gian khổ mà mọi người Việt Nam chân chính yêu nước còn nhớ mãi. Tôi cũng không bao giờ quên hình ảnh cô gái Việt lai Pháp Hélène (1) xinh đẹp ở Marseille, cô con gái cưng tài hoa bạc mệnh của anh Ba Pôn (Paul), một ông Tây Việt Minh (2) ở Tân Quới quê tôi. Ba Pôn hoạt động cách mạng bị địch bắt, phải chịu cảnh tra tấn tù đày và thực dân từng coi anh như một tên Pháp gian trong kháng chiến 9 năm. Vốn cha nào con nấy, Hélène (tên Việt là Minh Nguyệt (Vầng Trăng sáng) nguyên là một nữ sinh viên nết na học giỏi, trong thời gian theo đuổi chương trình Đại học tại Hà Nội (1995), hết lòng yêu đất nước tổ phụ, cũng đã quấn cổ bằng chiếc khăn rằn Arafat, lãnh tụ đáng kính của nhân dân Palestine…

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Hôm nay đã qua rồi những ngày đạn bom khói lửa, cả nước nhà đang vững vàng tiến lên trong thời kỳ mở cửa hội nhập, Việt Nam được thế giới biết đến như một đất nước tự do thịnh vượng, phát triển nhiều phương diện trong đó có ngành du lịch ngày càng khởi sắc. Du khách bốn phương hằng năm hăm hở đến tham quan những kỳ quan thắng cảnh của một đất nước tươi đẹp anh hùng. Với vẻ đẹp riêng kín đáo trang nhã mà quyến rũ có duyên, chiếc khăn rằn độc đáo được giới thiệu rộng rãi với khách nước ngoài khắp năm châu. Từ đó nó đã trở thành món quà lưu niệm ấn tượng quí giá cho mọi người. Ở hoàn cảnh không gian thời gian nào, chiếc khăn rằn của ta luôn hãnh diện, hiên ngang có mặt một cách tự tin.

Sự hiện diện của chiếc khăn mang đậm màu sắc quê hương này vừa tiêu biểu hợp đồng cùng chiếc nón lá và áo bà ba cho nét đẹp trang phục truyền thống giàu tính nhân văn, vừa thể hiện một sắc thái bản lĩnh dân tộc trong sự nghiệp lao động xây dựng cần cù và quá trình đấu tranh giữ nước kiêu hùng của nhân dân ta không chỉ riêng nơi vùng đất phương Nam.

                                                                                                             16.06.2020

Đ.T

* (1) Hélène, con gái ông Tây Việt Minh – ( Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 868 ngày 20/9/2014)

(2)  Ông Tây Việt Minh –  Phương Đình (Tạp chí Văn nghệ số 18+19 ngày 3/5/2014 và Tuần báo Văn nghệ TP.HCM số 201 ngày 10/5/2012)