“Khát khao” chừng đôi lứa đắm môi hôn

751

Lê Xuân

(Đọc tập thơ “Khát khao” của Huệ Thi – NXB HNV)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Huệ Thi tên thật là Nguyễn Thị Huệ, quê gốc Quảng Nam, hiện đang sống và làm việc tại thành phố Cần Thơ, là hội viên Hội Nhà văn Tp Cần Thơ. Không những là một nhà kinh doang giỏi, Huệ Thi đã có nhiều thơ đăng trên các Báo và Tạp chí Trung ương, địa phương. Từ năm 2015 đến nay, chị đã xuất bản 9 tập thơ. “Khát khao” là tập thơ đầu tay, nhưng đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng bạn đọc.


Nhà thơ Huệ Thi


Bìa tập thơ “Khát khao” của Huệ Thi

“Thơ là tiếng gọi đàn, là điệu tâm hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu” (Tố Hữu). “Khát khao” là điệu tâm hồn của tác giả, giãi bày những nỗi vui, buồn, hờn, giận với người yêu, người đời, với thời gian và cỏ cây hoa lá. Tiếng lòng sâu thẳm của con tim khi cất tiếng hát, khi ngậm ngùi suy tư sâu lắng, khi nỗi buồn bất chợt dâng đầy và ẩn vào những vần thơ.

Huệ Thi đến với thơ như một sự tình cờ như đến với những ước mơ của cuộc đời và với người mình yêu thương. Với 48 bài chọn lọc trong số nhiều bài thơ mà tác giả đã sáng tác về những đề tài khác nhau cho người đọc thấy rõ hơn những rung động của con tim trước vẻ đẹp của tình yêu nam nữ, tình thơ và tình đời.

Đề tài tình yêu là đề tài vĩnh hằng của nhân loại. Ai cũng có thể viết được, nhưng viết cho hay thì rất khó. Nó là thứ nước mà như Xuân Diệu nói “uống dập cả môi” mà vẫn chưa đã khát, nó là những đợt sóng biển hôn lên bờ cát trắng đến đến muôn đời mà vẫn chưa hết dào dạt.

Mỗi lời yêu của nhân vật trữ tình cứ ngân nga theo nhiều cung bậc, vừa bâng khuâng ngậm ngùi vừa đau khổ dâng hiến khi lăn tăn êm dịu, khi cồn cào nỗi nhớ, niềm thương. Mỗi bước em đi, “mỗi tối em nằm, mỗi miếng em ăn” đều như thấy có bóng hình anh. Độ chín của tình yêu chỉ có người đang yêu mới đo đếm được. Nó toả hương mát lành, nồng đượm khắp hồn thơ và nhuốm vào không gian, thời gian. Mỗi mùa đi qua, mỗi cơn gió thoảng hay giọt sương rơi em đều ghi lại bằng cảm nhận thật tinh tế, diệu vợi:

Nghe chừng xuân đang đến

Chồi non rạo rực

Nắng tắt thong dong

Đêm phương Nam nước lớn nước ròng

Nhịp đời trôi, khua rơi mùa én đậu

Phải phía cuối sông câu hò vướng bậu

Điệu xê xàng

Điệu hò lý trong veo…

(Nghe chừng xuân)

Mùa xuân là mùa của tình yêu, mùa của đất trời tỏa hương khoe sắc của muôn ngàn loài hoa, ong bướm. Trong mắt nhân vật trữ tình – “anh yêu” là sự kết tinh của hương hoa, thương thơ, là nguồn cảm hứng vô tận để em dệt nên muôn vàn ý thơ. Nhưng xuân này anh xa em. Thời gian như dài ra vô tận, và em cảm thấy như “Thu tàn, đông qua, xuân chừng đang đến/ Đâu là bờ bến/ Em trở về thèm nhịp thở bình yên”.

Tình yêu gắn với bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông trong Huệ Thi cũng đồng nghĩa gắn với tình yêu vĩnh hằng cùng năm tháng, bất chấp thời gian, nó vẫn đong đầy trong những con tim khao khát yêu, khao khát sống. Nghĩa là mùa nào cũng yêu, mùa nào cũng thương, mùa nào cũng nhớ. Nó bất chấp thời gian, không gian và tuổi tác, nó vượt qua biên giới của lý trí và chỉ chịu sự chi phối của con tim. Đó là điều rất đáng quý của một cách nhìn, cách cảm lạc quan yêu đời. Vẫn biết rằng xa anh là muôn vàn nối nhớ, nhưng em vẫn thấy anh trong bóng dáng của bốn mùa:

Anh đi từ độ Hạ sang

Phượng hồng nở rộ miên man góc trời.

Anh đi Thu chạm khắp đường

Xạc xào lá mỏng tơ vương nẻo về.

Anh đi đông đến thêm tươi

Ướp lòng buốt giá suốt mười canh thâu.

Và…

Đêm qua nghe rét bên thềm

Xuân về mà ngỡ môi mềm của anh.

Em thèm một hơi thở, một nụ cười và một bờ vai của anh. Xa và nhớ, người ta thường so sánh với “thuyền và bến”, nhưng ở đây, Huệ Thi lại bảo:

Đừng gắn đời em vào thuyền và biển

Để sóng ngầm là bão tố anh ơi.

(Đến bao giờ)

Cái cảm giác sợ xa cách trong tình yêu, sợ nỗi cô đơn luôn trở đi trở lại trong thơ Huệ Thi. Nhân vật trữ tình không muốn mình là biển, không muốn làm một con sóng xa bờ, xa thuyền. Xuân Diệu, Xuân Quỳnh là những nhà thơ nổi tiếng viết về tình yêu gắn với những ẩn dụ thuyền và biển. Và những đợt sóng tình cứ dâng đầy trong nỗi nhớ cô đơn. Xuân Quỳnh bộc lộ nỗi nhớ vừa dữ dội vừa dịu êm: “Những ngày không gặp nhau/ Biển bạc đầu thương nhớ/ Những ngày không gặp nhau/ Lòng thuyền đau rạn vỡ. (Sóng).

Bước vào thế giới của tình yêu là bước vào “mê hồn trận” với bao thương nhớ, dỗi hơn, oán trách khi gặp những sóng gió trở ngại, con tim càng quặn đau. Dẫu biết thế nhưng trái tim yêu vẫn muốn được một lần bộc lộ “Người đàn bà trong em”… Nhìn dòng sông Cần Thơ với những con nước lớn ròng, bến “Ninh Kiều liễu rũ bâng khuâng” để lắng nghe “Khúc giao mùa chờ đợi cùng sông”. Em đặt ra biết bao câu hỏi tự đáy lòng, rồi tự bộc lộ với con tim:

Ai từng lướt qua những đêm tối một mình

Nghe tiếng bi ai, thương cuốc kêu tìm bạn

Đừng vô tâm vài lời ca thán

Của người đàn bà ẩn náu trong em.

(Người đàn bà trong em)

Mong rằng những lời yêu, hương yêu, nụ yêu, trái yêu của Huệ Thi mãi đậu lại trong muôn vàn trái tim của đôi lứa đang yêu trên khắp miền đất nước. Và cứ thế qua mỗi vần thơ Huệ Thi âm thầm dệt mối tơ tình với con người và cuộc sống muôn màu, muôn vẻ. Nhân vật trữ tình của tập thơ trên bước đường đi tìm tình yêu rất ít khi bi lụy để nước mắt trào ra mà vẫn nhìn về phía bình minh  để thấy rằng “cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao.

Một đề tài không kém phần quan trọng và hấp dẫn của tập thơ mà Huệ Thi đau đáu mang nặng trên hành trang của mình, đó là viết về mẹ và quê hương. Người mẹ trong thơ không chỉ là một đấng sinh thành đáng kính, đáng yêu của tác giả mà người mẹ ấy còn là bóng dáng của biết bao bà mẹ Việt Nam tảo tần, vượt qua gian khổ để nuôi chồng nuôi con. Và giờ đây con về thăm mẹ thì mẹ đã khuất rồi:

Mẹ đi cuối đất cùng trời

Bỏ con ở lại chẳng lời trối trăn

Đâu đây vẳng tiếng mẹ răn

Bếp nhà thì lạnh, ánh trăng mờ rồi.

(Con về mẹ ở nơi đâu?)

Hình bóng mẹ yêu thương như vẫn đâu đây, lẫn vào hàng cau, dây trầu, vào chiếc áo nâu, vào những món quà quê dân dã khi xưa mỗi lần mẹ đi chợ về. Và người con hiếu thảo này chỉ còn biết “Nhìn trời nhìn đất nhìn mây/ Tìm đâu bóng mẹ, con đây nát lòng”. Bởi vì mẹ giờ đây đang ở cõi mơ rồi:

Con về chẳng có mẹ mong

Không người ra đón chẳng trông, chẳng chờ

Me giờ xa tận cõi mơ

Nụ cười vẫn thế, bao giờ con quên?

Mẹ bao giờ cũng gắn với quê hương. Đúng như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã nói: “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”. Trong tập thơ có hai bài Huệ Thi muốn tạ lỗi với quê hương. Đó là bài “Con về” và bài “Cho con”. Quê của Huệ Thi là một vùng đất đầy nắng gió và cát, cuộc sống khắc nghiệt: “Có gì đâu đá cằn sỏi đất/ Gío Lào cháy da, lũ dồn, bão quật”. Quê nghèo chỉ với rau muống, dưa cà nhưng lòng người xa quê thì giàu lòng thương nhớ đến nôn nao, cả đêm thao thức để sáng mai lên đường về thăm quê. Nhà thơ tưởng tượng ra “Bóng làng xưa vắng dáng gầy vội vã/ Bước nhẹ thôi nghe tiếng chiều nghiêng ngả/ Tu hú gọi bầy, con gọi cố hương ơi”.

Về quê Đại Lộc, Quảng Nam, nhà thơ xin một lần úp mặt vào dòng sông tuổi thơ, xin được thả chân trên cỏ, và đi qua bao triền cát nóng bỏng tìm lại những kỷ niệm xưa… để rồi chỉ còn biết:

Cảm ơn quê hương cho con những nụ cười

Biết khóc, biết yêu, biết lòng khắc khoải

Và…

Trái tim con chẳng ở trong lồng ngực

Mãi cuộn tròn nhịp đập với quê hương.

(Cho con)

Tập thơ “Khát khao” của Huệ Thi dù viết về đề tài nào, thể loại nào cũng đằm thắm một tình yêu đôn hậu, chân tình, tạo được sự lắng đọng nơi trái tim người đọc. Một hồn thơ lãng mạn về tình yêu như thế vẫn chứa đựng những ba động của hiện thực cuộc sống với những vui sướng, buồn đau về tình đời nhân thế. Con thuyền thơ của Huệ Thi sẽ đi về đâu nếu không có bơi chèo nghệ thuật định hướng để chở nội dung thơ đi tới bến bờ xa hơn?

Theo tôi, về thể loại thành công hơn cả là ở những bài tác giả viết theo thể thơ tự do. Ở những bài dó có sự cách tân tìm tòi ý tứ, có sự xuống dòng, ngắt nhịp tạo được nhạc tính. Ngôn ngữ thơ ở đây vừa dân dã vừa hiện đại, có sự kết hợp khéo léo giữa ngôn ngữ đời thường với ngôn ngữ văn chương và đậm chất Nam Bộ. Điều đó đã góp phần làm cho nhiều bài thơ của Huệ Thi nổi gió, bay cao như giai điệu vút lên ở bản nhạc.

Tôi tin rằng đường thơ của Huệ Thi sẽ còn tiến xa hơn nữa đến bến bờ văn chương ở những tập thơ tiếp theo. Xin trân trọng giới thiệu “Khát khao” cùng bạn đọc.

L.X