Khi người người hát

1056

Lê Ngọc Minh Hoàng

(Vanchuongphuongnam.vn) – Văn hóa phản ánh trình độ và nhân cách của mỗi người. Hát gì? Hát cho ai? Hát để làm gì? Thiết nghĩ khi cầm chiếc micrô đưa lên môi mình bạn cũng phải hiểu rằng mình đang trao gởi thông điệp gì đến người nghe?

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Khi cầm trên tay tấm thiệp hồng báo tin lễ tân hôn hoặc vu quy, hẳn mỗi người sẽ có những cảm xúc khác nhau. Song, đều có một điểm chung là sự trân trọng tình cảm và niềm vui mà chủ nhân của tấm thiệp muốn gởi đến cho mình. Vui vì con cái đã trưởng thành, dựng vợ gả chồng, xây dựng gia đình nhỏ, cho ông bà, cha mẹ được hãnh diện với bà con chòm xóm, bạn bè. Trân trọng vì đó là tình yêu đẹp nhất, quý nhất mà các đôi trai gái đã dày công vun đắp, nuôi dưỡng cho đến ngày hạnh phúc nhất trong đời.

Lẽ đó, ai cũng chăm chút, sắm sửa cho mình bộ trang phục đẹp nhất để đến dự lễ cưới và chúc mừng cho chú rể, cô dâu nên nghĩa vợ chồng, cho hạnh phúc lứa đôi vững bền theo năm tháng. Không chỉ áo quần tươm tất, trang sức lấp lánh, nụ cười luôn tươi, mà tâm trạng cũng rộn vui theo từng bước chân khi bước vào cổng rạp. Những ánh mắt chào nhau, dù quen hay lạ cũng đong đầy cảm xúc hân hoan. Nhiều chàng trai cô gái tuổi đôi mươi, chưa quen biết nhau bao giờ thì cũng xem đây là dịp, là cơ hội để có thêm người bạn mới, và không ít những mối tình, những cuộc hôn nhân sau đó cũng được bắt đầu từ khi cúi đầu chào ngay ở cổng hoa.

Ngày trước, khi phương tiện nghe nhìn và các thiết bị điện tử chưa có hoặc chưa phổ biến rộng rãi như bây giờ thì đám cưới một gia đình luôn là niềm vui cả xóm. Trước ngày xuất giá, hoặc rước dâu, bà con chòm xóm tụ tập lại với nhau, người sau kẻ trước, phụ giúp một tay cho tình nghĩa xóm giềng thêm gắn kết. Khi rạp cưới được dựng xong, ngày nhóm họ, sau buổi tiệc đãi đằng gọi là đáp nghĩa đền ơn cô bác, anh chị em phụ giúp, thì đêm về lời ca tiếng hát vang lên. Một cây ghi ta, một chiếc đàn kiềm, cây gõ song loan, bên ly trà, dĩa bánh, ai có năng khiếu thì tham gia ca hát giúp vui. Những bài ca như: Cô thắm về làng, Đám cưới trên đường quê, Lâu đài tình ái, Bánh bông lan, Cô gái tưới đậu, Mời anh về thăm quê em, Tình thắm duyên quê, Tơ hồng… đều được các ca sĩ, tài tử miệt vườn gởi gắm cho gia chủ bằng tất cả tình cảm chân thành thay cho lời chúc phúc trăm năm. Thông qua nội dung bài hát, ai cũng muốn cho cô dâu, chú rể mãi luôn giữ trọn vẹn tình yêu nồng đượm như buổi ban đầu mà xây dựng gia đình hạnh phúc mai sau. Tiếng đàn lời ca hòa quyện vào nhau, chỉ đủ vừa tai nghe cho các gia đình xung quanh thưởng thức thật sự nội dung từng lời ca ấy. Đêm dẫu có khuya thì tiếng nhạc hòa quyện tiếng hát cũng đủ thành lời ru đưa tròn giấc ngủ trẻ thơ. Các cụ ông, cụ bà cũng an nhiên đi vào giấc mộng. Giấc mơ tuổi xuân của họ cũng đôi lần đánh thức kỷ niệm xưa. Lẽ đó, mà tình yêu thương vợ chồng cũng gắn bó keo sơn, chia ngọt sẻ bùi theo dặm dài quãng đời nuôi con khôn lớn.

Ngày nay, cuộc sống khấm khá hơn, đời sống của người dân cũng không ngừng thay đổi. Nhu cầu giải trí, ca hát, nghe nhìn của một bộ phận người dân đã lấn át đi nhu cầu đọc sách, học đạo lý nghĩa nhân, cư xử ở đời. Thế nên người ta biết nhiều thứ, nhiều điều mà ít khi lắng lại hay lưu trữ trong bộ nhớ của mình những gì được phép và không được phép khi thể hiện cái tôi trong những dịp lễ trọng như thế.

Tình cờ, người viết bài này đọc được dòng bình luận trên trang mạng xã hội của anh bạn một đoạn khá dài: “Hai tuần vừa qua, tôi đi dự 14 đám cưới từ thành thị đến nông thôn, kể cả vùng sâu phải quá giang xuồng qua kênh rạch. Hầu như bây giờ đám cưới nhà nào cũng có karaoke di động và nhạc sống. Ngồi dự tiệc mà không ai nói với ai được câu nào, cứ trơ cảm xúc nhìn nhau rồi “1, 2, 3 Vô! Vô!” như một phản xạ có điều kiện, bởi âm thanh từ mấy cái thùng loa di động hoạt động hết công suất, nên cả lời chúc mừng khi cô dâu, chú rể đến bàn tiệc cũng chẳng rõ lời…”. Một dòng bình luận kế tiếp của một chị có tên một loài hoa thì chia sẻ: “Tôi thì không hiểu họ đang làm gì cho những bữa tiệc như vậy!”. Anh bạn tôi, chủ nhân dòng status thì dung hòa hai ý kiến trên: “Có lẽ hỷ sự nên gia chủ cũng không để ý hoặc cho qua để vui vẻ cả bàn”.

Tôi đã chứng kiến nhiều lần không ít người không thể ở lại lâu trong ngày vui hôn lễ khi được mời dự tiệc. Thậm chí có người khi bước qua cổng rạp gặp sui gia hai họ, trao quà và gởi lời chúc mừng cho cô dâu chú rể xong là tìm lý do để ra về, vì không thể ngồi mà nghe những giọng ca lẻ đang hát hò trên sân khấu những câu “Rồi mộ chàng đã đặt ở cạnh nàng như lời xưa thề ước”, hay như “Thôi em hãy đi về vĩnh biệt kể từ đây”, hoặc là “Cuộc sống kim tiền chia cách đôi ta”… trong khi trên phông màn sân khấu hình ảnh đôi uyên ương đang say đắm nhìn nhau, tay trong tay ngọt ngào, hạnh phúc. Có người còn bất chấp mọi thứ khi lên sân khấu thể hiện giọng ca khao kháp của mình bằng bài hát “Giết người yêu”.

Một lần, nhà cùng phố tổ chức lễ cưới cho con trai mình. Cũng như bao đám cưới khác, sân khấu và dàn nhạc được chú ý trang hoàng cho sáng nhất, đẹp nhất, lung linh nhất để thu hút mọi ánh nhìn. Thế nhưng, khi vào tiệc thì người đàn, người hát cứ vô tư thích gì hát nấy. Những bài ca đổ vỡ, tang tóc, chia ly, thậm chí oán hờn cũng đã được cất lên, thỉnh thoảng mới có một bài ca ngợi tình yêu đôi lứa. Người hàng xóm đã gọi điện nhắc nhở gia chủ thì nhận được câu trả lời “Lu bu quá có để ý hát cái gì đâu…”. Cứ tưởng sau cuộc gọi ấy sẽ ít nhiều tác động đến ý thức của chủ nhà cho những bài hát tiếp theo, nhưng rồi câu vọng cổ “Trời ơi, bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà…” cũng vun vút bay lên.

Khi người tổ chức lễ cưới đã không quan tâm đến nội dung bài hát của khách mời lên sân khấu, thì những giọng ca bất chấp ấy cứ vô tư “mình thích thì mình hát thôi”, mà không hề biết rằng bài ca mình tặng cho ngày vui của đôi trẻ hôm nay liệu có là điềm gở cho tương lai hạnh phúc của họ. Một bạn trẻ nhắn tin trên dòng trạng thái của anh bạn tôi cho rằng: “Hèn gì bây giờ cháu thấy người ta ly hôn như cơm bữa!

Văn hóa phản ánh trình độ và nhân cách của mỗi người. Hát gì? Hát cho ai? Hát để làm gì? Thiết nghĩ khi cầm chiếc micrô đưa lên môi mình bạn cũng phải hiểu rằng mình đang trao gởi thông điệp gì đến người nghe?

Dòng nhạc trữ tình (thường là Bolero) hiện nay dường như đã lấn quá sâu vào đời sống. Phần lớn những ca khúc của dòng nhạc này đều là những câu chuyện tình buồn khắc khoải, đổ vỡ, chia ly. Thế nên khó mà phù hợp khi hát trong những buổi tiệc vui, chúc mừng hoan hỷ. Chọn cho mình bài ca phù hợp để tặng mọi người trong tiệc cưới đang vui sẽ có ý nghĩa nhiều hơn một bài hát ủy mị, đau thương cho dù bạn có giọng hát hay đến đâu đi nữa. Và khi đó, ít hay nhiều thì những ánh nhìn không thiện cảm của người có ý thức cũng sẽ không thể nào dành cho bạn hai từ “sống đẹp”.

Khi người người làm ca sĩ, nhà nhà làm sân khấu, thì những người làm dịch vụ cho thuê nhạc sống, karaoke di động cũng phải ý thức được rằng mình phục vụ những gì cho tiệc cưới. Có như thế thì niềm vui sẽ tròn vẹn hơn, hạnh phúc sẽ vững bền hơn, mà không phải chạnh lòng như lời chia sẻ của một vị luật sư: “Cưới gả bây giờ tỉ lệ thuận với ly hôn!”

L.N.M.H