Thắng Trân
(Vanchuongphuongnam.vn) – Mới đây, chương trình “Trao gửi yêu thương” đầy ấm áp đã mang đến nhiều niềm vui bất ngờ cho gần 300 thiếu nhi và đồng bào xã Bình Minh, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước).
Khoác áo dài thổ cẩm, ông Trần Quốc Duy – Giám đốc TT XTĐT,TM&DL tỉnh cùng hướng dẫn viên của Khu bảo tồn tích cực quảng bá hình ảnh Bình Phước.
Chương trình “Trao gửi yêu thương” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước, Nhóm thiện nguyện Thiện Chí (Quận 11, TP. Hồ Chí Minh), Đoàn thanh niên Cụm thi đua Khối cảnh sát 1 (Công an tỉnh Bình Phước) và huyện Đoàn Bù Đăng cùng phối hợp tổ chức.
Theo ông Lê Chí Thiện – Trưởng Nhóm thiện nguyện Thiện Chí, thông qua Chương trình, gần 50 thầy cô giáo và mạnh thường quân trong Nhóm đã cùng vượt đường xa, mang những phần quà ấp ủ niềm yêu để cùng địa phương “tiếp sức” hàng trăm người dân và học sinh ở vùng khó khăn của huyện Bù Đăng.
“Bình Minh là xã vùng sâu, hơn 40% dân số của xã là đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình lần này đã kết nối những trái tim thiện nguyện để cùng các tổ chức Đoàn thanh niên trong tỉnh hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn”, ông Trần Quốc Duy – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch (TT XTĐT,TM&DL) tỉnh Bình Phước bày tỏ.
Để giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đến công chúng và lan tỏa tình yêu áo dài, ông Duy đã mua vải thổ cẩm Bình Phước và nhanh chóng nhờ Nhà thiết kế Việt Hùng (TP. Hồ Chí Minh) may thành những bộ áo dài dành cho nam giới tuyệt đẹp rồi khoác lên mình để cùng các hướng dẫn viên của Khu bảo tồn quảng bá những nét đẹp về văn hóa và du lịch của tỉnh nhà. Đây là lần đầu tiên, những chiếc áo dài nam được may bằng thổ cẩm Bình Phước.
Chị Đào Thị Quế – Bí thư huyện Đoàn Bù Đăng cho hay tại Chương trình, 30 suất học bổng với tổng trị giá 10,5 triệu đồng đã được tặng cho các học sinh vượt khó học tốt và 200 phần quà (khoảng 400 nghìn đồng/phần) đã được trao cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường Tiểu học Xuân Hồng (xã Bình Minh). Mỗi phần quà gồm gạo, mền, dép và các loại nhu yếu phẩm, bánh kẹo cùng tiền mặt.
Ngoài ra, 80 phần quà (300 nghìn đồng/phần) gồm các loại nhu yếu phẩm đã được trao tặng cho các hộ gia đình khó khăn ở xã Bình Minh. Các phần quà và học bổng mà Chương trình mang đến có tổng giá trị gần 120 triệu đồng; trong đó, Đoàn thanh niên Cụm thi đua Khối cảnh sát 1 (Công an tỉnh Bình Phước) đã vận động Công ty Bất động sản HL Group tại Bình Phước góp 80 phần quà (300 nghìn đồng/ phần).
Anh Vũ Tuấn Anh – Bí thư Chi đoàn Phòng PC10, cụm trưởng Cụm cảnh sát 1 (Công an tỉnh Bình Phước) bộc bạch đây là dịp để phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên thanh niên tỉnh nhà trong Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2022, góp phần chăm lo cho thanh thiếu nhi địa phương.
Người dân xã Bình Minh thêm ấm lòng khi nhận những phần quà thiết thực.
Trong hành trình lần này, dừng chân tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (xã Bình Minh) rộng 113 ha, các giáo viên và nhà hảo tâm đến từ TP. Hồ Chí Minh đã có dịp tham quan nhà trưng bày truyền thống văn hóa, lịch sử của đồng bào S’tiêng với nhiều hiện vật, hình ảnh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Được biết, sóc Bom Bo (nay là thôn Bom Bo, thuộc xã Bình Minh) là địa danh lịch sử nổi tiếng, là biểu tượng của tình quân dân thắm thiết trong cách mạng giải phóng dân tộc. Hình ảnh xuyên đêm đốt đuốc, giã gạo nuôi quân của đồng bào S’tiêng trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước đã trở nên quen thuộc khi đi vào âm nhạc qua ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng.
Dạo quanh Khu bảo tồn, các thành viên trong Nhóm thiện nguyện Thiện Chí đã trầm trồ không ngớt khi tận mắt nhìn bộ cồng chiêng khổng lồ (gồm 6 chiêng, 5 cồng có đường kính 2,15m, nặng 600kg) đã được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam.
Ngoài ra, bộ đàn đá nặng nhất và lớn nhất Việt Nam hiện nay (nặng 20 tấn với 20 thanh) do kỷ lục gia, nghệ nhân Trương Đình Chiếu trao tặng cho Khu bảo tồn đã thực sự “hớp hồn” các thiện nguyện viên.
Hướng dẫn viên của Khu bảo tồn hồ hởi giới thiệu với đoàn thiện nguyện về nhà dài đậm sắc màu văn hóa truyền thống của người S’tiêng.
Các thầy cô giáo và nhà hảo tâm trong đoàn thiện nguyện say mê thưởng thức và thử đánh đàn đá.
Bên cạnh đó, đoàn thiện nguyện đã cùng thưởng thức biểu diễn đàn đá, tham quan nhà dài (nhà được xây dựng theo kiểu truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng), nghe hướng dẫn viên của Khu bảo tồn chia sẻ về những nét văn hóa đặc sắc của người S’tiêng và cuộc sống của người dân Bombo.
Qua đó, những thành viên trong Nhóm thiện nguyện Thiện Chí đã có cơ hội tìm hiểu nhiều điều thú vị không chỉ về một sóc Bom Bo năm xưa lắng đọng tiếng chày giã gạo nuôi quân trong muôn triệu trái tim người Việt mà còn về một Bom Bo hôm nay đã “thay da đổi thịt”, từng bước trở thành điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.
T.T