(Đọc Những khu vực văn học ngoại biên của Phan Tuấn Anh, Nxb Hội Nhà văn và Tao Đàn, 2020)
Sáng tạo gắn liền với đổi mới. Và cái mới ra đời không tránh khỏi những dè chừng, ngờ vực, thậm chí bị đẩy ra ngoài lề. Tại đây, trong cách thế của cái ngoài lề, văn học trở thành “cái khác”, làm đa dạng và phong phú đời sống văn học. Do vậy, nói như Trần Ngọc Hiếu, việc “bảo vệ, nâng đỡ” văn học ngoại biên là trách nhiệm của những người làm nghiên cứu phê bình. Nhìn nhận văn học trung tâm – ngoại biên, chủ lưu – phụ lưu, chính thống – bàng thống từ mối quan hệ “tương thông, liên đới”, những luận giải của Phan Tuấn Anh trong Những khu vực văn học ngoại biên – công trình đầu tiên (khá dày dặn) ở Việt Nam bàn sâu về văn học ngoại biên – ít nhiều lôi cuốn, thuyết phục.
Các tiểu luận trong tập sách được soi chiếu ở hai góc độ lí thuyết và sáng tạo, vừa thể hiện tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu phê bình vừa chuyển tải khát vọng nhân văn của tác giả trước những khu vực sáng tạo phi trung tâm. Ngoại biên, như Phan Tuấn Anh nhấn mạnh ở Đề dẫn vào nghiên cứu văn học ngoại biên, đó là không gian “tiến hành tối đa sự giải phóng ngôn ngữ”, luôn tạo sinh những cái khác, “chưa hoàn tất, còn hứa hẹn những khả thể mới trong tương lai”. Xét ở đời sống văn học, “trung tâm là cái ngoại biên đã thành và ngoại biên là cái trung tâm sẽ thành, cả hai đều tạo tiền đề cho nhau và đều có vị trí riêng, đảm nhận những vai trò khác nhau trong đời sống văn học mang tính bổ sung và tương hỗ”.
Vấn đề trung tâm và ngoại biên được tác giả cuốn sách diễn giải ở nhiều khía cạnh: đời sống xã hội, triết học và văn học. Bên cạnh các lập luận, Phan Tuấn Anh còn đưa ra bảng phân loại, mô hình cũng như quan điểm cốt lõi của mình nhằm bổ sung, đánh giá, nhận diện mối quan hệ giữa trung tâm và ngoại biên. Theo đó, sự “gây hấn” của ngoại biên đối với trung tâm nhằm hướng đến giải trung tâm, kiến tạo một cấu trúc đa tâm. Ở thì hiện tại chưa hoàn kết, văn học ngoại biên dung nạp trong nó những cuộc chơi (lắm khi) dị biệt, do vậy, cần có “quan điểm tiến bộ, khoan dung” (chữ của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử) và cái nhìn mang tính toàn cầu khi đánh giá, tiếp nhận văn học ngoại biên.
Trong thế giới phẳng, mọi thứ đều bình đẳng trên cùng một mặt sân giá trị. Sự ra đời của internet đã lập trình nên ngôn ngữ mới – ngôn ngữ nhị phân (ngôn ngữ mạng/ máy tính) mà lĩnh vực nghiên cứu phê bình, văn xuôi, thơ ca, truyện tranh… đều chịu những ảnh hưởng và hệ lụy nhất định. Về sự xâm nhập của văn học mạng/ máy tính ở Việt Nam, Phan Tuấn Anh chỉ rõ quá trình di chuyển từ ngoại biên vào trung tâm qua các biểu hiện như bước chuyển hệ hình ngôn ngữ, một số xu hướng thay thế các dạng thức truyền thống, văn hóa đọc đương đại, thế hệ nhà văn trẻ viết trên nền tảng ngôn ngữ nhị phân… và đi đến khẳng định những đóng góp của văn học ngoại biên. Văn học mạng/ máy tính đẻ ra ngôn ngữ nhị phân, khiêu khích lí thuyết văn học nói riêng và đời sống văn học nói chung, tạo nên mối quan hệ gắn bó giữa văn học với thị trường. Vận dụng tổng hợp tri thức cần có của người làm nghiên cứu phê bình, Phan Tuấn Anh so sánh, đối chiếu, phân tích, lí giải, tường minh sự tác động sâu sắc của ngôn ngữ nhị phân lên đời sống văn học Việt Nam đương đại. Anh chàng xe điện của Hitori Nakano được dịch và ấn hành tại Việt Nam và 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] của Đặng Thân là hai trường hợp rõ nét về một “bức tranh đa khảm” của văn học mạng/ máy tính và tính thị trường. Hai tác phẩm này đã từ ngoại biên tiến vào trung tâm. Nhà nghiên cứu phê bình, theo Phan Tuấn Anh, dù chiếm vị trí quan trọng trong “tam giác kim tự tháp” nhưng bản thân anh ta cũng “chịu ảnh hưởng của các thiết chế truyền thông”. Trong guồng quay của văn học mạng/ máy tính, đối diện những tác phẩm như hai tác phẩm vừa kể, nhà nghiên cứu phê bình buộc phải có những phương pháp tiếp cận mới.
Tương tự văn học mạng/ máy tính, đường đi của truyện lịch sử hư cấu cũng từ ngoại biên vào trung tâm. Truyện lịch sử hư cấu nếu trước đây “bị kì thị, phê phán”, “tác giả chịu vô vàn hệ lụy” thì nay đã trở thành đối tượng trung tâm của nghiên cứu phê bình văn học. Tưởng tượng, hư cấu giúp người nghệ sĩ làm mềm lịch sử. Thân phận con người cách chúng ta hàng trăm năm trở nên sinh động và gần gũi hơn. Các sự kiện, chi tiết được thêm thắt nhằm gia tăng tính li kì, hấp dẫn. Tại điểm này, internet thực hiện đúng sứ mệnh của mình: toàn cầu hóa. Theo Phan Tuấn Anh, cần “đánh giá lại, cởi mở hơn, dân chủ hơn, có tính đối thoại hơn” về tác phẩm văn học đề tài lịch sử.
Xuất phát điểm của truyện tranh cũng như truyện lịch sử hư cấu, nhưng truyện tranh nhanh chóng chiếm vị trí trung tâm và không ngừng thể hiện sức mạnh của mình, chứ không bất an giữa hai bờ đại đương như truyện lịch sử hư cấu. Chỉ ra đặc trưng thi pháp cũng như vấn đề tiếp nhận truyện tranh trong hoàn cảnh hậu hiện đại, Phan Tuấn Anh khẳng định “truyện tranh là một thể loại văn học (đặc biệt)”. Đặt truyện tranh Nhật Bản (manga) trong mối tương quan với truyện tranh phương Tây (comics), truyện tranh Đông Á, Phan Tuấn Anh đi đến xác quyết “vị thế trung tâm và đỉnh cao” của truyện tranh Nhật Bản trong đời sống văn học thế giới.
Về thơ tân hình thức, Phan Tuấn Anh đặt ra câu hỏi hóm hỉnh, rằng tại sao tân hình thức dẫu đã động phòng nhưng cứ mãi còn tân, cứ mãi nằm ở ngoại biên trong đời sống văn học Việt Nam. Sau những miêu tả, luận giải thuyết phục, nhà nghiên cứu phê bình cho rằng, thơ tân hình thức thuộc trào lưu hậu hiện đại, là dấu chỉ chứng minh sự tồn tại chính thức của văn học hậu hiện đại ở Việt Nam; khả năng dịch chuyển và chu chuyển trên nền tảng mạng bộc lộ hướng mở ra, hòa hợp với thế giới rất linh động là bước tiến từ ngoại biên vào trung tâm của thơ tân hình thức.
Văn học đòi hỏi ở chủ thể sáng tạo lẫn chủ thể tiếp nhận ý thức ngoại biên, hướng đến một cấu trúc đa tâm. Theo cái nhìn của Phan Tuấn Anh, sáng tác của Nguyễn Xuân Khánh chẳng hạn, sở dĩ dịch chuyển từ trung tâm ra ngoại biên, rồi từ ngoại biên vào trung tâm, không phải vì tự thân tác phẩm “có vấn đề”, mà là do những cách đọc thiếu cởi mở, thừa định kiến. Chính tâm thế định kiến của những chủ thể đọc là phản lực ngáng trở sự vận động và phát triển lành mạnh, đúng quy luật của văn học.
Đứng về ngoại biên để thám mã sức sống của nó, bênh vực, cổ súy nó, khẳng định tư cách hiện tồn của nó, Phan Tuấn Anh đã chứng tỏ tâm thế thoáng mở và dự phóng của một nhà nghiên cứu phê bình. Bên cạnh đó, tác giả của những tiểu luận đầy chủ kiến trong tập sách sẵn sàng đối thoại, tranh luận với Đỗ Lai Thúy về đối tượng của phê bình văn học, với Trương Đăng Dung về văn bản văn học và bộc lộ rõ quan điểm của mình trước tác phẩm truyện tranh Sát thủ đầu mưng mủ của Thành Phong từng bị phê phán, thu hồi. Tính đối thoại này cho thấy một quá trình làm việc, nghiên cứu hết sức công phu, khoa học của Phan Tuấn Anh. Kiến thức vững, tư duy, lập luận sắc sảo giúp Phan Tuấn Anh khéo léo, thông minh đưa ra câu trả lời bằng những câu hỏi tu từ như: “Và như thế, đến đây, các Pharaoh đã có thể thở phào nhẹ nhõm hay chưa?” “Lúc này, nếu chúng ta quay về với quan điểm của C.Freeland, xem lịch sử nghệ thuật chẳng qua là lịch sử của những khái niệm nghệ thuật, tức là, lịch sử của lí thuyết nghệ thuật, thế thì chẳng phải công lao của những nhà tân hình thức thật đáng ghi nhận lắm sao?”
Trong tập sách, Phan Tuấn Anh còn bộc lộ tố chất của một người nghệ sĩ. Tôi rất thích cách anh lập luận dựa trên những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết. Chính những chi tiết này đã làm mềm hóa lí luận, tạo nên một hấp lực nhất định đối với người đọc. Thế hệ nhà văn trẻ tiên phong viết trên nền tảng ngôn ngữ nhị phân, tuy nhiên cũng chịu không ít hạn chế bởi sự tác động của con quái vật Minotaur. Phan Tuấn Anh đã đưa ra so sánh thú vị và ý nghĩa: “Phải chăng, hệt như Kasim (anh trai của Ali Baba trong Ali Baba và bốn mươi tên cướp) một khi đã lọt vào được kho báu của bốn mươi tên cướp, trước của cải kếch sù nên bởi lòng tham lam và lợi ích nhất thời mà đã quên mất câu thần chú Vừng ơi! Mở ra!” Văn học mạng “mang dáng dấp của một thứ trung tâm mới trong tương lai gần của nền văn chương thế giới” nhưng trong nó luôn dung chứa nguy cơ bất ổn. Phan Tuấn Anh khuyến cáo: “Chúng ta nên tránh ảo tưởng về một nền văn học (mạng/ máy tính) toàn bích mới không hề có những hạn chế, mất mát, nhược điểm, cực đoan. Ngay cả chàng anh hùng Achilles bách chiến bách thắng vẫn có một gót chân chí tử cơ mà.” Không chỉ chỉ ra gót chân Achiller của văn học mạng/ máy tính, trấn an nỗi lo sợ của các Pharaoh, Phan Tuấn Anh còn mượn câu chuyện xây dựng tháp Babel của loài người nhằm ẩn dụ việc tiếp nhận ngôn ngữ mạng/ máy tính…
Mượn chính lời của Phan Tuấn Anh trong Những khu vực văn học ngoại biên để kết thúc bài viết ngắn này: “Mọi cách tân đều có thể được lịch sử cưu mang và không có gì là không phải đạo trong nghệ thuật.” Tất nhiên những cách tân cả phía cái viết lẫn phía cái đọc đều phải được rọi chiếu bởi ánh sáng của quan niệm mĩ học mới, phục vụ cho sự tiến hóa thuận của lịch sử văn học. Ý thức trước thân phận văn chương chữ nghĩa cũng chính là ý thức trước thân phận con người.
Theo Hoàng Thụy Anh/VNQĐ