Khoái lạc đơn côi (phần 2) – Tiểu thuyết của Vũ Tuấn Hoàng

928

(Vanchuongphuongnam.vn) – San rụt rè kéo ghế và ngồi xuống sau chiếc đàn piano choáng lộn trong góc phòng khách. Anh đưa mắt xác định trị giá của nó và dạo vài hợp âm. Một cảm giác sung sướng đê mê bùng lên như xăng bén lửa, lan tỏa theo từng rung động phát ra từ cây đàn, truyền qua các ngón tay và tràn ngập khắp cơ thể khiến anh nổi da gà. Chả khác gì một kỵ sĩ bất ngờ được cưỡi lên mình con tuấn mã có nước kiệu tuyệt vời.

Khoái lạc đơn côi (phần 1) 

Khu phố cổ Arbat của Moskva

V

– Lấy giấy bút ghi địa chỉ! – San nhận ngay ra giọng nói của người ở đầu dây bên kia.

Anh quay sang lấy tay làm cử chỉ mượn cây bút. Bà trực ký túc xá nhanh nhẹn cầm mẩu bút chì trên bàn và lật mặt sau cuốn sổ trực ban, rồi đặt ra trước mặt anh.

– Rõ chưa! Không được muộn đấy! Toàn khách cao cấp! Bí mật tuyệt đối!

Ông tùy viên văn hóa đặt ống nghe xuống.

Moskva rực rỡ ánh đèn. San ngồi trên ghế xe tắc-xi lòng bồn chồn không yên. Phố xá, cửa hàng cửa hiệu nhấp nháy lướt qua. Mọi người ăn mặc đẹp đẽ đúng mốt thời thượng, đi lại mua xắm tấp nập trong các cửa hàng thực phẩm đầy ắp đồ ăn thức uống. Nhiều đôi trai gái nắm tay nhau đi dạo hoặc đứng tha thẩn bên cạnh các đài phun nước, các bức tượng nghệ thuật trong công viên. Cả những con chó cao lênh khênh cũng ung dung và tự tin dạo bước bên cạnh những bà chủ phấn son lòe loẹt, váy áo diêm dúa.

“Cuộc sống của họ thật đầy đủ và sung túc!”

San thầm nghĩ bụng, chạnh lòng nhớ đến khu tập thể 187 phố Tây Sơn của Hà Nội nơi hai mẹ con trú ngụ. Những hành lang chật chội, tối tăm vừa là lối đi vừa là nhà bếp, khói mù mịt vào mỗi buổi chiều sau giờ tan tầm các gia đình cùng nhau nấu ăn. Rồi những đêm mất ngủ xếp hàng dài tại máy nước công cộng ở dưới sân. Cảnh tranh giành, chửi bới nhau, những tiếng xô xát của những con người sống bữa nay lo bữa mai. Niềm vui của họ là được thấy có điện có nước và  đi bới móc chuyện đời tư của gia đình hàng xóm…

Bỗng, ông lái xe đưa tay sang bật công tắc chiếc radio gắn phía trước mặt. Đây là đài phát thanh tiếng nói Moskva. Ca sĩ Ala Pugachova hát bài  “Chiếc đồng hồ cổ” đang rất thịnh hành. San thực sự không ngưỡng mộ lắm ca sĩ này mà thấy giọng của mẹ mình hay và truyền cảm hơn. Mỗi khi giọng mẹ cất lên, anh như nghe thấy cả một dàn hợp xướng của rừng đại ngàn Tây Nguyên, tiếng cồng chiêng, tiếng chim hót, tiếng những thác nước hùng vĩ …

– Cậu quen ai trong khu nhà của giới quí tộc thủ đô vậy? Ông lái xe vặn nhỏ radio lại và khẽ hỏi

– À… một người bạn cùng học – San nói tránh vì nhớ lời ông tùy viên.

– Cậu người nước nào? Nhật Bản?

– Ồ không! Người Việt Nam… Thôi, bác cho cháu xuống đây, cảm ơn bác, cháu đi bộ vào một đoạn… hết bao nhiêu ạ? 5 rúp?

San dừng bước trước tòa nhà cao vút xây bằng đá cẩm thạch màu xám. Lối vào có lính canh cổng. Anh nhìn lại số nhà và ngước lên nhìn những khung cửa sổ rộng, trần cao được che bởi những tấm rèm cửa bằng nhung đủ các màu, những chùm đèn lộng lẫy hắt ánh sáng ra ngoài. Xung quanh ngôi nhà là cả một vườn tùng bách chạy xa tít tắp, phía trước có một đài phun nước với những bức tượng nam nữ khỏa thân bằng đá trắng theo phong cách Hy Lạp. Từ phía ngoài đường, mấy chiếc xe vonga đen chiếu đèn pha loang loáng rẽ vào bãi đỗ. Họ mở cửa xe và bước ra, bê theo những lẵng hoa khổng lồ, những món quà được gói trong những chiếc hộp vuông to, thắt nơ sặc sỡ. San đứng chờ dưới bóng của một cây thông gần cửa để cho đoàn người kéo vào hết. Bởi vì, anh cảm nhận được một bức tường ngăn cách vô hình giữa mình và những vị khách ăn mặc sang trọng kia. Bộ vest anh mặc là thứ đã lỗi mốt của cửa hàng đồ cũ, chiếc cavat cũng mượn tạm của anh bạn ca sĩ cùng phòng, đôi giày đã hai năm nay chưa được thay. San làm một cuộc đi bộ ngắn xung quanh cây thông để lấy lại sự tự tin và chờ chiếc kim đồng hồ trên tay chỉ vào con số bảy. Cảm giác lo lắng hồi hộp dâng lên khi sắp bước vào một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới cao sang đầy ma lực. Thế giới mà ở đó con người được đánh giá bằng những tiêu chí rất xa lạ với anh như: Chức tước, dòng dõi và tiền bạc. Chính họ nắm giữ vận mệnh của quốc gia và của từng người dân. Bằng trực cảm người nghệ sĩ, anh hiểu mình khó tìm được tiếng nói chung với họ. Nhưng rồi, hình ảnh cha đang đau ốm trong trại cải huấn lại hiện lên mồn một. Đôi mắt u buồn, đau khổ của ông nhìn anh trong lần gặp gỡ cuối cùng trước hôm lên đường du học đã thúc đẩy anh tự tin hơn và bước nhanh về phía cửa tòa nhà.

Một người đàn ông Việt, tầm trung niên có để ria mép, nói bằng giọng Nam Bộ. Chẳng chào cũng chẳng thèm đưa tay ra bắt, sau  khi anh tự giới thiệu, ông ta ngoắc tay ý bảo San đi theo sau.

– Cậu đi theo tôi!

Ông ta dẫn San qua những hành lang dài, cầu thang tối lờ mờ và tới một căn phòng rộng mênh mông, vừa là nơi nấu nướng vừa là nhà kho đựng thực phẩm, các thùng rượu bia ngoại, đồ hộp các loại chất cao. Nhiều người Việt và cả người Nga đang tíu tít bưng các món ăn lên tầng trên. San nhận ra một vài gương mặt quen trong sứ quán. Mùi nem rán và thịt quay xộc vào mũi khiến San ứa nước miếng. Anh ho lên mấy cái để nuốt nước bọt xuống. Cơn đói khiến bụng anh cồn cào. Trước lúc đi anh chỉ kịp ăn vội lát bánh mì quết bơ và cốc trà đen.

– Đợi đây, để tôi báo lên cô! Người đàn ông lẳng lặng bỏ San đứng đó và đi lên tầng trên. Chẳng cần phải chờ lâu, ở đầu cầu thang xuất hiện một thiếu phụ trạc gần ba mươi, ăn mặc sang trọng kiểu Âu, mái tóc đen cắt ngắn rất quí phái. San hơi giật mình vì vẻ đẹp của chị. Người đàn bà cất giọng mắng mấy đầu bếp chậm chạp và sai bê rượu lên nhanh vì khách đã đến đông đủ. Rồi, chị cúi xuống nhìn quanh cả gian phòng rộng một lượt và dừng lại ở chỗ San đứng. Chị chỉ vẫy tay ra hiệu, không nói gì. Anh hấp tấp cắt ngang gian phòng để bước tới phía cầu thang. Người phụ nữ bước xuống một bậc và chìa tay xuống cho San bắt. Bàn tay mềm và lạnh. San nghĩ bụng, ngước mắt lên nhìn thẳng vào mặt người đàn bà mà trước đây anh mới chỉ được nghe qua lời đồn.

– Chị cho gọi em – Giọng San run run vì xúc động.

– Chị là Lê Vy. Chị nghe tiếng em từ lâu rồi, hồi còn ở trong nước cơ. Chị cũng rất mê âm nhạc, nhất là nhạc cổ điển.

– Em có thể giúp gì được chị ạ? Em rất vinh dự được chị mời tới đây góp vui…

– Hôm nay có rất nhiều chính khách Nga và quốc tế – Lê Vy thì thầm vào tai San – Đều là giới tinh hoa cả, chị không thích đưa nhạc cụ dân tộc ra đây mà muốn họ được thưởng thức… Chopin của em! Nói đến đây, người đàn bà vỗ mấy cái nhè nhẹ vào lưng San – Để cho họ thấy người Việt ta cũng chả kém cạnh ai, cũng ngang tầm thế giới… thôi em lên đi! Vào ngồi đàn một lúc cho quen tay, bài gì cũng được! nhưng vào lúc cao trào, để chị giới thiệu em với quan khách như con át chủ bài ngày hôm nay, thế nhé! Em không còn bộ vest nào tươm tất hơn à? Sao không bảo trước, chị cho tiền đi mua.

– Không sao chị ạ, tiếng đàn mới là bộ mặt của em…

San rụt rè kéo ghế và ngồi xuống sau chiếc đàn piano choáng lộn trong góc phòng khách. Anh đưa mắt xác định trị giá của nó và dạo vài hợp âm. Một cảm giác sung sướng đê mê bùng lên như xăng bén lửa, lan tỏa theo từng rung động phát ra từ cây đàn, truyền qua các ngón tay và tràn ngập khắp cơ thể khiến anh nổi da gà. Chả khác gì một kỵ sĩ bất ngờ được cưỡi lên mình con tuấn mã có nước kiệu tuyệt vời.

“Bao giờ mình mới được sở hữu một báu vật như thế này?” – San nghĩ bụng và dạo ngay bản trường ca Sông Lô của Văn Cao để tay làm quen với phím đàn mới và chân điều khiển bàn đạp sao cho thật thoải mái. Trong đầu anh bỗng hiện lên những quả đồi vùng trung du và dòng sông Lô đỏ ngầu phù sa khi cùng mẹ lên thăm cha trong trại cải huấn. Trời mưa tầm tã, những lá cọ như những bàn tay giơ lên cầu cứu trên cái nền trời nặng trĩu mây đen. Dòng sông Lô của Văn Cao năm nào tràn ngập xác lính trôi dạt, hai bên bờ nhà cửa bị đốt cháy tiêu điều nền trơ than xám. Dòng sông Lô của San hôm đó cũng tràn đầy tủi nhục và đau khổ, đi bộ gần chục cây số trong rừng, hai mẹ con dìu nhau vượt qua những con suối chảy xiết. Nước mắt hòa nước mưa. Hai người ướt như chuột lột nhưng vẫn cố gắng giữ khô hộp thuốc sốt rét, lọ mắm ruốc và mấy bao thuốc lá Điện Biên cho cha. Anh không bao giờ quên được tiếng hát của mẹ lúc đó, lúc mà tưởng sức lực cạn kiệt vì đói, rét, căng thẳng. Thế mà mẹ lại cất lên tiếng hát. Bà hát những bài dân ca của dân tộc Ede, của núi rừng Tây Nguyên. Tiếng hát như ngọn đuốc dẫn hai mẹ con đi trong đêm tối…

San dừng đàn, rồi lơ đãng lặp đi lặp lại mấy hợp âm nhè nhẹ ở những nốt trầm.

Khách khứa ồn ào chào hỏi, bắt tay nhau và nói chuyện rì rầm nên chẳng ai để ý tới tiếng đàn của anh.

Hình như có chuyện gì đó khiến ai nấy đều lo lắng, căng thẳng.

Đến bây giờ San mới có thời gian quan sát căn phòng khách sang trọng được bày biện đúng theo phong cách quí tộc Nga Sa hoàng. Các bức tường đều là những giá sách cao sát trần nhà, giữa những giá sách là các bức tranh cổ điển lồng trong khung gỗ lớn. Những bức tượng bằng đá trắng to nhỏ khác nhau, đầu của Lênin được chạm khắc tinh sảo trầm tư ngay sát tượng Hồ Chí Minh bằng thạch cao không rõ trạng thái cảm xúc. San nhận ra bức tranh chân dung bán thân khổ lớn của Lê Vy bên cạnh giá sách ở phía sau lưng. Chiếc bàn rộng hình ovan kê chính giữa gian phòng, dưới ngay bộ đèn chùm rực rỡ, đã được xếp ngập các loại thức ăn đồ uống. Chính giữa bàn là một chiếc bánh gato khổng lồ, nhiều tầng màu trắng toát. Trong đời, anh chưa bao giờ nhìn thấy chiếc bánh có kích thước lớn như vậy. Các cô phục vụ người Việt ăn mặc đồng phục xanh, còn các nhân viên người Nga toàn là đàn ông, quần áo trắng tinh. Từ chỗ anh ngồi, trông rõ Lê Vy đang bắt tay từng vị khách nước ngoài mới vào và lịch sự đưa đến tận chỗ ngồi.

Cuối cùng, khách mời đã đến đông đủ, nhưng chiếc ghế bên cạnh Lê Vy vẫn còn bỏ trống. Mọi người nhìn nhau như dò hỏi và chỉ biết thầm thì bàn tán nhỏ to. Tuy không ai nói ra nhưng tất cả đều ngầm hiểu – Bữa tiệc chỉ được khai mạc khi chủ nhân của chiếc ghế trống đó xuất hiện.

San đánh xong cả bài “ Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi mà con người bí ẩn đó vẫn chưa tới. Có lẽ, âm nhạc không có sức hấp dẫn bằng sự hiện diện của nhân vật quan trọng này nên chỉ có độc một người vỗ tay. Tiếng vỗ tay của ông lạc lõng đến mức tất cả đều quay lại nhìn. Đó là một người đàn ông Nga cao lớn trạc gần năm mươi. Khuôn mặt có nét gì đó của người vùng trung Á, bộ râu quai nón rất rậm và vầng trán cao rộng. Ông ta đứng lên khỏi ghế và sải những bước dài đến chỗ San, rồi cúi xuống ôm choàng lấy vai anh từ phía sau lưng.

– Cậu chơi tuyệt vời lắm! Cho tôi bắt tay cậu một cái nào! Rồi sẽ tới lúc, được bắt tay cậu như thế này cũng là một niềm vinh dự đấy!

– Ông quá khen… – San e thẹn đáp lại

– Tôi tên là Nicolai Muslov, một kiến trúc sư Nga – Rồi ông hạ giọng nói nhỏ vào tai San – và cũng là chàng rể bất đắc dĩ của đất nước Việt Nam…

Nói xong, ông đề nghị được chơi bốn tay với San bản nhạc “Bốn mùa” của Chaikovsky. Đúng lúc đó, một bé gái nhỏ, tóc đen, mắt nâu nâu rõ là con lai, từ phía bàn tiệc cũng chạy lại đòi chơi đàn.

– Con cho bố và chú mượn đàn chơi một lúc, được không?

Cô bé không chịu và khóc ầm lên. Thế là ông Muslov đành bỏ dở ý định chơi đàn, đứng dậy kéo cô con gái của mình trở lại bàn tiệc. Trong lúc đó, Lê Vy không giấu được vẻ sốt ruột, đi đi lại lại bên cửa sổ, vén mành nhung nhìn ra nơi đỗ xe. Ông đại sứ đầu hói, người loắt choắt, cũng nhấp nha nhấp nhổm, ngồi không yên trên ghế. Cuối cùng, ông chạy lại khúm núm nói với Lê Vy:

– Thưa cháu, chú đã cho người mang giấy mời đưa tận tay rồi, ghi chính xác giờ… chắc có chuyện gì đột xuất nên bà ấy mới đến chậm…

– Chú ra gọi điện lại đi! Có một việc như thế mà làm cũng không xong!

Ông đại sứ vâng dạ rồi chạy đi gọi điện thoại.

Khoảng hơn ba mươi phút sau, từ ngoài sân vọng vào tiếng động cơ của nhiều chiếc xe hơi phanh rít trên nền đường rải nhựa. Mọi người đang ngồi ngả nghiêng trên ghế vội choàng bật dậy. Ông đại sứ từ bên ngoài lao vào như một luồng gió thổi tung cánh cửa:

– Chiếc Lincôn của bà Galia Breznheva đã đến!

Lê Vy, ông đại sứ và vài người nữa hấp tấp đi ra cửa chính để nghênh đón. Chỉ sau vài phút, từ nhà dưới đã vọng lên tiếng đàn ghi-ta, tiếng trống, sênh, tiếng hò hét cười đùa một ban nhạc người Zigan. Họ tràn vào phòng với những bộ đồ màu sắc sặc sỡ như một đám cháy khiến không khí  trở nên náo động, rộn ràng. Mọi con mắt đều đổ dồn cả ra phía cửa để chờ đợi nàng công chúa của Liên Xô, một giai nhân của Moskva mà họ chỉ được nghe qua những lời đồn thổi, trên báo chí và vô tuyến truyền hình. Cánh phục vụ dưới nhà bếp cũng kéo hết cả lên để được chiêm ngưỡng công chúa điện Kremlin. Chẳng ai bảo ai, mọi người đều vỗ tay chào đón khi Galia Breznhev loạng choạng bước vào, với hai người đàn ông dìu hai bên. Còn Lê Vy thì đỡ phía sau lưng.

– Xin chào… tất cả! – Bà ta nâng cốc rượu vang lên cao và cất giọng méo mó vì say sỉn ở đâu đó từ trước…

– “Chúc mừng sinh… nhật” – Bà ta quay lại ôm Lê Vy và hôn chùn chụt lên hai má. Những vết son môi đỏ chót của bà in rõ lên má Lê Vy như những con dấu “Tuyệt mật” đóng trên những hiệp ước ngầm giữa hai quốc gia Liên Xô-Việt Nam.

San cũng đứng dậy và ngạc nhiên nhận ra hai người đàn ông nổi tiếng đi kèm đỡ hai bên Galia là ca sĩ hát giọng opera Kovzon và nhà thơ kiêm diễn viên Vysosky.

Một cảm giác tự hào, hãnh diện dâng lên khiến anh rơm rớm nước mắt.

“Lát nữa, mình phải chơi Chopin cho thật hay! Toàn những con người tài năng trác việt, một dịp may hiếm có trong đời” – San tự nhủ thầm trong bụng, xoa xoa hai bàn tay lạnh đi vì xúc động vào nhau và làm mấy động tác thể dục cho các ngón. Anh ngồi xuống và cố gắng tập trung tình thần vào bản nhạc sắp trình diễn. Anh cố gắng không để những tiếng hò hét, cười đùa, những tiếng dao nĩa và cả tiếng cốc chén đổ vỡ làm ảnh hưởng tới sự tập trung cao độ của mình. Như thường lệ, anh lại nhắm mắt lại và lẩm nhẩm gọi tên nhạc sĩ thiên tài Chopin, cầu mong linh hồn ông nhập vào mình để cùng thể hiện tác phẩm…

(Còn tiếp)

V.T.H