Khoái lạc đơn côi (phần 3) – Tiểu thuyết của Vũ Tuấn Hoàng

969

(Vanchuongphuongnam.vn) – Anh cố gắng nuốt nhưng cổ họng cứ nghẹn lại. Những giọt nước mắt tủi thân trào ra giàn giụa cả xuống hai bên má. Nem rất ngon mà miệng anh đắng chát.

Khoái lạc đơn côi (phần 2) 

Ảnh minh họa – Nguồn internet

VI

Một lúc sau, gian phòng đột nhiên im phăng phắc. Mọi người hướng cả về phía Lê Vy đang đứng và cầm trong tay cốc sâm banh. Đầu chị ngửng cao đầy hãnh diện và trông thật cá tính.

– Hôm nay là một ngày vô cùng đặc biệt – Lê Vy cất giọng khỏe và vang bằng một thứ tiếng Nga rất sõi – Tổ quốc của chúng tôi đang lâm nguy. Nhưng bọn xâm lược sẽ thất bại thảm hại như tổ tiên của chúng cả ngàn năm trước. Bên cạnh chúng tôi, luôn luôn có người anh cả Liên Xô vĩ đại giúp đỡ! Nói đến đây Lê Vy quay sang phía Galina đang chếnh choáng bên cạnh. Bà gật đầu mấy cái liên tiếp ra chiều rất tâm đắc, rồi bất ngờ đứng bật dậy và thét lên:

– Kẻ thù của chúng ta sẽ tan xác dưới hỏa lực Cachiusa và xe tăng Liên Xô!

Bà đập mạnh tay xuống bàn làm cốc chén xung quanh nhảy dựng lên. Một chai sâm banh đổ vật ra bàn. May mà ca sĩ Kovzon nhanh tay chụp lấy, rồi  khúm núm rót vào cốc cho Galina.

– Với chiến tranh, chúng tôi đã quá quen thuộc – Lê Vy tiếp lời, giọng trầm xuống – Tôi được sinh ra trong hầm địa đạo, lớn lên giữa tiếng bom tiếng súng. Chiếc lược tôi chải tóc cũng được làm từ xác máy bay, lọ hoa trong ngày cưới là catut đạn pháo cao xạ. Chính ngày hôm nay, tại Hà Nội, em trai tôi cũng tổ chức đám cưới. Các vị thấy đấy, người Việt chúng tôi là một dân tộc độc nhất vô nhị! Chúng tôi vẫn tổ chức sinh nhật, tổ chức đám cưới, vẫn thưởng thức nghệ thuật khi tổ quốc lâm nguy. Và bây giờ, mời các bạn nghe phần trình diễn của một tài năng Piano trẻ của chúng tôi – Nói đến đây, Lê Vy giơ tay hướng về phía góc phòng nơi Đam San đang thấp thỏm chờ đợi – Anh sẽ cho các bạn thưởng thức một thứ âm nhạc tinh túy của châu Âu, của thế giới! Frederic Chopin!

Mọi người vỗ tay rộ lên nhưng  sau đó lại thôi ngay vì không thấy Galina Breznheva phản ứng gì. Khuôn mặt của người đàn bà ngoài bốn chục có vẻ gì đó không hài lòng, đôi lông mày rậm thừa hưởng của bố, thậm chí nhíu lại, khó chịu. Bà ta quay sang nói nhỏ vào tai ca sĩ Kovzon và cả nhà thơ kiêm ca sĩ Vysosky. Cả ba chụm đầu bàn tán trong khi San bắt đầu dạo những nốt đầu tiên của  bản Polonaise. Đâu đó, lan ra những tiếng xì xào thán phục từ phía các nhà ngoại giao châu Âu ngồi ở phía góc bàn xa. Khuôn mặt của Lê Vy cũng rạng rỡ và tỏ ra hãnh diện một cách không cần giấu giếm. Cô đưa mắt nhìn sang phía chồng, nhà kiến trúc sư Nga đứng tuổi ngồi cách đó không xa và giơ ngón tay cái lên. Ông Muslov cũng gật gù và nháy mắt với vợ ra chiều hoàn toàn đồng ý. Cô con gái của Lê Vy chẳng khách khí gì, chạy ngay lại đứng bên cạnh xem San chơi đàn. Đôi mắt thông minh và ngây thơ nhìn như hút hồn vào hai bàn tay đang bay lượn trên bàn phím như hai con chim hải âu yêu nhau đùa giỡn trên sóng.

Bất ngờ, bà Galina đứng bật dậy, trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người.

– Dừng lại! Dừng ngay lại! – Bà ta giơ cả hai bàn tay như một cửa hàng “Vàng bạc đá quí” thu nhỏ lên – Thứ âm nhạc xanh xao này, tôi không tiêu hóa được! Bốc mùi mùi tư bản!

Mọi người ngớ hết cả ra. Lê Vy thoáng chút bối rối vì bất ngờ nên cũng chưa biết nên phải đối đáp ra sao.

Vị đại sứ nhỏ thó đầu hói, đi đi lại lại ở trong hành lang vẻ cực kỳ hốt hoảng, miệng lẩm bẩm thành tiếng “Thôi chết tôi rồi, sao cái thằng vắt mũi chưa sạch ấy lại chơi nhạc “sâm-panh” của Mỹ cơ chứ? Nó chẳng thông qua tôi trước gì cả, sao không chơi nhạc Nga, hả giời? Cứ nhạc của Dostoevsky mà nện có phải yên tâm hơn không!”.

Có lẽ, người bị sốc nhất là San. Anh ngồi chết lặng đi như bị hóa đá, không tin vào tai của mình.

– Chú cứ chơi đi chú! Cháu thích chú chơi, kệ bà ấy, bà ấy không thích nghe thì đi về nhà! Cô bé nũng nịu, kéo tay San.

– Bây giờ thế này, tôi mời tất cả mọi người ngồi đây – Bà Galia khoát tay một cái – Cùng tiếp tục cuộc chơi suốt đêm nay trên du thuyền “Chim báo bão” của tôi đang đợi trên sông Moskva! Nào, chúng ta đi ngay đi! Cả giới văn nghệ sĩ thủ đô đang chờ chúng ta ở đó!

Tất cả mọi người ồn ào xô ghế đứng dậy. Lê Vy định nói gì đó để từ chối thì Galina bước đến bên cạnh, lấy ngón tay chỏ chỉ vào ngực áo của cô và nói rõ ràng từng tiếng một:

– Em phải đi! Một giai nhân phương Đông như em phải có mặt! Đi cùng xe Lin côn với chị, có chuyện muốn nói riêng với em! – Nói đến đây, Galina rút một chiếc nhẫn mặt đá to màu xanh ra khỏi ngón tay út – Đây là món quà chị tặng em! Mặt kim cương chín cara đấy!…

Đứng đợi ở bến xe buýt đã lâu mà San vẫn chưa hết bàng hoàng về sự việc vừa xảy ra. Anh có cảm giác chỉ là một giấc chiêm bao. Nhưng trong túi vẫn còn gói nem nóng ấm mà một chị phục vụ người Việt đã dúi vội cho lúc anh ra về qua lối nhà bếp. Chỉ có một người duy nhất tiễn anh ra một quãng đường là kiến trúc sư Muslov. Ông không ngớt lời khen tiếng đàn của anh, xin lỗi anh vì sự cố bất khả kháng vừa qua. Khi bắt tay anh, ông hẹn một dịp nào đó mời anh đến nhà và cùng chơi bốn tay nhạc của Tchaikovsky.

“Tôi có hai con mắt thì một mắt để lo việc đại sự của liên bang rộng lớn, một mắt để trông chừng cô con gái rượu mãi không chịu thành người lớn”- Hiểu được tâm trạng của San, ông Muslov nói nhỏ vào tai anh câu nói nổi tiếng của Tổng bí thư Brezenhev vẫn được giới thượng lưu Moskva truyền tai nhau, như một lời xin lỗi tế nhị nhất.

San lấy nem ra, vừa ăn vừa nhìn dòng xe cộ nườm nượp lướt qua trước mặt.

Anh cố gắng nuốt nhưng cổ họng cứ nghẹn lại. Những giọt nước mắt tủi thân trào ra giàn giụa cả xuống hai bên má. Nem rất ngon mà miệng anh đắng chát.

Bỗng, anh sực nhớ tới quán “Con thiên nga”. Nhìn lòe nhòe qua nước mắt chiếc đồng hồ to tướng treo ở cửa quầy bán thực phẩm bên kia đường, San nhanh chóng quyết định bắt tắc-xi tới đó vì vẫn còn kịp.

Khoản tiền thu lao không nhỏ giúp cha mẹ và khuôn mặt Asia lại hiện lên trong đầu khiến anh phấn chấn trở lại sau cú đạp trời giáng của giới thượng lưu Moskva.

(Còn tiếp) 

V.T.H