Khoái lạc đơn côi (phần 4) – Tiểu thuyết của Vũ Tuấn Hoàng

815

(Vanchuongphuongnam.vn) – VII – Ngay từ đầu phố, San đã nhìn thấy ánh đèn màu nhấp nháy hắt ra từ dãy cửa sổ thâm thấp của quán. Một giai điệu Wans lúc to lúc nhỏ vọng lại. Thấp thoáng sau lớp cửa kính màu là hình bóng nhập nhòa của các quân nhân lướt qua lướt lại trong một điệu nhảy êm ái với các quí bà…

San không đi vào cổng chính mà rẽ trái, vòng qua một cây anh đào có những cành lớn ngả sát xuống bờ rào bằng gỗ và bước về phía cửa hậu dành cho nhân viên. Anh bấm chuông mấy lần nhưng không có người xuất hiện như mọi khi. Có lẽ vì tiếng nhạc ồn ào át đi nên không ai nghe thấy. Anh thử đẩy cửa, hóa ra không chốt bên trong. San đi dọc hành lang, qua khu nấu ăn và gật đầu chào một chị bếp đang lúi húi cắt bánh mì bằng một con dao rất dài. Đúng lúc đó thì ông Mikhain chạy xộc vào và kêu lên:

– Larisa! Nhanh tay lên! Thật là một lũ vô trách nhiệm!

Nhìn thấy San, ông làm mặt khinh khỉnh, nhưng trong bụng như mở cờ.

– Tưởng cậu hôm nay bận cơ mà? Đến đây làm gì?

– Tôi vừa từ chỗ bà Galina Breznheva đến thẳng đây – San nhanh trí đáp lại – Không thể từ chối được, thưa ông!

Chỉ cần nghe đến cái họ “Breznhev” của Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô là thái độ của ông chủ quán thay đổi hẳn. Vẫn là San bé nhỏ người Việt Nam, một sinh viên nhạc viên mới năm thứ hai, đang cần biểu diễn để kiếm tiền phụ thêm vào học bổng ít ỏi bảy mươi rúp. Thoắt một cái, sau khi tiếp xúc ở cự ly gần với cái họ nổi tiếng của người đứng đầu nhà nước Xô-Viết, anh đã hóa thân thành một con người khác hẳn, như được bế lên trên một bệ đá cao trong mắt ông chủ Mikhain. Ông vồn vã bắt tay anh thật chặt, rồi ôm lấy vai kéo vào phòng riêng của mình. Ông thân mật đẩy anh ngồi vào chiếc ghế bành bọc da nâu và đặt lên bàn trước mặt chiếc phong bì dày cộp màu xanh có in hình một con thiên nga trắng. Ông nhìn lên bức ảnh của Tổng bí thư Breznhev treo trên tường và hạ giọng thủ thỉ:

– Cậu uống cốc trà cho lại sức, rồi chuẩn bị ra biểu diễn! Toàn sao và vạch lấp lóa như những vì tinh tú trên bầu trời… lớp váng sữa béo ngậy của bộ quốc phòng… các bà vợ thì khỏi phải bàn… duyên dáng và xinh đẹp mê hồn! – Ông chúm môi lại làm một cái hôn gió rõ to – Đúng là trai tài gái sắc!


Lối sống của xã hội Liên Xô.

Tiếng nhạc từ chiếc máy quay đĩa kiểu cổ đột nhiên im bặt.

Khi ông giới thiệu San với mọi người, ánh mặt của họ nhìn anh vừa ngạc nhiên pha chút tò mò. Hình như, chiếc vương miện âm nhạc của Chopin quá cao và rộng so với cái đầu của chàng trai gày gò bé nhỏ, ăn mặc lại xuyềnh xoàng.

Các tướng lĩnh vẫn tiếp tục ồn ào nói chuyện, rồi xúm lại chúc tụng vị tướng mới được lên quân hàm. Các bà vợ sau mấy điệu nhảy cũng túm tụm lại gần quầy bar vừa hút thuốc lá vừa bàn tán chuyện riêng tư, con cái, rồi kỳ nghỉ đông sắp tới đi nước nào…

Giới thiệu xong, ông Mikhain rút lui về sau sân khấu và lấy làm đắc ý chờ đợi những phản ứng mà chính ông đã từng trải qua.

Đôi bàn tay San thả những những hợp âm đầu tiên trong vắt như những quả cầu thủy tinh đủ các màu sắc xuống sàn nhà. Chẳng ai bảo ai, tất cả đều đồng loạt quay đầu nhìn lại, như bị một phép thuật thôi miên. Các bà ngừng nói chuyện và đưa mắt nhìn nhau. Sau màn dạo đầu, xung quanh anh đã hình thành một vòng các bà các cô, người kéo ghế ngồi, người đứng lại gần, đầu lắc lư. Rồi tiếp đến là các ông tướng, cũng khẽ khàng rời nhau ra. Nếu có ai đó lỡ cười to nói lớn chợt cảm thấy mình thô lỗ, vội đưa ngón tay chỏ lên ngang miệng và rón rén đi lại đứng tỳ vào thành ghế của vợ mình hoặc từ phía sau ôm choàng lấy người bạn đời. Có ông đưa tay lên vuốt tóc vợ hoặc làm những cử chỉ âu yếm cọ má vào nhau.

Tiếng đàn của San đã làm cho các quân nhân vốn cứng rắn trở nên mềm mại và lãng mạn. Còn các bà thì khỏi phải nói, họ bao bọc lấy anh bằng những ánh mắt long lanh đầy ngưỡng mộ và âu yếm.

San không chơi đàn mà anh kể chuyện đời mình bằng âm thanh và giai điệu của Chopin:

Những đêm trăng nghe mẹ vừa đàn vừa hát dưới vòm tre xào xạc…
tiếng gió thổi từ cánh đồng lúa mới gặt…
con sông Hồng đỏ ngầu phù sa cuồn cuộn chạy…
những con cò con vạc đập cánh gọi nhau trên những ngọn cây, mái chùa rêu phong làm vỡ tan bầu không khí im lặng oi ả của buổi trưa hè ở nông thôn.

Đó là hình ảnh mẹ anh gò mình đạp xe dưới trời mưa gió, đường trơn như đổ mỡ, vượt qua những chiếc cầu khỉ bằng tre mong manh, chao đảo để kịp vào thăm con nơi sơ tán, dúi cho con ổ bánh mỳ hay một cân đường…

Âm nhạc của Chopin có lúc nổi sóng, gây giông bão nhưng có lúc lại cô đơn.

Cái ác là bản chất của con người? Những trận ẩu đả tóe máu mũi máu mồm với những thằng bạn cùng lớp và thường San bị thua vì tầm vóc nhỏ bé và yếu đuối. Chúng đã bêu giễu, trêu chọc và khinh bỉ anh chỉ vì cha bị quản thúc trong tù. San bị dồn vào ngõ cụt, đã nếm trải những khoảnh khắc cô đơn, khi mà mình chả còn cần thiết cho ai. Những quan điểm, ý kiến của mình không tìm được sự thông hiểu ở ngay những người thân và bạn bè xung quanh.

Anh đã chất vấn và hỏi mẹ, tại sao anh lại rơi vào nông nỗi bi đát này? Mẹ anh chỉ biết khóc và ôm chặt cậu con trai vào lòng. Bà cũng bất lực trước câu hỏi nặng quá sức chịu đựng của mình. Không còn sự lựa chọn nào khác.

“Nghệ thuật sẽ cứu rỗi mẹ con ta” – Đó là câu trả lời duy nhất giúp dỡ đi những tảng đá u uất chất chồng trong lòng San những năm cuối phổ thông.

Âm nhạc của Chopin đầy khát vọng vươn tới tự do.

Sự cô đơn tạo nên sức mạnh nội tâm trong lòng San. Như một ngọn núi lửa ủ mình chờ thời khắc phun nham thạch. Anh xa lánh bạn bè nhưng lại đắm mình trong âm nhạc, trong những trang sách văn chương từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Anh đọc say mê tiểu sử các nhà soạn nhạc thiên tài thế giới, tất nhiên Chopin chiếm vị trí hàng đầu. Anh tò mò lật giở từng trang sách nhàu nát và thích thú so sánh những điểm tương đồng giữa anh và họ, nhất là trong những sở thích cá nhân. Anh muốn được đứng trên đôi vai của họ. Cá tính sáng tạo trong anh được hình thành từ những nguyên vật liệu thô ráp, xù xì bốc mùi cuộc sống bản năng: Cô đơn, xúc phạm, căm thù, tự ái, sự nhạy cảm thái quá và cả tình yêu đầu đời bị dẫm đạp.

So với những đứa bạn cùng tuổi, anh già dặn hơn và tràn ngập lòng kiêu hãnh, không chịu thua kém ai. Anh thuộc kiểu người tự cho mình là độc nhất vô nhị, chả giống ai…

Ông chủ Mikhain trầm ngâm ngồi sau sân khấu nhìn ra bao quát cả gian chính. Chiếc tẩu màu xám bằng sừng tuần lộc liên tục đỏ lửa trong lòng bàn tay. Đôi mắt lim dim, láu lỉnh và sắc sảo không bỏ lọt bất cứ động thái nào của đám khách sộp hôm nay. Tiền chưa phải là cái quan trọng nhất của buổi dạ tiệc. Mà là mối quan hệ. Có những nhân vật là khách thường xuyên nhưng có người hôm nay là lần đầu tiên bước chân vào quán. Đó là vị đại sứ người Trung Quốc. Tại sao ông ta hôm nay lại có mặt ở đây?

Ông Mikhain tự đặt một câu hỏi và lên kế hoạch riêng của mình.

Không một ai biết rằng ngoài cương vị là một chủ quán bề bề, ông còn có một nhiệm vụ mật là phải theo dõi và viết báo cáo về những câu chuyện tưởng như là vô thưởng vô phạt bên cốc bia chai rượu của các thực khách có máu mặt hay ra vào quán, về xã hội Xô Viết, về đảng và các lãnh tụ… thậm chí, cả các câu chuyện tiếu lâm mới nhất bên bàn rượu. Để nhà hàng tồn tại được ở phố cổ Arbat, ông không thể từ chối người ta, kể cả trong lòng không thích thú gì.

Lúc bản nhạc sắp kết thúc, nhiều bà khe khẽ đưa mu bàn tay lên lau những giọt nước mắt chan chứa hạnh phúc vì món quà quá bất ngờ.

San kéo dài những nốt cuối cùng và ngồi lặng im, hai tay vẫn để trên bàn phím như chờ cho chính mình cũng như cây đàn piano thôi không còn thổn thức nữa… Một quí bà không kìm được lòng đã chạy ào tới ôm choàng lấy anh từ phía sau và hôn tới tấp lên mái tóc đen soăn, lên hai má anh, giữa tiếng vỗ tay thành từng nhịp mạnh của các vị tướng lĩnh như tiếng giày duyệt binh rầm rập trên Hồng trường.

San đứng dậy, cúi chào và bẽn lẽn đi vào trong. Bỗng, một vị trung tướng to cao tóc đã điểm bạc, sải những bước dài giữa hai dãy bàn đuổi theo anh.

– Anh bạn nhạc công trẻ ơi! Tôi có chuyện muốn nói với anh – Ông lên tiếng gọi.

Hai người gặp nhau ở khoảng hành lang hẹp, đối diện nhà vệ sinh. San đứng khựng lại khi vừa đặt tay lên nắm đấm cửa toilet và quay lại nhìn khuôn mặt hồ hởi, đỏ ửng vì rượu của vị tướng.

– Chú gọi cháu ạ?

– Còn ai vào đây nữa. Cháu giải quyết nỗi buồn đi! Chú đợi ở ngoài này.

Mấy phút sau, San bước ra. Ông trung tướng khoác vai anh và dẫn ngược trở ra phía ngoài gian. Vừa đi ông vừa nói nhỏ vào tai anh, hơi rượu phả ra nồng nặc:

– Vợ chú rất muốn được nói chuyện với cháu. Vợ chồng chú đã từng phục vụ ở Việt Nam rồi đấy! hơn mười năm trước .

– Ồ thế ạ? San cảm thấy thân thiện ngay với vị tướng mới quen mà anh chưa hề biết tên.

Hai người bước lại chiếc bàn phủ khăn trắng tinh thêu những bông cẩm chướng to tướng ở gần cửa sổ cuối gian phòng. Ngồi sau bàn là một người phụ nữ trạc gần bốn mươi, có gương mặt đẹp kiểu cổ điển, phảng phất buồn.Thoạt nhìn, San cảm thấy sững sờ như thể bà vừa bước xuống từ bức tranh “Người đàn bà xa lạ” của Cramskoy. Bộ áo váy màu xanh lam làm nổi bật làn da trắng và chiếc cổ thanh mảnh của bà. Mái tóc màu hạt dẻ cắt ngắn khiến bà trông rất trẻ và quí phái. Bà đứng dậy và nói bằng tiếng Việt ngọng nghịu:

– Chào em, em có khỏe không? Rồi bà vừa cười vừa đưa tay ra bắt tay San – Tôi là Anna, giáo sư dạy văn học Nga!

San cảm thấy xúc động và gần gũi với bà ngay từ giây phút đầu tiên. Anh ngồi xuống chiếc ghế trống đối diện. Hai vợ chồng thay nhau đưa ra những lời khen tiếng đàn diệu nghệ của anh và đặt các câu hỏi, nào là anh học piano ở đâu? Sang Liên Xô lâu chưa? Đã đi thăm các danh lam thắng cảnh nào của thủ đô rồi?

Và, hai vợ chồng kể ra một loạt các địa danh của Việt Nam mà họ đã từng đi qua, những kỷ niệm khó quên, nhưng món ăn yêu thích, những từ tiếng Việt mà họ học bồi được…

Ông Lebedev Aleksey Ivanovich đã từng là tham tán quốc phòng sứ quán Liên Xô tại Hà Nội. Sau một hồi trò chuyện rôm rả, vừa tiếng Nga pha tiếng Việt, bà Anna nhận thấy San đưa mắt như tìm kiếm ai đó trong phòng, nên chuyển sang giọng như muốn kết thúc câu chuyện:

– Chúng tôi muốn mời em tới nhà chơi vào chủ nhật tuần sau – Bà Anna và quay sang phía chồng – Aliosa, anh ghi địa chỉ cho người bạn Việt Nam đáng yêu và tài năng của chúng ta đi! Ngôi nhà của chúng tôi ở ngoại ô, thiên nhiên ở đó chắc em cũng sẽ thích, đang mùa thu vàng rất đẹp. Tôi sẽ giới thiệu em với hai cô con gái. Hai đứa mà biết em chơi nhạc Chopin tuyệt vời như thế này thì sung sướng phải biết! Chúng nó cũng học đàn Piano mà!

San hơi lúng túng trước lời mời quá bất ngờ của một vị tướng cao cấp, oai vệ. Thực sự là anh rất ngại tiếp xúc với các quan chức. Anh và họ không có cùng hệ giá trị. Hơn nữa, đây lại là người bản xứ, và nhất là dư vị còn rát bỏng sau cú trời giáng của giới thượng lưu cách đây hai giờ đồng hồ. Nhưng vẻ thân thiện của cả hai vợ chồng làm anh yên tâm. Vả lại, họ đã từng làm việc ở Việt Nam trong chiến tranh, hiểu rõ cuộc sống và con người Việt thì chả có gì phải quá e dè, giữ kẽ. Thực sự, anh cũng chưa bao giờ đến làm khách một gia đình nào người bản xứ cả. Anh có cảm giác, đằng sau những ô cửa sổ buông rèm trên phố là một cuộc sống khác, rất khác với cuộc sống của anh. Những tia lửa của tính tò mò nổ lách tách. Anh vui vẻ nhận lời, chỉ đơn giản với ý nghĩ muốn tìm hiểu sâu thêm về cuộc sống gia đình của con người Xô-Viết mà trước đây anh chỉ được biết qua sách báo và phim ảnh. Nhưng anh đâu có ngờ được rằng trong cuộc sống đôi khi một vụ trọng án tưởng đi vào ngõ cụt lại được phát giác cũng chỉ nhờ một sự ngẫu nhiên, tình cờ vô thưởng vô phạt.

Trong lúc ông Aleksey lúi húi ghi địa chỉ lên chiếc danh thiếp của mình, San đứng lên đưa mắt nhìn quanh gian phòng để tìm Asia.

Từ lúc tới quán đến giờ, anh chẳng nhìn thấy cô ở đâu cả.

V.T.H

Khoái lạc đơn côi (phần 1)

Khoái lạc đơn côi (phần 2)

Khoái lạc đơn côi (phần 3)