Khoái lạc đơn côi (phần 5) – Tiểu thuyết của Vũ Tuấn Hoàng

738

(Vanchuongphuongnam.vn) – VIII – Cậu vừa nói chuyện với một nhân vật đặc biệt của bộ quốc phòng đấy nhé! – Ông Mikhain rót vào cốc của San nốt phần còn lại trong chai sâm banh Pháp – Cậu cứ ăn uống thoải mái đi, Asia đến là vừa. Lúc cậu vừa tới là tôi gọi điện ngay rồi!

– Hai ông bà ấy thật đẹp đôi! Họ đã sang Việt Nam thời chiến tranh. Ông ấy từng là chuyên gia về tên lửa phòng không, còn bà là giáo viên dạy văn học Nga – San đặt chiếc đùi ngỗng quay béo ngậy xuống đĩa, nói.


Phong cảnh nhà thờ Đấng cứu rỗi bên sông Moskva.

Thực sự bây giờ anh mới cảm thấy đói cồn cào. Chiếc đùi ngỗng, mấy quả dưa chuột muối, dăm lát bánh mỳ đen và một cốc nước hoa quả ép đã nạp lại năng lượng cho anh sau màn trình diễn đầy cảm xúc. Cảm giác đói ngấu nghiến sau khi lao động nghệ thuật được thưởng thức những món ăn ngon thật hạnh phúc. Âm nhạc đã đem lại cho anh những đồng tiền cần thiết và đúng lúc. Anh cần gửi thuốc men gấp về cho cha.

– Ông Aleksey còn tiến rất xa trên con đường danh vọng – Mikhain đi đi lại lại trong phòng, tung tung trên tay chiếc bật lửa có hình thù như quả lựu đạn – Một con người hội đủ mọi điều kiện, nào là danh gia vọng tộc, văn hóa cao, nào là quan hệ rộng, cả trong giới văn nghệ sĩ và ngoại giao… nhưng chỉ có một nỗi buồn…

Ông Mikhain định nói điều gì nữa thì bất chợt vang lên tiếng gõ cửa gấp gáp. Cả hai đều đưa mắt nhìn nhau.

– Cứ vào! Ông Mikhain nói to lên.

Cánh cửa bật mở toang. Asia đứng trong khung cửa, một bông hồng đỏ cực lớn trong tay. Hai bạn trẻ lao vào ôm lấy nhau như chịu một lực hút vô hình. Khi họ chợt tỉnh ra sau một nụ hôn khó cưỡng thì trong phòng chả còn ai xung quanh. Thân hình to béo của ông Mikhain như thể bị bốc hơi, chỉ để lại chiếc móc cửa vẫn còn lúc la lúc lắc.

– Thôi, về thôi em! Anh tiễn em hôm nay, được không? À, mà phần thưởng của em đây! – Vừa nói San vừa rút trong phong bì ra mấy tờ giấy bạc lớn có hình đầu Lênin – Em cầm lấy đi!

– Em đáng ra phải cảm ơn anh mới phải. Đây là những đồng tiền do công sức lao động của anh bỏ ra – Cô đẩy bàn tay đang cầm tiền của San ra xa và ngúng nguẩy hai bím tóc thật đáng yêu.

San lặng người đi vì cử chỉ này của cô.

– Thế thì chúng ta ra quán bên bờ sông Moskva đi!

– Một ý tưởng không tồi!

Quán ăn là cả một con tàu buồm thời trung cổ kích thước như thật nằm ghếch mũi lên bờ sông. Việc nắm tay thân mật một người ngoại quốc vào quán cà phê ngay bên bờ sông Moskva là một cái gì đó lạ thường, nếu như không nói là thách thức đối với các thực khách xung quanh. San cảm nhận được ngay ánh mắt của mọi người nhìn mình từ đầu đến chân. Có lẽ, ai cũng nghĩ cô bạn đi cùng là gái làng chơi. Nhiều bà nhìn bằng những ánh mắt khinh bỉ ra mặt, như muốn vạch rõ một hoảng cách vời vợi giữa các quý bà đạo cao đức trọng và một kẻ xấu xa, hư hỏng. Anh kéo Asia tới chiếc bàn ở đuôi con tàu buồm. Ở đây kín đáo hơn vì khuất ánh đèn và nhìn được toàn cảnh dòng sông về đêm. Bờ bên kia, những tòa tháp cổ hình mái tròn và bức tường điện Kremlin sáng lung linh hắt bóng xuống mặt nước.

Trái tim của một đế chế hùng mạnh có vẻ như đang ở vào đỉnh cao của nó.

Ngày hôm nay, anh đã trải qua quá nhiều cung bậc cảm xúc. Một ngày mà anh có cảm tưởng rằng thần kinh trong người căng ra như dây đàn sắp đứt. Asia sát bên cạnh, ánh mắt lúng liếng, mái tóc bồng bềnh trong gió đêm, những cái đụng chạm chân và đầu gối dưới gầm bàn làm lu mờ đi cả vết thương lòng lúc ở nhà Lê Vy lẫn những tràng pháo tay của các vị tướng lĩnh, các phu nhân quí tộc. San chả động chút gì tới các món mà chỉ ngồi ngắm nhìn Asia ăn, tai lơ đãng lắng nghe những tiếng sóng vỗ lách chách vào mạn thuyền. Thỉnh thoảng, anh lại đưa tay ra vén mấy sợi tóc lòa xòa bên má cô. Một lần như vậy, cô ngừng ăn và bất ngờ cắn vào tay anh một cái rõ đau. Cả hai phá ra cười. San chợt nhớ đến người yêu đầu tiên, anh cũng vén lọn tóc đen bết mồ hôi của cô ấy ra sau vành tai trong một chuyến đi chơi chùa Hương. Ba năm trước. Có lẽ, kể cả sau này, đó là cách anh bày tỏ tình yêu của mình với phái đẹp. Anh chưa bao giờ thốt ra ba chữ “Anh yêu em”.

– Anh nghĩ gì thế? Sao không ăn?

– Anh ăn rồi. Nhìn em ăn anh cũng thấy ngon.

– Vừa nãy… ông Mikhain có nói gì về em không?

– Không… sao em lại hỏi thế?

– Hôm trước, ông ấy nói nếu không mời được anh tới chơi đàn hôm nay thì đừng có đến làm nữa…

– Thật thế à? San há miệng ra vì ngạc nhiên – Chắc ông ấy đùa thôi!

– Em cũng chả biết thật hay đùa, nhưng em đã nghỉ làm tuần nay rồi. Lúc ông ấy gọi điện, em quá bất ngờ. Mẹ em hôm nay về nhà ông bà ở ngoại ô, làng Peredenkino. Anh đã nghe cái tên đó bao giờ chưa?

– Làm sao anh biết được. Moskva anh còn chưa biết hết nữa là! Thế bố em đâu? Anh không thấy em nhắc gì tới ông ấy.

– Bố em hy sinh trong cuộc chiến tranh ở Afganistan…

– Anh cũng chỉ ở với mẹ thôi… chiến tranh đã chia lìa bố mẹ anh… Bố anh đang ở tù vì đã từng làm việc cho chế độ Sài Gòn, đồng minh của nước Mỹ…

– Chúng ta là những đứa trẻ bất hạnh vì chiến tranh – Asia nói giọng buồn bã và đẩy đĩa salat ra, không ăn tiếp nữa.

– Nhưng chúng ta ở bên nhau thì… đỡ bất hạnh hơn – San ôm choàng vai Asia và kéo vào sát mình. Cô ngả đầu lên ngực anh. Bàn tay hai người đan chặt vào nhau. Một mối đồng cảm vô hình lan tỏa khiến cả hai không còn cảm thấy bất cứ rào cản nào ngăn cách.

Họ im lặng nhìn ra mặt sông đêm loang loáng ánh đèn màu xao động theo nhịp sóng.

Từ xa, chợt vọng lại tiếng động cơ tàu thủy.

– Chỗ ông bà em ở gần làng Nhà Văn. Bà em kể lại, Stalin là người đề xuất ý tưởng xây làng biệt thự cho các nhà văn Xô-viết sống gần nhau – Một lúc sau, Asia thủ thỉ tiếp -Bà em là đầu bếp của một quán cà phê trong làng văn, nơi họ hay lui tới chuyện trò và nhậu nhẹt. Anh có biết nó tên là gì không? Rất buồn cười: “Trại tập trung không chấn song”. Các nhà văn rất kỳ cục và lập dị. Họ đặt bí danh cho bà em là “Cai ngục”. Bà quen biết rất nhiều nhà văn, đặc biệt là rất thân với Pasternak. Bà còn khoe với mọi người rằng ông ấy đã từng tán tỉnh bà. Nhưng bà yêu ông em, một thợ sửa đường ống thật thà tốt bụng, nên đã từ chối. Anh đã đọc ông ấy chưa? Nhà văn được giải thưởng Nobel đấy!

– Tất nhiên là anh có nghe tên, nhưng chưa đọc tác phẩm nào. Anh quan tâm tới các nhạc sĩ hơn. Vả lại, vốn từ tiếng Nga của anh cũng chưa đủ…

– Em sẽ cho anh mượn cuốn tiểu thuyết “Bác sĩ Zivago” để đọc nâng cao tiếng Nga. Em giúp giải thích những từ khó. Sách bị cấm đấy, nhưng bà em có một cuốn cất rất kỹ, in ở bên Ý. Có chữ ký đề tặng của chính Pasternak…

Đúng lúc đó, từ phía mặt sông vọng lên tiếng còi tàu thủy, rúc mấy hồi dài, âm vang trong đêm. Mọi người trong quán đổ xô ra phía cửa sổ boong tàu. San và Asia chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì cô phục vụ bàn, tay vẫn còn cầm chiếc khay, bước nhanh tới gần chỗ hai người ngồi và chỉ tay ra mặt sông.

– Nó sắp qua đấy! Thật tuyệt đẹp!

– Du thuyền “Chim báo bão” nổi tiếng! Asia thốt lên – Anh nhìn kìa! Cả một khách sạn nổi lung linh! Vừa nói cô vừa đứng dậy và bước ra sát lan can để nhìn rõ hơn.

Lúc này thì tiếng đàn, tiếng trống của các nghệ sĩ zigan, tiếng hò hét đã vọng tới chỗ họ ngồi. San cũng nhìn ra nhưng trong đầu chỉ có hình ảnh của bà Galina Breznheva say lảo đảo được hai ca sĩ nổi tiếng xốc nách. Bên tai anh văng vẳng giọng hơi ồm ồm như đàn ông của bà ta “Thứ âm nhạc xanh xao này, tôi không tiêu hóa được! Sặc mùi tư bản!”.

San ngồi im, câm lặng. Trong thâm tâm, anh chỉ mong chiếc du thuyền đi ngang qua cho khuất mắt, càng nhanh càng tốt. Chính nó đã đánh tụt hẫng tâm trạng của anh lúc này. Chủ nhân của nó đã làm hỏng kế hoạch của anh như ném một mồi lửa vào cánh đồng cỏ khô làm bùng lên một đám cháy của oán hận, tủi nhục và căm thù. San thấm thía đến trào nước mắt cái khoảng cách xa vời giữa anh và chiếc du thuyền kia, giữa anh và xã hội của những người đang cười đùa, nhảy múa trên đó. Họ có thể tặng nhau một chiếc nhẫn kim cương như một thứ đồ chơi rẻ tiền. Còn anh thì phải làm sao tằn tiện chi tiêu để còn dành dụm giúp bố mẹ, từ mấy chục rúp học bổng. Anh phải đi chơi đàn thuê, quần áo mua ở hiệu đồ cũ.

– Sao anh trông buồn thế? Chắc mệt rồi phải không? – Asia nhìn San bằng ánh mắt dịu dàng và âu yếm – Thôi mình về đi anh!

(Còn tiếp)

Khoái lạc đơn côi (phần 1)

Khoái lạc đơn côi (phần 2)

Khoái lạc đơn côi (phần 3)

Khoái lạc đơn côi (phần 4)

V.T.H