Khoái lạc đơn côi (phần 6) – Tiểu thuyết của Vũ Tuấn Hoàng

630

(Vanchuongphuongnam.vn) – IX. Từ trên xe buýt bước xuống, đôi trẻ nắm tay nhau đi vào một con phố nhỏ ngoại ô. Anh lái xe ngáp dài nhưng vẫn liếc mắt nhìn hút theo đôi trai gái, rồi bấm công tắc đóng cánh cửa lại và nhấn ga rồ máy. Chiếc xe lẩn mình vào màn đêm loang lổ những khoảng tối sáng của ánh đèn đường xuyên qua các tán cây phong.

– Mỗi lần đi làm về đêm thế này, em không sợ à?

– Mẹ em ra tận bến xe đón. Khu phố này quen thuộc với em từ bé. Mỗi thân cây, mỗi viên đá lát đường đều mang những kỷ niệm thơ ấu của em. Có nhắm mắt em cũng về được đến cửa nhà mình.

– Em nói hay cứ như cô giáo dạy văn vậy – San vừa nói vừa ôm nhẹ lấy eo lưng của Asia và trong đầu nghĩ cách làm thế nào hôn cô. Nụ hôn cháy bỏng trong phòng thay áo quần lần trước khiến đầu óc anh chẳng còn nghĩ được điều gì khác.

– Em cũng rất thích nghề giáo viên. Em định năm tới sẽ thi vào khoa văn của trường sư phạm. Mùa hè nào em cũng về chỗ ông bà, ở đó có một thư viện rất lớn để đọc văn chương chuẩn bị cho kỳ thi …

Có mấy bóng người, cả đàn ông và đàn bà đi ngược lại từ phía trước mặt. San bỏ tay ôm eo Asia ra.

– Chắc em ngại người quen nhìn thấy em đi với anh phải không? Nhất lại vào lúc đêm hôm khuya khoắt  thế này?

– Chỉ ngại thanh niên càn quấy, bọn họ không thích con gái Nga đi chơi với người nước ngoài.

– Ai cũng có trái tim cả – San nắm tay Asia chặt hơn-  Sứ quán Việt Nam mà biết anh đi chơi với em là bị kỷ luật nặng đấy! Có thể bị trả về nước. Mấy người bạn đã phải xách vali về nhà khi chưa tốt nghiệp.

– Thật thế sao? Anh nói thế làm em thắc mắc. Khắp nơi, đâu đâu cũng thấy khẩu hiệu, nào là “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” nào là “Tiến lên thế giới đại đồng”… Thế mà anh đi chơi với em cũng không được sao? Cũng phải xin phép sứ quán chắc? Em thật không hiểu nổi!

Nhóm người đi bộ tiến tới gần và  rảo bước ngang qua. Có lẽ, họ là những công nhân đi làm ca đêm. Ai cũng lầm lũi cắm cúi bước vội vàng. Một đốm lửa đỏ lóe lên trong tay một người đàn ông và mùi thuốc lá rẻ tiền belamo thoảng tới. Mấy câu chửi tục vẳng đến tai họ.

Đôi trai gái vội đứng nép vào bên đường, sát một gốc bạch dương có lớp vỏ trắng lóa trong đêm tối nhờ nhờ. Asia đứng tựa lưng vào thân cây thẳng vút lên trời như cột buồm, hai tay đan vào nhau và chắp ra sau gáy. Hơi thở của cô trở nên gấp gáp. Đợi cho toán người đi khuất hẳn, San bất ngờ quay sang ôm xiết lấy cô.

– Đừng anh! – Cô yếu ớt đẩy tay San ra.

Đôi trai gái đứng ôm hôn nhau trong đêm thu tĩnh lặng.

Con phố nhỏ lác đác ánh đèn đường không một bóng người. Dăm ba chiếc lá phong vàng liêu xiêu theo gió rớt xuống vai họ. Dưới quầng sáng nhàn nhạt của  chiếc đèn cao áp, một chú sóc bông hốt hoảng kéo lê chiếc đuôi dài thượt trên bãi cỏ gần đó. Thế giới xung quanh như không còn tồn tại. Chỉ còn hai trái tim rạo rực, khao khát được hòa quyện vào nhau.


Thiếu nữ Nga bên cây bạch dương.

– Anh làm em không thở nổi đây này – Asia nắm lấy hai tai San – Anh định xô đổ  cây bạch dương này à? Cô vừa cười vừa cắn vào tai San rồi vùng ra và bỏ chạy. Cô chạy nhanh đến mức San đuổi không kịp. Hai bắp chân trần trắng lấp lóa trong màn đêm. Những đám lá vàng bay tung lên sau mỗi bước chân  cô. Mãi đến sát cửa ngôi nhà năm tầng, San mới túm được vai Asia. Cả hai thở hổn hển và lại gắn chặt vào nhau trong một nụ hôn tưởng như không có hồi kết.

– Hình như mẹ em về rồi – Asia chỉ tay lên cửa sổ tầng ba – Đèn bếp bật sáng kìa! Mẹ lên để mai đi làm ca sớm.

– Nói khẽ thôi, mẹ  mà ngó đầu ra thấy thì em chắc về bị mắng. Mẹ không bao giờ chấp nhận con gái đi lại với người nước ngoài đâu… sợ hàng xóm dị nghị…

– Anh nói đúng, nhưng em không ngại là đủ rồi!

– Cứ giữ bí mật chuyện của chúng mình. Anh không hình dung nổi bà sẽ làm gì khi biết. Thôi, anh về đây! Khi nào chúng ta lại gặp nhau? Anh để quên bông hồng em tặng ở quán rồi! Em làm anh chả còn nhớ gì cả!

– Thứ tư nhé! Chúng mình đi xem phim đi! Asia nói giọng thì thào.

– Đang có phim mới rất hay – “Bản tình ca nghiệt ngã”, anh lâu rồi cũng chưa xem phim nào cả.

– Hẹn em ở đâu?

– Bến tàu điện ngầm “Công viên văn hóa”.

– Ở lối lên hay trong ga tàu?

– Tất nhiên là lối lên. Phía cầu vượt nhé! Em cài cúc áo cổ lại cho ngay ngắn đi, các bà mẹ tinh ý lắm đấy! Anh không giấu gì được mẹ anh cả.

… San ngồi lắc lư trong toa tàu điện ngầm trống vắng, chắc là chuyến cuối cùng trong ngày. Cuối toa có một đôi trai gái đang ôm hôn nhau đắm đuối.

Anh có cảm giác như vừa trải qua một cuộc sát hạch, gay go có, ngọt ngào có. Chỉ một ngày mà anh được trải nghiệm về đất nước này bằng cả hai năm sống gộp lại. Cuộc sống ngay tại thủ đô một cường quốc thế giới hùng mạnh với bao giá trị vật chất lẫn tinh thần khiến anh choáng ngợp. Nhịp sống đột nhiên tăng tốc, mở ra nhiều con đường mới lạ mà trước đó anh không dám nghĩ tới. Rồi, cánh cửa của thế giới thượng lưu Moskva hé mở,  vừa hấp dẫn đầy ma lực vừa đặt ra trước mặt anh những câu hỏi lớn: “Mày là ai? Mày muốn lập  chiến công gì trên mảnh đất này?”.

Mặc dù chỉ mới hai năm ở Nga nhưng anh nhanh chóng hiểu ngay ra một điều: Sự phân biệt chủng tộc là hiện hữu, trong từng ngõ ngách của cuộc sống đời thường, qua những ánh mắt ở ngoài đường, trong ngay cả khuôn viên của nhạc viện, nơi tưởng chừng như dưới chân nữ thần Secilia bảo trợ nghệ thuật thì  tất cả sinh viên đều bình đẳng. Khẩu hiệu “Bình đẳng, bác ái giữa các dân tộc” mãi mãi chỉ tồn tại trên các trang báo “Sự thật”, trên các bức tường nhà cao tầng, rồi cũng bị mưa, tuyết và gió  làm cho mờ nhòa đi mà thôi.

Tuy thế, San rất kiêu hãnh vì khả năng âm nhạc của mình, mặc dù túi rỗng.

Đối với các bạn cùng lớp tại nhạc viện đa phần đến từ châu Âu, họ có thể to cao hơn, gia đình giàu có hơn, ăn mặc sang diện hơn nhưng anh không vì thế mà chịu nể phục về kỹ thuật đàn và cách cảm thụ nhạc phẩm, nhất là của Chopin.

Anh luôn luôn tin rằng nếu Chopin mà sống lại chắc ông sẽ mỉm cười hài lòng khi nghe anh biểu diễn các tác phẩm của mình.Ông sẽ ôm choàng lấy anh mà vỗ bồm bộp vào lưng: “Thật không ngờ, một người châu Á như cậu lại hiểu thấu lòng tôi đến như vậy!”.  Ngay từ hồi còn nhỏ, anh đã  linh cảm rằng giữa anh và Chopin có một mối giao cảm thần bí nào đó khó giải thích như một định mệnh. Lần đầu tiên nghe mẹ chơi Chopin, thằng bé 9 tuổi là anh lúc đó đang nấp cạnh đống rơm khô tại một ngôi làng nghèo của huyện Chương Mỹ nơi nhạc viện sơ tán, chợt sững người lại như mất hồn, bỏ cả cuộc chơi đang vui cùng lũ bạn. Nó đứng tựa vào đống rơm và lặng đi như nuốt từng âm thanh. Những âm thanh đã khiến nó rơm rớm lệ vì cảm giác đê mê lan tỏa trong từng mạch máu cơ thể. Rồi bất ngờ, một nỗi sợ hãi ập tới khi tiếng nhạc biến mất. Nỗi sợ cuống cuồng vì không rõ chuyện gì xảy ra với mẹ, hay là mẹ chết rồi? Nó bỏ chạy vào trong căn nhà lợp ngói ba gian chìm trong bóng tối, vừa chạy vừa gọi thất thanh. Nó lao tới ôm chầm lấy mẹ và bật khóc nức nở khiến bà ngỡ ngàng đứng dậy khỏi đàn và chẳng hiểu chuyện gì. Sau này, mỗi khi chơi nhạc của Chopin, anh thường ngồi nhắm mắt trước đàn một phút để thỉnh gọi linh hồn của ông nhập vào mình. Vì là người con của núi rừng Tây Nguyên, qua các huyền thoại mẹ kể, anh tin rằng linh hồn của những con người kiệt xuất như Chopin sau khi chết thường ngự trên các đỉnh núi cao, giữa những đám mây vần vũ, trong gió đại ngàn của rừng già sâu thẳm…

Ở cửa ra của tàu điện ngầm, anh bắt gặp một ông lão vô gia cư đang ngồi khâu khâu vá vá chiếc tất  rách nát của mình. Anh đã bước ngang qua chỗ ông ta ngồi một đoạn, nhưng rồi không hiểu sao, lại quay lại. Có lẽ, tình yêu đã làm cho con người ta trở nên bao dung và giàu lòng chắc ẩn hơn. Vừa đi anh vừa móc tiền trong túi áo ngực. Thấy có người bước tới, ông già giấu đôi tất rách vào trong chiếc túi để bên cạnh và quay ra nhìn San. Anh chìa đồng hai nhăm rúp màu tím nhạt ra trước mặt ông và nói nhỏ nhẹ:

– Ông cầm lấy đi! Tôi biếu ông.

Thật bất ngờ, ông già không cầm và hỏi lại bằng một giọng khá gay gắt:

– Cậu cho tôi tiền vì mục đích gì? Cậu đến từ Nhật Bản phải không? Cậu nhầm rồi, một công dân Xô Viết không bao giờ xin tiền của bọn tư bản thối tha. – Ông đứng bật dậy và sừng sộ – Cậu hãy cuốn xéo đi! Cậu định hạ nhục một con người chân chính, đúng không? Cậu nhầm rồi! Tôi nhặt vỏ chai đem bán, thì đã sao? Đó là lao động! Cậu hiểu chưa? Và chỉ có lao động mới làm con người tiến hóa…

San ngỡ ngàng giật lùi trở lại vì ông ta cứ hung hăng sấn sổ tới. Vừa nói tay vừa vung vẩy như muốn đánh anh. Đôi mắt xanh nhạt của ông ta đỏ ngầu và thất thần. Cuối cùng, anh quay đầu bỏ chạy ra khỏi tàu điện ngầm.

Lên đến cầu thang máy, anh mới thở phào và tự nguyền rủa mình là đặt tình thương không đúng chỗ. Sự thương hại chỉ làm con người ta tức giận.Và đối với anh, đây là lần đầu tiên nhưng cũng không phải  lần cuối cùng.

(Còn tiếp)

V.T.H