Khoái lạc đơn côi (phần 7) – Tiểu thuyết của Vũ Tuấn Hoàng

755

Chương X.

(Vanchuongphuongnam.vn) – Suốt chặng đường đi trong thành phố, cả hai vợ chồng không ai nói với ai câu nào. Đêm nghiêng về khuya. Các tòa nhà cao tầng hai bên đại lộ Kutuzovsky đã tối đèn. Chiếc xe Volga đen đơn độc lao trên con đường cao tốc dẫn ra ngoại ô. Ông Aleksey đưa tay sờ khắp các túi tìm bao thuốc lá nhưng chợt nhớ ra đã để quên ở quán.

– Anh không thể nhịn được đến nhà hay sao? Anna ngồi ghế sau lơ đãng nhìn qua cửa sổ, nói.

– Em biết đấy, anh có thói quen mỗi khi lái xe là cứ phải hút thuốc. Nhưng thôi, hai chục phút nữa là đến nhà rồi.

Hai người im lặng. Những cây dương hai bên đường loang loáng lướt qua.

– Chà, cậu nhạc công người Việt chơi quá độc đáo, anh bị bất ngờ – Aleksey chợt bật nói – Cậu ta làm anh nhớ lại những năm tháng không thể nào quên сủa chúng ta ở chiến trường Việt Nam…

– Em cũng vậy… làm sao mà quên được – Anna sụt sùi đưa khăn lên chấm mắt.

– Thôi nín đi em… Có ai chọn được cho mình số phận đâu? Nếu biết trước thì…

– Nhưng tại sao tai họa lại rơi vào chính gia đình mình? Hay chúng ta đã làm điều ác nào để Thượng đế nổi giận?

– Anh… lỗi tại anh cả – Aleksey nói lí nhí trong miệng, mắt chăm chú nhìn vào hai vệt đèn pha phía trước – À, em định mời cậu ấy đến dạy đàn cho bọn nhỏ thật à? Aleksey cao giọng lên như muốn chuyển đề tài và chấm dứt những hồi ức u ám.

– Được một tài năng như thế kèm cặp thêm… chắc hai đứa thích phải biết– Anna cất khăn tay vào túi xách – Nhưng không biết cậu ta có đồng ý không?

– Chúng ta giúp họ đánh bại Mỹ thì cả nước Việt Nam phải chịu ơn Liên Xô, trong đó có cậu ta. Vả lại, lương sinh viên thấp. Cậu ta chắc cũng cần tiền để chi tiêu và giúp đỡ gia đình. Mình cứ trả một khoản tiền hàng tháng như lái xe riêng của anh, em thấy thế nào?

– Một nhạc công tài năng như thế mà anh đánh giá ngang với một lái xe à? Giọng Anna hơi bực mình.

– Nhưng đối với cậu ta như thế là quá cao rồi! Thôi được, chuyện đó tùy em, anh không can thiệp, miễn là được việc! – Aleksey cho xe giảm tốc độ để rẽ vào một con đường nhỏ, hai rặng bạch dương trắng lấp lóa dưới ánh đèn pha trông như hai hàng lính danh dự trong lễ duyệt binh.

Mảnh trăng mỏng cong veo chợt lách mình ra khỏi mây, rải xuống mặt đất một thứ ánh sáng bàng bạc, như sương khói. Xa xa, một hồ nước rộng mờ mờ ảo ảo trong đêm. Tiếng động cơ xe làm rộ lên những âm thanh lao xao trên mặt nước của một bầy thiên nga bị đánh thức đột ngột vỗ cánh trắng lấp lóa.


Nhà nghỉ ngoại ô Moskva.

Tòa biệt thự ba tầng im lìm ẩn mình dưới những tán lá thông già mà nhìn từ xa trông giống như những gã khổng lồ đầy đe dọa đang đung đưa vì gió thổi từ phía hồ. Vài ô cửa sổ vẫn sáng đèn. Phía trong sân, phát ra mấy tiếng chó sủa ồm ồm khi chiếc xe dừng lại sát cánh cổng sắt cao vút.

Căn phòng rộng mênh mông của hai chị em Natalia và Nastia trên tầng ba. Từ chiếc máy quay đĩa kiểu cổ điển với chiếc loa khổng lồ hình loa kèn đang phát ra bản giao hưởng “Bốn mùa” của Tchaikovsky. Cô chị Natalia trong bộ đồ ngủ trắng tinh và mỏng tang đứng ở giữa nhà, ngay dưới chùm đèn pha lê và làm một số động tác balet duyên dáng, uyển chuyển.

– Hôm nay chị đứng bao lâu trên đầu ngón chân? Nastia nằm trên chiếc giường rộng, dùng ngôn ngữ cử chỉ của các ngón tay, hỏi.

– Chị cũng không nhớ, nhưng không ít hơn ba tiếng – Natalia trả lời và liếc nhìn mình trong chiếc gương lớn gắn trên tường. Chợt từ phía dưới sân vọng lên tiếng động cơ xe ô-tô và sau đó tiếng cánh cổng sắt rít lên. Cô chạy vụt đến bên cửa sổ và chụm hai tay làm loa, kêu to:

– Chúng con chờ bố mẹ dài cả cổ như thiên nga rồi đây!

Sau đó, cô nhảy những bước dài kiểu balet đến bên giường và nằm xuống cạnh em gái.

– Thôi, đọc thế đủ rồi! Vừa nói cô vừa giằng lấy tập sách trong tay Nastia và vất sang bên cạnh.

– Chị đố em, lời nói đầu tiên khi mẹ bước vào phòng bây giờ là câu gì?

– Chắc lại là…. “Sao giờ này mà các con chưa ngủ?” Nastia lại dùng các ngón tay trả lời và kèm theo vẻ mặt làm điệu bộ trông thật ngộ nghĩnh.

– Còn chị lại cho là… “Mẹ chẳng bao giờ thích cái trò tiệc tùng nhậu nhẹt, cũng chỉ vì bố thôi!”

Cả hai thích thú với trò chơi bất ngờ của mình, ôm chặt lấy nhau cười rúc rích và háo hức cùng hướng mặt về phía cửa ra vào. Chỉ sau đó mấy phút, cũng là lúc chiếc kim trên máy quay đĩa tự động nhảy bật lên, kết thúc bản giao hưởng. Không gian trở nên im ắng, nghe rõ cả tiếng bước chân của bà Anna vang lên trên cầu thang. Bước lên những bậc cuối cùng, bà còn nói vọng xuống với người phục vụ là phải tháo xích cho con béc giê vì sáng nay bà đã thấy ở cổ nó có vết trầy xước.

– Sáng mai sẽ đưa nó đến bác sĩ thú y! Bà hạ thấp giọng nói với chính mình – Chó nó không nói được thôi, chứ cũng đau như người ấy chứ!

Đứng trong khung cửa căn phòng của hai con gái, bà vỗ hai tay vào nhau và cất giọng trách móc:

– Sao giờ này mà các con chưa ngủ, hả?

Nastia ú ớ và vỗ tay đôm đốp, rồi quay sang ôm chặt lấy chị.

– Mẹ chẳng bao giờ thích cái trò tiệc tùng nhậu nhẹt, cũng chỉ vì bố thôi!

Bây giờ đến lượt Natalia cũng reo lên và cười như nắc nẻ.

Bà Anna bước tới giường và ôm lấy hai con, hôn lên má mỗi đứa hai cái.

– Mẹ có tin vui cho các con đây… – Đôi mắt bà trở nên rạng rỡ. Bà ôm lấy Nastia và vuốt ve mái tóc vàng vừa dày vừa óng ả của con gái út.

– Mẹ nói ngay đi! con sốt ruột rồi! Natalia giục, dùng một ngón tay soắn lấy lọn tóc mai

– Các con sẽ có một thầy dạy Piano mới, rất tuyệt vời!

– Thật không mẹ? Ai vậy? Tại sao lại là thầy? Thế cô Olga không dạy nữa à? Nastia dùng các ngón tay hỏi lại, ánh mắt đầy vẻ thắc mắc.

– Trông thầy thế nào ạ? Bao nhiêu tuổi? Có đẹp trai không hả mẹ? Natalia liến thoắng hỏi.

– Một sinh viên nhạc viện Tchaikovsky, người Việt Nam!

Cả hai chị em đều lặng đi vì quá bất ngờ.

Natalia quay sang nhìn em gái. Còn Nastia không nói năng gì, chỉ gỡ cánh tay mẹ đang ôm lưng và ngồi xích hẳn ra.

– Người Việt Nam à? Thật không? Natalia không tin ở tai mình, lên giọng hỏi lại đầy vẻ ngạc nhiên – Mẹ tìm ra anh ấy ở đâu?

– Trong buổi tiệc hôm nay. Cậu ấy chơi Chopin mới tuyệt vời làm sao!

– Lại còn chơi Chopin nữa, mẹ không nhầm đấy chứ? Hay cậu ta là người Nhật?

– Mẹ làm sao mà nhầm được! Mẹ còn nói chuyện bằng tiếng Việt với cậu ấy…

– Anh ấy học năm thứ mấy?

– Năm thứ ba, nhưng trông thấp bé, da ngăm ngăm đen…

– Và mắt him híp nữa chứ? Natalia cắt ngang lời mẹ và phá ra cười

– Mẹ đã mời anh ấy chủ nhật này tới dự lễ sinh nhật của mẹ.

– Thật bất ngờ! Natalia vỗ hai tay vào nhau và thốt lên.

– Nastenka của mẹ, con sao thế? Bà quay sang con gái út và cảm nhận được điều gì đó không bình thường qua đôi môi mím chặt lại và hơi giật giật – Con thấy trong người thế nào? Giọng nói của bà trở nên vừa âu yếm vừa lo lắng.

Nastia vùng vằng và nằm úp mặt xuống gối khóc thút thít. Bà Anna đưa mắt sang nhìn con gái lớn như có ý dò hỏi, chuyện gì đã xảy ra giữa hai chị em lúc mẹ vắng nhà. Natalia nhún vai và dơ hai tay ra để tỏ ý không biết tại sao em gái lại ngúng nguẩy như vậy.

– Con không muốn học đàn với anh ta! Nastia khóc to lên, ngôn ngữ ngón tay trở nên giận dữ – Con không muốn ở gần một người mà sự có mặt của anh ta luôn nhắc con về nỗi bất hạnh của mình!

– Nhưng cậu ấy có lỗi gì đâu? Bà Anna ngồi sát lại con gái và vuốt ve, xoa lưng cho con – Có khi gia đình cậu ấy còn là nạn nhân của cuộc chiến tranh ấy chứ. Mẹ và bố đã tận mắt nhìn thấy bao cảnh chết chóc thương tâm trong thời gian ở bên đó. Hầu như gia đình nào cũng có người thân hy sinh hay thương tật. Chính mẹ cũng bị bom vùi suýt сhết trong trường học…. Còn bố thì… bị nhiễm… chất độc da cam… – Nói đến đây, Anna cũng đưa tay lên lau mắt.

– Bố mẹ sang Việt Nam để làm gì cơ chứ? Nastia hỏi lại câu hỏi mà đã không ít lần được viết ra kèm theo những tiếng ú ớ trong cổ họng.

– Nghĩa vụ con ạ. Chúng ta sống trong một xã hội mà mỗi con người chỉ là một chiếc đinh ốc nhỏ bé của một cỗ máy vô tri vô giác, phải chấp hành vô điều kiện và thực hiện ý chí của lãnh tụ tối cao… thôi, các con đi ngủ đi! Sáng mai còn đến trường…

Nói đến đây, Anna hấp tấp đứng dậy khỏi giường như chạy trốn và cúi xuống nhặt cuốn sách bị con gái vô tình gạt tay rơi xuống sàn nhà. Bà lẳng lặng bước đến bên chiếc bàn học của con và khẽ khàng đặt nó lên bàn. Bà tắt đèn trần và chỉ để lại ánh sáng xanh dìu dịu của ngọn đèn ngủ trong góc phòng.

– Chúc các con ngủ ngon!

Anna khép cửa lại như muốn nhốt chặt tiếng khóc tấm tức của con gái sau lưng. Phản ứng của Nastia khiến bà bất ngờ và đau đớn. Cái điều mà bà nghĩ đến đầu tiên khi định mời San đến dạy đàn là làm dịu đi nỗi bất hạnh của con gái. Bà biết con gái rất có năng khiếu âm nhạc. Ông trời đã lấy giọng nói của cô từ khi chào đời, nhưng Người lại rất hào phóng bù lấp khiếm khuyết đó bằng một khả năng thẩm thấu âm thanh hiếm có. Cô giáo dạy đàn Olga ngay từ buổi học đầu tiên đã nói với bà điều này.

Anna buông từng bước chân nặng nề xuống bậc thang với một tâm trạng hoàn toàn khác lúc đi lên. Ông Aleksey vẫn còn nói chuyện qua điện thoại với ai đó trong phòng khách. Bà loáng thoáng nghe câu được câu mất. Vẫn là những cuộc tập trận không bao giờ dứt, rồi thử nghiệm vũ khí mới…

Đột nhiên bà cảm thấy hoảng sợ vì ý nghĩ ngôi nhà thân yêu này, thành phố Moskva cổ kính này, hai đứa con thiên thần và cả chính bản thân bà đang nằm dưới tầm ngắm của những loại vũ khí hủy diệt khủng khiếp.

Chỉ cần một tích tắc của sự nhầm lẫn, của sự điên rồ… là tất cả trở thành hư vô.

– Ôi con người! Thật đáng thương và mong manh biết chừng nào! Bà lẩm nhẩm thành tiếng.

– Em cứ đi ngủ trước đi, anh còn có chút việc phải làm nốt! Giọng ông Aleksey vang lên từ phòng khách.

“Ông thì bao giờ mà chả công việc là trên hết” – Bà nghĩ trong đầu.

Một cảm giác gì đấy giống như là một sự hối hận xâm chiếm tâm hồn. Anna đi ngang phòng ngủ vì biết chắc có nằm vào giường cũng chẳng chợp mắt được. Bà mở cửa phòng làm việc của mình và định đưa tay bật công tắc điện nhưng không hiểu nghĩ sao lại thôi. Bà bước đến bên chiếc ghế xôpha bên cạnh cánh cửa sổ cao rộng và lặng lẽ ngồi xuống. Bóng tối trong căn phòng và màn đêm bên ngoài khu vườn rộng khiến những suy nghĩ trong đầu bà trở nên rõ nét hơn. Sau buổi tiệc lúc chiều, bà càng cảm thấy rõ hố sâu ngăn cách giữa mình và những bà vợ ồn ào của đồng nghiệp chồng. Thực sự, bà không thể tham dự vào được bất cứ cuộc nói chuyện nào của họ. Cả buổi bà chỉ ngồi một chỗ và quan sát họ. Bà cũng chẳng chơi thân được với người nào, có lẽ bởi vì đa phần họ đều từ các tỉnh lẻ lên. Họ ào vào thủ đô một cách sỗ sàng, giẫm đạp không thương tiếc lên mọi các quy chuẩn đạo đức tối thiểu, miễn là đạt được mục đích bằng mọi giá.Bà thấy họ quá nhiều tham vọng quyền lực, thích phô trương và nông cạn. Сách ăn mặc của các bà vợ mới quê mùa làm sao, chỉ thích những gam màu nóng, xanh đỏ lòe loẹt. Những ý nghĩ không vui khô cong lên như bị nướng trên bếp than hồng. Nhưng cũng may, chúng cũng được mềm ra, mát dịu đi khi tiếng đàn của cậu sinh viên người Việt văng vẳng vang lên bên tai bà. Một cái gì đó giống như là một trận mưa nhiệt đới bất chợt mà bà đã được trải nghiệm ở Việt Nam khiến cái nóng ngột ngạt lắng xuống, dễ thở hơn.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ với San vừa qua đã làm sống dậy ký ức về một mảnh đất nhiệt đới xa xôi mà số phận đã run rủi xô đẩy gia đình bà cuốn hút vào vòng xoáy của nó hơn ba năm. Khúc chảy xiết nhất của dòng sông cuộc đời.

Và, dấu vết cũng như hệ lụy thì đến bây giờ vẫn hiển hiện qua cô con gái út bị câm. Một nạn nhân của chất độc màu da cam mà người cha bị phơi nhiễm tại chiến trường Việt Nam. Nó để lại một vết sẹo lớn trong tim bà và còn đeo đẳng đến tận cuối đời.

Suốt cả đêm hôm đó, Anna không ngủ. Bà khóa cửa phòng làm việc lại và lấy từ phía sau giá sách, nơi chỉ mình bà biết, ba cuốn nhật ký cũ ghi chép bằng nhiều loại bút mực khác nhau những gì nhìn thấy, nghe thấy và cảm thấy trong thời gian phải đối mặt với chiến tranh, với cái chết cận kề, và cả tình yêu sét đánh hay nói theo kiểu Nga là “Say nắng” nhiệt đới…

(còn tiếp)

V.T.H