Khoái lạc đơn côi – Tiểu thuyết của Vũ Tuấn Hoàng

1463

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sau này, trên con đường nghệ thuật đầy sóng gió, trong những giây phút bế tắc đường cùng, San được vực dậy nhờ chính hình ảnh này của mẹ. Và, chỉ trước lúc mất bà mới thổ lộ với anh chuyện gì đã xảy ra với bà vào cái đêm hôm đó.

Chiều trên sông Moskva

 

Dây đời rắm rối gỡ làm sao đây

Suy tư quẳng bớt vơi đầy

Giả như đang ngủ giấc say chìm vào

Quên đi hiện thực lao đao…

    …запутавшись в своей судьбе,

     отбросить мысли о себе

     и, притворясь, что спишь,

     забыть о мире сволочном…

(Иосиф Бродский) 

 

I

Một tiếng thét khủng khiếp âm vang đập vào những vách núi lởm chởm phủ đầy tuyết dưới ánh nắng chiều chói chang của vùng nghỉ mát Karpat. Từ đỉnh núi, các nhóm trượt tuyết của sinh viên đến từ Moskva trong những bộ thể thao nhiều màu đang rạp mình lao xuống vun vút, vội đứng thẳng người lên, ngơ ngác nhìn quanh. Nhưng rồi, mọi cái nhanh chóng trở nên yên ắng, thanh bình. Dăm ba con đại bàng núi vẫn lặng lẽ chao liệng trên bầu trời xanh thẳm không một gợn mây. Đâu đó, vẳng lại tiếng chuông leng keng của những chú mục đồng đang lùa đàn cừu về khu chuồng trại chứa cỏ khô của nông trang “Rạng Đông”.

Gió thổi hun hút qua những gốc cây leo khô, bám rễ chắc vào các khe đá ẩm ướt không bị băng tuyết bao phủ.

Hoàng hôn vừa khuất núi. Bóng tối chạng vạng giăng ra khắp các ngả đường xung quanh khu nghỉ mát nổi tiếng. Đâu đó, những đống lửa lớn được đốt lên. Tiếng đàn gió, đàn Bandura, tiếng sáo, tiếng hát dân ca Ukraine buồn buồn, trầm lắng… khiến cho đêm miền Tây trở nên hoang sơ và đầy ma mị.

Viên cảnh sát trực to béo, tóc cắt ngắn, đang ngủ gà ngủ gật trên chiếc bàn rộng và bừa bộn của căn phòng nhỏ ngay tầng trệt cuối dãy nhà nghỉ. Góc bên trái là chiếc lò sưởi bằng gang từ thời Sa hoàng mà than đã lụi dần. Ngay sát đó là mấy vỏ chai rượu vodka nằm lăn lóc. Một chú mèo đen nằm cuộn mình trong chiếc áo khoác dạ đã rách bươm được xếp lại thành ổ bên cạnh lò sưởi. Không khí trong phòng vẫn còn nồng mùi dầu hướng dương cháy, mùi dưa chuột muối, mùi tỏi hăng hăng. Bất ngờ, cửa phòng bật mở toang, kéo theo một luồng gió lạnh giá xộc vào, xới tung đám giấy tờ để trên bàn. Viên cảnh sát giật mình choàng tỉnh, đưa tay lên dụi mắt, chưa kịp phản ứng gì. Một thanh niên châu Á trong bộ đồ trượt tuyết chạy xộc vào giữa phòng, vẻ mặt thật khủng khiếp và lắp ba lắp bắp nói:

“Cứu, ông ơi, cứu cô ấy với!”

Sau mấy giây bối rối, viên cảnh sát lấy lại được tự chủ và đứng dậy hỏi lại bằng một giọng gần như quát: “Cứu ai? Bị sao? Bình tĩnh nói xem nào!”

Người thanh niên châu Á, chắc là sinh viên trong đoàn đến từ Moskva, bị lạnh cóng, mặt tái mét, cố gắng lắm mới lập bập nói được mấy câu:

“Cô ấy… bạn tôi… bị rơi xuống vực…”

 

II                    

Gió thu ẩm ướt bứt những chiếc lá vàng còn cố níu lại trên các cành cây khẳng khiu đâm tua tủa lên bầu trời thành phố Moskva.

Phố cổ Arbat chiều chủ nhật thưa thớt người qua lại. Những họa sĩ cuối cùng đang chậm rãi thu dọn các bức tranh bày bán.

Không gian uể oải lan man buồn.

Những ngọn đèn đường mờ ảo được thắp lên tiếp sáng cho những tia hoàng hôn cuối cùng đang tuột dần khỏi những tháp chuông nhà thờ in bóng đen sẫm lên bầu trời chạng vạng.

Nhà hàng “Thiên nga” nằm sâu trong ngõ nhộn nhạo cả lên sau một cú điện thoại.

Ông chủ quán, một người đàn ông Gruzia thấp lùn, ria mép đen nhánh, triệu tập tất cả nhân viên vào căn phòng nhỏ tường treo đầy tranh trừu tượng để giao việc. Đơn đặt hàng tối thứ bảy tới là của bộ quốc phòng. Một ân huệ cao nhưng trách nhiệm cũng không hề thấp. Các vị tướng lĩnh muốn “rửa” quân hàm cấp trung tướng cho một đồng nghiệp.

– Đây là một vinh dự lớn đối với chúng ta và chúng ta không có quyền để những người anh hùng phải thất vọng. Các món ăn phải làm từ nguyên liệu tươi nhất, ngon nhất có thể! – Giọng ồm ồm đầy uy lực của ông chủ khiến ai nấy đều im thin thít lắng nghe – Từ chiếc khăn lót tay đến chọn bản nhạc trong lúc mọi người ăn uống, phải được kiểm tra đi kiểm tra lại cho đến khi…không thể tốt hơn được nữa mới thôi. Rõ cả chưa?

Mọi người lục tục kéo nhau ra khỏi căn phòng ngột ngạt mùi hơi người và khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao của mình. Một tâm trạng vừa lo âu vừa hãnh diện.

– Asia, cô ở lại mấy phút, tôi có chuyện cần bàn gấp!

Cô phục vụ bàn có tên Asia đã bước ra đến cửa, vội quay lại. Đó là một thiếu nữ tầm mười chín  tuổi tóc màu hạt dẻ, hơi đậm người, gương mặt có nét phảng phất trung Á. Đôi mắt nâu long lanh, lúc nào cũng như cười dưới hàng lông mi dày và cong vút. Bên ngoài, mọi người đã tản ra hết, cánh cửa sau lưng họ khép lại. Duy chỉ có bà thủ quĩ Valia béo ục ịch vẫn còn nấn ná, mắt la mày lém chờ mọi người tản đi hết, rồi ngồi thụp xuống ghé sát tai vào lỗ khóa cửa.

Giọng ông chủ không còn oang oang như trước nữa mà dịu xuống, gần như thầm thì:

– Cô biết rồi đấy, thượng khách thứ bảy tới là tầng lớp tinh hoa của Moskva của cả liên bang, họ vừa giữ những vị trí cao trong bộ quốc phòng đầy quyền lực vừa không thiếu tiền…

– Dạ, cháu hiểu ạ!

– Gu thẩm mĩ của họ rất khó tính và quý tộc, nhất là các bà vợ. Chúng ta và chỉ quán của chúng ta mới có một món ăn tinh thần tuyệt vời mà không một nhà hàng nào trên phố Arbat này có được… cô biết tôi định nói gì rồi chứ?

Bên ngoài, bà Valia gần như dính chặt cả tai cả người vào lỗ khóa, giả dụ có ai đó muốn kéo bà ta ra chắc chỉ còn cách tháo  nguyên cả cánh cửa ra mà thôi.

– Dạ, cháu chưa rõ lắm. Cháu thì có liên quan gì tới món ăn tinh thần đó ạ? Asia hơi ngạc nhiên hỏi lại bằng một giọng trong trẻo, ngây thơ.

– Cô giấu ai chứ làm sao qua được mắt tôi – Ông chủ bỗng lên giọng

– Cháu giấu gì ạ?

– Thế cô tưởng tôi mù hay điếc mà không biết cô và thằng sinh viên trường nhạc Đam San phải lòng nhau, hả? Mỗi lần nó biểu diễn ở đây, với cô chả khác gì được người ta boa cho cả trăm rúp. Cô chạy đi chạy lại ưỡn ẹo làm những việc chả phải nhiệm vụ của mình, chỉ cốt được đến gần nó, chạm vào người nó. Rồi ánh mắt cô nhìn lúc nó chơi đàn thì chả cần phải một thằng già lọc lõi như tôi mới phát hiện ra…

Cô phục vụ Asia cứ xoắn hai bàn tay vào nhau, mặt cúi gằm xuống. Cặp má lúm đồng tiền đỏ lựng lên, lan cả xuống chiếc cổ trắng ngần có đeo một chiếc thánh giá nhỏ bằng bạc.

– Thôi, tôi chỉ nói thế thôi, đây là chuyện riêng của cô cậu. Tôi biết, nó cũng có cảm tình với cô thì mới đến đây biểu diễn, mặc dù tôi trả thù lao cũng không phải là cao. Cô muốn làm gì thì làm nhưng thứ bảy tới Đam San phải trình diễn tại đây bản Polone của Chopin. Dù nó bận đến đâu, cũng phải có mặt. Tôi sẽ viết vài chữ cho San và cô phải đích thân cầm tới ký túc xá đưa tận tay. Nếu không có câu trả lời đồng ý thì cô cũng đừng quay lại đây làm việc nữa, rõ chưa?

 

III

Asia ngắm lại mình trong khung cửa sổ của toa tàu điện ngầm. Cô hài lòng với chiếc áo khoác dạ mỏng màu xám cổ bẻ và chiếc mũ nồi mới mua bằng tiền lương dành dụm được. Cô thấy vui khi cảm nhận được những ánh mắt thèm muốn lộ liễu của mấy chàng trai trẻ ở cuối toa. Asia quay người lại và lấy cuốn sách đang đọc dở trong túi ra, sách về mối tình của nhà soạn nhạc thiên tài Chopinvới nữ văn sĩ Pháp Geoge Sand mà San để quên trong quán tuần trước. Ở giữa cuốn sách là bức thư của ông Mikhain trong chiếc phong bì có in nổi hình hai con thiên nga và địa chỉ của quán. Ông đã tế nhị và hiểu đời bỏ vào trong đó sấp tiền rúp ứng trước cho San.

Asia bỏ chiếc phong bì dày vào túi trong của áo dạ, rồi chăm chú đọc tiếp. Cô tủm tỉm cười một mình vì tìm ra sự giống nhau giữa tình cảm của cô với nữ nhân vật chính trong sách. Tình yêu của cô với San thật bất ngờ và bột phát. Cô cũng không hiểu  vì lý do gì mà cô cứ bị hút về phía anh một cách vô thức, mặc dù San người thấp bé, da nâu nâu và có vẻ gì đó bẽn lẽn rụt rè như con gái. Anh rất ít nói và phát âm tiếng Nga vẫn còn chưa sõi, lơ lớ nhưng rất đáng yêu. Nhất là những âm sát. Ngay buổi biểu diễn đầu tiên của San tại quán, cô đã chủ động tìm nắm bàn tay anh trong bóng tối của cánh gà bên cạnh sân khấu. Hai bàn tay xiết chặt lấy nhau. Tiếp đó, giọng của ông chủ quán vang lên:“Mời các bạn thưởng thức một tác phẩm của nhà soạn nhạc Ba Lan Chopin do một sinh viên năm thứ hai của nhạc viện Tchaikovsky trình  diễn – Đam San! Vừa nói, ông vừa chỉ tay về phía cánh gà nơi San và Asia đang đứng. Mọi người im lặng ngạc nhiên, đâu đó nổi lên nhiều tiếng xì xào bàn tán. Có lẽ, cung cách ăn mặc không theo mốt thời thượng, bộ dạng lại thấp bé của San, thêm mái tóc đen nhánh hơi xoăn khiến cậu giống như một học sinh phổ thông hơn là một nhạc công đủ bản lĩnh để chơi nhạc đẳng cấp Chopin. San lẳng lặng, hơi chút rụt rè bước tới bên chiếc đàn Piano màu đen bóng loáng của Đức. Cậu ngồi xuống, không nhìn về phía các thực khách béo tốt hồng hào đang ném những ánh mắt đầy nghi ngờ và dè dặt về phía mình, mà ngoảnh đầu nhìn về phía Asia như ngầm bảo: “Anh đàn vì em đấy!”. Bốn mắt họ gặp nhau cũng là lúc những hợp âm đầu tiên vang lên.

Cả gian phòng đột nhiên như hóa đá, mọi người bị thôi miên bởi những âm thanh huyền ảo mê hoặc như hàng trăm quả cầu thủy tinh văng ra dưới các ngón tay gầy guộc của chàng sinh viên. Họ bị ghì chặt, cứng đơ ở những tư thế khác nhau. Người thì khựng lại khi đang rót rượu, kẻ thì cứng hàm khi nhả những vòng tròn khói thuốc lên không trung. Mãi mấy phút sau, khán giả mới thoát ra được khỏi trạng thái đờ đẫn, có thể nói là sững sờ mỗi khi con người ta bị Cái Đẹp dưới vỏ bọc của âm thanh bất ngờ tràn tới như một cơn sóng thần, cuốn phăng đi và nuốt chửng…

San đứng dậy và bỏ vào trong cánh gà để mặc cho cả gian phòng gào lên vì hưng phấn và thỏa mãn. Chùm đèn pha lê trên trần rung rinh chao đảo như sắp rớt xuống vì tiếng vỗ tay, tiếng đập bàn kéo dài không dứt.

Asia ôm ghì lấy San trong phòng thay quần áo chật hẹp, tranh tối tranh sáng. Đôi môi họ tìm đến nhau một cách không thể cưỡng được. Cô lùa các ngón tay vào mái tóc đen dài thô cứng của anh. Hai thân thể trẻ trung đầy sức sống như bện chặt vào nhau, ngây ngất vì ham muốn. Người cô nổi gai ốc khi bàn tay luống cuống của San giật tung mấy chiếc cúc áo ngực…

– Để em chốt cửa lại đã… – Asia vừa thở hổn hển vừa nhoài người về phía cửa ra vào. Đúng lúc đó, cánh cửa bị bật tung ra và tay bảo vệ Vitali cao lớn, đầu cắt trọc bước vào.

– Không được động vào anh ấy! Asia quát lên và ánh mắt của cô khiến gã đàn ông định sừng sộ với San vội cụp mặt xuống.

– Đây không phải là nhà riêng của các người! – Gã làu bàu

– Thì sao? Anh định làm gì tôi? Asia một tay chống nạnh một tay xỉa xói vào mặt Vitali. Gã giật lùi trở ra và trước khi đóng sập cánh cửa lại còn ném ra một câu đầy hăm dọa

– Được rồi, các người sẽ biết tay!

Sông Moskva rì rầm chảy trong đêm. Con đường kè đá ven sông vắng tanh không một bóng người. Xa xa, nhưng cột đèn đường lặng thinh trầm ngâm như những dấu cảm thán lớn hắt bóng xuống mặt nước đen sẫm phản chiếu những tòa tháp cổ mái tròn hàng trăm năm tuổi.

– Hình như, mỗi viên đá lát đường cũng mang trong mình một dấu ấn của thời gian mà không phải ai cũng cảm nhận được – San dừng lại, tựa lưng vào thanh lan can trên cầu và nói tiếp – không khí ở đây, cây cỏ ở đây cũng tràn đầy những suy tư và truyền cảm hứng cho những các nhà thơ và nghệ sĩ…

– Nhất là nghệ sĩ piano…- Asia tiếp lời giọng trêu chọc và cất tiếng cười lanh lảnh vang xa trong đêm thanh vắng

– Tất nhiên rồi… Anh không thể không sáng tác… anh ấp ủ một bản giao hưởng để đời…

– Đề tài gì vậy?

– Bí mật! nói trước bước không qua!

– Thế em có xứng đáng được là… một nốt nhạc trong đó không?

– Tiếng cười của em trong đêm nay đã là âm nhạc đích thực rồi…thôi, muộn rồi, để anh tiễn em về. Mẹ em chắc đã lo cuống cả lên đấy…

Đôi trai gái khoác vai nhau đi trong đêm, sóng bước cùng dòng sông đang lững lờ trôi. Có tiếng máy canô từ xa vọng lại, hình như một con tàu du lịch cuối cùng cập bến. Một đêm yên tĩnh và thanh bình dưới vòm trời đầy sao.

Cả hai còn trẻ, còn ảo tưởng nhiều về tương lai màu hồng.

Móng vuốt của cuộc đời vẫn còn giấu kín trong bao tay bọc nhung.

 

IV 

Ra khỏi tàu điện ngầm Arbat, Asia rẽ tay trái và rảo bước dọc phố Bolsha Nikitska. Khu vực này đối với cô cũng hết sức lạ lẫm nên đến ngã ba, cô dừng lại để hỏi đường cho chính xác. Mãi đến người thứ ba, một bà cụ già về hưu tay xách làn thức ăn nặng trĩu, đặt túi xuống, vừa thở vừa nói:

– Nhạc viện hả?

– Vâng ạ, Chaikovsky – Asia nói liến thoắng

– Cháu cứ đi thẳng… qua một ngã tư… sẽ thấy bức tượng ông ấy ngồi vắt vẻo trên ghế, à mà chỉ cần đến gần đó cũng đã nghe thấy tiếng đàn tiếng tiếng hát từ sáng tinh mơ đến tận chiều tối. Tôi trước làm y tá trong đó, lâu rồi sau đại chiến thế giới thứ II…

– Cháu cảm ơn bà – Asia vội ngắt lời ngay vì biết chắc bà lại muốn kể lể chuyện con cà con kê.

Bà già hơi bị cụt hứng, nhìn theo cái dáng đi nhún nhảy của cô gái và chắc hẳn trong lòng cảm thấy một chút gì đó nghen tỵ với cái vẻ trẻ trung mơn mởn đầy sức sống của cô gái hỏi đường. Bà nhấc chiếc làn nặng lên và hơi tập tễnh đi về hướng ngược lại.

Đúng như bà già nói, chỉ cần bước chân lên khỏi ngã tư, Asia đã nghe thấy những âm thanh của các loại nhạc cụ vang vọng xuống từ các cửa sổ mở toang trong tòa nhà vốn là một tu viện nữ, quét vôi màu sữa.

Cô rảo bước dọc theo lớp hàng rào bằng gang sơn xám được đúc hình các khuông nhạc chạy dài. Đến dưới bức tượng Chaikovsky, bất ngờ cô hứng chí nhảy lên với tay chạm vào chiếc giày của ông. Thấp thoáng bên kia sau những thân cây hạt dẻ, từng nhóm từng tốp sinh viên ăn mặc kiểu cách đúng mốt thời thượng đứng túm tụm trò chuyện, cười nói ồn ào. Một thế giới hoàn toàn khác với môi trường nơi cô sống tại một khu tập thể công nhân dệt may dành cho các bà mẹ đơn thân ở ngoại ô thủ đô. Asia hơi e ngại, bối rối khi bước vào sân trong, đi ngang qua những con người thông minh được trời ban cho tài năng và may mắn. Ánh mắt cô nhìn họ vừa ngưỡng mộ vừa xa cách.

“Vậy mà San của mình cũng đang học tại đây!” Ý nghĩ này chợt đến khiến cô phấn khởi như mở cờ trong lòng và cảm thấy hãnh diện, tự tin để bước tới mở cánh cửa gỗ nặng trịch màu vàng tại tòa nhà chính có hai chiếc cột lớn màu trắng.

– Bác có thể cho cháu gặp anh Đam San, sinh viên người Việt Nam năm thứ hai khoa Piano không ạ? Asia nhỏ nhẹ hỏi ông già đang gục đầu ngủ gà ngủ gật trên ghế trong phòng bảo vệ ngay sát cầu thang. Chiếc mũ lưới trai được ông kéo sụp xuống che mặt. Ông choàng tỉnh, vừa dụi mắt vừa lên giọng hách dịch

– Đang giờ học…- Nhìn thấy khuôn mặt dễ thương và ánh mắt van nài của Asia, ông bảo vệ thay đổi giọng – Chờ đấy! Để tôi xem lịch học đã…

– Cháu cần chuyển gấp cho anh ấy một lá thư, rất quan trọng…Asia nói với theo sau lưng cái thân hình to béo của ông lắc lư đi về phía lối rẽ hành lang.

“Ai cũng nghĩ chỉ việc mình quan trọng, còn thiên hạ là rác cả hay sao?” Ông lẩm nhẩm trong mồm.

Asia đứng chờ, ngước mắt nhìn lên vòm xoắn trôn ốc của cầu thang cao vút mà cảm thấy choáng ngợp. Một tốp sinh viên ồn ào đi xuống, những chiếc hộp đàn màu đen cồng kềnh đeo sau lưng. Một chàng sinh viên râu quai nón, vừa bước xuống thang gác vừa luyện âm bằng một giọng trầm, cảm tưởng như cửa kính rung rinh. Một lúc sau, ông bảo vệ già bước ra, cũng vẫn với nốt giọng cao như lúc nãy:

– Cậu ta đang tập với dàn nhạc trong phòng hòa nhạc lớn, chắc cũng còn lâu đấy!

– Bác làm ơn cho cháu vào… đưa cho anh ấy bức thư rồi ra ngay – Vừa nói Asia vừa nhớ đến câu trả lời dứt khoát của ông chủ quán Mikhain: “Nếu không có được lời đồng ý của San thì đừng quay lại đây làm việc nữa!”

– Cô muốn tôi bị sa thải à?

– Cháu van bác đấy… cháu là người yêu của anh ấy… rất gấp – Asia bật khóc

Thôi được rồi, chờ đấy!

Nước mắt của phụ nữ đã tỏ rõ sức mạnh. Ông già cau mặt vẻ khó chịu và nhìn quanh, rồi nói với một nữ sinh đeo chiếc hộp đàn Violon tình cờ đi ngang qua  – này cô kia, cô có thể dẫn con bé này lên phòng hòa nhạc lớn được không?

– Dạ được – Cô nữ sinh mặt lấm tấm tàn nhang trả lời vui vẻ – Đi theo tớ!

Hai thiếu nữ chạy dọc các hành lang dài và rộng có trần cao vút. Những bắp chân trần của họ loang loáng lướt trên mặt sàn lát gỗ màu hổ phách. Bức tường hai bên treo đầy tranh phong cảnh  cũng như tranh tĩnh vật. Những vạt nắng rực rỡ hắt từ ngoài cửa sổ vào khiến một nhóm sinh viên chơi kèn đứng ngồi ngay trên bệ cửa sổ, dưới ánh nắng để học. Những kệ để bản nhạc cũng được đặt ngay sát cửa sổ.  Một nam sinh có mái tóc dài như con gái bất ngờ ngửa mặt tấu lên một điệu kèn xung trận đầy hào khí khi hai thiếu nữ chạy ngang qua. Những tiếng cười rộ kèm những câu đùa tếu táo biểu lộ niềm hân hoan và sức sống của tuổi trẻ. Họ bước qua cửa các phòng thư viện, nơi mọi người đang chúi mũi ghi ghi chép chép, một vài sinh viên đeo kính đang tra thư mục cạnh các giá sách cáo sát trần nhà. Một cánh cửa mở hé để lộ bên trong một giáo sư già tóc bạc trắng như cước đang ngồi ườn ra trên đi-văng để nghe một sinh viên đang kéo đàn vĩ cầm. Qua cánh cửa kính trong suốt trông rõ một nữ ca sĩ opera tóc bạch kim đang luyện giọng với thầy giáo của mình. Asia bước chậm lại, tim đập nhanh hơn vì trông thấy những tấm biển bằng đá trắng ghi chữ vàng: “Giảng đường nơi Tchaikovsky đã từng dạy học” “Mistislav Rostropovich làm việc tại đây”… Những tên tuổi tầm cỡ thế giới mà cô đã được nghe tới như ở đâu đó cao vời vợi, vậy mà hôm nay, cô được chứng kiến tận mắt, sờ tận tay.

Hai thiếu nữ nắm tay nhau bước ra một sảnh không gian rộng lớn với hai chiếc cột trắng toát bằng đá cẩm thạch.

Asia chạy xung quanh một vòng và sững sờ dừng lại trước bức tranh bằng thủy tinh màu rộng đúng bằng bức tường đối diện.

– Đó là bức Thánh nữ Secilia – Cô bạn bước tới bên cạnh và thì thầm vào tai Asia – Nữ thần bảo trợ cho âm nhạc đấy! Kia là cửa chính của phòng hòa nhạc lớn! từ sân khấu khi cánh cửa kia mở ra có thể nhìn thẳng vào bức ảnh thánh tuyệt đẹp này. Các nghệ sĩ cũng rất mê tín và sùng đạo mà.

– Mình thật ghen tỵ với bạn – Asia thốt lên

– Thôi, mình lên lớp đây, không muộn mất – Vừa nói, cô bạn vừa chạy về phía lối rẽ vào hành lang.

Cảm ơn bạn rất nhiều!

Asia hét to và vẫy tay nhìn theo hai chiếc nơ trên bím tóc như hai con bướm trắng chấp chới đuổi theo bên cạnh cô nữ sinh tốt bụng.

Còn lại một mình, Asia bất giác ngẩng đầu nhìn lên bức ảnh Thánh nữ Secillia và kín đáo đưa tay làm dấu thánh.

“Cầu mong Bà phù hộ cho con, để trái tim của anh ấy thuộc về con, để chúng con được ở bên nhau…”.

Sau những lời cầu nguyện đó, Asia cảm thấy vững tâm và chậm rãi đặt từng bước chân của mình lên tấm thảm màu xanh trải dài đến sát cánh cửa gỗ có nắm tay bằng đồng lên nước bóng loáng. Trong đầu cô thoáng ý nghĩ nếu số bước chân đến cánh cửa kia là chẵn thì anh ấy đồng ý và ngược lại. Cô lo lắng vừa đếm vừa bước nhưng chưa kịp đi đến nơi thì cánh cửa đột ngột bật mở và một người đàn ông thấp lùn, đầu hói bóng, nách kẹp chiếc đàn violon, bước ra.

– Bác có thể gọi hộ cháu anh Đam San, không ạ?

– Khó có thể từ chối được một cô gái xinh đẹp như thế này! – Ông vừa nói vừa nhoẻn nụ cười thân thiện – Cô có thể tạm ứng một nụ hôn vào má cho tôi được không? Dây đàn bị đứt, mười lăm phút nữa quay lại, tôi sẽ gọi cậu ta cho cô. Nó đang bị ông giáo sư-nhạc trưởng hành cho ra bã đấy. Khổ thân, người thì nhỏ thó không biết có qua được kỳ sát hạch này không? À, cô vào ngồi tạm ở hàng ghế cuối mà chờ!

Ông mở rộng cánh cửa và chìa má ra. Asia hôn nhẹ vào bên má râu mọc lởm chởm của ông nhạc công vui tính, rồi rụt rè lách người qua khe cửa bước vào phòng hòa nhạc lớn.

Một cảm giác choáng ngợp vì một bầu không khí trang nghiêm đến bí ẩn giăng khắp gian phòng có vòm cuốn cao vút bóp chặt trái tim cô gái như mỗi lần cùng mẹ đi lễ ở nhà thờ Sophie. Cô lướt ánh mắt nhìn lên những bức chân dung hình oval của các nhạc sĩ thiên tài Nga và thế giới treo ngang phía trên cao, dưới mỗi khung cửa sổ trổ sát trần, chẳng khác gì các bức ảnh thánh trong nhà thờ.

“Một thánh đường âm nhạc!” Cô tự nhủ trong lòng và khẽ khàng hạ ghế ngồi xuống hàng cuối cùng, ngay sát lối đi. Từ xa, cô đã nhận ra cái dáng nhỏ bé của San đang cúi mình lặp đi lặp lại một tổ hợp âm thanh trên chiếc dương cầm đen. Trái tim cô đột nhiên đập mạnh lên những nhịp khác thường và hai má nóng bừng, trong lòng nhộn nhạo như có ngọn lửa đang reo. Đứng quay lưng lại phía cô là ông nhạc trưởng tóc dài đang vung vẩy chiếc que và cao giọng quát mắng một nhạc công nào đó chơi đàn Selo. Tự nhiên, Asia có ác cảm với ông này sau khi nghe vị nhạc công vừa đi ra cho biết là ông giáo sư đang “hành hạ San”. Cô chợt thấy chạnh lòng vì nhớ tới giọng điệu đe dọa đuổi việc của ông chủ Mikhain. Rồi còn gã Vitali bảo vệ nữa, không biết  định giở trò gì ra nữa đây? Mẹ cô sẽ làm gì nếu biết cô đem lòng yêu mến một sinh viên nước ngoài? Một người Việt Nam xa lắc xa lơ? Chắc chắn là bà sẽ phản đối thậm chí còn có thể từ cả cô. Mấy bà hàng xóm nát rượu trong khu tập thể cô ở, miệng lưỡi đàm tiếu thì chả còn gì là không bới ra soi mói. Ôi, mới bắt đầu yêu mà đã lắm chuyện phiền toái! Hình như, cả cái xã hội này, cả cái thế giới này đứng ngáng đường cô đến với San vậy…

Asia cảm thấy thấm mệt, ngả lưng vào thành ghế miên man nghĩ ngợi.

Những ý nghĩ về bản thân xen lẫn những hình ảnh trên sân khấu đang diễn ra trước mặt. Các nhạc công ăn mặc lôi thôi, mỗi người một phách, có người còn cởi trần. Cả dàn giao hưởng khi biểu diễn nghe mượt mà là thế nhưng lúc tập sao mà khập khiễng, cáu kỉnh và lộn xộn. Các âm thanh hỗn loạn của các loại nhạc cụ, tiếng la ó của ông nhạc trưởng, tiếng khóc tấm tức của một nữ nhạc công… chả khác gì một gánh hát rong của dân Digan giữa một phiên chợ.

Asia nghe rõ mấy lần ông giáo sư chế nhạo San là có đôi tai của một con bò. Cô giận ông ta lắm và chỉ biết lẩm nhẩm: “Tôi yêu con bò đó đấy! Còn ông thì giống… một con dê già cáu bẳn”.

Bỗng, cô giật mình vì cái vỗ vai nhẹ của vị nhạc công vui tính vừa quay trở lại.

– Để tôi bảo San nhé! Chờ một phút!

Ông vừa đi giữa hai hàng ghế trống để lên tới sân khấu vừa la la một giai điệu của bản nhạc đang tập. Ông bước tới bên chỗ San và cúi đầu thì thầm vào tai anh. Tiếng đàn chợt ngừng bặt. San vụt đứng dậy và nhìn hút về phía cuối gian. Asia giơ tay lên vẫy. San nói gì đó với ông nhạc trưởng rồi hấp tấp vội vàng rời sân khấu. Cả hai cùng chạy lại và ôm chầm lấy nhau ở ngay chính giữa gian phòng, dưới chùm đèn pha lê không bật sáng vì ánh mặt trời từ ngoài hắt vào qua các cửa sổ nhỏ sát trần nhà.

– Sao em lại đến đây vào giờ này? San hỏi giọng trách móc

– Chúng ta ra ngoài kia nói chuyện được không? Có việc quan trọng muốn bàn với anh…

– Chuyện gì thế? Nói ngay đi! Đang trong giờ tập… không tiện…giáo sư rất nghiêm khắc…

– Đây là thư của ông Mikhain… thứ bảy này nhà hàng có khách rất quan trọng… từ bộ quốc phòng… ông ấy muốn anh chơi Chopin…

– Ôi! Thật không đúng lúc chút nào! Thứ bảy anh đã hẹn dự sinh nhật con gái của nguyên thủ quốc gia, chị ấy học ở Tổng hợp Lomonosov…

– Ông ấy gửi trước anh tiền tạm ứng nữa này…

– Anh không đến được đâu… em mang về trả lại ông ấy đi!

– Thật không anh? Nếu thế thì…

– Sao lại không thật ? San cáu bẳn cắt ngang – Ông ấy chỉ biết nghĩ đến nhà hàng của mình… em thử đặt địa vị vào anh xem… em có thể từ chối đến biểu diễn tại sinh nhật của con gái của một nhân vật… đại loại giống như… Galia Breznhev được không?

Đến đây thì Asia bật òa khóc nức nở, vùng ra khỏi vòng tay ôm của San rồi bỏ chạy ra ngoài. San đứng sững lại một lúc, ngoảnh đầu nhìn về phía dàn nhạc trên sân khấu và cắm đầu đuổi theo. Vừa ra khỏi gian, San đã va ngay phải bà giáo vụ già của khoa, làm bắn tung tóe chồng tài liệu trên tay bà xuống sàn nhà. San  vội vội vàng vàng vừa xin lỗi vừa giúp nhặt đống giấy tờ lên. Bóng của Asia đã mất hút ở cuối hành lang. San chạy đến đầu cầu thang và đứng khựng lại. Anh cúi gập người nhìn xuống những vòng xoáy sâu hút của cầu thang tòa nhà, rồi hét to:

– Asia! Asia! Đứng lại em!

Chiếc váy hoa thấp thoáng và mái tóc màu hạt dẻ mất hút sau lan can tầng trệt.

 

V

San vô cùng bồn chồn hối hận vì sự việc xảy ra ở trường.

Anh chỉ biết câm lặng  trước những lời mắng mỏ như sát muối của vị giáo sư nhạc trưởng gốc Do Thái Bekh Alekceyevich. Anh không hề để bụng vì biết rằng đằng sau những lời nói thô lỗ, thậm chí tục tằn là một tấm lòng vàng.

“Đừng để đàn bà dắt mũi, họ chỉ là chất xúc tác cho âm nhạc mà thôi!”

Lời nói của ông vang lên trong đầu San vào giữa đêm khi tỉnh giấc trên giường. Anh không ngủ tiếp được nữa và rón rén ngồi dậy để không làm thức giấc người bạn cùng phòng ký túc xá. Anh mở cửa và bước ra ngoài ban công. Đêm thu se lạnh khiến anh rùng mình. Moskva chìm đắm trong giấc ngủ khỏe khoắn và nặng nề như của chàng hiệp sĩ.

Một mảnh trăng lưỡi liềm treo chênh chếch, cô đơn trên bầu trời khiến lòng anh chạnh nhớ tới quê nhà. Anh nhớ mấy năm sơ tán của nhạc viện Hà nội ở chùa Thầy. Vào những đêm trăng sáng, mẹ anh đã chơi những bản nhạc của Chopin. Lần đầu tiên trong đời, anh tiếp xúc với âm nhạc của ông giữa một khung cảnh thôn quê nghèo đói xơ xác vì chiến tranh, nhưng dưới ánh trăng bỗng trở nên lấp lánh, huyền ảo đầy lãng mạn. Thằng bé chín tuổi là anh lúc đó, ngồi tựa lưng vào đống rơm còn thơm mùi lúa nếp, mùi bùn non, vừa mơ màng nhìn lên vầng trăng khổng lồ  vàng rực như chiếc mâm đang từ từ vượt lên khỏi những ngọn tre đằng ngà đung đưa trong gió. Chopin đã ôm trọn tuổi thơ của anh và gieo những hạt mầm đầu tiên của một cá tính sáng tạo.

San vừa nhận được tin cha bị ốm nặng trong trại cải huấn ở Lao Cai. Ông là một nhà thơ có tài và tham gia vào bộ máy tuyên truyền của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Cha mẹ anh ly dị cùng với sự chia cắt hai miền của quê hương, mỗi người đi theo lý tưởng riêng của mình. San sống cùng mẹ, một giảng viên thanh nhạc của nhạc viện Hà Nội, một ca sĩ nổi tiếng của dân tộc Tây Nguyên. Cái tên Đam San – Nhân vật anh hùng trong trường ca Tây Nguyên  của anh là một sự gửi gắm của mẹ và cha anh.

San hút nốt điếu thuốc lá còn bỏ dở để trong hộp cá thu trên lan can. Chiều qua, từ máy điện thoại tự động dưới chân ký túc xá, anh đã gọi nhiều lần tới quán ”Thiên Nga” nhưng đều không gặp được Asia và cả ông Mikhain nữa. Chắc họ đã giận anh và không ai thèm nghe máy. Qua giọng trả lời cáu bẳn của bà Valia thủ quĩ cũng đủ biết.  Đúng là anh đã bỏ lỡ một dịp để kiếm được một khoản tiền kha khá, nhất là trong lúc này. Nhưng thật chớ trêu, lễ sinh nhật của chị Lê Vy lại đúng vào chiều thứ bảy. Chị đã bảo ông tùy viên văn hóa của sứ quán gọi điện tới nhạc viện để mời anh tới chơi Chopin tại nhà riêng, với sự có mặt của  bạn bè  thân và khách sang trọng trong chính giới Xô-Viết. Mặc dù giọng nói khệnh khạng bề trên và gần như là ra lệnh của ông tùy viên văn hóa làm San bực mình, nhưng đây là một cơ hội hiếm có, không thể bỏ qua.

Không hề để lộ với bất cứ ai, trong đầu San đang nung nấu một ý định riêng của mình, một kế hoạch có thể nói là liều lĩnh và táo bạo để cứu cha. Anh muốn thông qua Lê Vy nhờ tác động đến người cha đầy quyền sinh quyền sát của chị mong được phóng thích sớm cho bố.

– Sao, không ngủ được à? Chắc lại nhớ nhà, đúng không? – Giọng ngái ngủ của người bạn từ trong bóng tối vọng ra. Hasam là một ca sĩ hát opera đến từ vùng núi Daghestan Trung Á. Anh choàng cả cái chăn rộng lên thân hình lực sĩ trần trụi của mình, bước ra ngoài ban công và ngồi xuống bên cạnh San – Mình cũng nhớ núi rừng nhớ người yêu ở nhà… Rồi bất ngờ, anh cất giọng trầm ấm đầy truyền cảm…

Mắt em biến hóa khôn lường

Khi thì bình lặng lúc dường bão giông

Trong veo rạng rỡ mênh mông

Ngày hè êm ả cũng  không đẹp bằng

Đôi khi chúng tựa đêm rằm

Hồ trên núi cũng chẳng bằng mắt em

Hàng mi yểu điệu buông rèm

Ánh nhìn trong trắng của em lạ thường

Hớp hồn đôi mắt dễ thương

Đi trong giấc mộng du dương ngọt ngào

Khi e ấp sau bờ rào

Hàng mi cong vút biết bao ẩn tình

Đôi mắt ấy biết cười xinh

Biết rầu giọt lệ trên tình thi ca

Rõ ràng đôi mắt thật thà

Cướp đi tĩnh lặng trước là của anh

Đam San bỗng nhớ đến cô gái mối tình đầu cùng học nhạc viện Hà Nội của mình mà không khỏi sót xa ngậm ngùi. Đôi mắt cô cũng đen thăm thẳm như màn đêm.  Gia đình cấm cô không được quan hệ đi lại với San chỉ vì bố anh đang thụ án cải tạo. Sự chia lìa của cha mẹ anh vẫn chưa đủ để đứa con thoát khỏi cái bóng đè nặng của người cha ở bên kia chiến tuyến. Và San vẫn còn nhớ như in cái đêm mẹ anh không về nhà. Anh đã thao thức chờ, cũng không ngủ được như đêm nay. Lúc ra đi, bà đánh phấn ăn diện như chuẩn bị bước ra sân khấu. Bà mặc chiếc áo dân tộc của người Ede, mái tóc đen bồng bềnh. Đôi mắt thì thật kỳ lạ, vừa đẹp vừa ánh lên những tia dữ tợn. San thừa hưởng được đôi mắt hút hồn của bà. Mặc dù San gặng hỏi, bà vẫn một mực im lặng. Anh ngồi đàn suốt đêm, tất nhiên chỉ chơi nhạc của Chopin, chỉ nhạc của ông mới lấp đầy được những khoảng trống trong tâm hồn anh. Cuối cùng, đến gần sáng, San ngủ gục trên mặt đàn vì quá căng thẳng, mệt mỏi và đói. Anh chợt bừng tỉnh khi vòng tay của mẹ ôm choàng lấy anh và đỡ anh ra giường nằm.

– Những kẻ muốn lấy bố con ra để chọc gậy bánh xe… đã thất bại – Mẹ anh thì thầm, giọng run run – Con sẽ vẫn được sang nhạc viện Chaikovsky du học theo đúng điểm thi tuyệt đối của mình!

– Mẹ không oán giận bố chứ?

– Không bao giờ! Mẹ vẫn yêu bố con!

Anh ôm ghì lấy mẹ và khóc nức nở như hồi còn bé. Hai mẹ con cùng khóc và không hề nói thêm với nhau câu nào. Cả hai ngầm hiểu và cùng nhỏ những giọt nước mắt sung sướng nhưng mặn chát. Số phận của họ thật quá mong manh. Cả hai thấm hiểu rằng họ thuộc về nhóm yếu thế trong xã hội này. Tài năng chưa phải là tất cả, thậm chí nó lại là đối tượng của lòng ghen ghét đố kỵ của đồng nghiệp. Việc mẹ anh làm giống như một người bị kẻ cướp dồn vào chân tường và dí dao sát cổ.

Lúc mẹ anh đứng trước gương lau lớp phấn trên mặt, anh giả vờ không nhìn thấy những vệt đỏ xung quanh cổ bà.

Sau này, trên con đường nghệ thuật đầy sóng gió, trong những giây phút bế tắc đường cùng, San được vực dậy nhờ chính hình ảnh này của mẹ. Và, chỉ trước lúc mất bà mới thổ lộ với anh chuyện gì đã xảy ra với bà vào cái đêm hôm đó.

(còn tiếp)

V.T.H

(Kiev)