Khoảnh khắc hoàn mỹ

860

Vũ Tuấn Hoàng

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hạnh không bao giờ quên bức tranh đó, mặc dù đã ba chục năm. Thậm chí, cô còn nhớ cả tên của người họa sĩ ghi ở phía dưới, bên trái, trong cái triện đỏ theo lối viết thư pháp. Bức tranh có tựa đề: “Khoảnh khắc hoàn mỹ”.

Tranh minh họa – Tác giả: Clyfford Still

 

“Tôi chưa cần biết con dâu tôi là ai, tôi đã ghét nó rồi”

                                                                   Dân gian Ukraine

Đoàn tàu chìm hẳn vào màn sương sớm dày đặc. Những đốm đèn hiệu màu đỏ dọc đường ray trông cũng nhạt nhòa như nhìn qua làn mưa bụi.

– Hay mình khóc? Bà Hạnh xót xa tự hỏi và cứ nhìn hút theo mãi về phía con tàu vừa đi khuất. Nó như tan vào màn sương kia cùng với người đàn ông mà bà đã cố quên đi hơn ba chục năm trước. Ông ta bước ra khỏi đời bà từ quá lâu rồi, đến mức khi nghe điện thoại gọi tới, bà không tài nào nhớ ra được là ai. Một lúc lâu sau, bà mới kêu lên một tiếng vì quá bất ngờ và kinh ngạc, phải vội đưa tay lên bịt miệng. Nhưng, tiếng kêu thảng thốt đã bật ra ngoài. Chồng con đang ngồi xem vô tuyến ở phòng bên cạnh, vội chạy xô cả vào bếp để xem có chuyện gì xảy ra.

– Em không bị bỏng chứ? Adamov bước tới bên cạnh bếp và hỏi – Anh dặn em bao nhiêu lần rồi, khi nấu ăn thì không nên nghe điện thoại và tranh thủ đọc sách. Từ Việt Nam gọi à? Có chuyện không lành xảy ra với gia đình?

– Điện thoại Việt Nam! – Bà ghìm giọng nói nhỏ và lấy tay làm hiệu, mọi việc bình thường.

Bà Hạnh đẩy cánh cửa ban công và bước ra ngoài để tiếp tục cuộc nói chuyện mà có lẽ nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ tới.

– Ông muốn gặp tôi để làm gì?

– Giọng bà vẫn không thay đổi. Vẫn sắc sảo và đầy uy lực. Cách đây không lâu, tôi có đọc cuốn sách tự thuật của bà “Làm dâu xứ người”. Nhân dịp chuyến công tác này, tôi muốn được gặp nhân vật chính, có được không? Tôi vẫn theo dõi và đọc các tác phẩm của bà trên báo Văn Nghệ, chúc mừng thành công!

Mấy phút im lặng. Đầu dây Hà Nội vọng đến tiếng còi xe máy, xe ôtô láo nháo.

– Thôi Hạnh à, có lẽ thời gian cũng đã quá đủ để chúng ta quên đi chuyện cũ. Mà trong cuốn sách, bà đã cho bạn đọc thấy mình là một con người may mắn, hạnh phúc. Một dịch giả nổi tiếng, một nữ văn sĩ đang được hâm mộ, một người vợ thương yêu chồng, con gái học hành giỏi giang, xinh đẹp, bao phụ nữ Việt khác ghen tỵ với bà, xem bà như thần tượng…

– Ông chỉ ở lại Paris một ngày thôi à? Hạnh đột ngột cắt ngang bằng một câu hỏi – Ông bảo sao, nói to lên, tôi không nghe rõ. Ông đang độc thân? Thực ra, ông ly dị hay có gia đình cũng không liên quan gì tới tôi. Khi nào xong công việc, cứ gọi cho tôi theo số máy này, thế nhé, chào ông!

Bữa cơm diễn ra như thường lệ.Có lẽ, chỉ hai bố con cảm thấy thế. Nhưng với Hạnh thì hoàn toàn khác. Bà vẫn ăn như không có chuyện gì xảy ra, vẫn ân cần gắp thức ăn cho con gái và chồng. Chỉ có điều duy nhất khác thường là ánh mắt như lẩn tránh ánh mắt của Adamov. Bà hiểu rõ, nếu chồng nhìn thẳng vào mắt sẽ đoán ra tâm trạng thật. Đôi mắt bà trống vắng, nhìn mà không thấy. Bà đang ngồi trong căn phòng ấm cúng đầy đủ tiện nghi của ngôi biệt thự hai tầng xinh xắn, xung quanh vườn tược, cây cảnh, núi non bộ như trong tranh vẽ. Nhưng, tâm hồn lại thoát xác, quay trở lại cái mảnh đất nơi bà sinh ra, trở lại với những ký ức nặng nề tưởng như năm tháng đã xóa nhòa đi không để lại chút dấu vết. Thế mà đột nhiên, mọi cái bỗng trỗi dậy, sừng sững và sống động như mới xảy ra hôm qua vậy.

II

Chẳng biết từ lúc nào và do đâu, con người cô chỉ luôn hướng tới những cái gì đẹp đẽ, cao sang và có hơi hướng nước ngoài. Từ kiểu cách ăn mặc, mái tóc, đến chọn lựa phim ảnh, sách báo, các món ăn… đều lấy chuẩn là nước ngoài. Bởi vậy, dù bận đến đâu, thậm chí cả lúc nhức đầu cảm cúm, Hạnh cũng không bỏ qua các buổi tọa đàm, giới thiệu phim, sách và các triển lãm tranh của trung tâm văn hóa Pháp trên phố Tràng Tiền. Đây là nơi cô hy vọng có thể tìm được người bạn đời lý tưởng trong mơ. Chỉ ở đây mới có cơ hội tiếp xúc với những con người thông minh, thành đạt và uyên bác của xã hội. Cô bao giờ cũng chọn những bộ áo quần đẹp nhất, sáng màu nhất (tuy chỉ mua trong cửa hàng đồ cũ nhưng được bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ sửa chữa lại) để đi đến đó với tâm trạng như thủa nhỏ đi hội làng. Nếu chỉ xét hình thức bên ngoài thì Hạnh chẳng kém cạnh gì một cô sinh viên Hà thành. Chỉ ai đó tinh ý mới nhận ra những âm sắc vùng miền quê của cô trong cách phát âm. Đến năm cuối của đại học ngoại ngữ thì Hạnh đã hoàn toàn biến thành một tiểu thư Hà Nội và cảm thấy thật nặng nề mỗi khi về thăm gia đình ở quê. Khoảng cách thời gian giữa các cuộc thăm viếng ngôi làng nghèo miền trung du cứ ngày càng dài ra. Rồi, thậm chí đến lúc, ngay ý nghĩ phải trở về nhìn thấy con đường lầy lội đầy phân trâu bò và rơm rạ, cũng đã làm cô khó chịu, ngán ngẩm. Đây là thời điểm, cuộc đời cô đổi dòng, ngoặt gấp, có thể gọi là định mệnh.

Hạnh không bao giờ quên bức tranh đó, mặc dù đã ba chục năm. Thậm chí, cô còn nhớ cả tên của người họa sĩ ghi ở phía dưới, bên trái, trong cái triện đỏ theo lối viết thư pháp. Bức tranh có tựa đề: “Khoảnh khắc hoàn mỹ”.

Vốn là người rất nhạy cảm với cái đẹp, cô sững người vì bố cục của nó. Chỉ một cánh buồm nâu cũ kỹ, hoàng hôn và bóng của vợ một anh dân chài ngực để trần, đang cho con bú trên mặt nước hơi lay động. Và, đại dương màu huyết dụ trải rộng làm nền cho cả bức tranh. Chính lúc đó, một giọng nói từ phía sau lưng cô vang lên. Âm thanh của nó vẫn còn vang vọng, lay lứt trong tiềm thức của cô nhiều năm sau này. Vào những đêm đông băng giá chợt thức giấc, bên cạnh chồng, giữa Paris đầy thú vui và cám dỗ.

“Nghệ thuật đích thực chỉ đơn giản thế thôi!”

Không chỉ nghệ thuật mà tình yêu cũng vậy, rất đơn giản. Và, bất ngờ. Không lời giải thích. Một căn bệnh không có biểu hiện lâm sàng. Chỉ có ánh mắt và cử chỉ thay cho lời nói. Giả sử lúc đó, cô không quay đầu lại, không nhìn vào mắt của anh ta thì có lẽ cuộc đời cô đã đi theo một lối khác. Cô có hối hận không? Đó là câu hỏi tự bản thân cô vẫn không thể tìm ra được câu trả lời thỏa đáng. Phải ba mươi năm sau, vào một buổi sáng sương mù phủ kín ga tàu Paris – Amstedam, Hạnh mới tìm thấy được. Nói chính xác hơn, đó chỉ là một cảm giác chứ không phải là một câu trả lời. Nó giống dư vị còn đọng lại sau một cốc rượu chát trong một quán ăn nhanh ven đường. Mối tình kéo dài chỉ 49 ngày đêm. Cuộc hẹn hò đầu tiên, cái nắm tay đầu tiên. Tất nhiên, nụ hôn run rẩy đầu tiên không thể cưỡng được. Dưới mái hiên của một hiệu tạp hóa, trong lúc trú một cơn mưa rào đêm bất chợt. Cô đã tả lại khung cảnh của cái đêm không thể nào quên ấy trong một truyện ngắn của mình sau này. Chỉ có điều, cái hiệu tạp hóa bừa bộn, bẩn thỉu bốc mùi cống rãnh, được thay bằng một cửa hàng bán hoa cho tăng tính lãng mạn.

Hạnh đã rất thật với con người của mình trong các sáng tác. Qua mỗi nhân vật, nhà văn đều gửi gắm một phần “Cái tôi” của mình, chẳng khác gì cấy ghép nội tạng.

III

Hạnh đọc không ít tiểu thuyết về số phận của những cô gái đã đi quá xa trong tình yêu. Giờ đến lượt chính bản thân rơi vào hoàn cảnh tương tự. Cô hoàn toàn tỉnh táo, không hề mất bình tĩnh. Thậm chí, trong sâu thẳm tâm hồn, một cái gì đấy hưng phấn, tự hào vì cảm giác được nếm trải mọi cung bậc của tình yêu. Và, một dự cảm hạnh phúc rất bản năng – sẽ được làm mẹ.

Cô thức dậy với ý nghĩ thật nặng nề. Miệng khô và có cảm giác buồn nôn.

Nói chuyện này với Tân như thế nào đây?

Mọi việc diễn ra nhanh chóng nhưng đâu có đang sợ như trong sách miêu tả. Đôi khi, cô cảm thấy hoang mang vì từ trước đến nay chả ai dạy bảo cho cô trong tình huống như vậy cần phải làm gì. Đến lúc này, cô mới thấy mình không có một người bạn thân nào để trao đổi và xin lời khuyên bảo. Nhưng nếu gọi là “tội lỗi” thì Hạnh không hề có chút mặc cảm nào như vậy. Còn Tân sẽ nghĩ sao? Liệu anh ta phản ứng như thế nào khi nghe tin này? Cái quan trọng là nói ra vào thời điểm nào và cách diễn đạt ra sao để Tân đồng thuận và đi tới hôn nhân. Đúng, “Tình yêu để tự nó tới, nhưng hạnh phúc thì phải giành lấy”. Hạnh bám lấy câu nói của một nhân vật nữ trong cuốn sách mà chính Tân lấy từ tủ sách khổng lồ của cha mình, một cựu đại sứ ở Nga, đưa cho cô đọc cách đây ít lâu. “Bố anh quý sách lắm, chẳng cho ai mượn đâu, em giữ cẩn thận đừng làm quăn mép và không được nhấm nước bọt để giở sang trang nhé!”.

Có lẽ, gia đình Tân làm cô ái ngại nhất. Một gia đình mà cô rất khao khát được bước vào nhưng lại cảm thấy mình yếm thế. Tuy được đền bù lại bởi ngoại hình quyến rũ và thông minh. Chẳng cần phải nói ra cũng hiểu được, cha mẹ Tân muốn tìm cho con trai một người vợ như thế nào?

Lại một ngày nữa trôi qua, cô vẫn chưa nghĩ ra cách để đặt vấn đề với người yêu về cái thai trong bụng. Sau những giờ phụ đạo học sinh, cô thẫn thờ dạo bước qua những con phố đông đúc nhộn nhịp, lỡ đãng lật dở những trang sách để trên quầy ở cửa hàng sách số 2 Đinh Lễ. Thế giới sách luôn hấp dẫn. Ánh mắt cô chợt bắt gặp bìa tập truyện ngắn “Bức thư của người đàn bà không quen biết” của nhà văn Áo Stefan Zweig. Ngay tức khắc,đầu óc cô như tỉnh hẳn ra. “Đó là cách giãi bày tốt nhất! Viết một bức thư cho Tân!”. Cô tự nhủ thầm và không khỏi xúc động run lên vì hiểu rằng, số phận của cô giờ đây phụ thuộc hoàn toàn vào nội dung bức thư, tức là vào khả năng viết của chính cô.

Hạnh bước vào trong quán cà phê đối diện hiệu sách. Khá đông người. Cô đưa mắt tìm một ghế trống. Đúng lúc đó, một đôi trai gái đứng dậy khỏi chỗ của mình gần cửa sổ và nắm tay nhau đi ngang qua trước mặt cô. Không hiểu sao cô có ác cảm với khuôn mặt tô son chát phấn của cô gái. Thậm chí, mùi nước hoa từ người cô ta phả ra cũng khiến Hạnh thấy tởm lợm. Trái lại, chàng thanh niên lại rất lịch sự, đẹp trai và trí thức. Hạnh ngồi vào một trong hai chiếc ghế vừa bỏ trống. Ánh mắt vừa bực tức vừa ghen tỵ tống tiễn cái thân hình õng ẹo của cô gái vừa ngồi đây. Cô gọi một cốc trà đá mặc dù không thấy khát.

– Em có tờ giấy trắng không? Hạnh nhìn chăm chú vào bàn tay đang lau bàn của cô phục vụ và hỏi nhỏ.

– Chỉ có giấy dòng kẻ thôi – cô phục vụ bàn nhìn lại Hạnh từ đầu đến chân như để đánh giá xem khách hàng thuộc tầng lớp nào trong xã hội – chị dùng trà xanh hay đen?

– Loại nào cũng được – Hạnh vừa nói vừa lục tìm gì đó ở trong túi xách tay – Nếu tiện, cho mình mượn luôn cái bút nhé!

Anh Tân, em hiện nay đang ở trong một tâm trạng vừa lo âu vừa hạnh phúc. Em chỉ muốn chạy ngay đến bên anh để cùng chia sẻ nhưng một cái gì đó, em rất khó gọi tên, đã giữ chân em lại. Vậy là chúng ta quen biết và yêu nhau được 49 ngày đêm. Khoảng thời gian đó là ít hay nhiều thì chỉ hai chúng ta cảm nhận được. Anh có biết là em đã ghi nhật ký từng ngày để lưu lại những cảm xúc dù chỉ thoáng qua, những ý nghĩ bất chợt, hay là một giấc mơ không hình thù cụ thể? Nhưng tất cả những chi tiết nhỏ nhặt đó đã được sưởi ấm bởi tình yêu của chúng ta. Em không muốn những tháng ngày tuyệt vời nhất của cuộc đời em lại trôi qua không để lại chút dấu vết gì. Anh còn nhớ bức tranh “Khoảnh khắc hoàn mỹ” không? Em vẫn cho rằng, không có gì là vô tình trong cuộc đời này cả. Bức họa phẩm tuyệt tác đó được sinh ra ở đời là để tác thành cho hai chúng ta gặp nhau vào chính thời điểm đó, chính ngày hôm đó như là một Định mệnh. Thật không có gì đẹp đẽ hơn, thiêng liêng hơn tình Mẫu tử!…

Viết đến đây, Hạnh dừng bút. Mắt nhìn đăm đăm vào một điểm trên bức tường đối diện. Rồi, cô bặm môi lại, đọn tóc trên trán rủ xuống che cả một nửa khuôn mặt. Cô nhủ thầm trong bụng: “Phải đi thẳng vào vấn đề thôi, không nên lòng vòng quá, anh ấy lại nghĩ mình không thật, diễn kịch”.

Cô viết tiếp vào sau dấu chấm than, nhưng rồi lại thay đổi và gạch đi để xuống dòng, cách hẳn ra một khoảng rộng và ấn ngòi bút thật đậm – Hiện nay, em cũng ở trong tình trạng tương tự nữ nhân vật của bức tranh, anh có hiểu không?”.

IV

Người mà cô tin cẩn giao nhiệm vụ chuyển bức thư này là cậu bé hàng xóm, con ông lái xe tắc xi. Họ cũng là dân tỉnh lẻ lên Hà Nội kiếm sống. Cậu bé đứng bên cửa sổ căn phòng nhỏ của Hạnh, hai chân vờn vờn quả bóng.

  • Em còn lạ gì phố ấy, chị cứ yên tâm đi! – Cậu vừa nói vừa tâng bóng lên đầu ra điều thiện nghệ.
  • Đây, cầm lấy, tiền chị thưởng trước cho này, nhớ đấy, đưa tận tay cho anh ấy! mà không được mở ra xem đâu đấy nhá!
  • Em thề, chị làm em như trẻ con ấy…

Hạnh đứng nhìn theo cái lưng gày gò bó chặt trong chiếc áo may ô bạc phếch có in số 9 to tướng. Thằng Mô vừa chạy vừa rê bóng. Mãi đến đầu ngõ nó mới cắp quả bóng lên dưới nách và mất hút vào đám đông. Người, xe tấp nập trên con phố toàn những cửa hàng cửa hiệu của dân tứ xứ tụ về đây lập nghiệp.

Hạnh khép cánh cửa lại. Kể từ giây phút đó, cô như ngồi trên tổ kiến lửa, hết ra lại vào, chẳng bắt tay làm được việc gì cho ra hồn. Cô hình dung ra khuôn mặt Tân khi đọc bức thư này. Anh ấy vui sướng hay sợ hãi? Cô như vẫn còn cảm nhận được trên da thịt mình những nụ hôn cháy bỏng của anh lên mặt, lên cổ và hai núm vú. Và, cái quan trọng là cô có cảm giác đã túm chặt được anh ta trong vòng tay bằng những sợi dây ân ái vô hình. Kể cả gia đình và cha mẹ không đồng ý nhưng anh ấy vẫn yêu cô thì cũng chẳng sao! Ra ở riêng, đến khi có con chắc hẳn ông bà không thể từ mãi được. Anh ấy lại là con trai độc nhất trong gia đình. Càng nghĩ cô càng cảm thấy tự tin, thậm chí còn khâm phục mình vì đã chinh phục được một chàng trai mà nhiều cô gái Hà Nội xinh đẹp cũng phải thầm yêu trộm nhớ.

“Sao thằng bé lâu về thế nhỉ?” Hạnh nhìn ra ngoài cửa sổ và hỏi to lên một mình – Hay không gặp? tệ hơn là nó lại mải chơi đá bóng rồi vứt đâu mất bức thư?

Hạnh định ngồi vào bàn để đọc lại những nhận xét của thầy giáo về luận văn của cô “Cấu trúc truyện ngắn của Guy De Maupassant” thì bất chợt nghe thấy tiếng gõ cửa. Cô giật mình đánh rơi cả chiếc bút chì đang cầm trên tay. Tiếng gõ đầu tiên hơi nhẹ, nhưng sau mạnh lên một cách bất ngờ.

Chẳng lẽ là Tân? Hạnh chợt thấy trong lòng dâng lên một cảm xúc dạt dào khó tả – Còn ai vào đây nữa? cô bật khóc vì một niềm sung sướng vô biên. Chỉ đi từ bàn đến cửa thôi mà hai chân lập cập suýt ngã. Tay cô đang còn giơ lên chưa chạm tới nắm đấm thì cánh cửa đột ngột mở toang như thể bị một cú đạp mạnh. Hạnh kêu lên một tiếng và đứng khựng lại, hai mắt như muốn rơi ra khỏi tròng. Trong khung cửa là một người đàn bà lạ. Lạ hơn nữa là bà ta không nói năng gì, một tay tựa vào khung cửa một tay chống nạnh. Hai con mắt sắc và đanh đá sục sạo trên thân thể cô từ đầu đến chân như mụ bán thịt ngoài chợ vừa liếc dao vừa đánh giá khách hàng.

– Chị… à, cô cần gặp ai ạ? Hạnh lắp ba lắp bắp và thấy bối rối không biết nên xưng hô với người khách đột ngột này là gì.
– Cô là Hạnh phải không? Mãi một lúc sau, người đàn bà có một nốt ruồi khá đậm ở cằm, mới bật ra mấy câu qua làn môi mỏng mím chặt. Vẻ mặt của bà chả khác gì nồi nước sôi đang mấp mé trào ra bếp.
– Dạ, vâng ạ… cô là…
– Tôi là người mà cô ước ao được gọi là mẹ chồng…

Hạnh bủn rủn hết chân tay, đầu óc hoa hết cả lên như bị trúng gió.

– Cô bất ngờ, đúng không? Bà ta vừa nói vừa bước hẳn vào trong phòng không thèm để ý đến chủ nhà có mời hay không. Hai tay chắp sau lưng, bà bước từng bước rõ mạnh trên nền nhà xi măng bị bong ra từng mảng vì lâu chưa được sửa chữa, để làm một cuộc dạo ngắn xung quanh căn phòng rộng mười lăm mét vuông, vừa là chỗ ở vừa chỗ học và nấu ăn. Ánh mắt bà soi mói nhìn từ cái áo lót treo trên dây đến những bức ảnh của gia đình Hạnh chụp nhân ngày giỗ thành Hoàng làng ở quê treo trên bàn học của cô. Đúng lúc đó, từ sau cánh cửa thông ra phía sau, khu vệ sinh chung của hơn hai chục hộ xung quanh, vọng vào tiếng cãi vã, chửi tục, lúc đầu còn nhỏ sau bùng lên thành cuộc xô xát, kèm theo cả tiếng xô chậu va đập loảng xoảng.

Hạnh vẫn đứng như chôn chân xuống đất. Các dây thần kinh  như tê liệt. Chỉ một ý nghĩa duy nhất trong đầu: “Bà ấy đã biết chuyện!”

Bà ta dừng lại đột ngột ở ngay gần bàn học, với tay cầm ngay chiếc quạt giấy trên đó, rồi lắc mạnh cổ tay mở đánh “soạt” một cái như một diễn viên tuồng thực thụ. Đôi mắt liếc xéo về phía Hạnh.

– Cô định bẫy thai con trai tôi, phải không?

Câu hỏi như gáo nước lạnh dội lên đầu khiến Hạnh tỉnh hẳn ra. Nỗi sợ hãi ban đầu cũng theo đó biến  mất.

– Hay cô cần tiền? cứ nói thẳng ra cần gì phải vòng vo tam quốc. Tôi đi guốc cao gót trong bụng các cô gái nông thôn… chất phác–Hai chữ sau, bà ta kéo dài giọng ra vẻ mỉa mai. Cũng phải thôi, chả ai muốn chân lấm tay bùn làm gì. Nhưng tôi xin nhắc cô một điều, cô chọn nhầm đối tượng rồi, đũa mốc đừng chòi mâm son! Thằng Tân nhà tôi nó đã hứa hôn rồi! – Bà nhìn thẳng vào mặt Hạnh như để tận hưởng cái đau đớn trên gương mặt xinh đẹp tái nhợt của cô. Con dâu tương lai của tôi sắp trở về từ Anh quốc. Nó học về tâm lý… à, mà thôi, tôi không dám làm phiền cô thêm nữa, nhưng cô nên nhớ cho một điều, nếu cô còn rắp tâm phá hoại hạnh phúc của con trai tôi thì tôi không để cô yên thân đâu đấy! – Nói đến đây bà đập mạnh cái quạt vào lòng bàn tay trái: Tôi vốn có tính thương người…, vừa nói bà vừa rút từ trong chiếc túi xách nhỏ đeo ở vai một chiếc phong bì cũ, phía ngoài vẫn còn những con tem ngoại (sau này, chiếc phong bì trở thành một vật không thể thiếu trên bàn viết của nhà văn Hạnh. Nó được lồng trong một khung kính trang trọng, bên cạnh các bức ảnh chân dung của các bậc thầy văn chương thế giới mà cô ngưỡng mộ như Balzac, Emin Zola, Maupassant).

– Đây là số tiền tôi cho cô để  giải quyết hậu quả nếu đúng là có thật… do cái tính… dễ dãi của mình (chắc bà định dùng chữ lẳng lơ, nhưng đến khi phát ra thành lời chỉ là dễ dãi (vợ nhà ngoại giao có khác không hổ danh chút nào).

Nói đến đây, bà ném chiếc phong bì tiền lên mặt gối ở đầu giường, rồi bước nhanh ra phía cửa.

– Tôi thay con trai tôi trả tiền cho cô sòng phẳng. Chào cô, à quên, vĩnh biệt cô!

Cánh cửa sau lưng bà ta sập lại. Hạnh ngã vật ra giường. Trước khi lịm đi, cô còn kịp túm lấy chiếc phong bì, bóp chặt trong lòng bàn tay lạnh ngắt nhớp mồ hôi và ném thẳng về phía cửa ra vào. Nắm phong bì tiền đập khẽ lên cánh cửa, bật ngược trở lại xuống sàn và lăn vào gậm giường.

Suốt mấy ngày liền, hầu như Hạnh không ra khỏi nhà. Cô nằm trên giường như một xác chết, mắt nhìn không chớp lên trần nhà. Cô căm thù và nguyền rủa bà ta. Đầu óc cô nghĩ ra đủ cách để báo thù. Cách nào cũng chỉ là ảo tưởng. Mọi căm giận, cuối cùng cũng chỉ làm cho chiếc gối nhàu nát đi mà thôi. Không ngờ, trong cái ngõ nhỏ lam lũ này lại phong phú về âm thanh đến như vậy. Trước đây cô đâu có hay biết rằng có một gia đình chim sẻ làm tổ ngay dưới mái hiên ngoài cửa sổ. Rồi, một ông hàng xóm nào đó đang tập tọe học thổi kèn. Chắc nỗi đau đã mài sắc các giác quan cảm nhận của cô. Ở đâu đó, sâu thẳm trong góc tận cùng ý thức, cô vẫn nuôi một tia hy vọng mong manh: ”Tân sẽ tìm cô”. Chẳng lẽ, bao ân ái ngọt ngào và lãng mạn như vậy lại trôi tuột đi như nước qua kẽ ngón tay sao? Rồi, những lời hứa hẹn về tương lai, những dự định thầm kín và cả những bí mật của hai người? Hay, cái đầu thông minh của cô lúc đó đã bị tiếng đập thình thịch của con tim đang yêu khiến cho mụ mị đi không phân biệt nổi đâu là chân thành đâu là giả dối?Lâu đài lung linh của bao dự định và ước mơ sụp đổ quá bất ngờ khiến cô gái còn non nớt choáng váng như một con thuyền mất lái trong vòng nước xoáy.

Vào một đêm, cô giật mình thức giấc vì những giọt nước mưa trên mái nhà dột nhỏ xuống giường. Tiếng sấm ì ầm khiến cho chiếc bóng điện tù mù trên trần chao đi chao lại. Khi đứng lên cô thấy người chòng chành, phải vịn vào tường. Mấy bước chân ngắn đưa cô tới chiếc gương gắn trên cánh tủ. Một khuôn mặt xa lạ đang nhìn ra. Hốc hác, xanh xao. Chỉ có mỗi đôi mắt là sáng rực lên và dường như to hơn. Bất ngờ với cả chính mình, cô vung tay đấm thật mạnh vào mặt gương như muốn xua đi cái hình hài đau khổ trong đó. Một tiếng “xoảng” khô khốc vang lên giữa đêm khuya. Có lẽ cũng chẳng ai nghe thấy vì âm thanh của tiếng mưa gõ trên các tấm tôn lợp át đi. Cô đưa bàn tay túa máu lên nhìn sát tận mắt. Những giọt máu chậm chạp lăn dọc cánh tay và thong thả nhỏ xuống nền nhà.

Như người mộng du, cô bước thẳng ra ngoài trời mưa. Con ngõ vắng ngắt không một bóng người. Tiếng động ồn ào nhất lúc này là tiếng nước ứ đọng chảy ồ ồ, cuốn theo rác rưởi trong cống ngầm sát vỉa hè. Ngọn đèn đường vàng ệch chiếu rõ những hạt mưa rơi xiên xiên, lấp lóa. Cô định đi đâu vậy? Nón không đội, áo mưa không mặc, thậm chí cửa không thèm  khóa. Cô cứ mải miết bước đi, mặc cho mưa quất lên mặt, mặc cho những tiếng gọi trêu chọc của mấy gã đạp xích lô ngái ngủ trên vỉa hè tưởng cô là gái điếm. Trong đầu cô chỉ ong ong một suy nghĩ duy nhất, bỏng rát như một mũi khoan xuyên suốt toàn thân – Trả thù! Trả thù ai? Tân và người mẹ nanh ác của anh ta? Hay là trả thù cái mảnh đất Hà thành đầy rẫy lừa lọc và tráo trở này? Cô bật khóc tức tưởi. Mấy cửa hàng bán đồ ăn ở phố Đầu cầu đã bắt đầu mở cửa, lạch cạch chống mái che lên để bày hàng. Cô vấp phải một bọc rác trên vỉa hè, ngã dúi dụi.

Mưa nặng hạt hơn. Những bong bóng to vỡ tan trên vũng nước  được chiếu sáng bởi các ngọn đèn đường chao đảo trước gió. Trên cầu Long Biên, đèn sáng hơn và thỉnh thoảng vẫn có xe ôtô qua lại. Ánh đèn pha của những chiếc xe chạy ngược chiều khiến Hạnh phải đưa tay lên che mắt để khỏi bị lóa. Xen lẫn với tiếng sấm ầm ì ở phía chân trời, tiếng sóng đập dữ dội vào chân cầu vọng lên khiến Hạnh rùng mình.Cô dừng bước, đưa tay lên vuốt nước mưa trên mặt,trên tóc. Sông Hồng đang mùa nước lũ, trong đêm tối trở nên rộng mênh mông và đáng sợ.

Hạnh đứng ở ngay vị trí mà mới tuần trước thôi, hai người còn nắm tay nhau ngắm cảnh hoàng hôn. Và, mơ ước về tương lai.

Hai bàn tay run rẩy nắm vào thanh lan can lạnh ngắt, cô rướn cổ nhìn xuống phía dưới. Gió rít lên từng cơn qua các rầm sắt có tuổi đời cả thế kỷ. Mọi vui buồn, ghen tuông, căm thù, danh vọng, tiền bạc… sẽ chìm xuống dưới làn nước đen ngòm kia. May ra thì được trôi ra biển lớn, còn không thì mắc vào bãi lau sậy ven sông làm mồi cho quạ rỉa. Chẳng ai hay biết đã từng tồn tại một con người dưới cái tên Hạnh. Thật chẳng khác gì một âm thanh đơn độc, ngân nga được hai chục năm, rồi đột ngột tắt lịm đi trong đêm tối, dưới đáy sông, như một hòn sỏi rơi qua khe hở ván cầu. Tõm xuống nước. Thật đơn giản và vô nghĩa quá!

Bất chợt, một chiếc xe tải bật đèn pha sáng trưng xuất hiện ở đầu cầu. Hạnh luống cuống trong giây lát vì sợ người trên xe có thể phát hiện ra cô và ngăn cản. Chiếc xe càng tới gần cô càng nép sát vào lan can, như một chiếc lá sắp bị bứt khỏi cành. Cô đã nhìn thấy bóng hai người trong cabin, thậm chí từ xa cũng có thể biết họ đang hút thuốc vì hai chấm đỏ lập lòe.

Hạnh nhắm mắt lại và chờ đợi một tiếng quát, một tiếng gọi hay một tiếng còi.

Chỉ cần những âm thanh trần thế đó thôi, cũng đủ lôi một con người đang đau khổ chấp chới giữa lằn ranh của hai thế giới, quay trở lại. Cô nghe rõ tiếng bánh xe nghiến lên những thanh gỗ lát cầu khấp khểnh, tiếng chiếc móc sắt ở phía sau đập lách cách vào thành xe. Còn thiếu một tích tắc nữa là cô đã nhấc cánh tay vẫn đang còn rỉ máu lên để vẫy. Nhưng, toàn bộ cái chùm âm thanh đó, thậm chí khi đi ngang qua chỗ cô đứng còn nghe thấy cả tiếng nhạc của bài hát đang thịnh hành “Rừng cây đời người” từ trong cabin lọt ra, không hề dừng lại, mà lướt qua cô như lướt qua các thanh sắt thành cầu, rồi xa dần và mất hút vào bóng đêm, tan loãng vào mưa. Một cách vô tình như chính cái thành phố khổng lồ nằm bên sông kia đang vùi đầu ngủ mê mệt, chẳng thèm biết đến một sinh linh nhỏ nhoi chấp chới muốn tìm đến cái chết.

Mưa đột ngột trở nên xối xả hơn, quất ràn rạt vào thành cầu. Những con sóng cũng réo lên một điệu cuồng vũ man rợ xung quanh chân cầu. Hình như, ngay cả thiên nhiên cũng đồng lõa với âm mưu của cô…

V

Bà Hạnh đứng tựa khuỷu tay lên lan can ban công tầng hai, mắt đăm đăm nhìn về phía con đường lát gạch đỏ viền lấy những luống hoa tuylip rực rỡ đủ các màu sắc. Xuyên qua cửa kính của căn phòng khách rộng thênh thang, chiếc đồng hồ treo tường khẽ buông ba tiếng chuông khẽ khàng, nhưng cũng đủ cho bà chủ nhà giật mình. Bất giác, bà bước nhanh đến bên chiếc gương cao bằng cả thân người và nhìn chăm chú vào khuôn mặt trong gương.Không hiểu sao hôm nay, những nếp nhăn ở khóe miệng, đuôi mắt và trên trán lại hằn rõ lên như thế! Cũng có thể, là hậu quả của một giấc ngủ không chọn vẹn, chập chờn. Bà chợt nhớ đến hình bóng của mình trong cái đêm không thể nào quên, cái đêm mà sự tồn tại của bà chỉ còn được tính bằng độ dài của những ánh chớp trên bầu trời Hà Nội đen kịt. Từ một điểm cực kỳ nhỏ trong não, những hình ảnh bị che lấp, đè nén hơn ba chục năm trước, bất chợt bục rò rỉ ra, rồi nhanh chóng biến thành chuỗi ký ức ào ạt choán hết tâm trí. Bà nghẹn thở vì những tình cảm trái ngược nhau giằng xé. Tiếng chuông ở tầng dưới vang lên, có phần rụt rè, do dự. Bà đã lấy lại được vẻ mặt lạnh lùng, ánh mắt có phần kiêu hãnh. Hai bàn tay nắm chặt, đầu ngẩng cao, bà thong thả bước từng bước xuống thang gác. Bà dừng lại một lúc khá lâu sau cánh cửa. Một phần để tiếng tim đập thình thịch trong lồng ngực bình thường trở lại. Nó là kẻ duy nhất không chịu tuân theo ý chí của bà. Cũng may nó lại  nằm sâu trong lồng ngực và chỉ biểu lộ ra ngoài qua đôi má chợt nóng bừng và các ngón tay lạnh ngắt. Phần khác, bà muốn kẻ đã gây cho bà đau khổ trong quá khứ, tận mắt nhìn thấy khung cảnh tuyệt vời của tòa biệt thự hai tầng, hai cánh cửa gỗ chạm trổ tinh sảo theo kiểu gotic, chiếc cầu bằng đá trắng bắc qua một con suối nhỏ. Ở đây, chiều chiều sau những giờ viết căng thẳng bà vẫn ra ngồi trên cầu ném những mẩu bánh mì vụn cho đàn cá cảnh đủ các màu sắc xô nhau nổi lên đớp.

Một tiếng chuông kéo dài nữa vang lên, có vẻ mạnh bạo hơn.

Bà Hạnh không kìm được lòng mình, vội đẩy mạnh cánh cửa, hay nói đúng hơn là đẩy tấm vách ngăn quá khứ với hiện tại. Bốn mắt nhìn nhau và cả hai đều chững lại, lặng đi một lúc trước khi cất tiếng chào theo phép xã giao thông thường. Cả hai đều cảm thấy có gì đó gượng gạo, thiếu tự nhiên. Mọi ý định đã được cân nhắc, tính toán kỹ trong đầu bà mấy ngày hôm nay, sau cú điện thoại, bỗng bất ngờ sụp đổ. Ánh mắt bà lướt nhanh trên thân hình gầy gò, nhăn nhúm trong bộ comle màu xám đã lỗi mốt của người đàn ông đang đứng trước mặt, chỉ cách một bước chân. Bà phải cố gắng lắm mới tìm lại được những nét quen quen trên gương mặt khắc khổ của ông. Như cảm nhận được cái nhìn ngỡ ngàng đó, người đàn ông đưa tay lên vuốt nhẹ chiếc trán hói chỉ còn lơ thơ vài sợi tóc dính bết, bạc phơ và sẹp dúm thành vòng theo đường vành chiếc mũ dạ đen vừa bỏ xuống còn cầm bên tay trái, rồi cất giọng khàn khàn:

– Chẳng lẽ tôi thay đổi nhiều đến thế sao?
– Chúng ta đều già đi cả – Bà hơi bối rối đáp lại và mở cánh cửa rộng hơn.
– Mẹ anh có cho phép đến đây không đấy? Khi hai người đã bước vào phòng khách, bà Hạnh hỏi một câu có ý mỉa mai, nhưng chủ yếu chỉ để phá tan đi cái bầu không khí gượng gạo giăng ra giữa hai người.

Ông Tân không trả lời ngay vào câu hỏi, mặc dù đã nghe thấy rất rõ, mà đưa mắt nhìn toàn bộ căn phòng được bày biện sang trọng và có thẩm mỹ.

– Mẹ tôi mất đã lâu rồi–Một lúc sau, ông mới chậm rãi nói
– Xin lỗi anh, tôi không được biết, mong bà được mãn nguyện trên Thiên Đàng – Bà Hạnh ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh chiếc bình sứ Giang Tây Trung Quốc. Đằng sau là chiếc tủ tường đựng vô số các vật lưu niệm đủ các chất liệu mà hai vợ chồng bà mang về sau những chuyến du lịch khắp thế giới. Ông Tân nhìn chăm chú vào bức tượng một phụ nữ da đen khỏa thân đội bình nước trên đầu.

– Tôi cảm thấy mình hạnh phúc hơn rất nhiều độc giả khác hâm mộ bà là được tận mắt nhìn thấy ngôi nhà tuyệt vời đã được mô tả trong cuốn sách nổi tiếng – Ông bất ngờ chuyển đề tài để tránh động chạm tới quá khứ giữa hai người – Tôi hỏi khí không phải, đức lang quân của bà có nhà không? Tôi đến đường đột thế này không biết có làm mếch lòng ông nhà không? Bà cứ nói với ông ấy, tôi là một độc giả hâm mộ đến từ Việt Nam xa xôi chỉ để được xin chữ ký của bà.

Cũng giống như bất kỳ nhà văn nào khác, những lời khen của bạn đọc đều khiến trái tim nhạy cảm và hiếu thắng của bà Hạnh đập những nhịp khác thường. Mặc dù đã chuẩn bị những lời đối đáp như sắt thép va đập, song trước thái độ hạ vũ khí đầu hàng nhanh chóng, vô điều kiện của ông Tân, bà Hạnh như cảm thấy hụt hẫng, đôi chút hoang mang. Bà trả lời rằng chồng bà sắp về và có lẽ hơi chễ hơn ngày thường vì phải ghé thăm một người bạn đang nằm viện. Còn cô con gái lớn đang làm nghiên cứu sinh về lịch sử La Mã cổ đại tại đại học Sorbon, hiện đang vùi đầu chuẩn bị trả thi, tí nữa bà sẽ kêu xuống giới thiệu.

– Chắc ông đói rồi, phải không? Uống hết cốc trà kia đi, tôi vào bếp hâm lại món phở sáng nay mới làm, cũng đầy đủ gia vị chẳng kém phở Hà nội đâu – Vừa nói bà Hạnh vừa đứng dậy đi về phía cửa bếp.
– Có bằng phở Nam Ngư không? Ông Tân ném ra một câu hỏi và hình như chính mình cũng cảm thấy bất ngờ.

Hai tiếng “Nam Ngư” vang lên thật xa lạ và lạc lõng giữa căn phòng sang trọng khiến cả hai đều lặng người đi. Mái đầu lốm đốm bạc của ông quay theo bước chân của bà đã đi gần tới cửa bếp. Còn bà chợt đứng khựng lại mấy giây như lưỡng lự trước khi đẩy nắm đấm cửa bước vào trong.

Con phố ngắn ngủn, mái hiên chìa ra lô xô, nham nhở, nổi tiếng phở ngon một thời mang tên Nam Ngư là nơi hai người gặp gỡ nhau lần cuối cùng. Chắc cả hai còn nhớ họ đã tranh nhau trả tiền khiến bà chủ quán béo phây phải bật cười phô ra hàm răng vẩu, vàng khè. Song, số phận đôi khi giống như một gã say rượu vô tâm, túm lấy hai con người đang yêu nhau say đắm, quẳng mỗi người về một phía chỉ vì những lý do hết sức tình cờ. Để rồi, khi tỉnh rượu thì cuộc đời đã trôi qua, trên đầu đã hai thứ tóc hoặc chẳng còn sợi tóc nào.

Tiếng lạch cạch dao thớt từ trong bếp vọng ra khiến ông Tân cảm thấy bứt rứt bồn chồn, ngồi một chỗ không yên. Ông tợp một hớp hết cốc trà, rồi đứng lên và bước nhanh về phía cánh cửa bếp vẫn còn he hé mở. Sau mấy phút do dự, ông mở rộng cánh cửa và hấp tấp nói với bà Hạnh đang thái thái, chặt chặt đằng sau chiếc bàn lớn ở giữa gian bếp.

– Tôi đến đây chỉ muốn hỏi bà một câu thôi, rồi xin phép về khách sạn ngay, chẳng còn lúc nào tiện hơn…  – Ông Tân không bước vào mà đứng khuỵu chân, chống một tay vào khung cửa bếp. Bà Hạnh đứng thẳng người lên, tay cầm dao tay cầm nhúm rau thơm và mấy cọng hành tươi đang thái dở. Đôi mắt bà nhìn thẳng vào mặt ông hơi ngạc nhiên  pha chút tò mò.

– Sao lại về? Không ăn được bát phở tôi nấu hay sao?

– Lúc đó, tạo sao bà lại cắt đứt mối tình của chúng ta đột ngột như vậy?

– Tôi cắt đứt? Bà Hạnh trợn tròn mắt lên ngạc nhiên. Để minh họa cho tâm trạng của mình, bà chặt mạnh một nhát dao xuống mặt thớt – Thế còn bức thư của tôi thì sao?

– Bức thư? Ông Tân cũng ngạc nhiên không kém, bước hẳn vào bếp

– Hay lâu quá rồi ông quên?

– Tôi làm sao quên được. Khi đó mẹ tôi có nói lại rằng có một thằng bé mang mẩu thư của bà đến nhà. Trong đó bà viết rằng, đừng đến tìm gặp bà nữa, bà sắp lấy chồng ở quê, hai gia đình đã ăn hỏi từ lâu rồi… Mẹ tôi đã xé vụn mẩu giấy đó… chúng vẫn còn đây…tôi  mang theo đến đây để trả lại bà… và muốn hỏi…Vừa nói, ông vừa lập cập rút từ trong túi áo ngực ra chiếc túi vải con đã cũ. Những ngón tay gầy gò nổi gân xanh và nhớp mồ hôi run run mãi mới tháo được nút dây buộc. Đám giấy vụn nhàu nhĩ trào ra, tung tóe trên mặt bàn ăn. Vài mẩu giấy đã úa vàng lờ mờ các con chữ dính cả vào chiếc khay lớn để giữa bàn bằng pha lê đựng mấy quả táo đỏ.

Bà Hạnh cứ đứng nhìn trân trân bằng cặp mắt nhòa lệ. Những giọt lệ đôi khi vẫn rơi trên những trang bản thảo, trên những số phận của các nhân vật có thật và hư cấu. Còn bây giờ, là những giọt nước mắt dành cho số phận của chính bà.

Đúng lúc đó, Adamov xuất hiện ở ngưỡng cửa, tay phải xách theo một túi to đựng đồ ăn, tay trái cầm một chai rượu vang lớn.

Ông hồ hởi cất tiếng chào.

Đoạn kết

Một buổi sáng chủ nhật mùa đông. Sương mù giăng phủ dày đặc trên mặt sông Hồng. Nhìn từ xa, cầu Long Biên đúng như một con rồng đang uốn lượn trong mây. Hiện tượng sương mù bất thường như hôm nay khiến khách bộ hành vãn cảnh cây cầu thế kỷ đã lác đác xuất hiện, mặc dù thời tiết se lạnh.

Hai người chậm rãi bước bên nhau – một bà già tóc bạc trắng, lưng hơi còng nhưng bước đi vẫn còn nhanh nhẹn trong chiếc áo măngto màu sáng. Tay cầm một bó hoa hồng. Đi bên cạnh là một người đàn ông trạc lục tuần, cao gầy, ăn mặc lịch sự, dáng vẻ quan chức nhà nước, vừa đi vừa  hút tẩu thuốc.

Đến giữa cầu, cả hai dừng bước.

– Mỗi lần về thăm lại Hà Nội, chị đều ra đây, chính chỗ này và thả xuống sông một bó hoa hồng tươi. Lần này, đặc biệt hơn là gặp lại em. Vậy mà đã nửa thế kỷ rồi! Chúng ta gặp lại được nhau, cũng là duyên phận…

– Như chính cái đêm hôm đó… – Người đàn ông đặt một tay lên lan can cầu và nhìn xa xăm về phía mặt sông, khẽ buông lời thì thầm – mưa…gió… sấm chớp, như mới hôm qua vậy!

– Và, từ trong bóng tối, em đã xông ra giữ chặt lấy chị và gào lên: Chị Hạnh ơi, đừng chết! Bà già vừa nói vừa bật khóc, bàn tay đồi mồi đầy những đường gân xanh cầm bó hoa tựa lên  đoạn lan can dỉ hoen cứ run  run – Thôi, em thả hoa đi!

Người đàn ông đỡ lấy bó hoa trong tay bà và chậm rãi thả từng bông xuống mặt nước dập dềnh, ngầu bọt sát chân cầu.

– Cái thằng bé còi cọc là em lúc đó đã biết yêu chị rồi, chị có biết không?

(Rút từ tập truyện về Ukraine và châu Âu “Cây Vĩ Cầm Nhiệt Đới” NXB Hội nhà văn 2018)

V.T.H