Nhật Ký chiến tranh – ký ức còn lại

1033

Sáng 5/7 tại TP.HCM, Quỹ “Mãi mãi tuổi hai mươi” tổ chức gặp mặt tác giả và nhân chứng lịch sử với bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” tại đường sách TPHCM.

Ban Tổ chức tặng hoa cho thân nhân của những người gửi lại nhật ký chiến trường

Những mái đầu tóc trắng và những quân phục bạc màu đã làm không khí ở Đường sách TP.HCM có những giây phút xúc động thực sự. Đất nước đã thống nhất 45 năm, nhưng khói lửa chiến tranh còn lưu đọng bao ký ức khó quên về một thời hào hùng và cao đẹp.

Nhật ký chiến trường có thể xem là đặc sản của chiến tranh Việt Nam. Chính những người Mỹ đã nhận xét như vậy, khi tìm hiểu về năm tháng bất khuất của người Việt Nam đối đầu cường quốc số một thế giới. Những nhà nghiên cứu quân sự Mỹ đã phát hiện rằng, hầu như người lính Việt Nam nào cũng có một cuốn nhật ký, và ở đó ghi chép những tâm nguyện chân thành về khát vọng hòa bình, về mơ ước đoàn tụ, về làng quê thơ ấu, về mối tình thủy chung… Chính những trang nhật ký chiến trường đã phô bày đầy đủ phẩm chất của trái tim Việt Nam và sức mạnh Việt Nam.

Trước đây, người Việt Nam chủ yếu biết đến thể loại nhật ký chiến trường qua những trang viết của những nhà văn – nhà báo xung phong vào tuyến đầu chống giặc, như Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý, Triệu Bôn, Chu Cẩm Phong… Thế nhưng, sau khi hai cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nguyễn Văn Thạc và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” xuất hiện thì dòng sách này thực sự gợi tò mò cho những người sưu tập.

Nhà văn Đặng Vương Hưng đã mất 15 năm, từ 2004 đến 2019, để gom góp được tư liệu cho bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” với 4.000 trang in. Ông chia sẻ: “Hai phần ba tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều người đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và do di chứng chiến tranh nên cũng mất sau khi trở về. Ngoài sổ tay nhật ký (bản chính hoặc bản sao) mà thân nhân của các anh chị đã tin tưởng, trân trọng chuyển cho chúng tôi, còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất…”.

 

Những nhân chứng đều khẳng định, mỗi cuốn nhật ký chiến trường đều có số phận riêng, chìm nổi theo thời gian và thăng trầm theo định mệnh của người viết, nhưng vẫn là báu vật đối với người ở lại. Có không ít cuốn nhật ký chiến trường được đặt trên bàn thờ của người quá cố, để hương khói mỗi ngày.

Trong bộ sách đồ sộ “Nhật ký thời chiến Việt Nam”, có những tác phẩm không chỉ có giá trị lịch sử, mà còn có giá trị văn học. Ví dụ, “Gửi lại mai sau” của liệt sĩ Nguyễn Hải Trường, “Trở về trong giấc mơ” của liệt sĩ Trần Minh Tiến hoặc “Tài hoa ra trận” của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân.

(Theo NNVN – Tg Tuy Hòa)