Khơi thông dòng chảy thơ trào phúng

266

Một thời thơ trào phúng là món ăn tinh thần của xã hội, được nhiều người quan tâm đón nhận. Ngày nay, ít thấy thơ trào phúng xuất hiện trên các trang báo hằng ngày. Người làm thơ trào phúng ít dần. Dòng chảy thơ trào phúng bị nghẽn tắc khắc khoải.

Trào phúng tiếng Pháp là satire, nghĩa là dùng lời lẽ dù rất kín đáo và bóng bẩy nhưng vẫn chứa yếu tố cười nhạo, mỉa mai, phóng đại, châm biếm, đả phá những điều tiêu cực, lỗi thời, xấu xa trong xã hội. Đây cũng là một nguyên tắc phản ánh nghệ thuật và là thành tố chính tạo ra dòng văn học trào phúng, trong đó có thơ trào phúng.

Thơ thuộc loại trào phúng thường dùng tiếng cười để xây dựng tư tưởng, tình cảm cho con người, chống lại cái xấu xa lạc hậu, thoái hóa, dởm đời hoặc đả kích vạch mặt kẻ thù, đánh vào những hành động mang bản chất thù địch với con người. Vạch ra mâu thuẫn của sự vật, mâu thuẫn giữa cái bên ngoài và cái thực chất bên trong, để làm cho người đọc nhận thấy sự mỉa mai trào lộng của sự vật, là cách làm chủ yếu của thơ trào phúng; cho nên thơ trào phúng thường sử dụng cách nói phóng đại, so sánh, chơi chữ dí dỏm hay lời nói mát mẻ sâu cay.

Tiếp nhận tinh hoa của tiếng cười trong văn học dân gian truyền thống, thơ trào phúng Việt Nam có quá trình hình thành và phổ cập khá rộng. Nửa cuối thế kỷ 18 nổi lên giọng thơ độc đáo, đầy bản lĩnh của Hồ Xuân Hương (1772-1882)-bà chúa thơ Nôm. Với bút pháp tinh tế, bà diễn tả những cái bình thường trong đời sống thế tục nhưng gửi gắm nhiều cung bậc tâm trạng của người phụ nữ trước những quan niệm lỗi thời, khắc họa sắc sảo những cảnh sắc thiên nhiên và sinh hoạt dân dã qua hàng loạt thi phẩm: “Lấy chồng chung”, “Đề nhị mỹ nhân đồ”, “Tự tình” 1, 2 và 3, “Bánh trôi nước”, “Canh khuya”, “Ốc nhồi”, “Quả mít”, “Vịnh cái quạt”, “Lỡm học trò”, “Chơi khán đài”, “Chùa Hương tích”, “Động Hương tích”, “Chùa Sài Sơn”, “Hang Cắc cớ”, “Đánh đu” … Hồ Xuân Hương được UNESCO tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới năm 2021.

Từ giữa thế kỷ 19 tới những thập niên đầu thế kỷ 20, chế độ nửa thực dân nửa phong kiến bộc lộ đủ trò lố lăng, kệch cỡm, sản sinh những quái thai kỳ hình dị tướng, trở thành đối tượng giễu cợt, đả kích. Giai đoạn này có những nhà thơ trào phúng Hoàng Thụy Phương-Kép Trà (1873-1928), Phan Điện (1874-1945), Nguyễn Khoa Vy-Thảo Am (1881-1968), Tú Quỳ (1828-1926), Phan Văn Trị (1830-1910), Nguyễn Văn Học-Học Lạc (1842-1915)… Nhưng  nổi bật là hai tài năng kiệt xuất: Tam nguyên Yên Đổ-Nguyễn Khuyến (1835-1909), nhà thơ kết hợp nhuần nhuyễn chất trào phúng và chất trữ tình, tiêu biểu là các bài “Bạn đến chơi nhà”, “Thu điếu”, “Thu ẩm”, “Muốn lấy chồng”, “Làm ruộng”, “Chừa rượu”, “Chê học trò ngủ gật”, “Cua chơi trăng”, “Cuốc kêu cảm hứng”, “Chế ông đồ Cự Lộc”, “Chợ Đồng”, “Vịnh Phỗng đá”, “Hoài cổ” và Trần Tế Xương-Tú Xương (1870-1907), được coi là thần thơ thánh chữ, tác giả các bài “Thương vợ”, “Năm mới chúc nhau”, “Sông Lấp”, “Ba cái lăng nhăng”, “Than thân”, “Bỡn tri phủ Xuân Trường”, “Vịnh khoa thi Hương”, “Giễu người thi đỗ”, “Ông cò”…

Nung nấu ý chí và biểu hiện phản ứng mạnh mẽ, thơ trào phúng chuyển mình nhập cuộc với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, mang tính chính trị-xã hội rõ nét. Nhiều bài thơ mỉa mai, phỉ báng tầng lớp thống trị lưu hành trong công chúng và lách qua sự kiểm duyệt ngặt nghèo của thể chế đương thời, xuất hiện trên báo chí công khai. Trong đó, Hồ Trọng Hiếu-Tú Mỡ (1900-1976) là cây bút tài hoa, phụ trách hẳn một mục của Báo Phong Hóa, cho ra đời 3 tập thơ cùng tên “Dòng nước ngược” 1,2 và 3. Tú Mỡ vạch trần chiêu bài “khai hóa” giả hiệu, chính sách áp bức, bóc lột tàn nhẫn, lừa phỉnh của thực dân Pháp, điểm mặt các tên Công sứ Bắc Ninh, Đốc lý Hà Nội, phơi bày bộ mặt thật của những nghị gật ở Viện Dân biểu trong những bài “Dân ngu phú”, “Đóng thuế thân”, “Thuế đàn bà góa”, “Sòng bạc công khai”, “Văn tế bảo hộ”, “Đi lọng”, “Khuyên các ông quan lớn”, “Tống cựu nghênh tân”, “Nghị viện độn đường” và một số bài phê phán hủ tục, mê tín dị đoan “Văn tế xôi thịt”, “Sư cụ đi hát Ả đào”…  Những bài thơ viết trong 9 năm từ 1946 tới 1954, Tú Mỡ đổi bút danh là Bút Chiến Đấu, cho ra đời tập thơ “Nụ cười kháng chiến”, khai thác những nghịch lý vốn có của quân xâm lược hung hãn, huênh hoang nhưng thưc chất là hèn hạ, bất tài dưới góc nhìn của người chiến thắng. Tú Mỡ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh-phần thưởng cao quý về những đóng góp xuất sắc trong văn học-nghệ thuật Việt Nam. Cùng thời với ông suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, có những nhà thơ lừng danh Trần Văn Tước-Xích Điểu (1910-2003), Bùi Huy Phồn-Đồ Phồn (1911-1990), Phạm Văn Huyến-Thợ Rèn (1923-2008), Lê Kim (1928-2020 )… Đây là những chiến sĩ dùng đòn bút đánh trực diện kẻ thù xâm lược và lũ bán nước, tấn công vào những thói hư, tật xấu hoành hành trong cộng đồng ngay trong thời chiến. Những tập thơ “Trắng đen”, “Sau mặt nạ nhân vị” của Xích Điểu, “Chuyện lớn… chuyện nhỏ” của Thợ Rèn, “Bia miệng”, “Mưu sâu Mỹ Diệm”, “Thơ ngang”, “Tàn xuân đế quốc” của Đồ Phồn, “Đời cứ tươi”, “Điện Biên Phủ”, “Mỹ-ngụy thảm bại khúc” của Lê Kim đã một thời gây ấn tượng sâu sắc với bạn đọc. Cũng phải kể tới những nhà thơ Nguyễn Đình, Phùng Quốc Thụy-Tú Sụn, Sĩ Giang, Bút Châm, Búa Đanh, Búa Tạ, Lã Vọng, Dương Quân, Huyền Thanh, Bút Châm, Chính Nghĩa, Đặc Công…

Ở miền Nam, trong vùng địch tạm chiếm, có các nhà thơ biểu lộ phản kháng dã tâm của giặc Mỹ và chế độ bù nhìn tay sai mang các bút hiệu Tú Trọc, Hà Thượng Nhân, Cả Tếu, Ch. Số Zách, Trạng Đớp, Tú Kếu, Cung Văn, Tú Ngang…

Đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước hòa bình, thống nhất, những vấn đề mới nảy sinh. Trong bộn bề những khó khăn, phức tạp của đời sống thường nhật, thơ trào phúng chủ yếu phê phán những sai trái, những tệ nạn, lên án những thủ đoạn tiến thân, những thói bon chen, bợ đỡ, nịnh hót, lừa đảo, cửa quyền… Điều khác biệt là trừ những sự việc nghiêm trọng cần phủ định, thơ bớt dần đao to búa lớn, sử dụng sức mạnh nhận biết, tiếp thụ, hướng tới chỉnh đốn, sửa sang theo phương châm “Chống để xây”. Các báo Lao động, Tiền phong, Cứu Quốc-sau đổi tên là Đại đoàn kết và một số báo địa phương, báo ngành dành chỗ thích đáng đăng tải thể loại này. Đặc biệt, có báo lập chuyên mục riêng, liên tục in thơ trào lộng trong thời gian dài như “Chuyện lớn… chuyện nhỏ” ở Báo Nhân Dân. Mảnh đất màu mỡ, ăm ắp đề tài và có diễn đàn chính thống thu hút đông đảo người viết.

Có thể nói, thơ trào phúng Việt Nam đã đạt được thành tựu xuất sắc cả về lượng và chất, phong phú về đề tài, nội dung, đa dạng về thủ pháp biểu hiện.

Đáng tiếc là những năm gần đây, dường như thơ trào phúng bị chững lại. Mặt báo thưa dần, hầu như vắng bóng những bài thơ “chữa bênh”, phá vỡ ung nhọt của những thói tật thâm căn cố đế, những biến thái của tiêu cực, những hiện tượng trái luân thường đạo lý, phản thẩm mỹ. Không được chăm sóc chu đáo, hụt hẫng nơi đăng đàn, các nhà thơ muốn “châm” mà bút chẳng còn “nhọn”. Các cuộc thi văn chương và trao giải ít thấy, đúng hơn là rất hiếm đối với thơ trào phúng. Những tên tuổi lừng lẫy dần héo mòn, tàn úa. Tre già nhưng măng chưa mọc đã nhỡn tiền. Câu lạc bộ Thơ trào phúng Hà Nội đứng vào hàng mạnh nhất với các thành viên Lâm Điền, Yên Thao, Ngô Thi (đã mất) Trần Vương Luyện, Hồ Văn Phú, Lê Mỹ, Vũ Kiểm, Phạm Minh Khôi, Quế Hằng, Lê Mỹ, Ba Tê, Nguyễn Văn Thọ, Văn Cường, Bành Thanh Bần, Đỗ Ngọc Yên, Trần Ngọc Lân, Đặng Minh Phương… không còn sôi nổi như trước.

Câu lạc bộ Làng cười Nha Trang có vẻ hoạt động cầm chừng. Năm thì mười họa mới bắt gặp thơ của một vài nhà thơ châm ở TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt và thơ người Việt ở các nước Liên bang Nga, Australia…

Điểm nghẽn đang chắn lối, cản đường, khiến khó tránh khỏi sa sút. Yêu nghề, phải tìm cách đưa thơ lên diễn đàn Facebook; chắt bóp, xoay xỏa in những tập thơ riêng, cũng khó tìm được tri âm, tri kỷ! Những trăn trở, suy tư và nguyện vọng chính đáng của những người làm thơ châm biếm cần sớm được xem xét và giải quyết.

Hội Nhà văn Việt Nam nên sớm nhìn thẳng thực trạng, có giải pháp thỏa đáng khắc phục một cách bài bản, toàn diện. Có lẽ, vấn đề trước hết là chú trọng tập hợp và cổ vũ, khích lệ những nhà thơ trào phúng; đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ những bạn trẻ có năng khiếu và sở trường viết loại thơ hài hước, bổ sung cho đội ngũ đang mỏng manh. Các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các cơ quan báo chí khôi phục, mở mục giới thiệu thường xuyên các sáng tác có tác động trực tiếp và hiệu quả cải biến xã hội, xác lập những giá trị cao đẹp trong cuộc sống.

Khơi thông dòng chảy thơ trào phúng là việc làm hữu ích và cấp bách…

Theo Nghiêm Thanh/ Báo Quân Đội Nhân Dân