12.4.2018-07:00
Cảnh báo của Tổng Bí thư “nếu ai thấy cản trở, nhụt chí chống tham nhũng thì dẹp sang một bên cho người khác làm” có thể xem là thông điệp của nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng khẳng định cần phải tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh này.
Dưới góc độ nào đó, có thể có những ngỡ ngàng về việc người đứng đầu của Đảng ta lại đề cập tới việc “cản trở” hay “nhụt chí” trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Có thể nói đây là cuộc đấu tranh thường xuyên, liên tục của Đảng và nhà nước, được đẩy lên mạnh mẽ từ Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và tiếp tục được khẳng định thêm bằng Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.
Chống tham nhũng thời gian gần đây thực sự đã trở thành một phong trào rộng khắp và thu được những kết quả tích cực. Hàng loạt vụ tiêu cực, tham nhũng đã bị phanh phui, trong đó có những “đại án” làm chấn động dư luận cả nước. Việc thanh tra, điều tra, xử lý và xét xử nghiêm minh các “đại án tham nhũng” cùng các cựu quan chức từng giữ các chức vụ rất cao là minh chứng cho quyết tâm chống tham nhũng, khẳng định không có bất cứ vùng cấm nào trong cuộc đấu tranh này. Mọi quan chức, dù giữ cương vị cao tới đâu, đều bị điều tra, xét xử nghiêm nếu “dính chàm”.
Trong khí thế chống tham nhũng, tiêu cực bừng bừng ấy sao có thể có chỗ cho bất kỳ sự “cản trở” hay “nhụt chí” nào? Đúng là không ai có thể phủ nhận hay hoài nghi quyết tâm chống tham nhũng đang dâng cao cùng những kết quả “tạo không khí tích cực lan tỏa trong nhân dân”. Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) khi công bố chỉ số tham nhũng gần đây nhất đã khẳng định Việt Nam tăng hạng chống tham nhũng.
Tuy nhiên, chống tham nhũng và tiêu cực luôn là một cuộc đấu tranh đầy cam go, quyết liệt. Những thành quả thời gian qua dù rất tích cực, song tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp. Kết quả thanh tra và điều tra mới đây cho thấy những vi phạm pháp luật vượt xa điều mà người bình thường có thể dự liệu. Tham nhũng, tiêu cực được che giấu dưới những vỏ bọc quy trình tinh vi không dễ phát hiện hoặc len lỏi sâu vào ngay chính cơ quan bảo vệ pháp luật.
Đụng đến tham nhũng là đụng tới những đối tượng có chức, có quyền, thậm chí ở cấp cao. Các đối tượng này chắc chắn có sự phản kháng hình thức này, hình thức khác hay ở các cấp độ khác nhau. Trong không khí chống tham nhũng bao trùm vẫn có thể thấy những ý kiến “ngược dòng”.
Chống tham nhũng, tiêu cực luôn là một cuộc đấu tranh không khoan nhượng, cần sự đồng lòng nhất trí cùng quyết tâm cao độ. Mọi sự nể nang, né tránh hay nhụt chí đều có thể ảnh hưởng tới cuộc đấu tranh đang được người dân cả nước kỳ vọng này. Quyết liệt chống tham nhũng không hề làm yếu Đảng, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế mà trái lại càng làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh và kinh tế tăng trưởng. Những con số thống kê, chỉ số gần đây minh chứng rõ điều này. Không có chỗ cho ai cản trở, nhụt chí trong chống tham nhũng. Những người này, dù là ai, cũng cần phải bị “dẹp sang một bên”.
PHẠM DƯƠNG/NLĐ
>> XEM TIẾP NHỊP SỐNG SÀI GÒN…