Khổng Dương – Một hồn thơ yêu nước

1213

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà thơ yêu nước Khổng Dương (1921-1947) tên thật là Trương Văn Hai, sinh ra tại quận Càn Long, tỉnh Trà Vinh. Học ở Cần Thơ, Huế, rồi ra Bắc học tiếp trường Thăng Long. Tại thủ đô văn hiến Hà Nội, Khổng Dương có cơ hội cộng tác với các báo như Tiểu thuyết Thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Trung Bắc Chủ nhật, Mới, Văn Hoá, Tổng xã báo… Khi về Nam, Khổng Dương tiếp tục cầm bút, đứng ra mở nhà Xuất bản Đồng Nai. Tác phẩm của Khổng Dương có: Ly tao (1940), Dạ túy (tập thơ), Cứu lấy thanh niên (nhận định), tiêu biểu nhất là bài thơ Tâm sự. Khổng Dương bị thực dân Pháp bắn chết khi mới 26 tuổi, trên đường đi tản cư tại rạch Xẻo Tre, tỉnh Long Xuyên (An Giang).

Đầu thập niên bảy mươi, được thầy học ngày xưa ở trường Chu Văn An là giáo sư Đàm Xuân Thiều, giám đốc nha Trung học cấp quyết định cho tôi đi dạy học lại tại Trung học Cờ Đỏ (Thới Đông) sau hơn năm năm trốn lính bỏ trường. Lặn lội về cái thị trấn nghèo heo hút, buồn tênh, cách xa thành phố hơn sáu mươi cây số, tôi xin ở một mình ngay tại trường học mà không ở nhà trọ cùng các đồng nghiệp xa nhà. Nơi tôi tá túc là một phòng học còn trống, nằm cuối tầng trên dãy lầu trường học cheo leo ngày đêm lộng gió bốn phương. Dùng những chiếc bàn cũ và bảng đen, bục giảng dư bỏ không, tôi kê kín chắn gió làm phòng nghỉ. Ngày ngày, buổi sáng, sau khi ra lan can trước phòng nhìn mặt vầng dương đỏ rực như chiếc mâm đồng dần dần nhô lên ở phương đông, hít thở không khí đồng quê rồi tập thể dục. Buổi chiều, tôi ra sau phòng, ngồi một mình bên cửa sổ, nhìn bóng hoàng hôn bãng lãng phủ dần xuống  dãy Thất sơn hùng vĩ mờ xa ở An Giang. Ban đêm, trong cảnh tĩnh lặng nghe được tiếng gió xạc xào bên ngoài cánh đồng lúa mênh mông, tôi cũng thường hoa mắt với ánh sáng lập lòe, chói sáng của những trái hỏa châu phóng  ra từ những chiếc phi cơ lãn vãn bay rè rè trong biển đêm mịt mùng… Thỉnh thoảng, từ vùng U Minh Thượng, hoặc từ vùng núi Cấm, tôi nghe tiếng bom dội từ những chiếc B52 của Mỹ, vọng lại tiếng nổ đì đùng như địa chấn. Trong không gian ngột ngạt mùi chiến tranh đó, một hôm tôi ngồi soạn bài thơ Tâm sự của nhà thơ Khổng Dương theo sách giáo khoa giảng văn của nhà giáo, nhà văn yêu nước Thẩm Thệ Hà (1923-2009) để dạy cho học trò.

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở miền Tây, Khổng Dương bất hạnh chịu cảnh mồ côi cha từ nhỏ, mẹ lại sớm đi tái giá. Nhưng khi theo học chương trình Pháp tại Trung học Cần Thơ, giờ Việt văn, cậu học trò Trương Văn Hai được may mắn thụ giáo với giáo sư – nhà thơ Thượng Tân Thị (1878 ?-1966), tác giả Mười bài liên hoàn Đường luật nổi tiếng “Khuê phụ thán” nên năng khiếu sớm văn chương sớm được phát huy. Tâm hồn lãng tử bẩm sinh lại yêu thi ca, Khổng Dương sớm lân la đến với làng thơ. Khi rời đất Tây Đô ra Huế học tập, Khổng Dương sau đó ra Hà Nội học tiếp tại trường Thăng Long. Tại thủ đô rồng bay, ông vừa học vừa cộng tác với các báo và tạp chí văn nghệ nổi tiếng lúc bấy giờ.

Khi trở về miền Nam, tiếp tục hoạt động văn nghệ, Không Dương vừa đứng ra mở nhà xuất bản Đồng Nai. Nhà thơ gia nhập nhóm sáng  tác của những cây bút có lập trường dân tộc tiến bộ, đã nổi tiếng như: Phi Vân (1917-1977), Ngao Châu (Bùi Đức Tịnh:1923-2008, trước 1975 là giáo sư tại Đại học Sài Gòn và Cần Thơ…), Dương Tử Giang (1918-1956), Thiên Giang (1911-197?), Mai Văn Bộ (1918-2002)… đóng góp tài năng mình cho nền văn chương lành mạnh của nước nhà. Khi nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến Nam bộ vào mùa Thu năm 1946, nhân dân vừa đáng giặc, vừa tản cư, cũng như các văn nghệ sĩ yêu nước khác, nhà thơ Khổng Dương về Hậu Giang tham gia vào sự nghiệp đánh giặc cứu nước. Sống trong hoàn cảnh một hàn sĩ thời chiến, ăn uống đạm bạc, vật chất thiếu thốn nhưng Khổng Dương vẫn bao giờ để tay rời xa cây bút văn nghệ.

Xét về thân thế và sự nghiệp văn chương của nhà thơ Khổng Dương, ta có thể nói ông là một nhà thơ yêu nước trong thời tiền cách mạng ở Nam bộ. Dù sống cuộc đời thiếu thốn, lang thang phiêu bạt, Khổng Dương đích thực là một tâm hồn nghệ sĩ gắn kết thủy chung với thi ca. Cũng như đa phần thi sĩ khác, đầu tiên Khổng Dương vẫn trình diện những tác phẩm của mình với những vần thơ ủy mị, sướt mướt tình cảm lãng mạn yêu đương. Hết viết thư cho người trong mộng, lại tương tư, trằn trọc trong triền miên nỗi nhớ bóng tưởng hình: Tương tư lòng rối tơ mềm/ Nhớ nhung len tận bên thềm người yêu (Tương tư) //Hồn thấy hiu hiu tợ gió buồn/ Trí như nhơ nhớ một hình suông (Vạn bến đò)…

Quãng đời thanh xuân của nhà thơ chẳng khác nào những bánh xe lãng tử, không có một bến đỗ trên dặm đường đời xa xăm vô định: Đây một linh hồn không bến đỗ/ Lạc loài theo gió bụi muôn phương (Tâm sự). Tứ thơ sao quá gần gụi với cảnh ngộ của nhà thơ lãng mạn Anh W. Wordsworth trong bài thơ Hoa thủy tiên (The daffodils): “Cô đơn như áng mây trôi/  Lang thang nghìn dặm núi đồi lãng du” (I wandered lonely as a cloud/ That floats on high over vales anh hills). Chỉ với hai câu ngắn gọn theo thể thất ngôn giàu hình tượng và nhạc điệu, bút pháp, phong cách lung linh sương khói Đường thi (linh hồn, bến đỗ, gió bụi muôn phương), bài thơ tiêu biểu nhất cho cuộc đời và hồn cốt của tác giả mới mở đề cũng đã khơi dậy trong lòng người yêu thơ bao niềm thương cảm ngậm ngùi ! Nhưng hoàn cảnh đau thương của đất nước đánh thức hồn thơ cũng như đã vực dậy lòng yêu nước ở những văn nghệ sĩ khác. Ngộ rõ ra chân trời mới phải hướng về để tìm lý tưởng sống khỏe khoắn của thời đại cùng lúc để lấp đi khoảng trống vô ích trước kia, Khổng Dương nhanh nhẹn thay đổi đường lối sáng tác. Ông làm ngay những tác phẩm mang đầy hơi thở ấm áp của cuộc sống mới để làm thông điệp thức thời cho bản thân mình và cũng là cho lớp thanh niên cùng thế hệ.

Tác phẩm Cứu lấy thanh niên ra đời kịp lúc, là tiếng gọi hồn bao lớp trẻ, giục giã họ mau từ bỏ lối sống hưởng thụ cá nhân ích kỷ ngày ngày chỉ biết ăn chơi, trụy lạc, để nhập cuộc vào sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm vĩ đại của dân tộc. Cụ thể hơn, Khổng Dương lấy hình thần Atlas khổng lồ gồng mình đội quả địa cầu làm biểu tượng cho nhà xuất bản. Ông thường giải thích với bạn bè về ước mơ của mình: Nhà văn không những vác được quả đất mà còn phải xoay chuyển được cả quả địa cầu nữa. Một câu nói sáng rực lý tưởng và ước mơ cao đẹp của nhà thơ.

Nhìn thực trạng của quê hương ngày ngày phơi bày ra cảnh trái tai gai mắt, nhà thơ mang tâm sự u hoài khôn nguôi. Tác giả không khỏi ê chề vì trong cảnh quốc phá gia vong bởi khói lửa chiến tranh xâm lược, vẫn có lắm người vong bản, quên cội nguồn quê hương, đánh mất lương tri, hám danh vụ lợi, ùa chạy ăn theo lũ giặc ngoài: Chợ đời chán ngắt phường vong bản/ Tâm sự dồn thêm nặng bước đường…// Ngàn vạn hồn tồi bán khách xa/ Hởi ơi nhìn lại nước non nhà. Nhà thơ cảm thấy căm hận và tự thẹn với lòng thân nam nhi mà không làm được gì cho quê hương: Bốn vách đã cười cho số phận/ Râu mày càng thẹn với quê hương/ Hờn nung lửa giận căng tim nhỏ…. // Máu tươi thấm lệ, hờn chưa xóa/ Bước lăng thầm gieo “Quốc hận ca”/ Ôi ! Những linh hồn rơi tổ quốc/ Thương thay, mình cũng lạc bơ vơ/ Hồn trai ai nở cầm, buông giá/ Đem bán mày râu, lấy sống thừa.  Những bài thơ Tương tư và Vạn bến đò của Khổng Dương cũng là những vần thơ trĩu nặng giọt lệ u hoài và âm vang tiếng thu buồn vạn cổ.

Nói về nhà thơ Khổng Dương, Giáo sư Trần Hữu Tá đã khách quan, xác đáng trình bày: “Về chặng đường 15 năm trước Cách mạng tháng Tám (1930-1945), một giai đoạn phát triển rât tốt đẹp của văn học Việt Nam hiện đại, sẽ không thể có bức tranh hoàn chỉnh nếu không khẳng định những đóng góp tích cực của Phi Vân… ở Nam bộ. Trong lĩnh vực thơ, đã đến lúc cần tìm hiểu những sáng tác của Thẩm Thệ Hà…của Khổng Dương (Ly tao, 1940) và các bài thơ đăng trên Công luận báo (Sài Gòn), Tiểu thuyết thứ bảy, Trung Bắc chủ nhật (Hà Nội)”. Trong Việt Nam thi nhân tiền chiến, Nguyễn Tấn Long, tỏ ra thông cảm với tác giả bài thơ Tâm sự khi ông ngậm ngùi trình bày: “Khổng Dương mất, dân làng chôn anh tại bờ rạch (Xẻo Tre), đắp vội vàng một nắm đất lè tè… Hai mươi năm trôi qua – tính từ thập niên 1970, lời người viết – nắm xương tàn bên sông, biết có ai còn tưởng nhớ viếng thăm, hay thời gian đã san bằng một nắm mồ vô chủ”.

Xúc cảnh sinh tình trong không gian mênh mông tĩnh lặng miền biển lúa Thới Đông (Cờ Đỏ), nơi còn in đậm dấu ấn của những nhà cách mạng yêu nước Châu Văn Liêm (1902-1930), Ung Văn Khiêm (1910-1991), Huỳnh Phan Hộ, tôi lại tiếp tục thấy cảnh trái châu đêm đêm chói mắt trên bầu trời, ngày thì thiên hạ đua nhau bỏ nhà đi làm sở Mỹ. Một mình khe khẽ ngâm lại bài thơ Tâm sự của Khổng Dương mà tôi đã thuộc từ thời còn đi học, tôi lên lớp nhập vai, say sưa giảng bài thơ cho đám học trò ngoan hiền và chăm học ở miền quê lúa Thới Đông. Tôi không quên căn dặn các em học thuộc thi phẩm trữ tình ấy – một dấu mốc thời gian đẹp của tôi trước học trò vùng sâu mà đến hôm nay tôi không bao giờ quên: Khổng Dương – một nhà thơ yêu nước tài hoa khả kính trong thi đàn dân tộc.

N.T