Không phải lần đầu – Truyện ngắn của Huyền Văn

671

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Trong đời đã yêu – không phải lần đầu – nhưng đây là lần đầu tiên – Điền mới thật sự biết yêu là gì”…

Máy bay cất cánh. Thành phố Đà Nẵng xa dần. Khoảng một tiếng đồng hồ nữa, máy bay sẽ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Rồi Điền sẽ đi về Miền Tây, để quay phim, chụp ảnh, viết bài… cũng là những công việc quen thuộc, nhưng Điền nghe nôn nao chi lạ, lòng ngổn ngang cảm xúc, không rõ ràng, cứ bồi hồi, lâng lâng…

Điền tư lự nhìn bầu trời qua ô cửa kính. Những đám mây ngoài kia bị sức mạnh của gió làm cho chao đảo rồi tan ra thành nhiều mảnh nhỏ, cứ tưởng rằng chúng sẽ tan biến vào cõi hư vô. Nhưng không, chỉ trong chốc lát chúng lại về với nhau. Mặc cho gió gầm gừ xô đẩy, chúng vẫn không chịu rời nhau. Có lẽ sự sum họp sau lần chia ly làm cho chúng càng gắn bó nhau hơn, chúng quấn quít bên nhau, bồng bềnh trôi trong một thế giới bao la vô tận. “Phải chăng mình cũng như những đám mây kia, cô đơn lạc lõng, tìm kiếm một phần đời của mình ở tận góc bể chân trời?”

Một cô tiếp viên đến cùng với một quầy cà phê lưu động, cô ta hỏi Điền có dùng cà phê không.

Điền nói: “Vâng, cho tôi cà phê đen.”

Chỉ vài phút, cô gái đưa cà phê cho Điền, Điền nói cảm ơn cô gái. Cô ta mỉm cười và lần lượt đi đến những hàng ghế khác. Cô ta còn rất trẻ, miệng cười xinh xắn. Nụ cười của cô ta làm Điền nhớ tới một người.

Lúc ấy là một buổi chiều mưa tầm tã, Điền nhìn bong bóng phập phồng trước sân nhà chợt buông tiếng thở dài “biết đến khi mô mà tạnh?”rồi mở máy tính. Có nhiều thư gửi đến, anh rà chuột để xóa bớt những tin nhắn vô bổ, nhưng tay anh kịp dừng lại trên phím “delete” khi bắt gặp một bức ảnh của một cô gái, nhan sắc của cô gái không đến mức “hoa nhường nguyệt thẹn,” nhưng nụ cười của cô ta như có một ma lực làm anh ngây ngất. Anh ngắm nhìn cô gái kỹ hơn. Cô ta có mái tóc đen dài, phủ một bờ vai, đôi mắt sáng, cái mũi thẳng, gương mặt thanh tú, “cô gái này có một vẻ đẹp đôn hậu,” Điền thầm nghĩ và trong lòng có thiện cảm với cô gái.

Bên cạnh bức ảnh có dòng chữ: “Thanh, Hậu Giang, 43 tuổi.” Điền nhìn cô gái một lúc, “trông cô ấy trẻ hơn nhiều so với tuổi,” anh có một chút ngờ vực, rồi nhấp vào “profile” của cô gái. Cô ta là người đã có gia đình, “mình có nên kết bạn với cô ta không nhỉ?” Điền hơi lưỡng lự, “mình chỉ thích ngắm vẻ đẹp của cô ta thôi mà, để ý làm chi đến nhân thân của cô ta.” Anh thả lỏng và đọc những dòng chia xẻ của cô gái: “Đừng để trong cuộc sống có nhiều nuối tiếc, vì đã không nói những lời muốn nói, đã không làm những điều phải làm cho người thân, cho bạn bè, cho những người thương yêu của mình.” Lời lẽ của cô gái như một lời nhắn nhủ tâm tình, Điền xúc động và nghĩ, “một người có trái tim yêu thương chân thật mới nói được những lời nhiều cảm xúc như vậy.” Anh quyết định gửi cho cô gái một tin nhắn.

– Chào em, anh tên là Trần Quý Điền, ở Đà Nẵng, rất vui nếu được nói chuyện với người em gái Hậu Giang. Điền hồi hộp chờ đợi. Một lúc sau có tín hiệu “prely”.

– Chào anh, em tên Vy Thanh, rất hân hạnh được quen biết anh.

– Rất vui vì em đã trả lời.

– Em cũng rất vui vì anh đã dành thời gian để nói chuyện với em.

– Tên của em nghe rất hay, chắc có một ý nghĩa rất đặc biệt, phải không?

– Tên em chỉ đơn giản là tên của một địa danh, Vy Thanh tức là Vị Thanh, nơi sinh của em.

– Thì ra là vậy, đơn giản mà rất có ý nghĩa, anh thích cái tên này.

– Cảm ơn anh, tên của anh cũng có ý nghĩa rất đặc biệt, Điền là điền địa, là ruộng đất, Quý Điền tức là đất quý, phải không?

– Em làm anh bật cười rồi đây này, Điền cười, “có lẽ thời xưa cha mẹ anh nghèo đến nỗi không có đất đai để canh tác, làm tá điền cho bọn địa chủ bóc lột, nên họ nhắc nhở anh phải ghi nhớ đất là tài sản quý giá của con người, đất nuôi sự sống sinh sôi, có đất là có nhà, không có đất là không có nhà.”

– Thì ra tên của anh ẩn chứa một câu chuyện mang đậm tính nhân văn như vậy, đất nước của mình ngày nay đã phát triển, nông dân được canh tác trên chính mảnh đất của mình, cha mẹ anh chắc cũng vui khi thấy con trai của mình bây giờ vừa thông minh, lại vừa thành đạt nữa.

– Em lại quá khách sáo rồi, có nghề nghiệp đàng hoàng thì cũng có thể nói là có một chút thành đạt, nhưng anh không dám nhận mình là người thông minh đâu nhé.

– Em đâu có khách sáo. Anh cũng biết Đà Nẵng là thành phố đầu tiên của nước ta được tập đoàn công nghệ thông tin IBM tài trợ chương trình xây dựng thành phố thông minh hơn. Muốn có thành phố thông minh thì phải có con người thông minh, anh cũng là một trong số đó, đúng không?

– Em đối đáp lanh lẹ quá, anh chịu thua rồi, có lẽ em mới là người thông minh đó.

– Em nói thiệt tình mà.

– Anh cũng nói thiệt tình, đây là lần đầu tiên anh nói chuyện với con gái trên mục kết bạn, cho nên anh rất vụng về, mong em đừng có cười anh nhé!

– Thật vậy sao? Người nhà quê như em mà được anh quan tâm nói chuyện đã là may mắn rồi, càng may mắn hơn khi nghe anh nói em là người đầu tiên mà anh quen biết trên mạng. Cảm ơn anh!

– Những gì anh nói là hoàn toàn sự thật. Nếu em là người nhà quê thì anh cũng là anh hai lúa, vì anh chính là Điền địa mà.

– Anh nói chuyện nghe cũng đáo để lắm, anh hai lúa à!

– Nghe em nói về thành phố thông minh, anh càng yêu quê hương mình hơn, nhưng dự án còn trong giai đoạn bắt đầu em à!

– Sự bắt đầu cũng đã thành công rồi, em tin đất nước mình sẽ có một thành phố thông minh trong tương lai.

– Anh cũng tin như vậy. Anh đoán là em đã đến Đà Nẵng rồi, phải không?

– Vâng, em đến đó một lần, em vẫn mong được trở lại bãi biển Mỹ Khê lộng lẫy và dòng sông Hàn đầy thơ mộng.

– Lời em nói giàu chất thơ, có phải em là nhà thơ?

– Dạ không, chỉ là cảm nhận của em khi đến Đà Nẵng mà thôi.

– Anh cũng từng đến miền Tây, nhưng chưa có dịp đến Vị Thanh. Anh nghe nói ở đó có Kinh Xáng Xà No, con đường lúa gạo miền Hậu Giang?

– Dạ phải, Kinh Xáng là niềm tự hào của quê em từ lâu đời, nhưng Tỉnh Hậu Giang thì chỉ mới được tách ra từ thành phố Cần Thơ năm 2004. Khi nào anh đến Hậu Giang, em sẽ mời anh thưởng thức đặc sản của quê em, như là cháo lòng Cái Tắc nè, cá thác lác cườm nè, khóm Cầu Đúc, bưởi Năm Roi ở Phú Hữu, và nhiều món khác nữa.

– Nghe em nói là anh muốn bay vào trong đó ngay, được một cô gái dễ thương như em đón tiếp thì còn gì bằng.

– Anh vui tính ghê vậy đó!

– Em dễ thương thật mà.

– Cảm ơn anh!

– Khi nào em trở lại Đà Nẳng, anh sẵn sàng làm người hướng dẫn du lịch cho em.

– Dạ, em cũng mong có ngày đó.

Lần đầu tiên trò chuyện với Thanh, Điền say sưa đến mức không nhận ra là trời đã dứt cơn mưa và bỏ lở thời gian đi bộ theo thói quen hàng ngày. Điền rất thích Miền Tây sông nước hiền hòa, nay lại được quen biết một cô gái Hậu Giang, trong lòng cảm thấy xôn xao, như thời trai trẻ lần đầu phải lòng một người con gái.

Kể từ đó, Điền với Thanh trở thành đôi bạn, thỉnh thoảng “online” để trò chuyện. Điền không thể ngờ một người bảo thủ như anh lại có ngày kết bạn với một cô gái trên “net”. Anh không ngần ngại chia xẻ với cô ấy về nhân sinh quan, về sở thích văn chương, thậm chí những suy nghĩ về những vấn đề khó khăn phức tạp trong cuộc sống đời thường. Mỗi lần trò chuyện với Thanh, anh thấy trong lòng nhẹ nhàng, thư thái. Có lẽ, anh đã tìm được người tri âm tri kỷ.

Khó mà diễn tả cảm giác thiếu vắng, buồn tẻ những lúc không nói chuyện với Thanh, anh có cảm giác như mình bị “nghiện” nói chuyện với cô ấy. Những lúc cô ấy không “online” anh ngồi trước màn hình ngắm nghía bức ảnh của cô ấy cho đỡ nhớ. Tình cảm trong Điền cứ âm thầm nẩy nở, cho đến một đêm, anh quay quắt, bồn chồn không sao ngủ được, anh nghe được tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái hiên, tiếng gió vù vù thổi qua những cành cây, tiếng xào xạc của những chiếc lá đung đưa, trong lòng cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo, hình ảnh của Thanh chập chờn, chập chờn trong tâm trí anh.

Mưa đêm giọt ngắn giọt dài
Lạnh lùng rét mướt ai hoài nhớ thương
Em ơi có thấy sầu vương
Có nghe thổn thức yêu đương đợi chờ

Anh dậy lúc mờ sáng, trời vẫn còn lành lạnh, lòng vẫn bồi hồi thương nhớ Thanh.

Tự nhiên thấy nhớ ai nhiều
Dẫu rằng biết rứa là điều không nên
Dặn lòng đừng nhớ cố quên
Mà sao ai cứ hiện lên rõ dần

Điền không thể nói với Thanh tình cảm của mình, vì sợ đường đột quá, anh đành gửi gấm nỗi lòng vào mấy vần thơ. Hình bóng của Thanh thường xuất hiện trong giấc mơ của Điền. Một đêm nọ, anh mơ cùng Thanh đi dạo trên một đồng cỏ còn đọng sương mai. Những tia nắng sớm lung linh chen qua những kẽ lá, tiếng chim hót ríu ra ríu rít. Đám bồ câu đang tung tăn nhảy nhót tìm mồi vụt bay lên khi lá rừng lạo xạo dưới chân. Hai người không nói gì với nhau, thỉnh thoảng nhìn bầu trời thăm thẳm, vài đám mây vắt vẻo trên những ngọn cây cao tít tắp. Một làn gió phớt ngang làm lay động mái tóc bồng bềnh của Thanh, cô nghiêng người cho tóc rủ xuống, Điền dừng lại, đưa tay vén những lọn tóc lòa xòa trên gương mặt cô. Trong giây phút đó, anh nhìn sâu vào đôi mắt của Thanh, anh thấy hình ảnh của mình trong đó, hay nói đúng hơn, anh đã bị hút vào trong đó tự lúc nào.

Mắt Thanh không chớp, cô đăm đắm nhìn Điền, anh chạm tay lên má cô, cô áp mặt vào bàn tay to và ấm áp của anh, anh từ từ cuối xuống… Bỗng đâu xuất hiện hai người đàn ông lực lưỡng, một người xông đến và bằng một động tác nhanh lẹ đã quật anh té nhào xuống đất, còn người kia cố bắt Thanh đi cho bằng được, cô vùng vẫy thét lên “Không! Không! Thả tôi ra…” Điền lao về phía Thanh, nhưng phút chốc tất cả đều biến mất, chỉ còn văng vẳng tiếng kêu la thảm thiết “Điền ơi, cứu em…” Điền tỉnh giấc, bàng hoàng, cảm giác như là thật. Kể từ ngày đó, anh luôn giữ trong lòng ý nghĩ phải đi tìm Thanh.
“Quý khách chú ý tháo dây an toàn và kiểm tra hành lý…” Tiếng nói phát ra từ hệ thống loa. Thế là đến sân bay Tân Sơn Nhất.

– Anh Điền! – Thức gọi Điền khi thấy anh bước ra.

Thức nghiêm túc trong chiếc áo sơ mi trắng dài tay, mái tóc chải ngược, kính gọng vàng, trông Thức rất phong độ. Thức ở cùng làng và học sau Điền hai năm, nên dẫu là bạn đồng hương, Thức vẫn thường gọi Điền là anh.

– Cảm ơn ông đã đón tôi. – Điền bắt tay Thức.

– Mừng là anh đã đến, anh có ưng đi taxi không?

– Tôi lại tưởng là ông đi xe gắn máy.

– Thấy trời u ám quá, nên đi taxi cho tiện, không thì mưa ướt cả người.

Hai người vừa bước lên chiếc taxi Vinasun, đúng lúc trời bắt đầu rắc hạt. Thức vẫn luôn chu đáo như vậy. Điền hỏi Thức, từ chỗ ni đi Hậu Giang bao nhiêu cây số? Khoảng 250. Anh định đến đó hỉ? Ừ! Để làm việc chi? Làm một phóng sự, nhân thể tìm một người. Ai vậy? Một người bạn. Là đồng hương hỉ? Không, người mới quen. Là con gái hỉ? Phải. Cô ta thế nào? Trông cũng được. Răng lại quen người ở tận Hậu Giang vậy hè? Trên mạng! Coi chừng bị gạt đó, người tốt thì ít mà người xấu thì nhiều. Tốt xấu gì thì cũng chỉ quen có một cô chứ mấy. Chỉ quen có một cô mà đã hẹn hò rồi, anh cũng đáo để thật. Cô ta không hẹn chi với tôi. Tự tôi muốn tìm hiểu cô ta.

Thức nghĩ, Điền đang dấn thân vào một cuộc phiêu lưu nguy hiểm.

Nhà của Thức ở Quận Tân Kỳ. Sau khi ly dị anh vẫn sống độc thân. Đứa con trai duy nhất của Thức hiện đang học Đại học và ở khu ký túc xá. Điền thấy thương cho cảnh đàn ông cô đơn của bạn. Mỗi khi có dịp vào Sài gòn anh lại đến ở nhà của Thức. Ngôi nhà này đã trở nên quen thuộc với anh. Buổi tối, Điền ngồi uống trà với Thức.

– Anh suy nghĩ kỹ chưa? – Thức hỏi Điền.

– Ông muốn tôi suy nghĩ chuyện chi?

– Không hẹn hò, cớ chi lại đi tìm cô ta?

– Đừng nghĩ nhiều quá. Lần ni, tôi muốn tìm hiểu về kinh xáng Xà No nổi tiếng ở Hậu Giang, nhân thể ghé thăm một người bạn mới quen, nếu gặp được cô ấy thì có cơ hội hiểu biết nhau thêm, còn như không gặp thì cũng là vì công việc.

Thức lắc đầu. Anh biết tính Điền, khi quyết định làm chuyện chi thì khó mà lay chuyển. Anh rót trà cho Điền rồi lựa lời để hỏi han.

– Cô ấy tên chi và làm việc ở mô?

– Cô ấy tên là Vy Thanh, làm việc cho một Công ty tổ chức sự kiện.

– Độc thân hay là…

– Không độc thân!

– Tôi hiểu. Anh với cô ta phát triển đến mức nào rồi?

– Chỉ là bạn bình thường thôi.

– Tôi nghĩ anh không xem cô ta chỉ là bạn bình thường, nếu không thì anh đâu có vượt đường xa để tìm cô ta.

– Nói thật lòng là tôi rất thích cô ấy và rất muốn được gặp cô ấy.

– Điều chi làm cho anh thích cô ấy?

Điền chậm rãi hốp từng ngụm trà, đôi mắt trầm tư. Thức rót thêm trà vào tách của Điền.

– Đầu tiên, bức ảnh cô ấy xuất hiện là tôi thích ngay, Điền nói, “tiếp theo là cách nói chuyện của cô ấy, giản dị, thông minh nhưng lại rất khiêm tốn, dần dần tôi nảy sinh tình cảm với cô ấy lúc nào không hay. Tất cả chỉ là tự nhiên.”

Thức cảm nhận sự chân thật trong lời nói của Điền, Điền là người nghiêm túc, không dễ gì nảy sinh tình cảm với người khác, nhưng nay lại có cảm tình với một người con gái ở phương xa, chắc cô gái đó cũng có cái gì đó đặc biệt, tuy nhiên anh vẫn muốn khuyên Điền nên tỉnh táo hơn, đừng quá “say sắc” mà mất thời gian vô ích. Thức nói:

– Hình ảnh, tên tuổi, nghề nghiệp… cũng có thể là giả, xã hội bây giờ điều chi cũng có thể xảy ra, nhiều vụ án lừa tình gạt tiền bắt nguồn từ mối quan hệ trên “net,” cẩn thận vẫn tốt hơn.

– Ha ha… – Điền cười phá lên, “ông bạn ơi, tôi không sợ đâu. Nếu được cô ấy lừa tình thì còn chi bằng. Còn gạt tiền hỉ? Tôi càng không sợ. Hành trang tôi mang theo chỉ có một cái máy quay phim cũ kĩ mà thôi. Nếu tên tuổi và nghề nghiệp của cô ta không đúng, thì cũng chẳng sao, có thể cô ta cũng đề phòng những kẻ xấu. Nếu không gặp cô ấy, thì tôi cũng thu được một số hình ảnh Miền Tây để làm tư liệu. Tóm lại là không có chi để mất cả. Tôi là đàn ông ngang dọc khắp nơi, còn sợ lẽ chi?”

Lời của Điền tuy có chút pha trò cho vui, nhưng cũng có cái lý của nó, Thức im lặng một lúc, tiếp:

– Chờ đã! Anh nói cô ta làm ở Công ty tổ chức sư kiện hỉ?

– Phải!

– Công ty đó tên gì?

– Cẩm Giang.

– Để tôi lên mạng tìm xem nào.

Thức mở máy, vào Google, anh bắt đầu gõ. “Đây rồi! Ở Hậu Giang, có một Công ty tổ chức sự kiện tên là Cẩm Giang.” – Mắt Điền sáng lên khi thấy tên Công ty đúng như Thanh đã nói. Thức tiếp tục vào “website” của Công ty. “Đây này, Giám đốc Công ty là Bà Nguyễn Thị Cẩm, một phụ nữ trung niên, vẻ mặt phúc hậu và sang trọng.” Vài bức ảnh chụp tập thể giới thiệu đội ngũ nhân viên của Công ty. Điền nhận ra Thanh trong số đó, cô mặc áo dài màu xanh biển, dáng người thon thả đứng cạnh bà Cẩm. Anh thở phào nhẹ nhỏm, vì cô ấy không hề “giả” như Thức đã nghi ngờ. Điền chỉ tay vào hình của Thanh, nói: “Cô ấy đây này!”

– Cô ta trông rất xinh! – Thức nói.

– Ông yên tâm chưa hỉ?

– Tôi phục anh sát đất. Răng mà quen một cô gái Miền Tây xinh thế. Tiếc là cô ta đã có chồng.

– Không có chi phải tiếc, vì tôi cũng không có ý định tìm thêm vợ, hay nhân tình nhân ngãi chi cả, làm bạn là quý rồi.

– Ông có vẻ cởi mở hơn xưa đấy, không còn là ông cụ non nữa.

– Như thế cũng tốt đấy chứ, còn hơn sống khép kín mãi.

– Tán thành!

Hai người trở lại bàn uống trà. Thức không có ý kiến phản đối Điền đi tìm cô gái đó nữa.
Đêm về, Điền không sao ngủ được, miên man suy nghĩ. Giờ này, Quế Anh, vợ của anh đã ngủ chưa, hay vẫn nghiên cứu một hợp đồng nào đó. Quế Anh là một nữ doanh nhân, luôn bận bịu với công việc kinh doanh, thường xuyên về nhà khuya lắc khuya lơ, sau những buổi tiệc tùng với khách hàng. Cô ấy cũng thường mang hồ sơ vào phòng ngủ, thậm chí còn lôi cái “laptop” quỷ quái lên giường, anh giục đi ngủ thì Quế Anh lại nói “Chờ em một chút” hoặc “Em sắp xong rồi” hay là “Em phải chuẩn bị cho cuộc họp ngày mai.” Thế là anh chờ, chờ đến khi ngủ quên không hay. Nửa đêm tỉnh giấc, Quế Anh bên cạnh nhưng đã ngủ say, anh thấy cô đơn ngay trên chiếc giường của mình. Về sau, anh không chờ đợi nữa. Anh sang phòng khách, xem tivi chán rồi ngủ luôn tới sáng.

Điền hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, quay phim tư liệu, chụp ảnh, viết báo. Anh không không giúp gì cho vợ trong việc kinh doanh. Cô ấy cũng không hòa nhập với thế giới nghệ thuật của anh. Mỗi người một khoảng trời riêng. Chỉ khi hai người cùng đi du lịch với nhau, lúc đó cả hai mới thực sự là một cặp vợ chồng đúng nghĩa. Đã lâu rồi, anh và vợ không có cơ hội đi du lịch. Đứa con gái theo chồng sang Mỹ, nó muốn bảo lãnh gia đình sang đó. Quế Anh nhiều lần đề cặp chuyện này. Anh không muốn đi, nhưng sợ làm vợ con thất vọng, anh vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

– Đi Hậu Giang về mình sẽ bàn với Quế Anh chuyện này, nếu cô ấy muốn đi thì cho cô ấy sang bên đó trước, còn mình sẽ sắp xếp đi sau.

Trong những lần trò truyện với Thanh, Điền tìm thấy sự ấm áp và ngọt ngào. Có lẽ khi nói chuyện với cô ấy, Điền cảm thấy thoải mái chia xẻ niềm say mê nghệ thuật của mình. Cô ấy có kiến thức và có nhận xét tinh tế. Hai người nói chuyện rất ăn ý nhau. Để rồi không biết tự lúc nào mà anh đã phải lòng cô ấy. Hình bóng cô ấy len lỏi vào tâm hồn anh một cách âm thầm và chiếm vị trí rất quan trọng trong lòng anh, đến mức anh muốn gặp cô ấy để mặt tường tận mặt, thỏa nổi lòng mong nhớ.

Nếu gặp cô ấy mình không biết sẽ nói gì nữa? “Đi làm phim tư liệu về kinh xáng Xà No, tiện thể ghé thăm bạn,” lý do này nghe được chứ hỉ? Nhưng liệu sự xuất hiện bất ngờ của mình có làm cô ấy khó xử không? Cô ấy có sẵn sàng đón tiếp mình không? Hoặc là cô ấy đi đâu đó không đến Công ty thì sao? Mình có nên điện thoại báo trước với cô ta không? Bao nhiêu dấu hỏi trong đầu, làm Điền thao thức. Thôi thì phó thác cho trời, “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.”

Điền chợt nhận ra một điều hết sức bẽ bàng. Nghĩ đến Quế Anh, là nghĩ đến một người vợ tuy gần mà lại rất xa, bao nhiêu năm chung sống giờ chỉ còn đọng lại tình nghĩa và trách nhiệm gia đình. Nghĩ đến Thanh, tuy ở xa nhưng lại rất gần, mới quen mà tưởng như đã thân nhau từ lâu, trong lòng nhiều thương nhớ.

Điền và Thức khởi hành từ sáng sớm, trên một chiếc xe con bốn chỗ, màu xám. Trời quá trưa thì đến Thị trấn Bình Minh. Xe chạy vào đường dẫn cầu Cần Thơ. Điền đã đến đây trong dịp khánh thành chiếc cầu dây đẹp nhất Đông Nam Á này vào năm 2010. Điền nhìn phía bên kia sông, cảm khái đọc mấy câu:

Ai về miệt dưới Hậu Giang.
Cho tôi nhắn gửi đôi hàng ước mơ (1).

Xe đang leo lên độ cao. Thức nói: “Người đang ở Cần Thơ mà tâm hồn bay về Hậu Giang mất rồi.”

Bấy giờ thì xe đang nhẹ nhàng lướt qua đoạn cuối của cầu Cần Thơ. Điền suy tư, lần này anh về Miền Tây, không chỉ để tác nghiệp, mà còn tìm một hình ảnh trong mơ, không biết gặp Thanh, cô ấy sẽ như thế nào? Anh quyết định gọi cho Thanh, để thăm dò ý tứ của cô. Thanh tỏ ra vui mừng vì chuyến viếng thăm bất ngờ của Điền. Cô nói sẽ đặt phòng nghỉ cho Điền và mời Điền dùng cơm tối. Điền rất vui vì mọi việc diễn ra quá đơn giản, không phức tạp như anh nghĩ, “người Miền Tây hiếu khách thật,” chừ anh chỉ mong sao nhanh chóng đến Hậu Giang.

“Hai anh muốn ăn cơm trưa ở Cần Thơ hay Cái Răng?” – Anh tài xế hỏi.

Thức ngồi ghế trước quay xuống Điền hỏi: “Anh có ưng ăn cơm ở Cái Răng không hỉ?”
Điền đang phân vân, anh chợt nhớ có lần Thanh nói với anh, cháo lòng Cái Tắc là một trong các món ăn đặc sản của Hậu Giang.

– Cái Tắc có xa không?

– Khoảng 15 cây số nữa. – Tài xế nói.

– Anh muốn ăn cơm ở Cái Tắc hỉ? – Thức hỏi Điền.

– Nghe nói cháo lòng ở đó ngon lắm, đến đó ăn thử đi.

– Anh cũng rành đặc sản Hậu Giang quá hen. – Tài xế nói.

Xe đi theo Quốc lộ 1A, từ Thành phố Cần thơ đi về phía nam chừng 15 cây số, đến Cái Tắc. Mọi người vào một quán cháo gần chợ, quán đông người nhưng chẳng bao lâu, ba tô cháo lòng ngun ngút khói được mang ra. Nhìn tô cháo đã thấy “thèm”, đúng là cháo lòng với đầy đủ tim, gan, phèo, lưỡi, cật, thịt… miếng nào miếng nấy vừa to vừa dày, nước cháo vừa ăn không đặc lắm, mùi cháo nghe rất thơm. Đĩa rau có nhiều loại, nào là rau đắng, rau má, bắp chuối, giá, hẹ,… Chén nước mắm trong có vài trái ớt hiểm đỏ roi rói, càng kích thích cơn thèm của mọi người. Anh tài xế có vẻ “sành ăn” vắt thêm miếng chanh vào nước mắm, xé vài miếng bánh củ cải cho vào tô cháo. Điền và Thức cũng làm theo.

Điền vừa thổi vừa húp một muỗng cháo, nhai miếng lòng vừa day vừa giòn, có vị mặn của nước mắm, vị chua của chanh, vị cay của ớt, cùng với vị ngọt của rau ghém, anh thật sự cảm nhận được hương vị đậm đà của tô cháo, anh gật gù khen ngon “Không uổng công tìm đến nơi này.” Thức cũng gật đầu “Ngon thật!” Anh tài xế kêu lên: “Quá đã!” Cả ba người đều thấy hài lòng.

Đến Thành phố Vị Thanh, thì mặt trời bắt đầu dịu cơn nóng.

– Vị Thanh bây giờ đẹp hơn xưa nhiều. – Anh tài xế nói.

– Tất nhiên, Vị Thanh bây giờ đã là thành phố cấp tỉnh rồi. – Điền nói.

Thành phố Vị Thanh mới vừa thành lập nhưng đường phố khang trang, không thua kém nhiều so với các thành phố khác. Dãy phân cách và hai bên lề đường đều có nhiều cây xanh, tạo cảnh quan mát mẻ, khí hậu ôn hòa.

Xe dừng lại bên bờ kinh xáng Xà No. Điền và Thức bước xuống xe. “Con kinh này đẹp thật!” – Điền nói. “Con kinh này dài thăm thẳm.” – Thức nói và lấy máy ảnh ra, bấm lia lịa. Điền cũng không bỏ lở thời cơ, cầm máy quay khắp lượt. Trời đã xế chiều. Điền nói với tài xế cho xe chạy xuôi theo bờ kinh sẽ đến Khách sạn Hoa Sen, Thanh đang chờ ở đó.

Khách sạn Hoa Sen tọa lạc trên một khuôn viên rất rộng, kiến trúc theo phong cách cổ điển kết hợp với hiện đại. Phía trước có hồ sen, xung quanh có nhiều cây xanh, khung cảnh nhẹ nhàng, thanh thoát theo truyền thống văn hóa Việt. Xe vừa đến nơi, thì hai người lễ tân nam mặc áo dài kiểu xưa, màu đen, tiến đến mở cửa xe đón chào khách một cách trang trọng. Từ bên trong bước ra hai thiếu nữ mặc áo dài màu hồng phớt, cúi đầu chào mọi người rồi một cô nói: “Hân hạnh được đón tiếp quý khách.” Mọi người chào đáp lại. Điền đưa danh thiếp của mình cho cô gái. Cô gái cúi đầu chào Điền, rồi mời mọi người vào nhà hàng để dùng cơm tối. Điền nói là anh phải chờ một người bạn tên là Thanh. Cô gái nói bữa cơm này do chị Thanh đặt trước để chiêu đãi mọi người.

– Đón tiếp chu đáo quá hỉ? – Thức nói nhỏ với Điền.

Điền và Thức đi theo hai cô gái. Khuôn viên nhà hàng ở bên trái khách sạn. Hai bên lối đi trồng nhiều hoa và cây kiểng. Đằng xa, đã thấy trước cổng nhà hàng treo nhiều lồng đèn lấp lánh, dáng như hoa sen nở. Lại xuất hiện hai cô gái khác, áo dài thướt tha. Khi đến gần mọi người, một cô nói: “Chúc mừng các anh đã đến!” Điền và Thức chào cô gái, cô gái mĩm cười, rồi tự giới thiệu: “Em là Thanh, còn anh có phải là anh Điền không?” Điền nhận ra nụ cười của Thanh, cô ấy mặc chiếc áo dài bằng lụa có điểm hoa nhỏ, mái tóc thả ngang vai, gương mặt kiều diễm, nụ cười tươi tắn, trông cô trẻ và xinh hơn trong ảnh rất nhiều. Điền vừa lúng túng vừa xúc động.

– Phải, anh là Điền!- Điền nói. Thanh chìa tay ra, Điền bắt tay Thanh mà cứ tưởng là trong mơ.

– Anh chào Thanh, rất vui được gặp em. Anh xoay qua Thức, “đây là Thức, bạn anh ở Sài gòn.”

– Em chào anh! – Thanh bắt tay chào hỏi Thức, rồi giới thiệu cô gái đi cùng, tên Liễu. Cô gái tên Liễu mặc chiếc áo dài bằng lụa có họa tiết cánh sen đang nở rất trang nhã, Liễu cũng xinh đẹp không thua kém vì Thanh.

Bắt tay chào hỏi xong, Thanh đưa mọi người đến một cái “tum” bằng lá, bốn bề thông thoáng, hương sen thoang thoảng, đèn lồng lấp lánh, khung cảnh rất là ấm áp. Bàn tiệc được bày trên một cái bàn gỗ hình chữ nhật, giữa bàn có một chậu hoa sen trắng còn rất tươi, ghế ngồi có lưng tựa cũng bằng gỗ, cách bày trí tuy đơn sơ nhưng không kém phần trang nhã.

– Sao nhiều món ăn thế này? – Thức lên tiếng.

– Chưa nhiều đâu, Liễu nói, “đây chỉ mới có bảy món thôi.”

Vừa lúc đó, anh tài xế cũng đến, nói: “Cá thác lác cườm phải không?”

– Dạ phải, Thanh nói, “hôm nay em đãi các anh bảy món cá thác lác cườm, là đặc sản của quê em, ngoài ra các anh có thể gọi thêm món khác tùy theo khẩu vị.”

– Đây là món chi mà có hình hai con thiên nga đẹp quá vậy? – Điền nói, tay cầm máy quay.

– Dạ, đó là món thác lác tổ thiên nga, Liễu đáp và giới thiệu các món ăn trên bàn, “còn đây là món chả thác lác ngũ sắc.”

– Văn hóa ẩm thực của Hậu Giang nhiều màu sắc quá – Thức nói và lấy máy ra chụp các món ăn trên bàn tiệc. Điền và Thức cất máy, ngồi vào bàn. Liễu gắp vào chén anh tài xế một miếng cá, rồi nói: “Đây là món thác lác chiên sả ớt.” – Anh tài xế nhấm nháp miếng cá, rồi khen tấm tắc: “Ngon lắm, vừa mặn, vừa dòn… nhưng…” Anh tài xế nhăn mặt “nhưng mà cay quá!” Liễu cười, nói: “Món đó chưa cay lắm đâu, ăn thử món gỏi này thì sẽ cay đến tận mây xanh luôn,” vừa nói, Liễu vừa gắp thức ăn vào chén cho anh tài xế. Thanh cũng gắp cho Thức và Điền. Nhìn ba người đàn ông vừa ăn vừa hít hà, hai cô gái che miệng cười khúc khích. Hai cô gái vừa gắp thức ăn vừa giới thiệu nguyên liệu và cách chế biến từng món. Món nào cũng ngon. Cuối cùng là đến món cơm chiên giòn và lẫu chua.

Sau khi đã giới thiệu và mời mọi người thưởng thức một lượt hết các món ăn trên bàn. Liễu cầm chai rượu trong suốt, rót cho mỗi người một ly đầy, rồi nâng cao ly rượu bằng hai tay, cô trịnh trọng nói: “Các anh đã không quản ngại đường xá xa xôi đến thăm tụi em, tụi em thật sự cảm động, không biết nói chi hơn, em xin mời mọi người nâng ly lên,” mọi người làm theo Liễu, cô tiếp, “chúc mừng khách quý, chúc mừng tình bằng của chúng ta, xin mời!” Mọi người cùng chạm ly và uống cạn.

Anh tài xế cầm ly rượu đưa lên mũi ngửi, rồi chép miệng, “thơm quá, nhìn thì giống rượu đế, nhưng mùi thì không phải,” anh đặt ly rượu xuống, không uống.

– Đây là rượu bưởi Phú Hữu, đặc sản Hậu Giang, Thanh nói, “nồng độ rất thấp, vị thơm ngọt và chỉ hơi nồng, giúp tiêu hóa tốt và lưu thông máu huyết, anh đừng sợ.”

– Tối nay anh bạn không lái xe, Thức nói, “uống một ly sẽ không sao đâu.”

Anh lái xe uống cạn ly, miệng tấm tắc khen thơm và ngon quá, nhưng gương mặt của anh lập tức chuyển thành màu đỏ. Thấy mọi người hướng mắt vào mình rồi cười, anh hiểu ý và nói là dù anh uống chỉ một chút thôi, thì mặt anh chuyển sang màu đỏ ngay, nên anh ít khi uống rượu, phần vì nghề nghiệp cũng phải hạn chế.

– Mượn ly rượu này, Điền nâng ly rượu lên, “anh cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của hai em, xin mời!” Mọi người nâng ly và uống cạn.

“Cho anh thêm một ly nữa,” Thức nói, “tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu.”

Liễu rót cho Thức một ly đầy, hai người chạm ly nghe một tiếng “keng” giòn tan, uống xong làm động tác chúc ngược ly xuống, không còn một giọt rượu. Mọi người vỗ tay, không khí sôi động hẳn lên.

“Em sẽ tiếp anh một ngàn ly luôn” – Liễu nói.

“Thật không?” Thức hỏi.

“Thật mà!” Liễu cầm chai rượu lên, “bao nhiêu đây sẽ đủ cho em uống một ngàn ly với anh đó.”

Thức và Điền ngơ ngác nhìn Liễu. Thanh phì cười, nói: “Bạn của em tinh nghịch lắm, đó là cách nói mẹo, ngàn ly, là một ngàn mi-ly, tức là bằng một một lít đó, mấy anh hiểu chưa?”

Mọi người “Ồ ồ ồ…” lên thật lớn, thì ra là vậy. “Con gái Hậu Giang thông minh và hóm hỉnh thật.” – Điền nói. Anh lái xe chấp hai tay, nói: “Bái phục, bái phục!” Tất cả cùng cười một trận no nê.

“Anh chỉ nói có một câu mà đã bại trận với mấy em rồi,” Thức nói, “hôm nay mấy em đã cho bọn anh mở rộng tầm nhìn.”

Mọi người cười nói vui vẻ như đã quen nhau từ lâu lắm. Món tráng miệng là khóm Cầu Đúc, chua chua, ngọt ngọt, thấm tận đáy lòng. Bửa cơm đơn sơ nhưng mang nhiều ý nghĩa, vừa đậm đà hương vị đặc sản Hậu Giang, vừa đánh dấu tình bạn buổi sơ giao rất tốt đẹp.

Xong bữa tiệc, mọi người cùng đi dạo. Anh tài xế không quen uống rượu nên xin về nghỉ sớm. Thức và Liễu đi phía trước, hai người nói chuyện rất ăn ý. Điền và Thanh đi chầm chậm dọc theo bờ kè.

Lên cầu vượt qua kinh xáng, hai người đứng lại, ngắm nhìn dòng kinh dài tít tắp và thẳng băng. Điền thấy khâm phục sức lao động của con người đã làm nên một công trình kỳ vỹ. “Con kinh này rất xứng đáng làm quà tặng ngàn năm Thăng Long.” – Điền nói. “Dạ phải,” Thanh nói, “con kinh là niềm tự hào của người dân nơi đây, lúc về đêm thì mới thưởng thức được vẻ đẹp của nó một cách trọn vẹn.”

Dưới kinh dập dìu tàu, ghe xuôi ngược, đâu đó vọng lên câu hò:

“Hò ơ …. Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No
Anh có thương em thì mua một con đò
Để em qua lại. Hò ơ… để em qua lại thăm dò ý anh” (2)

Câu hò ngọt ngào sâu lắng như tình cảm của người dân miền sông nước. Điền thấy xao xuyến chạnh lòng “có lẽ mình cũng đang qua lại thăm dò ý của Thanh.” Anh thầm nghĩ và lén nhìn Thanh. Cô đang dõi mắt nhìn xa xăm, như đang thả hồn về vùng Cái Răng, Ba Láng…

“Sông Hàn về đêm có ánh đèn sặc sỡ như pháo hoa,” Điền nói, “còn chỗ ni thì lung linh huyền ảo như một lẵng hoa vậy.”

“Dạ, em cũng từng đến Đà Nẵng, từng ngắm Sông Hàn về đêm, mỗi nơi một vẻ đẹp.”

“Ở đây, một vẻ đẹp rất riêng của Hậu Giang, không lẫn vào đâu được, lần ni anh sẽ viết bài về một kinh xáng Xà No vừa kỳ vỹ, vừa huyền ảo, làm say đắm lòng người.”

“Anh là nhà văn à?” – Thanh hỏi Điền.

“Anh chỉ thỉnh thoảng viết báo thôi.”

“Và cũng thỉnh thoảng làm thơ phải không?”

“Phải, thỉnh thoảng cám cảnh thì làm thơ con cóc cho khuây khỏa.”

“Anh có thể ứng khẩu thành thơ ngay bây giờ được không?”

“Để anh thử xem nào, nhưng đừng cười anh nhé!”

“Không đâu!”

“Cho phép anh mượn ý của câu hò lúc nãy nhe:

Thương em anh muốn mua đò
Để em qua lại thăm dò ý anh

“Hai câu trên nghe dễ thương quá,” Thanh nói, “em không giỏi làm thơ, nhưng cũng xin góp thêm hai câu như vầy nè:

Sông sâu lắm chỗ loanh quanh
Đò qua mấy lượt thương anh mấy tình

“Hay quá!” Điền nói, “rất đúng với tính cách của người Miền Tây,” rồi cất giọng âm trầm:

Bờ kinh em đứng nghiêng mình
Mặn mà duyên dáng dễ nhìn dễ thương
Chiêm bao nay mới tận tường
Dung nhan một nét khiêm nhường đáng yêu.

Thanh khen thơ của Điền dó cảm xúc dạt dào, rồi cô hỏi Điền cô gái trong bài thơ là ai, Điền nói đó là người mà anh:

Bấy lâu ấp ủ trong lòng
Cùng ai soi bóng bên dòng kinh xanh
Mong sao cho giấc mộng thành
Cho đây với đó duyên lành kết xe.

Thanh nhoẻn miệng cười, rồi chỉ tay xuống dòng kinh, nói: “Có mấy cô gái đang chèo đò kìa, anh làm thơ nữa đi.” Điền không cần suy nghĩ, anh cất giọng trầm trầm:

Sông xa soi bóng con thuyền
Dáng hình cô lái diệu hiền lung linh
Thuyền ơi tôi chỉ một mình
Mong ai chở hộ chút tình vấn vương.

Thanh hỏi Điền, có phải cô gái trong thơ là người yêu của anh không? Phải, nhưng anh chỉ đơn phương yêu cô ta thôi, không biết cô ta có yêu anh không. Anh có nói rõ với cô ta chưa? Chưa! Tại sao? Vì anh sợ. Sợ gì? Sợ bị thất tình. Trời! Thanh bụm miệng cười. Anh có biệt tài kể chuyện vui thật đấy. Em không tin anh sao? Em cũng không biết. Có lẽ anh Thức và Liễu đã đi xa chúng ta rồi. Ừ! Thanh bước đi. Điền im lặng đi bên cô “không biết Thanh có hiểu ý của mìn không?”

Hai người tản bộ dọc theo đường Trần Hưng Đạo. Công viên bờ kè có nhiều cau đỏ, dừa kiểng, hoa ban, hoàng hậu, liễu đỏ, bằng lăng,… làm tăng thêm phong cảnh thơ mộng nơi đây. Dáng đi của Thanh có vẻ như chậm lại. Điền hỏi cô có mệt không? Thanh nói không mệt, cô chỉ hơi bị mỏi chân vì đôi giày gót cao. Hai người dừng lại trước những bức tượng điêu khắc nghệ thuật bằng đá trắng. Điền ngắm một lúc lâu, rồi ngồi xuống băng đá, bên cạnh Thanh.

“Ở đây không có hoa tigon.” – Thanh nói.

“Em thích hoa tigon à?” – Điền hỏi.

“Dạ phải, hay nói đúng hơn là em thích bài thơ Hai sắc hoa của nữ sỹ T.T.Kh. Còn anh?”

“Anh chẳng những thích mà còn thuộc nằm lòng nữa.”

“Anh đọc cho em nghe đi.”

Điền bắt đầu đọc:

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ đến với yêu đương

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng: “Hoa dáng như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi.

Đọc đến đây, Điền thấy Thanh có vẻ trầm tư, anh dừng lại. Bấy giờ anh mới để ý tà áo dài của Thanh có điểm hoa, gần giống như dáng hoa tigon vậy, cánh hoa nhỏ úp lại với nhau và xếp thành chùm nhỏ, màu hồng thắm. Thanh hỏi anh sao không đọc tiếp, hay là anh quên rồi? Anh nói, “ừ, anh quên,” nhưng thật ra anh thấy bài thơ buồn quá, nên không muốn đọc nữa. Thanh nói, để cô đọc tiếp anh:

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người.

Đọc đến đó, Thanh có vẻ muốn khóc thật, cô nói: “Em đọc rất nhiều lần, nhưng lần nào cũng không kiềm được nước mắt.”

“Tình cảm khó nói lắm em à, đôi khi con người không làm chủ được hoàn cảnh, nên đành cam chấp nhận số phận.”

“Yêu làm chi cho khổ vậy hả trời?”

“Đó là thời phong kiến với nhiều ràng buộc,” Điền nói, “thời đại bây giờ không như vậy nữa, mọi người có thể tự do lựa chọn đối tượng và có quyền quyết định hạnh phúc cho mình.”

“Thời đại bây giờ tuy có cởi mở hơn, nhưng cho dù ở thời đại nào, làm phụ nữ mà phải ép lòng sống với ông chồng mà mình không yêu, thì sự đau khổ đó không gì sánh được.”

“Không hẳn là vậy, bởi vì con người luôn cầu toàn nên luôn cảm thấy thiếu thốn và đau khổ, hạnh phúc không đòi hỏi phải đầy đủ, hạnh phúc là khi ai đó biết rằng mình ít đau khổ hơn người khác.”

“Cách nghĩ của anh nghe kỳ lạ quá!”

“Kỳ là phải,” Điền cười, “bởi vì đó là cách nghĩ của riêng anh mà.”

“Nhưng dù sao cũng đáng để em suy nghĩ,” Thanh cũng cười, “theo anh nếu ở vào thời đại bây giờ thì người thiếu phụ trong Hai sắc hoa sẽ như thế nào?”

“Ngay từ đầu cô ấy không nên ưng một người mà mình không yêu.”

“Nhưng theo bài thơ, cô ấy đã lỡ có chồng rồi mà vẫn không quên được người yêu cũ.”

“Như vậy thì chỉ có cách ly dị mới giải thoát được cho bản thân và cho chồng của cô ấy.”

“Nhưng nếu ly dị thì con cái sẽ làm sao?”

“Đây cũng là điều đáng quan tâm, nhưng trong bài thơ không nhắc đến con cái.”

“Chỉ là thí dụ thôi mà, nhưng nếu… chồng cô ta không chịu ly dị thì sao?”

“Luật pháp bây giờ đã thoáng, có thể đơn phương yêu cầu ly dị nếu chứng minh được hôn nhân không mang lại hạnh phúc cho hai người.”

“Anh có vẻ rành luật hôn nhân gia đình quá hén.”

“Thì cũng biết đại khái vậy thôi, khi đụng chuyện mới biết nhiều em ơi.”

“Tốt nhất đừng có mà đụng chạm đến nó.” Nói đến đây Thanh có vẻ buồn buồn.

“Tất nhiên rồi, nếu gia đình đang hạnh phúc thì đụng đến nó làm chi. Còn em, nếu em là cô gái trong Hai sắc hoa, em sẽ như thế nào?”

“Em…” Thanh hơi ngập ngừng, “em cũng không biết, nhưng cho dù không được sống cùng người mình yêu, thì em cũng không chấp nhận sống với người mà mình không yêu.”

“Nhưng nếu hoàn cảnh bắt buộc.”

“Cho dù ở hoàn cảnh nào thì cũng có cách giải quyết,” Thanh trở nên sôi nổi hẳn lên, “con người nói chung, sẽ rất đau khổ nếu không được sống bên người mình yêu, nhưng nổi đau đó có thể nguôi ngoai theo thời gian. Còn đối với người phụ nữ mà nói, nếu phải sống bên người mình không yêu thì lại càng đau khổ hơn là không được sống với người mình yêu, sống như vậy có khác nào đã chết, sự sống trong một thể xác và sự chết trong một tâm hồn – hai cái tồn tại trong một sinh linh yếu đuối của một phụ nữ – là sống trong sự dày dò đau khổ hơn là chết. Cho nên nếu đặt em vào hoàn cảnh đó, thì em sẽ tìm cách quên người yêu cũ để an phận làm một người vợ, nếu như không quên được người yêu cũ thì phải chọn cách ra đi, chứ em không chấp nhận sống với người mà mình không có tình yêu, sống như vậy là tự lừa dối mình và dối người.”

“Anh cũng nghĩ như vậy, nhưng người phụ nữ thời ấy rất đáng thương, tư tưởng phong kiến trói buộc họ, làm cho họ không thể tự quyết định cuộc đời mình.” – Trong lòng Điền cảm thấy buồn buồn, với tính cách mạnh mẽ của Thanh, thì cô ấy khó mà chấp nhận tình cảm của anh.

“Em không mang theo điện thoại, anh gọi cho anh Thức để xem hai người họ đang ở đâu?” Thanh nói rồi đứng lên.

Điền gọi cho Thức nhưng không có tín hiệu, anh đi sau Thanh. Dáng của Thanh không cao lắm, bước đi nhẹ nhàng uyển chuyển, vai tròn, eo nhỏ, tà áo dài đung đưa theo nhịp bước, như những nhánh hoa tigon đang rung rinh trước gió, trông đẹp làm sao, trông đáng yêu làm sao. Hoa tigon là một loài hoa có màu hồng tươi thắm, nhưng ở trong bài thơ Hai sắc hoa của T.T.Kh lại trở thành một màu hoa buồn ảm đạm vậy. Với Điền, hoa tigon là biểu tượng của trái tim yêu, trái tim của Điền đang yêu, và “những trái tim đang rung rinh kia,” có lẽ cũng muốn san sẻ tình yêu cùng với Điền. Điền muốn đuổi kịp Thanh để nói “anh yêu em,” nhưng Điền vẫn lặng lẽ bước theo sau. Thanh quay lại cười với Điền, nụ cười đó khiến anh không thể dằn lòng được, anh thốt lên:

Ti gon đỏ thắm tình yêu
Trái tim anh nói bao điều cùng em.

Thanh có một thoáng ngỡ ngàng, rồi mỉm cười tinh nghịch:

Ti gon hoa nở thật nhiều
Bao lần đã có dáng Kiều để yêu?

Thanh lại đi tiếp, Điền kịp nhận ra đôi má của Thanh phảng phất một màu hồng.

Tình yêu không đếm bao nhiêu
Lần ni anh quyết đánh liều một phen

“Ôi, em sợ quá!” – Thanh cười và bước đi thật nhanh, như muốn chạy trốn Điền, anh cũng bước theo cô. Nhưng Thanh lại đi nhanh hơn nữa, bỏ lại Điền phía sau. Điền cố bắt kịp Thanh thì cô lại vượt lên trên, cứ thế, họ về đến khách sạn Hoa Sen.

Thanh không nghe tiếng chân đuổi theo, cô quay ra sau thấy Điền đang khom lưng, hai tay ôm lấy bụng. Thanh hỏi anh bị làm sao. Điền nói: “Có lẽ rượu bưỡi và cá thác lác không hòa thuận trong bụng của anh, nó làm anh đau quặn từng cơn.” – Thanh kêu lên: “Trời đất, anh bị đau bụng rồi, vậy mà còn nói đùa cho được, để em dìu anh đi.” – Điền xua tay, nói: “Không sao đâu, bao tử của anh thỉnh thoảng cũng như thế, một lúc là hết, em về nhà kẻo muộn, mai gặp lại.” – Thanh nhìn Điền, vẻ ái ngại, nói: “Em không thể thấy anh không khỏe mà bỏ về được, em sẽ giao anh lại cho anh Thức rồi em mới yên tâm mà về.”

Đến khu nhà nghỉ, Thanh dừng lại trước một gian nhà nhỏ. Điền quan sát, nhà nghỉ ở đây không giống các khách sạn cao tầng, phòng nghỉ là một gian nhà nhỏ biệt lập không liền kề, mái ngói, cửa gỗ, cây kiểng, lồng đèn, rất yên tịnh và nên thơ. Điền rất thú vị trước một ngôi nhà xinh xắn như vậy, chẳng những anh không còn đau bụng nữa, mà lại càng phấn chấn hơn. Có lẽ Thanh không biết, nên ánh mắt của cô vẫn còn lo lắng khi nhìn anh.

“Anh vào trong nghỉ đi nhé!” – Thanh vừa mở cửa vừa nép sang một bên để nhường cho Điền bước vào. Điền vẫn đứng yên, mắt cứ nhìn đăm đắm vào Thanh.

“Anh muốn ở đây chờ Thức về,” miệng nói vậy, nhưng lòng Điền không muốn chia tay với Thanh.

“Hai người ấy có gì vui mà giờ này chưa thấy về?” – Thanh nói và thêm một nụ cười bí ẩn trên môi. Điền có thể hiểu như thế nào hỉ? Thức là mẫu đàn ông nho nhã, có khiếu nói chuyện xã giao, nhưng không thích dây dưa, chỉ khi gặp người “ăn ý” thì mới “xả” hết tấm lòng. Có lẽ Thức đã “ăn ý” với Liễu mất rồi.

“Em giỏi quá, giới thiệu cho Thức một người rất hợp.”

“Nếu đúng như anh nói thì cũng là duyên trời đưa đến, không liên can tới em.”

Thanh trộm nhìn Điền. Trái lại với Thức. Điền có bề ngoài rất phong sương, da rám nắng, tóc đen, trán rộng, mũi to, môi dày, mặt vuông…nói chung là không có gì đặc biệt. Nhưng ánh mắt của Điền như đại dương bao la, đã hai lần cô né tránh cái nhìn ấy tại cầu dẫn và trong công viên. Giọng nói của Điền trầm và ấm cho người ta cảm giác ngọt ngào. Có lẽ duyên trời cũng đã sắp xếp cho cô gặp Điền, nhưng cô không muốn vướng vào chuyện tình cảm. Liễu có quyền kết bạn, có thể “ăn ý” với Thức, vì từ lúc chồng của Liễu chết vì tai nạn, đến nay Liễu vẫn chưa lập gia đình. Còn cô, một người phụ nữ đã có chồng thì không thể “ăn ý” với Điền, hay với bất cứ người đàn ông nào khác. Cô không muốn mình rơi và cảnh ngộ éo le như người thiếu phụ trong “Hai sắc hoa”.

“Chừ cũng muộn, em nên về trước đi” – Tiếng của Điền cắt đứt dòng suy nghĩ của Thanh. “Hay là anh gọi cho anh Thức để biết chừng nào họ về.” Thanh nói. Điền bấm điện thoại. “Thôi khỏi anh,” – Thanh muốn ngăn Điền, nhưng vô tình chạm vào tay anh, “đừng làm phiền họ.”

“Sao tay em run quá vậy?” – Điền hỏi.

“Em…không biết!” – Mặt của Thanh đỏ bừng, tay này nắm tay kia, bối rối.
Điền đứng gần Thanh, nắm tay cô, nhìn thẳng vào mắt cô, “em đừng sợ, anh không làm em khó xử đâu.”

“Câu đó là em nói với anh mới phải,” Thanh rụt tay về, “vì anh đang ở trên lãnh địa của em mà.”

“Nhưng dù ở đâu anh cũng sẽ làm người che chở cho em, em hiểu không?” – Điền nói.

“Em…” – Thanh không tìm được từ nào để nói trong lúc này, đầu óc của cô như bị ai cướp đi mất, một lúc sau cô mới lên tiếng, “để em mở đèn cho anh.”

Thanh tra chìa khóa vào ổ cắm, cô luống cuống thế nào, chìa khóa lại rơi xuống đất. Cô cúi xuống, đúng lúc đó Điền cũng cúi xuống. Một lần nữa, hai bàn tay vô tình chạm vào nhau. Lần này nhanh hơn, mạnh hơn. Thanh rụt tay và đứng lên. Điền tra được chìa khóa vào ổ cắm, đèn bật lên, trong ánh sáng dịu dàng anh thấy có một chiếc giường, hai cái gối, một bàn gỗ, một bình sen tươi…

“Bụng của anh…” – Thanh ấp úng.

Điền đưa tay sờ bụng mình, “em thấy bụng anh làm sao?”

Thanh nói rất nhỏ, “em định hỏi bụng anh hết đau chưa?” Cô thẹn thùng.

Mỗi lần Thanh cười là Điền khó khăn lắm mới làm chủ được cảm xúc của mình. Nụ cười của Thanh như một thỏi nam châm hút anh lại gần cô. Hàm răng trắng đều, cặp môi đầy đặn. Khi hai môi hé mở giống như một đóa hoa đang nở rộ. Đóa hoa tỏa ra một hương làm trái tim Điền ngây ngất.

“Vẫn còn đau âm ỉ em ơi.” – Điền đã hết đau từ lâu, nhưng anh rất muốn nhìn vẻ mặt lo lắng của Thanh, trông đáng yêu làm sao.

“Lạ thật,” Thanh nói, “rượu bưỡi rất tốt cho bao tử, nhưng sao anh lại…”

“Anh là người đặc biệt mà.” – Điền cố giữ tự nhiên không làm cho Thanh phát hiện.

“Có lẽ anh bị chói nước,” cô thấy mặt Điền đang đỏ bừng lại càng lo hơn, “anh có bị sốt không?” – Cô đưa tay sờ lên trán Điền. Cô bắt gặp tia nhìn của Điền, tia nhìn ấy có luồng điện mạnh quá, nồng nàn quá, cô hơi choáng.

Điền nắm lấy tay Thanh áp lên ngực trái của mình, “Thanh à, em đã ở trong tim của anh từ lâu rồi.”

Tay cô trở nên nhỏ bé trong bàn tay to và ấm của Điền. Cô cũng nghe được tiếng “thình thịch” bên trong lồng ngực của Điền. Và dường như, tim của cô cũng đang phập phồng. Thanh ngọ ngoạy đôi tay, nửa muốn vùng ra, nửa muốn để yên. Điền giữ chặt tay cô. Anh từ từ cúi xuống. Mắt Thanh từ từ khép lại, môi từ từ hé mở.

Điền đặt nụ hôn đầu tiên lên đôi môi đang e ấp, một cách nhẹ nhàng, tỷ mỹ, ngọt ngào, như vậy rất lâu, rất lâu, anh sợ khi anh dịch chuyển sẽ làm nàng bỏ đi, hoặc nàng sẽ biến mất. Thanh hầu như bất động, không có sức phản kháng.

Tay của anh đở bờ vai nàng, bờ vai nhỏ, tròn trịa. Anh vuốt ve lưng nàng, tấm lưng thon thả, mềm mại. Eo nàng nhỏ nhắn, thỉnh thoảng run lên nhè nhẹ. Tấm thân to và khỏe của anh áp sát tấm thân thanh mảnh của nàng. Miệng anh vẫn ôm ấp miệng của nàng.

Sự đụng chạm vào cơ thể mềm mại và ấm áp của Thanh làm anh chếch choáng “không biết anh say nàng hay say rượu bưởi?” Đầu óc của anh chơi vơi không ranh giới. Một sự kích động rất kỳ diệu mà anh chưa từng có với bất cứ người đàn bà nào khác đã đi qua cuộc đời anh. Không có ngôn từ nào diễn tả được.

Cơ thể anh sắp nổ tung, nếu đây không phải là lần đầu tiên của anh, thì anh cũng không nhớ là mình đã từng có hay chưa, sự rung động trong tận cùng sâu thẳm, niềm cảm hứng từ chân tơ kẽ tóc.

Thanh khó mà tin được là mình đang bị bao bọc bởi đôi tay rắn chắc của một người đàn ông ở phương xa mới gặp lần đầu “không được làm thế!” Điền nhận ra Thanh đang muốn đẩy anh ra, “có lẽ mình siết nàng chặt quá,” anh nới lỏng vòng tay. Đầu óc của Thanh quay cuồng, hơi thở của Điền bao trùm khắp thân thể cô, “người đàn ông này có phải là do ông trời đã mang đến cho ta.” Thanh cố xoay người, Điền giữ cho lưng của nàng quay vào mình “xin đừng rời anh.” Điền vén mái tóc nàng qua một bên, môi anh lướt lên cổ nàng, dưới lớp vải mỏng, bộ ngực của nàng đang thổn thức. Từng cái, từng cái một, hàng nút áo của nàng được mở ra. Khi đôi tay của anh cảm giác được làn da của nàng cũng là lúc nàng giữ chặt cánh tay của anh. Nàng dùng sức, cố mở rộng cánh tay của anh ra, anh di chuyển ra phía trước nàng, bộ ngực của nàng lồ lộ trước mắt anh, còn làm thế nào được nửa, anh đặt môi của mình lên đó, mặc cho nàng cố đẩy anh ra, “đừng bỏ anh,” hơi nóng của anh ngấm vào da nàng, cơ thể của nàng như đang bị sốt, tim nàng đập loạn xạ.

Cả đời của Điền, từng làm “việc ấy” theo bản năng, mỗi khi nhục dục trổi dậy. Chưa bao giờ trong người anh lại có mạch lửa ngầm đang ngùn ngụt muốn bùng lên như lúc này, và anh chỉ có thể bế bồng nàng lên và nhẹ nhàng đặt tấm thân ngọc ngà của nàng trên giường. Cơ thể rắn rỏi của anh nằm cạnh nàng. “Em có biết là anh yêu em nhiều lắm không?” Anh nhìn nàng. Tình yêu của anh đang dâng lên, mạnh đến nổi không có gì ngăn cản anh trong lúc này. Khi da thịt của anh chạm vào da thịt của nàng, cũng là lúc cơ thể của anh âu yếm cơ thể nàng.

Cơ thể của Thanh dường như có ngàn tia điện đang chạy rần rần. Cô bấn loạn, tâm trí hoang mang. Cô không còn bình tĩnh để mà lý luận đúng hay sai. Cô không thể phân biệt được ranh giới của lý trí và bản năng. Bởi gì giờ đây, cô không thể cưỡng lại ngọn lửa đang hừng hực trong lòng mình. Cái vỏ bọc tôn nghiêm của một người đàn bà khao khát tình yêu đã bị lột trần. Cô khép mi lại, cảm nhận tình yêu đang mơn trớn cơ thể mình, người cô chỗ nào cũng râm ran, ngực cô căng lên và tự nó muốn áp sát vào ngực của anh. Người đàn ông này khiến cô mất hết lý trí. Cô không thể kiểm soát được bản thân mình được nữa, cô ghì chặt lấy anh một cách không biết xấu hổ là gì, hai mắt cô mở ra bắt gặp ánh nhìn nồng nàn của anh, ánh nhìn đó như ngàn tia điện xoáy mạnh vào trái tim cô, đến nổi làm cô ngây ngất, cô sẵn sàng cùng anh hòa nhịp.

Thời khắc hai tâm hồn cùng gặp nhau trên đỉnh cao tình yêu. Hai cơ thể trộn lẫn vào nhau rồi bay bổng lên không trung. Đất trời như đảo lộn. Thánh thần ơi! Không có gì ngọt ngào và hạnh phúc hơn thế nữa. Trong đời đã yêu – không phải lần đầu – nhưng đây là lần đầu tiên – Điền mới thật sự biết yêu là gì. Yêu từ tâm hồn đến thể xác. Yêu trong cảm xúc thiêng liêng. Yêu trong sự hiến dâng trọn vẹn. Yêu trong sự mãn nguyện tột cùng. Giây phút này là thời khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời của anh, nó ăn sâu trong tìềm thức, nó ngự trị trong trái tim, và nó sẽ ở đó mãi mãi. Anh lâng lâng trong một thế giới huyền ảo.

Điền và Thanh đang đứng trước ngọn núi rất cao, những đám mây trắng lượn lờ bao quanh ngọn núi, như vòng tay của người đàn ông ôm ấp người yêu. Điền thốt lên: “Đẹp quá Thanh ơi, như chốn thiên đường vậy, ước gì em và anh được lên trên đó, mãi mãi sống bên nhau.” Điền vòng tay ôm lấy thân hình nhỏ nhắn của Thanh, cô nép vào anh thỏ thẻ, “làm cách nào để lên trên đó hả anh?”

“Cách là trong lòng của ngươi đó”- Tiếng nói từ đâu vọng đến, hai người nhìn quanh, không mọt bóng người. Điền gọi to: “Có phải là tiếng nói của thần tiên ở trên núi hay không? Xin ngài hãy cho chúng con được toại nguyện.” Tiếng nói lại vang lên: “Tại sao các ngươi lại muốn đến ngọn núi kia, chẳng phải các ngươi cũng đang ở trên một ngọn núi hay sao?”

Điền nhìn xuống chân mình, rồi kêu lên: “Ôi, diệu kỳ thay, Thanh ơi, thì ra nơi chúng ta đang đứng là một ngọn núi rất đẹp, em nhìn kìa, cỏ xanh mượt như đang trải thảm.” Thanh nhìn xung quanh, rất nhiều loại hoa với nhiều màu sắc rực rở, nhiều loại chim quý, đang cùng nhau hòa tấu khúc nhạc vui tươi như đón chào hai người, cô reo lên: “Có phải nơi đây là thiên đường không anh?”

Điền nắm chặt tay Thanh, nhìn sâu vào mắt nàng, chan chứa tình yêu thương thuần khiết, nàng nép vào anh, trong lòng tràn đầy hạnh phúc. Hai người lặng lẽ bên nhau, cảm thấy trên đời này không còn gì hạnh phúc hơn thế nữa, thế giới này chỉ có hai người, nguyện đời đời kiếp kiếp ở bên nhau.

“Giờ thì các ngươi đã hiểu rồi chứ, ngọn núi kia là một ảo ảnh, nó xuất hiện trong suy nghĩ của các ngươi mà thôi, có người cứ mãi đi tìm trong ảo ảnh, để rồi cả đời không biết hạnh phúc là gì. Hạnh phúc không phải là cái mà các ngươi đang nhìn thấy bằng mắt thường, hạnh phúc chính là cái mà các ngươi cảm nhận được bằng con tim, thời khắc các ngươi trao cho nhau tình yêu thật sự, chính là lúc các ngươi cảm nhận được hạnh phúc của cuộc đời. Hãy nhớ, trên đời này không có gì tồn tại mãi mãi, chỉ có cảm nhận trong lòng các ngươi mới tồn tại mãi mãi mà thôi,”

“Anh Điền ơi, anh Điền!”

Tiếng kêu làm Điền bừng tỉnh, anh ngơ ngác và hụt hẩng khi không có Thanh bên cạnh “Thanh đâu rồi?” Tiếng gõ cửa dồn dập, tiếng gọi lại vang lên “Anh Điền ơi!” Điền định thần một lúc, cố gắng trả lời “nghe rồi…” Anh đứng lên, cơ thể anh trần trụi “là mơ hay là thật đây?” Đầu óc anh cứng đờ, nhất thời không xác định được cái gì rõ ràng. Anh nhặt quần áo của mình từ dưới sàn nhà, “mùi của nàng vẫn còn đây,” anh nhìn quanh, cố nhớ lại những gì đã xảy ra…

Cánh cửa bật mở, Liễu và Thức bước vào.

“Cửa không khóa, tụi em lo cho anh.” – Liễu nói.

“Anh đâu có làm sao,” Điền mất ý thức về thời gian, “đã sáng rồi sao?”

“Trời đất, chưa ngủ mà sáng nổi gì,” Liễu phì cười, “chỉ mới hơn mười một giờ thôi mà.”

“Hai người về muộn thế?” – Điền nói.

“Chúng tôi tình cờ gặp vài người bạn của Liễu, sau đó cùng nhau đi hát karaoke,” Thức nói, “máy hết pin rồi nên không liên lạc được, như thế hóa ra lại hay.”

“Hay cái chi, Thanh bảo tôi gọi cho ông mấy lần mà không được,” Điền nói mà không có chủ đích rõ ràng.

“Hay ở chỗ là hai người có không gian để trò chuyện,” – Thức nói. Điền im lặng, anh không có ngôn từ để thốt thành lời. “Không gian của mình có Thanh, nhưng sao lại không có Thanh? ”

“Chị Thanh về rồi hả anh?” – Liễu hỏi Điền.

“Ừ! Thanh chờ hai người lâu lắm, anh bảo cô ấy về trước rồi.” – Điền không chắc là Thanh đã về từ lúc nào, nên chỉ nói cho qua chuyện.

“Không ai như anh, có cơ hội mà không nắm bắt, lại bảo cô ta về.” – Thức nói.

“Thanh mệt, nên…” – Điền lơ mơ đoán là Thanh ra về lúc anh ngủ say.

“Phải đó, chị Thanh không khỏe bằng em đâu, chị ấy về trước là phải,” Liễu nói, “hai anh nghỉ ngơi cho khỏe đi, sáng mai em sẽ đến làm hướng dẫn cho hai anh đi tham quan.”

“Anh đồng ý,” Thức nói, “để anh tiễn em về.”

“Dạ!” – Liễu nói chuyện với Thức rất nhỏ nhẹ, cô chúc Điền ngủ ngon rồi sánh vai cùng Thức.

Điền thừ người. Có một sợi tóc còn vương trên gối, “tóc của nàng đây mà?” Anh ôm gối vào lòng, “hơi ấm của nàng còn đây mà?” Anh như thấy đôi mắt của nàng từ từ khép lại, môi nàng từ từ hé mở, “mình đã hôn nàng, đã ôm nàng trong vòng tay, đã cùng nàng yêu thương, và đã cùng nàng đến thiên đường hạnh phúc.” Phải chăng tất cả chỉ là một giấc mơ?

Sáng hôm sau, chỉ một mình Liễu đến, không có Thanh. Điền hỏi Liễu sao Thanh không đến. Liễu nói Thanh đã đi Bạc Liêu hồi sáng sớm để giải quyết công việc gấp. Thanh dặn dò Liễu phải đón tiếp hai anh một cách chu đáo, và nhắc anh Điền uống nước trà gừng để trị bệnh chói nước. “Nàng vẫn quan tâm đến bệnh bao tử của mình sao?”

Liễu đưa mọi người đi chơi vườn khóm ở Cầu Đúc và vườn bưỡi ở Phú Hữu. Chủ nhà vườn là người quen biết với Liễu, nên mọi người được tặng một cần xé khóm và một cần xé bưỡi vừa mới hái. Chưa hết, còn ba chai rượu bưởi nữa.

“Có phải rượu bưởi sẽ làm cho người ta không phân biệt giữa mơ và thật không?” Điền nói một câu bâng quơ. Không ai chú ý đến lời của Điền, họ nghĩ rằng anh thích nói đùa.

“Tại sao nàng có thể coi như không có chuyện gì xảy ra, để mình chấp chới trong biển tình thế này?” Điền miên man với nhiều câu hỏi trong đầu.

“Sao Thanh không liên lạc chi với mấy anh?” – Điền lại hỏi.

“Chị ấy sẽ không gọi điện thoại cho ai đến khi làm việc xong,” Liễu nói, “em thay mặt chị ấy cảm ơn mọi người đã đến thăm và hy vọng lại được đón tiếp mấy anh trong thời gian tới.”

“Anh cảm ơn em và Thanh đã đón tiếp anh như bạn bè thân thiết, anh sẽ không quên những kỷ niệm trải qua ở đây, nhất định anh sẽ trở lại thăm mấy em, giờ thì xin tạm biệt nhé!” – Điền bắt tay Liễu rồi bước lên xe, lòng nặng trĩu. Thức vẫn còn bịn rịn và nói chuyện với Liễu.

“Liễu ở lại giữ gìn sức khỏe và nhớ giữ liên lạc với anh nhé.” – Thức nắm tay Liễu, không muốn buông ra.

“Dạ, anh về mạnh giỏi.” – Liễu nhỏ nhẹ và nhìn Thức lưu luyến.

“Liễu này, anh hỏi thật em nhé.”

“Anh hỏi đi.”

“Có thật là cô Thanh không đến vì có công việc không?”

“Thật mà,” Liễu trố mắt nhìn Thức, “sao anh hỏi vậy?”

“Vì anh thấy anh Điền có vẻ buồn, nên hỏi vậy thôi.”

“Em biết, nhưng…” – Liễu ngập ngừng.

“Nhưng sao em?”

“Chị Thanh không đến là có công việc thật, điều em muốn nói là một chuyện riêng, không biết có nên nói hay không?”

“Đừng ngại, em nói đi!”

“Ông xã của chị Thanh là người hào hoa, nhưng có tính hay ghen, chị Thanh là người nghiêm túc nhưng vẫn bị ông xã nghi kỵ này nọ, nên chị ấy luôn giữ chừng mực trong giao tiếp.”

“Có thể vì vậy mà cô Thanh đã hạn chế tiếp xúc với anh Điền.”

“Cũng chưa hẳn là như vậy, anh Điền có là người đã có vợ, cho dù chị Thanh có mến anh ấy cũng phải giữ gìn ý tứ. Còn ông xã chị ấy lén lút sống với một cô gái ở Bạc Liêu, chị Thanh biết và muốn ly dị nhưng ông xã chị ấy không chịu, chị ấy là người có chồng mà lại sống cô đơn.”

“Có chuyện này nữa sao? Ai biết được bề ngoài một cô gái xinh đẹp, hoạt bát, vui vẻ như Thanh lại có một hoàn cảnh trớ trêu như vậy?”

“Phải, nhìn bề ngoài vậy chớ, chị ấy khổ tâm lắm.”

“Nếu sống không hạnh phúc thì có thể xin ly dị, luật hôn nhân gia đình bây giờ cũng đã thay đổi, hơn nữa ông xã của Thanh là người có lỗi trước.”

“Anh nói phải, chị Thanh cũng đã có dự tính, sau khi con gái chị ấy đi du học, chị sẽ giải quyết chuyện gia đình,” Liễu lấy ngón tay để lên miệng, nói rất khẻ, “anh đừng nói với chị Thanh là em đã nói với anh chuyện này nhé.”

“Anh hiểu. Gửi lời anh chào tạm biệt Thanh nhé.”

Xe lăn bánh, Thức ngoái đầu nhìn lại vẫn thấy Liễu nhìn theo. Điền bấm máy gọi cho Thanh nhưng không có tín hiệu. Đầu óc của anh mù mịt. Phải chăng đêm qua mình đã mơ. Không! Cảm giác là thật. Tại sao nàng bỏ mặc ta trong lúc ta cảm nhận được hạnh phúc thật sự của cuộc đời mình? Nàng nghĩ gì vậy? Có phải nàng trốn tránh ta? Điền cảm thấy sợ hãi khi nghĩ mình sẽ phải mất nàng vĩnh viễn. “Thanh ơi, anh yêu em mất rồi.”

Thức biết Điền rất buồn, anh lưỡng lự là có nên nói với Điền về “bí mật’ của Thanh không?

“Anh Điền này,” Thức nói, “tối qua hai người nói chuyện với nhau nhiều không?”

“Cũng nhiều, nhưng sau đó tôi bị đau bụng, nên về nghỉ sớm.”

“Anh thấy cô Thanh là người như thế nào?”

“Đẹp nhưng giản dị, thông minh nhưng không kênh kiệu, thân thiện nhưng nghiêm túc.”

“Đúng, đó là bề ngoài, còn bên trong?” Thức cố thăm dò Điền, xem Điền có biết gì về Thanh không.

“Đừng suy nghĩ méo mó nhe!”

“Anh hiểu nhầm ý của tôi rồi, tôi muốn hỏi anh là cô Thanh có tâm sự gì với anh không?”

“Tâm sự à?” – Điền có vẻ ngạc nhiên, “vì sao ông hỏi như vậy?”

“Liễu nói với tôi là…”

“Chờ chút,” – Điền nói, “để tôi đọc tin nhắn của Thanh.” – Ngay lập tức Điền dán mắt vào điện thoại.

“Em xin lỗi vì đã không đến tiễn anh. Tối qua anh ngủ có ngon không? Bụng anh còn đau không? Đi tham quan vườn trái cây có vui không? Liễu có chu đáo với mấy anh không? Hãy chú ý đến bao tử của anh nhé. Em rất xúc động, vì anh đã đến, đã cùng em đi dạo trên bờ kinh Xà No, đã làm thơ tặng em…Tất cả như một giấc mơ, anh đến rồi anh lại đi, chỉ có kỷ niệm là còn mãi.. Sau này nếu có duyên sẽ gặp lại nhau, mong anh giữ gìn sức khỏe.”

Điền đọc đi đọc lại tin nhắn của Thanh. Nàng hỏi anh rất nhiều, quan tâm anh mọi thứ, nhưng lại không đề cập đến “chuyện ấy.” Anh miên man suy nghĩ “Em muốn nói gì với anh, hả Thanh?”

H.V

Chú thích:

(1)Một đoạn trong bài: Ninh Kiều em gái Cần Thơ của Nhạc sỹ Lâm Hoàng
(2) Lời bài hát: Bên dòng Xà No của Nhạc sĩ Lê Nghiệp