Không tặc – Truyện ngắn Vũ Tuấn Hoàng

899

(Vanchuongphuongnam.vn) – Khi chiếc máy bay vừa lách ra khỏi một đám mây lớn và lọt vào không phận đảo quốc, thì bất ngờ hai chiếc dù xanh bung ra trên bầu trời đầy sao và cả vành trăng lưỡi liềm treo chênh chếch…

Ảnh minh họa – Nguồn internet

1

Nhìn vẻ mặt không vui của tôi khi bước ra cửa khu nhà dưỡng lão Vũng Tàu, chị Dung có vẻ áy náy, định đóng cửa lại, nhưng không hiểu sao lại bước ra thềm nhà và nói giọng phân bua như có lỗi:

–  Hình như… anh không hài lòng với cả một ngày trời làm việc ở chỗ chúng tôi?

–  Đâu có – Tôi vội cố nhoẻn cười – Nhiều tư liệu… nhưng tôi vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu…

Hai chúng tôi thong thả đi bộ trên con đường rải sỏi trắng dẫn ra cổng.

Đúng lúc đấy, chị hộ lý đang đẩy một cụ già trên chiếc xe lăn đi ngược lại. Khi đi ngang, cụ đưa tay lên chào chị giám đốc theo kiểu quân sự và cười rất tươi. Chòm râu trắng như cước khiến khuôn mặt cụ có nét gì đó hiền triết và thánh thiện.

Chị Dung bắt tay cụ, hỏi thăm sức khỏe vì cụ mới qua một ca mổ tim. Lúc cụ đi khỏi, chị còn nhìn theo với ánh mắt trìu mến và có gì đấy xót xa

–  Một phi công anh hùng… nhưng cô độc, không một ai thân thích… chỉ làm bạn với sách báo… à, hay anh thử hỏi chuyện cụ xem, có gì hay không? Cụ đã từng cứu một chiếc máy bay với cả trăm hành khách khỏi bọn không tặc định vượt biên…

– Thật thế à? Tôi hỏi giật giọng – Thế mà chị không nói ngay từ đầu…

*

– Anh có thể không tin điều tôi vừa kể ra, nhưng đó là sự thật! Một sự thật mà lão khọm già chín mươi tư tuổi này đã giấu kín trong tận đáy lòng suốt cả đời mình. Mà tôi cần phải che giấu làm gì nữa khi mà cái xác phàm này tồn  tại chỉ được tính bằng ngày, thậm chí bằng giờ – Ông già dừng lại một chút, chống tay lên thành chiếc xe lăn và đưa mắt nhìn xa xăm ra mặt biển Vũng Tàu lặng sóng đang chìm dần vào hoàng hôn.

Phía bên kia đường, từ ngôi chùa Phật Bà Quan Âm bỗng vang tới những tiếng chuông chậm rãi, văng vẳng, hòa vào tiếng sóng biển lao xao vỗ vào bờ kè đá. Thủy triều đang dâng lên.

– Thôi, bác cháu mình về thôi! Cô trực ban lại lo lắng và cho người đi tìm – Tôi nói và bật đứng dậy khỏi chiếc ghế đá vẫn còn nóng ấm, cảm thấy lưng áo nhớp mồ hôi. Ấn tượng của câu chuyện khiến tôi mãi một lúc sau mới thốt ra được mấy câu cảm ơn lạc lõng.

– Cháu sẽ thay đổi tên họ khi viết bài…

– Thì bây giờ có còn ai nhớ đến tôi đâu… Tội của tôi là sống quá lâu… sống chết bây giờ cũng chả có ý nghĩa gì mấy… tôi đã phải trả giá đắt cho hành động của mình. Tôi lẩn trốn được mắt người nhưng không lọt qua được mắt… – Ông chỉ tay qua phía bên kia đường – Phật Bà Quan Âm! Cậu là người duy nhất mà tôi thổ lộ sự thật của vụ không tặc. Báo chí hồi đó không hề có một dòng về vụ việc này.

– Tại sao lại là cháu ạ?

– Bởi vì ngày hôm nay… có thể là ngày cuối cùng của tôi…

2.

Cơ trưởng Minh xoay chiếc micro về phía mình và cất giọng trầm trầm:

– Kính thưa quí hành khách, hiện chúng ta đang bay qua đèo Hải Vân, quí khách nào ngồi ở cửa số bên  phải có thể quan sát được dãy Trường Sơn hùng vĩ, còn từ cửa sổ bên trái là mặt biển xanh thẳm của tổ quốc chúng ta – Nói đến đây, Minh dừng lại và thận trọng xoay chiếc micro về phía chiếc máy ghi âm và bật công tắc. Một giai điệu quan họ mượt mà lại vang lên trong khoang của hành khách.

Nhưng cũng chính lúc đó, chiếc đèn hiệu màu đỏ trên bảng điều khiển ngay trước mặt nhấp nháy liên tục. Cơ trưởng cúi xuống và bấm nút

– Tôi nghe đây!

– Thưa cơ trưởng, em Bích Phượng đây! Nguy to rồi anh ơi!

– Chuyện gì thế?

– Một hành khách đã giam cô Hồng và chính mình vào trong nhà vệ sinh ở cuối máy bay – Tiếp viên Phượng hấp tấp thông báo – Thưa cơ trưởng!…

– Lại định làm trò đồi bại trên không hả?

– Dạ, không phải! Hắn định cướp máy bay! – Giọng Phượng mặc dù đã cố ghìm lại nhưng vẫn vang lên một cách thảng thốt trong cabin lái. Anh phi công phụ mặt tái nhợt đi và định đứng dậy khỏi ghế. Một cử chỉ dứt khoát và ánh mắt của cơ trưởng Minh đã buộc anh phải ngồi yên lại vị trí cũ.

– Hành khách có ai biết không?

– Dạ, hiện chưa một ai hay biết gì cả…

– Tốt rồi, làm sao để không gây hoảng loạn trong hành khách. Thế nhân viên bảo vệ chuyến bay đâu?

– Anh ấy đứng cạnh em ạ! Đây anh nói chuyện với anh ấy nhé!

– Thưa cơ trưởng, theo tôi phán đoán là: Tên vô lại này đã lẩn xuống phía đuôi máy bay mà không một ai để ý. Hắn rút trong người ra một con dao găm và kề vào cổ cô Hồng, rồi đẩy cô vào trong nhà vệ sinh và chốt cửa. Tôi đã nói chuyện với Hồng qua khe cửa. Cô vẫn bình thường nhưng nói rằng hắn ta có súng và một chai chất lỏng Nitroglycerin màu vàng, sánh như dầu lạc – Anh nhân viên bảo vệ húng hắng ho – Anh cho ý kiến ạ?

– Tôi sẽ báo cáo với đài chỉ huy dưới mặt đất xin chỉ đạo, cậu cứ về chỗ đi, để cô Phượng nói chuyện với thằng côn đồ, với phụ nữ may ra hắn nhẹ tay hơn.

Mấy phút sau, giọng của cơ trưởng lại vang lên qua bộ đàm nội bộ.

– Cô Phượng, hãy treo một tấm biển đề: “Nhà vệ sinh bị hỏng”, kéo rèm ngăn không cho hành khách đi xuống phía đuôi máy bay! Cô Hồng thế nào?

– Dạ, anh chờ cho một phút! – Nói đoạn cô quay sang thì thầm gì đó vào khe cánh cửa nhà vệ sinh.

Một phút im lặng trôi qua.

– Thưa anh, hắn ta yêu cầu bay sang Singapore.

– Thằng khốn nạn! Giọng cơ trưởng rít lên trong máy.

– Nhưng thưa cơ trưởng, dự trữ xăng của máy bay sao đủ để bay đến đó được – Anh lái phụ mặt non choẹt lắp bắp nói với vẻ vẫn còn chưa hoàn hồn.

– Hãy bảo cô Hồng nói với gã rằng máy bay của chúng ta cần phải được tiếp xăng tại sân bay Tân Sân Nhất, nhắc thêm nữa, đây không phải là máy bay boeing 747 của Mỹ mà chỉ là Tu- 134 của Liên Xô thôi!

– Dạ. Em nói rồi ạ.

– À mà thằng cha đó là ai vậy? Cô có biết không?

– Trong danh sách hành khách hắn có tên là Mã Đại Sơn… ngồi ở hàng ghế B, sát lối đi, lúc máy bay cất cánh có gọi một chai bia Hà Nội…

– Thế mặt mũi trông thế nào?

– Cũng khá bảnh trai, tầm ngoài ba mươi, tóc húi cua..

Anh nhân viên an ninh đứng bên cạnh, có vẻ như đã lấy lại được bình tĩnh, vội thúc cùi tay vào sườn Phượng và thì thầm vào tai cô: “ Đừng nói khá bảnh trai, cơ trưởng lại ghen đấy! Người yêu đang trong vòm ôm xiết của tên không tặc mà”.

– Hắn có say sỉn không?

– Hắn mới uống hết nửa chai bia, chắc không ạ. Em phải làm gì bây giờ?

– Không cần phải làm gì cả! Đưa sách báo mới ra giới thiệu với hành khách, nhớ kéo rèm và treo ngay biển báo ở cửa nhà vệ sinh!

Cơ trưởng Minh bật công tắc nói chuyện với bộ phận không lưu dưới mặt đất của sân bay Tân Sân Nhất.

– Báo cáo, có một tên không tặc trên máy bay, hắn dùng dao khống chế một tiếp viên và nhốt vào nhà vệ sinh làm con tin. Hắn có trong người một chai chất cháy…

– Nó muốn gì? Từ dưới mặt đất gọi lên

– Bay sang Singapore…

– Lạy trời! Nhưng xăng chỉ còn đủ để bay đến Tân Sân Nhất thôi… – Anh lái phụ lẩm bẩm thành tiếng

– Chờ ít phút, chúng tôi thảo luận và báo cáo lên cấp trên.

Khuôn mặt cơ trưởng Minh trông giống như một chiếc mặt nạ bằng đá. Tình huống nguy hiểm không hề làm nao núng người phi công đã từng tham dự không chiến trên bầu trời Hà Nội tháng 12 năm 1972. Bàn tay gân guốc đặt trên vô lăng điều khiển không mảy may rung rinh. Sự bình thản của cơ trưởng cũng làm anh lái phụ vững tâm trở lại và cảm thấy đôi chút xấu hổ vì sự yếu đuối non nớt của mình.

Bên ngoài cửa sổ, hoàng hôn đã  buông xuống từ lúc nào không hay.

Trong khoang hành khách, ai đó đã reo lên khi nhìn thấy ánh đèn của thành phố Sài Gòn thấp thoáng ở chân trời xa.

– Thưa cơ trưởng! Giọng Bích Phượng lại thảng thốt vang lên trong ống nghe – Hắn đòi tiền chuộc sinh mạng của hành khách và cả máy bay! Hắn yêu cầu chỉ đáp xuống sân bay để tiếp thêm xăng và cho hành khách ra ngoài. Tại đường băng số 1, số tiền chuộc phải được sẵn sàng, nếu không hắn sẽ giết cô Hồng đầu tiên và sau đó cho nổ tung máy bay cùng với hành khách… Mẹ ơi, kinh khủng quá!

– Số tiền chuộc là bao nhiêu? Cơ trưởng hấp tấp hỏi lại

– Nửa triệu Đôla!

Khuôn mặt của cơ trưởng không chút bối rối. Anh bật ngay công tắc nói chuyện với mặt đất.

– Bộ phận không lưu có nghe rõ trả lời?

– Chúng tôi nghe rõ. Mời anh nói thẳng với cấp chỉ huy!

– Hắn đòi nửa triệu Đôla

– Hắn còn ra điều kiện gì nữa không?

– Xin chờ một phút – Cơ trưởng Minh chuyển sang nói bộ đàm nội bộ – Bích Phượng, cô hỏi lại Hồng xem hắn còn yêu cầu gì nữa không?

– Hình như hắn đang còn suy nghĩ thêm – Bỗng giọng Phượng thay đổi hẳn – Xin lỗi bác, nhà vệ sinh này bị tắc không dùng được, mời bác đi lên phía đầu máy bay ạ

– Trên kia xếp hàng đông quá, tôi sắp bĩnh ra quần rồi đây, chỉ tại cái món cá của các chị…

Bích Phượng chuyển sang giọng thầm thì:

– Hắn muốn tiền được để vào trong balo. Và, máy bay phải được hạ cánh ở đường băng số 1. Không một ai được tiến gần lại máy bay. Chỉ sau khi máy bay được tiếp xăng đầy đủ, hành khách  mới được rời khỏi máy bay. Sau đó, hắn sẽ ra khỏi nhà vệ sinh. Tiền phải được đưa vào máy bay. À, hắn còn đòi thêm một chiếc dù.

– Một chiếc dù? Cơ trưởng hỏi lại

– Chính xác ạ, loại của không quân vẫn huấn luyện ấy.

– Thằng này chắc phục vụ trong không quân rồi. Còn gì nữa không?

– Tạm thời hắn bảo thế đã, thưa cơ trưởng, nếu có gì thêm, hắn sẽ nói khi máy bay tiếp đất.

– Rõ rồi! Nói đoạn, cơ trưởng Minh tiếp sóng với mặt đất – Để đảm bảo an toàn tính mạng cho 79 hành khách, chúng tôi cần nhận được câu trả lời không chậm trễ: Chúng ta có đáp ứng được số tiền mà thằng vô lại đó yêu cầu không? Và còn thêm một chiếc dù nữa?

– Sẽ có. Tính mạng của nhân dân là trên hết, dù với bất cứ giá nào!

– Nhưng theo tôi được biết, trong số hành khách có vợ con của một yếu nhân cấp rất cao…

– Ông ấy cũng đã biết và đang ra những chỉ thị khẩn cấp và tuyệt mật.

– Tôi có thể cho máy bay hạ cánh được chưa? Xin cho biết hướng gió và tốc độ gió ở đường băng số 1?

Chiếc máy bay Tu-134 bắt đầu hạ độ cao.

Trong khoang hành khách, mọi người được thông báo cài dây an toàn. Thân máy bay rung lên bần bật. Trong cabin sáng ánh đèn nhìn rõ vẻ mặt hết sức căng thẳng của tổ lái. Chỉ riêng họ mới hiểu được tình trạng ngàn cân treo sợi tóc của chiếc máy bay đang xé gió, đạp mây hạ dần độ cao.

Thành phố Sài Gòn như một tấm thảm ánh sáng lung linh trải rộng ra ở phía dưới.

Cái gì đang chờ đợi họ ở mặt đất? Có trời mới biết!

3.

Đèn hiệu dọc hai bên đường băng số 1 đã được bật sáng.

Chiếc xe tải tiếp nhiên liệu phanh gấp bên cạnh một trạm xăng ngầm dưới mặt đường băng. Tốp nhân viên hàng không vận đồ bảo hộ màu xanh công nhân nhanh chóng nhảy xuống và rải những đường ống dẫn xăng trên nền bê tông. Họ nhanh chóng nối vào trạm xăng ngầm và mở máy bơm. Những đường ống căng phồng như tua rua của một con bạch tuộc khổng lồ đang nằm sõng sượt.

Cách chỗ họ không xa, một chiếc xe măng ca cũng vừa tới đỗ. Đèn pha được tắt đi, chỉ mở đèn gầm. Trong xe, thấp thoáng bóng những cái đầu đội mũ lưỡi trai đang chụm lại bàn bạc. Mọi người đều bình thản chờ đợi. Một người đàn ông đầu hói, mặc thường phục, mở cửa xe bước xuống  đường băng. Ông ta đưa mắt về phía chân trời mà từ đó chiếc máy bay phải xuất hiện, rồi rút bao thuốc lá ra, dùng môi cặp một điếu.

– Thưa thủ trưởng, ở đây cấm hút thuốc – Một giọng Nghệ Tĩnh từ trong xe vọng ra.

– Cấm à? Thì thôi vậy – Giọng người đàn ông kéo dài ra vẻ miễn cưỡng. Bàn tay ông đút trả lại chiếc bật lửa vào trong túi quần.

Đúng lúc đó thì một giọng phụ nữ kêu lên trong xe: “Kia rồi, nó kia rồi!”

Mọi người khẩn trương ra khỏi xe. Người đàn ông giọng xứ Nghệ bước xuống còn cầm theo một chiếc balo nặng trĩu tay. Chỉ trong giây lát, chấm sáng đã biến thành một chiếc máy bay bật đèn sáng choang và nhẹ nhàng tiếp đất. Động cơ phản lực của nó tạo nên  luồng gió cực mạnh khiến bụi đất bốc lên mù mịt dưới ánh đèn cao áp. Một nhân viên an ninh cuống quýt chạy theo chiếc mũ của mình bị gió thổi lăn lông lốc trên đường băng…

Quá trình nạp nhiên liệu diễn ra như bình thường.

Toàn bộ sân bay không có biểu hiện gì là đang bên bờ của một  vụ cướp máy bay vô tiền khoáng hậu. Ba chiếc xe cứu hỏa đã khởi động máy chờ đợi ngay sát đường băng. Những chiếc vòi bạch tuộc đã xẹp xuống và được cuộn lại. Cầu thang áp sát vào cửa lên xuống. Hai chiếc xe buýt “Hải âu” chở khách giảm tốc độ và đỗ đối diện chân cầu thang. Những hành khách đầu tiên rời máy bay mà vẫn không hề hay biết chuyện gì đang xảy ra.

– Vậy là hắn cùng với số tiền này sẽ hạ cánh ở đâu đó trên đất Singapore bởi vì hắn biết chắc chính quyền bên đó không tiếp nhận cái loại nhập cư bất hợp pháp kiểu này. Rồi còn quan hệ giữa hai nước… Thằng này chắc là phi công của chế độ cũ nên mới có cách hành xử táo báo như vậy – Người đàn ông đầu hói nói, mắt chăm chú theo dõi những hành khách đang bước vào xe Hải âu trên đường băng.

Bỗng, giọng của cơ trưởng Minh vang lên một cách thảng thốt từ trong máy bộ đàm của viên sĩ quan đứng cạnh người đàn ông đầu hói: “Hắn yêu cầu lấy thêm một chiếc dù nữa”.

– Sao? Hai chiếc? Ai là người cùng hắn nhảy ra khỏi máy bay? Hay hắn sợ chiếc dù số 1 bị cài bẫy?

– Hắn yêu cầu khẩn trương và khi mọi người ra hết, tiền và hai chiếc dù phải được đưa vào máy bay. Hắn sẽ kiểm tra lại và sẽ cho lệnh rời đường băng khi mọi điều kiện được thỏa mãn. Hắn bắt cô Hồng cùng nhảy dù để đảm bảo độ an toàn của dù mà chúng ta cung cấp. Hắn còn dọa nếu điều máy bay phản lực lên khống chế, hắn sẽ giết cả tổ lái và cho máy bay nổ tung – Giọng cơ trưởng Minh dứt khoát nhưng cũng lạnh tanh – Chúng tôi đã sẵn sàng hy sinh cùng với máy bay!

– Anh ơi, em chưa sẵn sàng! Anh có thể cho em xuống được không? Lái phụ mếu máo, nước mắt vòng quanh – Em còn mẹ già và con dại… anh thương em với, cho em xuống…

Cơ trưởng Minh liếc mắt sang với vẻ coi thường ra mặt:

– Tinh thần như cậu thì cũng chẳng giúp ích gì, thôi xuống đi cho nhanh!

Anh lái phụ là người cuối cùng rời khỏi máy bay.

Mọi yêu cầu của tên không tặc đã được thỏa mãn để đổi lấy sinh mạng của hành khách và máy bay.

Chiếc Tu-134 gầm rú rời đường băng. Và, chỉ trong khoảnh khắc, chấm sáng mất hút vào màn đêm đã kịp vội vã giăng kín bầu trời.

Toàn bộ ban chỉ huy đài không lưu sân bay ngồi kín xung quanh bàn và căng thẳng chờ đợi từng âm thanh phát ra từ chiếc máy bộ đàm.

– Máy bay đang bay trên biển – Cơ trưởng Minh nói – Hắn ép tôi bay thấp đến mức có thể để tránh rada phát hiện. Hắn vẫn lo máy bay tiêm kích của ta lên khống chế

– Chúng tôi đã gửi công điện ngoại giao sang nhà chức trách Singapore. Họ đồng ý tiếp nhận máy bay và cho phép hạ cánh ở sân bay X. Không lưu của bạn sẽ hướng dẫn ngay bây giờ. Hãy bình tĩnh xử lý, mọi người đặt niềm tin vào anh đó, cứu được máy bay và trở về an toàn!

Khi chiếc máy bay vừa lách ra khỏi một đám mây lớn và lọt vào không phận đảo quốc, thì bất ngờ hai chiếc dù xanh bung ra trên bầu trời đầy sao và cả vành trăng lưỡi liềm treo chênh chếch…

4.

Tuần sau, khi  báo mới vừa được chở về từ nhà in, tôi đã vội  mua liền ba số và phóng xe ngay xuống Vũng Tàu. Vừa kết hợp nghỉ ngơi sau một tuần làm việc bù đầu vừa muốn được tận tay trao tặng cụ Minh và rủ cụ ra quán. Trong đầu tôi đã có ý định phát triển bài phóng sự này thành một truyện ngắn. Như tôi vẫn thường làm, là lấy một người quen hay bạn bè thân nào đó để làm người mẫu. Chỉ bằng cách đó tôi mới cảm thấy truyện ngắn của mình có máu có thịt. Tôi chỉ có hứng thú viết về những cái mà tôi hiểu rõ, tôi thấy hay, khi mà các nhân vật trong truyện của tôi là những con người cụ thể, sống động. Tôi quen làm việc theo cách như vậy. Ý định của tôi gặp cụ lần này là khai thác sâu thêm nữa về đời sống tình cảm, chuyện tình của cụ với cô Hồng đi đến đâu và nguyên nhân nào đã khiến họ chia tay?

Khoảng tầm sau giờ nghỉ trưa, tôi gõ cửa phòng cụ trên tầng ba, lúc đầu chỉ nhè nhẹ sợ cụ giật mình. Không có tiếng đáp lại. Tôi lại gõ mạnh hơn và nhìn suốt hành lang vắng lặng, lốm đốm ánh nắng xuyên qua vòm lá xanh. Ở đầu phía bên kia, có một bà già đeo kính ngồi trên xe lăn đang đọc báo. Tôi định gõ mạnh hơn nhưng chợt hiểu ra cửa bị khóa. Chắc cụ đi dạo ngoài sân hay đi khám định kỳ. Hơi thất vọng, tôi đi đi lại lại trên hành lang mong gặp ai đó, một chị phục vụ chẳng hạn, xuất hiện để hỏi thăm. Bà già ở đầu hành lang hạ tờ báo xuống và nhìn về phía tôi qua phía trên của cặp kính. Chẳng nói gì, bà vẫy tay ra hiệu ý bảo tôi đến gần.

– Cậu tìm cụ Minh phải không? Giọng bà phều phào vì răng chẳng còn cái nào.

– Vâng ạ, bác biết cụ ấy đi đâu không ạ? Tôi hỏi và nhắc lại hai lần vì thấy bà đưa bàn tay lên sau vành tai để lắng nghe cho rõ.

– Cụ ấy… đi rồi! đi rồi! vừa nói bà vừa chỉ ngón tay lên trời.

Tôi giật mình, choáng người, chỉ biết bật ra một câu: Thật thế ạ!

Bà cụ nói xong, lại đưa tờ báo lên đọc tiếp. Có lẽ, đây là một chuyện hết sức bình thường trong trại dưỡng lão nên chẳng gây nên xáo động gì. Tôi thẫn thờ quay ra, bước về phía cầu thang. Bước đi được mấy bước, tôi lại quay lại và đặt khẽ lên đùi bà cụ một số báo “Tuổi trẻ” còn thơm mùi mực in với bức ảnh cụ Minh râu tóc bạc trắng như tiên ông trên trang nhất, đang nheo nheo mắt nhìn xa xăm ra mặt biển Vũng Tàu…

Một số báo nữa tôi tặng cho chị Dung – Giám đốc viện để treo làm báo tường trong phòng truyền thống. Số báo thứ ba, tôi đặt lên mộ cụ thay cho hương hoa. Buổi chiều, tôi đi dạo một mình trên bờ biển và ngồi lại đúng chỗ hôm trước đã ngồi để nghe câu chuyện của cụ.

Tôi đọc đi đọc lại không biết là lần thứ bao nhiêu mẩu thư ngắn cụ nhờ chị Dung chuyển cho tôi, hai ngày trước khi ra đi. Nước mắt tôi cứ vòng quanh.

“Có lẽ, số phận đã cử anh đến gặp tôi. Trong cuộc đời, gặp người này chia tay với người kia cũng là do cái duyên tiền định. Tôi và Mã Đại Sơn chơi thân với nhau từ hồi còn học phổ thông ở thị xã Hòn Gai. Sau lại cùng nhau phục vụ trong ngành hàng không, chỉ khác:  tôi là phi công còn Mã là thợ máy. Khi xảy ra vụ nạn kiều năm 1977, Mã bị thôi việc và rơi vào cảnh không còn gì để sinh sống. Hai lần vượt biên bằng thuyền đều không thành, kết quả là gia đình ly tán. Người phải vào tù, người bỏ mạng ngoài biển khơi. Thời đó, ai ai cũng chỉ ngong ngóng xuất ngoại, tìm cách để ra nước ngoài sinh sống, dù tính mạng có bị đe dọa cũng cam lòng. Trong một đêm đến ngủ nhờ ở nhà tôi khi đã trắng tay sau hai lần vượt biên thất bại, Mã tiết lộ kế hoạch cướp máy bay của mình. Thoạt tiên tôi từ chối thẳng thừng, nhưng sau đó một thời gian, đúng vào lúc tôi không được lên lương vì có mâu thuẫn với cấp trên, thì Mã lại ngỏ lời: “Chúng ta chẳng giết hại ai cả, chỉ mượn máy bay và xin nhà nước ít tiền thôi. Cậu chẳng mất gì lại còn có cơ hội để thể hiện mình, có khi còn được phong anh hùng! – Dừng lại một lát, Mã hạ giọng gần như thầm thì – Nhưng cũng cần phải thuyết phục được cô Hồng để cùng hành động…”.

Tôi đã thuyết phục được người yêu của mình và cũng được tuyên dương anh hùng. Nhưng tôi lại không thể ngờ được rằng Mã đã thông đồng với Hồng để cùng ôm gọn số tiền chuộc rồi tẩu thoát một cách liều lĩnh và ngoạn mục ra nước ngoài khiến tôi chỉ biết nuốt hận mà không dám mở mồm.

Từ đó, tôi cũng biệt tăm biệt tích hai kẻ vô lại đó. Có thể, tôi cũng là một thằng vô lại chăng? Một tên vô lại đeo mặt nạ anh hùng.”

V.T.H