Kiểu con người tính dục trong tiểu thuyết ‘Súng nổ bến thiên đường’

976

Hòa chung dòng chảy của thời đại, tiểu thuyết Việt Nam luôn nỗ lực mở rộng biên độ phản ánh hiện thực. Vì thế, con người trong tiểu thuyết đương đại được khám phá, soi chiếu một cách chân thực, sâu sắc và nhiều mặt hơn. Súng nổ bến Thiên Đường cũng nằm trong vận mạch đó.

Lấy cốt truyện là một chàng sĩ quan công an trẻ, đóng vai một sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường, được ông Giám đốc công an tỉnh giao nhiệm vụ “đi nghỉ dưỡng” ở một vùng “đắc địa”, hiểm trở, nơi có di sản thiên nhiên thế giới, Hữu Phương đã viết lên những trang văn đầy “gai góc”, nhức nhối và ám ảnh bằng cách đảo ngược tuyến tính và xây dựng những nhân vật phức tạp, đa diện, với nhiều mâu thuẫn nội tại.

Súng nổ bến Thiên Đường kể về một vấn đề rất đáng quan tâm và lo ngại, đó là nạn phá rừng đang diễn ra ở nhiều nơi trên đất nước ta, mà Phong Nha Kẻ Bàng là một địa danh cụ thể và điển hình. Thông qua cái trục chính đó, Hữu Phương lại lồng vào nhiều câu chuyện khác: đó là câu chuyện về tình yêu, về tôn giáo, về lịch sử, về văn hóa, về thiên tai…. Với kết cấu lồng ghép, Súng nổ bến Thiên Đường dẫn dụ người đọc đi hết mê lộ con chữ này đến đường ray con chữ khác để rồi phải giật mình suy ngẫm, trăn trở, ray rứt, thảng thốt về những mặt chìm-nổi, trắng-đen, tốt- xấu,  bi kịch-hạnh phúc mà cuốn tiểu thuyết đặt ra.

Trong những vấn đề mà Súng nổ bến Thiên Đường đề cập, thì tình yêu có lẽ là gam màu sáng nhất giữa những gam màu u huyền khác. Tình yêu trong Súng nổ bến Thiên Đường vừa trong sáng vừa bản năng, vừa hi sinh vừa chiếm đoạt, vừa hoan hỉ vừa khổ hạnh, vừa chân chính lại vừa trái ngang. Vốn dĩ bản chất của tình yêu “mù lòa” là thế, nên những nhân vật trong Súng nổ bến Thiên Đường cũng vật vờ bước xiêu vẹo giữa bến tình trường gieo neo với những diễn biến tâm lí vô cùng phức tạp. Mối tình đẹp nhất trong cuốn tiểu thuyết này là tình yêu giữa Luận và Matta Mai.

Ngay ở trang đầu cuốn sách, Hữu Phương đã dành những ngôn từ vô cùng chân thực để miêu tả cảnh yêu đương say đắm của hai nhân vật “Ôm ghì lấy người nàng. Đôi môi anh lướt từ vùng ngực hở giữa hai phía cổ áo. Lướt nhẹ lên cái cổ thon. Rồi bập vào đôi môi mọng chín. Matta Mai vùng vẫy. Cố nhoài người ra. Nhưng gặp hai cánh tay rắn chắc của Luận riết chặt. Nàng đành để yên. Và lát sau đã mềm muội trong đôi tay Luận. Nàng như chết lịm. Như tan chảy. Như phiêu diêu mụ mị trong cơn say. Của nụ hôn đắm đuối. Nồng nẫy và ngọt ngào. Muốn tan cả đất trời, tan cả những mái lèn sừng sững kia. Nàng nhắm mắt. Để mặc bàn tay anh mơn man lên bầu ngực thiếu nữ căng cứng của mình…” (tr.12). Theo Phân tâm học của Freuds, khi cái vô thức hoạt động mạnh nó sẽ lấn át cái ý thức, phần bản năng trỗi dậy và nó chiếm lĩnh cơ chế hoạt động, cái lí tính sẽ bị chuyển dich sang dạng khác. Chính phần vô thức/ phần con sẽ điều khiển hành vi ý thức/ phần người ở con người. Khi con người có những hành động không kiểm soát được là lúc phần vô thức/ bản năng “thao túng” phần ý thức. Dù tình yêu giữa Luận và Matta Mai vô cùng trong sáng, cao thượng nhưng họ không tránh khỏi yếu tố va chạm xác thịt. Và đôi lúc họ cũng không thoát khỏi cạm bẫy ham muốn của tình yêu khi cái vô thức làm chủ bản thân, lúc đó ranh giới giữa cái giữ gìn và cái đánh mất thật quá mong manh. “ Luận nhẹ lướt đôi môi háo nước, lên hai bầu vú thiếu nữ cứng căng của nàng. Anh từ từ đưa đầu lưỡi liếm lên núm vú. Và bất ngờ mút và bú như trẻ con. Hai núm vú tròn như hai trái dâu rừng của nàng, đang dần cứng lên dưới đầu lưỡi anh. Matta Mai khẽ rùng mình. Bất giác nàng rên lên. Ngỡ nàng đau, anh nhả ra. » (tr.105).

Trong tình yêu, sự đụng chạm, dâng hiến thể xác giữa người nam và người nữ được xem là chuyện hết sức bình thường, thậm chí là chuyện như cơm áo hằng ngày bởi tính dục đôi khi chính là sợi dây quyết định sự bền chặt trong tình yêu. Một thói quen thường gặp của bất kì đứa trẻ/ bé trai nào khi còn nhỏ là thích sờ vào núm vú mẹ. Kể cả khi no sữa chúng vẫn thích được ngậm, mút, cắn vú mẹ. Nếu không được thỏa mãn đứa trẻ sẽ uốn vặn, quấy khóc. Như thế, tính dục của con người đã bắt nguồn từ thuở ấu thơ. Lớn lên, nó chuyển hóa vào một đối tượng khác giới nào đó. Hành vi “mút  và bú như trẻ” của Luận lên vú người yêu là một phản xạ có điều kiện, phù hợp với tâm sinh lí của giống đực khi “gần gũi” với giống cái. Tương ứng vậy, tiếng “rên” của Matta Mai là tín hiệu cho thấy sự hưng phấn của nàng khi được thỏa mãn tính dục.  Có thể thấy, khoái cảm tính dục giữa hai nhân vật trong hoàn cảnh này là chất xúc tác/ kết dính cho sự hòa hợp giữa hai tâm hồn: một nam thư sinh với một cô gái có sắc đẹp hút hồn, trong sáng; một chàng sĩ quan ở thành phố với một thiếu nữ “đồng nội” vùng sơn cước; một người đàn ông không tôn giáo với một cô gái theo đạo Thiên chúa. Khoảng cách về không gian, giới tính, nghề nghiệp, tôn giáo giữa hai nhân vật này được rút ngắn lại để nhường chỗ cho sự đồng điệu giữa hai trái tim.

Bản chất của tình yêu muôn đời có lẽ là sự ích kỉ, và bản tính của đàn ông chính là sự tham lam. Họ lúc nào cũng muốn có thêm chứ không bao giờ an phận dừng lại. Vì thế, ngày càng có nhiều vụ ngoại tình “vụng trộm” của phái nam diễn ra khiến bao mối tình tan vỡ, bao gia đình li tan và tiêu tốn không biết bao giọt nước mắt của người phụ nữ. Có rất nhiều nguyên nhân để đàn ông ngoại tình nhưng nguyên nhân chính để họ có những mối quan hệ bất chính, ngoài luồng là do nhu cầu tính dục không được thỏa mãn. Luận trong cuốn tiểu thuyết này là một trường hợp. Anh đang có một tình yêu rất đẹp với Matta Mai. Một mối tình vừa trong sáng, vừa ăm ắp sự nồng nàn, nhưng mối tình đó chưa đủ để anh trải nghiệm bản năng đàn ông, nên khi có cơ hội gần gũi với một người phụ nữ khác, anh không hề nấn ná khước từ “Với Matta Mai, là sự tôn thờ ngưỡng vọng. Một thế giới trong trẻo, trong veo. Tỏa hương thanh khiết. Anh biết, nàng sẵn lòng tận hiến. Nhưng anh không nỡ. Có thể lễ giáo người đời ngăn anh. Có thể anh giữ dành. Nhưng quả thật, cho đến giờ, Matta Mai vẫn như một bông hoa trong tủ kính. Như hạt ngô trong cái chai thủy tinh trong veo. Và con gà là anh, chỉ đi quanh ngắm nghía. Muốn mổ một cái, nhưng không dược. Nhưng với Tương, như mâm cỗ ngon được dọn cho riêng anh. Chỉ mình anh được hưởng (tr.264).

Lúc nhu cầu tính dục với người yêu bị kìm nén, cơn cuồng khát của Luận trỗi dậy khi bản năng đàn bà của Tương chợt thức tỉnh sau bao ngày chồng mất. Mối quan hệ giữa Luận và Tương có thể nói đáng thương hơn là đáng trách. Bởi khi còn nhỏ, giữa hai gia đình Luận và Tương đã có giao ước là gả con cho nhau. Nhưng do duyên số, Tương lại lớn hơn Luận ba tuổi nên nàng lấy Minh- một tay “đầu nậu buôn gỗ” có hạng. Suốt bao năm vun vén cho gia đình, lại hết lòng chăm chồng thương con, Tương cảm thấy bị phản bội khi phát hiện Minh có người đàn bà khác và đứa con riêng sau ngày chồng mất. Nỗi cô đơn và ức chế của một người đàn bà góa chồng đã khiến Tương “buông thả” mình và có mối quan hệ vượt ngoài tầm kiểm soát với Luận. “Nàng phát hiện ra con người tuyệt vời của mình. Dịu dàng và đắm đuối. Nồng nàn và mê mệt. Ngọt ngào và run rẩy. Ngỡ như đầu mỗi dây thần kinh trên làn  da, đều có điện. Khi Luận chạm đến đâu, nó rung lên đến đấy. Ngân lên một thứ âm thanh không lời. Nổi hết cả da gà. Nhột nhạt. Ngốt ngấy. Chợt rùng mình. Ớn rét. Từ mỗi tế bào chạy rần rật. Rồi xộc lên tận màng óc. Và thân thể tan chảy. Trong điệp trùng con sóng đại dương dịu êm và bạo liệt…” (tr.263-264).

Sau những phút giây ân ái mãnh liệt với Luận, Tương như người phụ nữ được hồi sinh, cô ý thức được mình là người phụ nữ đáng được hưởng trọn vẹn hạnh phúc, bản năng đàn bà trong cô lại tuôn trào bằng những cơn sóng “yêu” dữ dội. Luận vừa giải tỏa được sự ức chế khi phải giữ gìn cho người yêu, vừa bung hết sức trai của mình bằng những trận làm tình táo bạo. Dễ dàng nhận thấy, Hữu Phương đã rất linh hoạt trong việc sử dụng ngôn từ để miêu tả cảnh “giường chiếu” của hai nhân vật. Những tính từ gợi sắc thái biểu đạt mạnh như “nồng nàn, mê mệt, ngọt ngào, run rẩy, dịu êm, bạo liệt”, cùng với những câu văn ngắn, đôi khi chỉ một đến vài từ đã diễn tả một hiện thực phồn tạp, dồn dập, trần trụi và phô bày hết sự đam mê, khoái cảm tận cùng của các nhân vật. Ông thật tinh tế khi xây dựng thành công những nhân vật bản năng, có diễn biến nội tâm phức tạp. Đó là một Matta Mai trong sáng ngỡ thần tiên, lại có những phút giây thăng hoa tưởng chừng “không giữ nổi mình”; đó là Luận- chàng công an trẻ thư sinh, chững chạc có lúc tự đánh mất chính mình bằng những trận làm tình cuồng nhiệt; hay hình ảnh một cô Tương cứ ngỡ là chính chuyên, thủ tiết thờ chồng lại ân ái với trai trẻ sau ngày chồng mất. Tất cả những nhân vật ấy là minh chứng cho một hiện thực trần trụi, hỗn tạp của con người trong đời sống hiện nay. Đó là hiện thực phân rã, nơi con người tự kiếm tìm, khám phá, đối diện và thỏa mãn với cái tôi chính mình.

Nếu Matta Mai là bông hoa rừng thánh tiết, thơm mát giữa núi rừng bạt ngàn thì Maria Phượng là một bông hoa bị dập nát trong tay những kẻ “huê tình” như tay kiểm lâm Huệ, cha Paolô Cường. Hữu Phương đã khắc họa hai hình ảnh đối lập khi để cho Maria Phượng chơi thân với Matta Mai. Vốn dĩ là một cô gái sắc sảo và vô cùng xinh đẹp nhưng Maria Phượng không phải là loại gái ngoan để đàn ông lấy làm vợ như Matta Mai. Mà nói như câu trả lời của tay kiểm lâm Huệ trong cuộc chuyện trò với Luận “- Thế… Luận buột miệng, Maria Phượng… giỏi làm nhân tình? – Chắc chắn rồi!” (tr.120). Nếu Minh – chồng Tương là một tay phá rừng sống có tình có nghĩa, khi chết được cả làng buồn thương khóc tiếc thì kiểm lâm Huệ là hạng người ma mãnh xảo quyệt, không trừ mọi thủ đoạn, kể cả bắn chết Minh- ân nhân của mình chỉ vì bị “qua mặt”. Tuy là hạt trưởng hạt kiểm lâm nhưng thực chất Huệ là một tay phá rừng hiểm ác với những vụ tiếp tay các đường dây lậu gỗ qua trạm kiểm lâm Trộ Mợng. Bất chấp mọi thủ đoạn, bất chấp mọi mánh khóe, Huệ tìm cách tự “lăng xê” mình để tỏa sáng, lên chức lên quyền, leo lên đỉnh cao danh vọng. Có thể nói Huệ là nhân vật phản diện thối nát và bỉ ổi nhất mà Hữu Phương đã xây dựng hết sức thành công. Tuy đã có vợ và hai con nhưng Huệ vẫn nhởn nhơ ngoại tình với Maria Phượng. Y không trừ đủ mọi cách để chiếm đoạt cô. Từ những thứ quà vật chất vô cùng xa xỉ cho đến tiếng đàn bầu êm ái, đê mê như xoa dịu các nơron thần kinh, y đều “trổ món” để lấy lòng người đẹp. “Cô nàng chợt run bắn. Rồi mê man đi. Như người trúng gió. Để mặc cho đôi bàn tay chuối mắn của người đàn ông, sục sạo bộ ngực trắng nõn của mình…” (tr.109).

Hết lòng tận tụy với Maria Phượng, Huệ không ngoài mục đích cao cả hơn là thỏa mãn cơn thèm khát tính dục bên người tình trẻ “Chưa! Mới xào khô thôi. Nhưng chú mày yên tâm, từ xào khô đến xào ướt, chỉ gang tấc! Huệ dừng lại nuốt nước bọt. Tựa hồ anh ta đang nhấm nháp Maria Phượng trong tay.” (tr.120). Đối với Huệ, Maria Phượng như một món mồi ngon được dâng trước mặt. Anh ta chỉ từ từ “nhấm nháp” để tận hưởng hết khoái cảm mà miếng mồi đem lại. Vốn trong sáng, cả tin nên Maria Phượng bị lu mờ trước những thứ quà và lời lẽ cám dỗ của Huệ. Cô tình nguyện hiến dâng thân xác mơn mởn của thì con gái cho anh ta mà không lường trước những rủi ro, bất trắc về mình.

Không chỉ làm nhân tình với tay kiểm lâm Huệ, Maria Phượng còn có mối quan hệ không trong sáng với Paolô Cường. Paolô Cường tuy đội lốt là cha xứ nhà thờ, nhưng hắn lại có những hành động phản giáo dục, vô văn hóa như “chửi cộng sản ra rả” (tr.185), lén lút giở trò đồi bại với con chiên ngay lối vào Cung thánh. Hữu Phương đã khắc họa một cách chân thực, sinh động hình ảnh một tên cha xứ đồi bại, nhút nhát, dâm ô. Điều tối kị nhất đối với cha xứ giảng đạo, truyền đạo đó là lấy vợ hay có mối quan hệ không đúng mực với người khác giới. Paolô Cường thật đáng nguyền rủa và trừng phạt khi phạm cái tội “nước Chúa” đó. Hắn thường xuyên bí mật đến nhà hàng của Maria Phượng vào lúc đêm khuya và lén lút hẹn hò nàng. Maria Phượng tuy yêu Huệ say đắm nhưng cũng ngả nghiêng xao động trước những cử chỉ quan tâm của Phaolô Cường. “Cha Paolô Cường thốt lên. Maria Phượng ngoảnh mặt đi. Líu ríu ngón tay cài cúc áo ngực. Luận đứng ngoài cửa nhìn vào. Căn phòng nhờ nhờ ánh sáng.” (tr.213). Là con chiên của Chúa nhưng Maria Phượng lại phạm hai tội tày đình: có mối quan hệ xác thịt với người đã có vợ và cha xứ. Cái tội mà theo Kinh Thánh còn ác độc và đê tiện hơn cả tội giết người. Nhưng xét trên phương diện Phân tâm học, Maria Phượng là một cô gái đáng thương. Đáng thương vì cô đang ở lứa tuổi thiếu nữ, lứa tuổi dễ rung cảm và mủi lòng trước những cử chỉ quan tâm của người khác giới. Đáng thương vì sự trong sáng, cả tin của mình bị hai người đàn ông “cáo già” lợi dụng. Đáng thương hơn vì phần bản năng trong cô hoạt động mạnh, nó xâm lấn phần ý thức, khiến cô không làm chủ được cảm xúc của mình, nên ngày càng lún sâu vào vũng lầy tội lỗi.

Khai thác con người ở nhiều khía cạnh, nhiều góc khuất nội tâm, song “giải phẫu” con người đúng với phần bản nguyên, phần xác của nó thì Hữu Phương quả đã rất thành công. Những nhân vật được ông dày công nhào nặn đều có quá trình phát triển tâm lí và hành động phức tạp, thậm chí đối lập. Bên ngoài họ mang bộ mặt của hạng người tử tế, đàng hoàng nhưng bên trong thì hoen rỉ. Dù đã có vợ con, hay người yêu họ vẫn tự chà đạp lên chính mình để chạy theo tiếng gọi ái tình ở nơi khác. Những gã buôn gỗ, phá rừng như Minh, Huệ dù tỏ ra thương vợ con, có trách nhiệm với gia đình, nhưng đều có bồ trẻ, con riêng. Chàng công an Luận dù đang hẹn hò và tha thiết với Matta Mai nhưng lại kiếm tìm niềm vui xác thịt với người phụ nữ khác – Tương. Tay Paolô Cường mở miệng thì thánh thót giảng đạo nhưng thực chất là lợi dụng tôn giáo nhằm thỏa mãn trò chơi chinh phục người đẹp- Maria Phượng. Phô bày diện mạo của những nhân vật này, Hữu Phương đã phản ánh chân thực mặt trái của hiện thực đời sống. Một hiện thực lụi bại, đổ nát, tha hóa với thói trăng hoa, ích kỉ của người đàn ông làm xói mòn niềm tin về tình yêu về hạnh phúc ở người phụ nữ. Dựng nên bức tranh hiện thực đó, nhà văn không nhằm mục đích chỉ trích, lên án một ai mà ông muốn nhắn nhủ đến những người đàn ông nói riêng và mỗi người chúng ta nói chung phải kìm hãm bớt cái tôi của mình, đừng để thói ích kỉ, ham muốn tầm thường xen lẫn, hủy hoại, cướp mất hạnh phúc của chính mình.

Lật giở từng trang tiểu thuyết Súng nổ bến Thiên Đường, người đọc chắc chắn bị thu hút vào trò ma trận chữ nghĩa mà Hữu Phương bày ra. Những trang văn của ông vừa mềm mại, vừa uyển chuyển, vừa cô động nhưng không sần sùi, thô ráp mà luôn giàu hình ảnh, gợi cảm, với vốn ngôn từ phong phú. Các nhân vật trong Súng nổ bến Thiên Đường có đời sống nội tâm phức tạp, khó nắm bắt, nhưng nổi bật nhất vẫn là kiểu nhân vật bản năng. Thông qua kiểu nhân vật này, nhà văn Hữu Phương đã phơi bày và lật tẩy những mặt trái của hiện thực đời sống. Bên cạnh đó, bằng lớp ngôn từ tuyệt mỹ, giàu tính ám dụ, Hữu Phương còn cho người đọc được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cảnh sông nước hữu tình, núi non hùng vĩ của di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng.

Dung chứa nhiều đề tài, nhiều nội dung, cùng lối viết kĩ thuật, biết thắt mở đúng lúc, tiểu thuyết Súng nổ Bến Thiên Đường của nhà văn Hữu Phương luôn tạo những khoảng lặng hấp thụ người đọc.

Lê Hương
Theo Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm