Kiều Thanh Quế – Nhà phê bình khả kính

973

(Vanchuongphuongnam.vn) – Từ khi nền văn học chữ quốc ngữ được hình thành, do cá tính khiêm tốn, không thích phát biểu ý kiến, nhà văn miệt vườn ít có tác phẩm phê bình. Ngoài những nhà phê bình đã nổi tiếng như: Hoài Thanh (1909-1982), Đặng Thai Mai (1902-1984), Vũ Ngọc Phan (1902-1987), Thiếu Sơn (1908-1978),… Ở Nam bộ, giới văn học, sinh viên học sinh vẫn không quên Kiều Thanh Quế, một nhà phê bình chuyên nghiệp, giàu kiến thức, với nhiều tác phẩm (1) : phê bình- nghiên cứu, sáng tác (đa phần in tại Nxb. Tân Việt) với một bản lĩnh vững vàng của một nhà văn yêu nước. Nhưng tiếc thay, trong xã hội văn chương nước nhà, tên tuổi nhà văn- nhà phê bình Kiều Thanh Quế ít được nhiều người đề cập tới.

Cuối thập niên 1960, tại trường Đại học Văn khoa Cần Thơ, tôi được học với giáo sư Lưu Khôn. Trong giáo trình “Phê bình văn học”, thầy có nhắc đến nhà văn Kiều Thanh Quế với tấm lòng trân trọng, và hướng dẫn sinh viên rất cặn kẽ về các trường phái phê bình. Sau khi đỗ Cử nhân Văn khoa (1972), tôi lên Sài Gòn tiếp tục ghi danh Cao học Văn chương do GS. Bửu Cầm (1920-2010) bảo trợ tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Khi soạn tiểu luận, có dịp tiếp xúc với các GS. Thanh Lãng (1924-1978), GS. Phạm Thế Ngũ (1921-2000), nhà phê bình Thiếu Sơn, nhà thơ Mộng Tuyết (1914-2007), nhà văn Sơn Nam (1926-2008), nhà thơ Nguyễn Vỹ (1912-1971),…tôi  lại được nghe các vị nhắc đến Kiều Thanh Quế, với lòng trân trọng một nhà phê bình xuất sắc của văn học miền Nam.

Kiều Thanh Quế với công việc dịch thuật.

Kiều Thanh Quế (1917-1947) là tên thật của nhà văn. Ông có các bút danh: Mộc Khuê, Quế Lang, Tô Kiều Phương, Nguyễn Văn Hai. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại Bà Rịa, Vũng Tàu, Kiều Thanh Quế có hai người em. Em trai là Kiều Nguyên Trung đã tham gia kháng chiến nay đã nghỉ hưu. Người em gái Kiều Thị Vạn là một cơ sở cách mạng nay đã mất. Thuở nhỏ, Kiều Thanh Quế học Tiểu học tại Bà Rịa, sau đó lên Sài Gòn học tại trường Trung học Pétrus Ký và cũng bắt đầu hoạt động trong các tổ chức yêu nước. Tốt nghiệp văn bằng Thành Chung (Diplôme d’Études  Complémentaires)- tương đương với Tốt nghiệp Trung học Đệ Nhất Cấp khi ấy, ông đi dạy học tại Tư thục Nguyễn Văn Khuê, nhưng chỉ được hai năm, Kiều Thanh Quế xin nghỉ dạy. Tình hình lúc bấy giờ, không khí đấu tranh sôi động của nhân dân Nam bộ đã nhen nhóm những tình cảm yêu nước trong tính cách và tâm hồn của chàng trai đất đỏ miền Đông. Định mệnh đã gắn chặt Kiều Thanh Quế với con đường nghệ thuật khi những truyện ngắn đầu tay được đăng trên tạp chí Tiểu thuyết thứ bảy vào những năm 1929 với bút danh Quế Lang.

Tinh thần chống thực dân không chỉ tiềm ẩn trong những bài viết đăng báo mà còn thể hiện qua hành động tấn công một người Ấn thu thuế chợ có quốc tịch Pháp. Nhân sự kiện này, cộng với những mối lo vốn có từ trước, thực dân Pháp đã bắt, quản thúc nhà văn tại Bà Rá, một hiểm địa đầy ma thiên chướng khí mà Pháp dành để lưu đày những người yêu nước lúc bấy giờ. Một thời gian sau, Kiều Thanh Quế được chuyển về Cần Thơ. Sống giữa vòng kìm kẹp của mật thám, Kiều Thanh Quế vẫn nhiệt tình với nền văn học dân tộc và nuôi trong lòng ngọn lửa đấu tranh và sáng tạo văn chương. Không ngừng theo dõi những bước đi của nền văn học, Kiều Thanh Huế đã có những đóng góp xuất sắc những công trình sáng giá cho nền phê bình văn học nước nhà còn đang phát triển như: Ba mươi năm văn học (1941), Phê bình văn học (1942), Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam (1943), Thi hào Tagore (1943) ký là Nguyễn Văn Hai, tên một người bạn vốn là con của một ân nhân đã tận tình đùm bọc nhà văn trong thời gian bị thực dân giam lỏng tại đất Tây Đô.

Tại thành phố “cầm thi” còn mang dấu ấn văn chương của những nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị (1830-1910), Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872)…, sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940) vùng lên xóa tan bầu không khí ngột ngạt của xã hội do Pháp gây nên,  nhân dân khởi đầu chuyển dân sang đấu tranh bằng báo chí và vũ khí văn nghệ. Các hội Khuyến học và Thi Văn đoàn rộn rịp thành lập. Nhóm Tây Đô Văn Đoàn ra đời với những thành viên uy tín trong làng văn, làng báo lúc gấy giờ như: Giáo sư Nguyễn Văn Kiết (1906-1987), bút danh Tây Đô Cát sĩ, Bác sĩ Lê Văn Ngôn (?-1976) tức Bảo Hương, bào đệ của học giả Lê Thọ Xuân, nhà thơ Tố Phang (1910-1983), tức Giáo sư Thuần Phong Ngô Văn Phác, Trúc Đình và Kiều Thanh Quế lúc này đang bị quản thúc tại Cần Thơ. Với sự giúp đỡ chí tình của anh em trong nhóm Tây Đô Văn Đoàn, Kiều Thanh Quế có nhiều thuận lợi trong việc cầm bút nhất là tập trung vào công việc phê bình văn học vốn là niềm đam mê mãnh kiệt trong đời mình. Đây là thời kỳ viết sung sức nhất trong quãng đời ngắn ngủi bốn mươi năm của nhà văn Kiều Thanh Quế – Nhà văn Phi Vân (1917-1977) cũng nhận giải văn chương Bùi Hữu Nghĩa vào thời điểm này (1943) với tiểu thuyết ‘Đồng quê’ do Tây Đô Văn Đoàn phát thưởng – Là một ngòi bút viết khỏe nhứt (theo Bằng Giang), Kiều Thanh Quế vừa soạn sách, vừa cộng tác cho tạp chí Tri Tân (1941-1945) của chủ bút Hoa Bằng-Hoàng Thúc Trâm (1902-1977), bên cạnh những cây bút kỳ cựu như Lê Thanh, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (1889-1947). Thầy dạy tôi năm lớp Đệ Nhị ở Trung học Phan Thanh Giản (1958), giáo sư Phạm Thế Ngũ (2) đã nhận định; “Ngay từ năm 1941, miền Nam đã cung cấp cho tạp chí Tri Tân những cây bút khảo luận xuất sắc : Lê Thọ Xuân, Tố Phang, Kiều Thanh Quế”.

Kiều Thanh Quế tập trung gởi rất nhiều bài phê bình văn học cho báo Tri Tân: Lều chõng, Cuộc hội ngộ Lan Khai- Sweig “Tội và thương” gặp “La peur”, Phê bình “Hàn Mặc Tử” của Trần Thanh Mại (Tri Tân 46, 1942),.. Trước đó, trên tờ báo Mai của Đào Trinh Nhất, Kiều Thanh Quế đã có một loạt bài làm xôn xao giới phê bình văn học lúc bấy giờ như: Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Làm đĩ, Thanh niên S.O.S, Người đàn bà trần truồng và quan niệm tình dục trong văn chương Việt Nam (Mai, 27/9/1939),…Dù sở trường ở lĩnh vực phê bình, Kiều Thanh Quế vẫn không thờ ơ với địa hạt nhạy cảm của xã hội là vấn đề tình dục. Nhà văn đã viết hai cuốn tiểu thuyết về chủ đề luyến ái: Hai mươi tuổi (Nxb. Đức Lưu Phương, 1940) và Đứa Con tội ác (Nxb. Mai Lĩnh, 1941).

Sau sáng tác thử nghiệm với tiểu thuyết không mấy thành công, Kiều Thanh Quế quay lại với thế mạnh nổi bật của ông là nghiên cứu – phê bình văn học. Một ngòi bút nhọn sắc bén, với nhận thức hợp lý, sâu sắc và tinh tế, Kiều Thanh Quế không ngại mạnh dạn chỉa mũi dùi vào các bậc nhà văn: Phan Khôi (1887-1959), Ngô Tất Tố (1894-1954), Hồ Biểu Chánh (1884-1958), Xuân Diệu (1916-1985), Lan Khai (1906-1946), Đoàn Phú Tứ (1910-1989),… Vào những thập niên đầu thế kỷ 20, trong hoàn cảnh phức tạp của chính trị và những bộn bề của đời sống văn học và báo chí, vì một tư lợi nào đó, không ít nhà phê bình chưa làm tròn chức năng phê bình là “Tìm Đẹp trong Nghệ thuật” theo lý tưởng ”Chân Thiện Mỹ” mà thiên về phê bình quảng cáo: “Lối phê bình quảng cáo của nhiều nhà báo ở nước ta (và cả ở nước Pháp nữa) chỉ giá trị bằng những lời rao của bọn trẻ bán báo – không hơn không kém ! Hoặc nhận tiền của nhà xuất bản, hoặc vì cảm tình riêng với tác giả, các nhà phê bình quảng cáo hạ giá ngòi bút,viết lên mặt báo những lời ca ngợi xem hớ hênh đến buồn cười” (Kiều Thanh Quế).

Đọc kỹ lại những tác phẩm phê bình của Kiều Thanh Quế, độc giả có thể nhận ra tác giả viết mỗi cuốn theo một ý đồ rõ ràng. Quyển “Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam” cho độc giả một cái nhìn tổng quát trước về các chặng đường đi và sử phát triển của văn học nước nhà từ thuở có chữ nghĩa cho tới thập niên thứ ba của nửa đầu thế kỷ trước. Cuốn “Ba mươi năm văn học” được coi là một sự tính sổ cụ thể hơn văn học Việt Nam trong giai đoạn 1920-1950, qua lăng kính phê bình của Kiều Thanh Quế. Ở cuốn “Phê bình văn học”, Kiều Thanh Quế trước tiên định nghĩa thể loại phê bình, sau đó tiến hành phê bình các nhà văn nổi tiếng Pháp Émile Zola (), Vũ Trọng Phụng (). Theo ông, phê bình văn học là linh hồn của đời sống văn học, nhà văn không làm việc quảng cáo như kiểu con buôn, trả thù như  một số đàn bà hoặc tiểu nhân, mà để chính đáng giới thiệu những người có tài năng, kẻ tài hoa không may bị chìm đắm trong bóng tối. Kiều Thanh Quế còn hăm hỡ cộng tác với các nhà văn nổi tiếng, nhằm tạo cho nền văn học nước nhà ngày thêm có được những áng văn chương sáng giá. Nhà văn Kiều Thanh Quế đã trân trọng giới thiệu những khuôn mặt phê bình tiêu biểu trong văn học Việt Nam như: Hoài Thanh , Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Đặng Thai Mai, Thiếu Sơn, Thái Phỉ, Trương Tửu, Lê Thanh, Trần Thanh Mại, Phan Văn Hùm, Trương Chính, Vũ Ngọc Phan… Chính Kiều Thanh Quế cũng nói thêm một cách chí lý là văn học dịch thuật đóng một vai trò quan trọng trong nền văn học mới của dân tộc nên rất cần phát triển thêm bộ phận văn học dịch thuật để làm phong phú, màu sắc thêm cho nền văn học nước nhà.

Phê bình (criticize/ critiquer/ kritisieren) là phân tích, nhận xét rồi đánh giá tức là nêu lên ưu, khuyết điểm của một tác phẩm văn học hay nghệ thuật. Công việc này đòi hỏi những điều kiện khác biệt hơn là sáng tác một bài thơ, bài văn hay một truyện ngắn, tiểu thuyết. Trong khi người làm thơ, viết truyện chỉ cần trời nhễu cho ý hay, từ lạ – một tia chớp từ Tối Thượng hay Nàng Thơ (Muse) ưu ái tặng cho thi nhân – là có thể làm thành bài thơ, nên trên thế giới xưa nay chỉ có thần đồng thi ca còn ở tuổi rất nhỏ nhưng chưa hề có thần đồng phê bình.  Theo thiển ý, lĩnh vực phê bình văn học nghiêm khắc yêu cầu con người trước hết phải có kiến thức uyên thâm, thông thạo ngoại ngữ nhiều càng tốt, đọc nhiều tác phẩm văn học trong và ngoài nước. Thứ đến là nhà phê bình cần có một cảm xúc thẩm mỹ, một khối óc phân tích tinh tế và một khả năng nhận định sâu sắc để đánh giá ưu, khuyết điểm tác phẩm khách quan và vô tư. Nghĩ như vậy, nhưng cũng không đặt ra vấn đề học hàm, học vị nhất thiết phải có ở nhà phê bình cơ bản có vốn tự học uyên thâm thường gọi là học giả. Ví dụ những nhà phê bình nổi tiếng thế giới như: Kim Thánh Thán (Trung Quốc, 1606 hoặc 1610-1661) và các nhà phê bình Pháp như: Boileau (1636-1711), Saint Beuve (1804-1869), Hippolyte Taine (1828-1893), …

Nhớ đến nhà văn – nhà phê bình Kiều Thanh Quế với tác phẩm “Ba mươi năm văn học”, ta chợt cảm thấy ngậm ngùi thương tiếc, nghĩ đến cuộc đời gắn bó với văn chương chỉ sống được ba mươi năm ngắn ngủi của một nhà văn yêu nước, hơn nữa là một nhà phê bình đích thực, xứng đáng với kiến thức, bàn lĩnh, tầm vóc của ông trong văn học dân tộc. GS. TS. Thanh Lãng nhận định: Kiều Thanh Quế là “người thứ nhất phác họa một bộ mặt của văn học mới, ghi nhận sự diễn tiến của văn học mới và vẽ thoáng được cái đồ biểu đường tiến hóa của văn học mới”. Trong tác phẩm “Nhà văn phê bình” (les critiques littéraires) do nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1996, những tác giả uy tín biên soạn đã giới thiệu 18 nhà nghiên cứu – phê bình văn học giai đoạn 1932-1945 trong đó, bên cạnh những nhà phê bình nổi tiếng như: Phan Khôi, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh,… Kiều Thanh Quế hiện diện chính thức với chân dung trang trọng của nhà nghiên cứu – phê bình hàng đầu của nền văn học Việt Nam đồng thời là nhà phê bình yêu nước khả kính và duy nhất trong không gian văn học Nam bộ.

(1)Tác phẩm Kiều Thanh Quế: + Hai mươi tuổi (tiểu thuyết, Nxb. Đức Lưu Phương, Sài Gòn 1940),  Đứa con thứ hai (tiểu thuyết, Nxb. Mai Lĩnh), Ba mươi năm văn học (1942), Phê bình văn học (Nxb. Tân Việt, 1942), Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam (Nxb, Đời mới, 1943), Đàn bà và nhà văn (1943), Học thuyết Freud (ký Tô Kiều Phương, 1943), Thi hào Tagore (ký Nguyễn Văn Hai, 1943,),  Một ngày của Tolstoi, Cuộc vận động cứu nước trong ‘Việt Nam vong quốc sử’ (1945), Vũ Trọng Phụng và chủ nghĩa tả thiệt xã hội (1945).

(2)Phạm Thế Ngũ, tác giả của :Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên (bộ 3 quyển :1,2.3, Nxb. Quốc học tùng thư, 1965) ; Văn thể lược giảng (Nxb. Quốc học tùng thư); Tự lực Văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc (Nxb. Văn hóa Thông tin, 2000)

Thanh Nguyễn