Kim Hài & Giòng sông tỉnh thức – kỳ 2

983

12.5.2016-19:30

 Nhà văn Kim Hài

>> Giòng sông Tỉnh Thức – kỳ 1

Giòng sông Tỉnh Thức

 

TRUYỆN DÀI CỦA KIM HÀI

 

Cái chết của chim hoạ mi

 

NVTPHCM- Buổi chiều muộn.

 

Hải đứng giữa quảng trường lớn của thôn Tối Thượng. Đây là công trình hoàn thành trước nhất trong các dự án vĩ đại của thôn, trước hơn cả toà nhà hành chánh ngay cạnh đó. Cũng dễ hiểu thôi bởi đây chỉ giống như một sân banh rộng lớn với cột cờ trung tâm hoành tráng. Ngoài ra chưa có gì, các bồn hoa vẫn còn trống dù đã lấp đầy đất. Những ngọn cỏ lay phay nham nhở như không muốn dung nạp bất cứ loại cây nào rực rỡ hơn nó. Giàn giáo dựng sẳn để đặt một tượng đài hoành tráng chưa biết bao giờ mới có, nghe nói tượng đang được chỉnh sửa bởi nhà điêu khắc tài ba nhất nước .

 

Cuối cùng chỉ có nền đất bê tộng hoá là chỉnh chu nhanh nhất. Chỉ có điều quảng trường hơi bị hoang vắng bởi dân trong thôn sợ đến đây. Hải cũng không an tâm khi đến đây. Anh cảm thấy sợ cái bao la của mặt đất xi măng hoá. Anh đã từng ra biển ngắm cảnh mây nước bao la. Anh không sợ nước, sợ mây. Anh cảm thấy sảng khoái khi đứng giữa ruộng đồng cò bay thẳng cánh ở quê nhà. Anh không sợ lúa, sợ cây cỏ. Anh chỉ sợ cái trống vắng, lạnh lẻo mà có phần ác độc của nền xi măng cứng lạnh và càng lạnh hơn khi luôn luôn bị bao phủ bởi làn sương mù ẩm mốc từ trên phủ xuống.

 

Nhưng Hải vẫn phải đến đây bởi anh có hẹn với người phụ trách mảng y tế của thôn. Bà Kim Thuỷ. Đây không hẳn là cuộc hẹn của Hải mà nói đúng ra là Bà Thuỷ hẹn anh. Người phụ nữ điều hành mảng y tế có sở thích họp bàn công chuyện  trên quảng trường trống trải. Có hai lý do: thứ nhứt ở đây không bị nghe lén, bí mật kế hoạch sẽ tuyệt đối, thứ hai , bà muốn ngắm trụ sở y tế đang đóng móng để tạo dũng khí khi nói chuyện với ai đó. Hôm nay bà Thuỷ muốn nhờ anh thay mặt bà lên thành phố bàn thảo hợp đồng nhập hoá chất với một đối tác nước ngoài. Cả thôn không có ai ngoài Hải có thể vỏ vẻ dăm câu ngoại ngữ. Bà nói ngay khi vừa đến trước mặt anh:

 

Chị muốn cậu thay mặt chị,không phải giao dịch với đối tác mà canh chừng thằng thông dịch.

 

Hải bối rối:

 

Chị ơi, em đâu có giỏi ngoại ngữ đủ để nói chuyện với người ta. Có thông dịch rồi thì mình tin cậy vô họ.

 

Bà Thuỷ cười:

 

Cậu ngố vừa thôi. Thế lỡ nó dịch sai ý mình hoặc phớt lờ một số các điều khoản quan trọng trong hợp đồng thì sao?

 

Nhưng em đâu hiểu hết..

 

Lanh lợi như cậu phải biết thăm dò rồi nghiên cứu cái ngôn ngữ ..hình học ..không ..hình thể của nó để biết nó nói dối hay nói thật..

– Em không nghĩ như vậy. Có nghi ngờ quá đáng không?

– Đây là lệnh. Cậu không phải nói nhiều.

 

Bà Thuỷ quay đi. Cái ví ngúng nguẩy đong đưa theo cơn gió lồng lộng đổ xuống. Hải ngơ ngác đứng nhìn. Đúng là anh không hiểu và cũng không biết mình phải làm gì theo cái lệnh miệng đó. Đầu óc mông muội. Anh lửng thửng thả bộ ngang qua một miếng đất rộng ở phía bên phải quảng trường. Nơi đó, cái đề án nhà máy xi măng sau khi đổi thành trường cấp 1 chưa được mấy ngày đã bị thay thế bởi một đề án khác: trường Đại Học Đa Năng. Ngôi trường bề thế cũng chỉ trên phác thảo, còn thực tế là một căn lều trơ nóc, dấu vết của một gia đình cương quyết không nhận đền bù ra đi. Đó là gia đình Quân, người bạn thiếu thời của Hải. Gian nhà nhỏ với mảnh vườn bao quanh trồng rau mùi bị cưởng chế san ủi chỉ còn sót lại mấy bức vách trát đất sét rửa nát. Duy nhất đầng sau,  một đám mía mọc tạp, đám mía nguyên nhân của án tù cho Quân vì đã dám trồng trọt trên đất công, vì đã dám mang dao trong người dù với chủ đích thu hoạch lén mía mình trồng. Từ đó đến nay, miếng đất bỏ không. Ngôi trường tiêu biểu cho tri thức thanh thiếu niên thôn Tối Thượng vẫn còn hoang hoá.

 

Một cơn gió thốc tới cuộn tung đám sương mù lưu cửu chung quanh. Một mảng trời xanh xuất hiện rồi bóng nắng chiều bỗng xuyên màn mây, treo vắt vẻo một sợi nắng mong manh trên mảng tường đất sét. Tia nắng kéo chân Hải dừng lại. Anh chăm chú nhìn cách tia nắng nhảy nhót tựa sợi tơ mang con nhện đang rơi. Tia nắng nhắc Hải rằng ngày sắp hết, rằng thời gian đang sắp phung phí cho bóng đêm, rằng cuộc sống đang trôi về phía mơ hồ.

 

Anh Hải.

 

Hải giật mình. Sợi nắng nhảy vọt ngược và bây giờ nó treo trên mái tóc một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mỉm cười nhìn anh. Mồ hôi rịn sống lưng, nhưng Hải lấy ngay được bình tỉnh khi thấy đi bên người phụ nữ ấy là Lệ. Gương mặt Lệ tươi tỉnh hiếm gặp. Cô nhanh nhẩu giới thiệu:

 

Anh Hải không nhớ hả? Lam, nhà tâm lý học nổi tiếng của lớp em. Anh có nhớ bài thuyết trình tâm lý nhân vật Giao trong truyện “Tháng ngày qua” không?

. Được khen toàn trường. Dạo ấy bọn con trai cả thôn tức cái câu “đàn ông chỉ biết trân trọng vẽ đẹp bên ngoài…”

 

Quả thật Hải không nhớ một chút gì về Lam. Ngay cả với Lệ, anh cũng mơ mơ hồ hồ về quá khứ của  cô ngoài đôi mắt thỏ.

 

Lam nhanh nhẩu đưa tay ra. Hải giật mình. Rất lâu rồi anh mất thói quen bắt tay chào hỏi. Anh ngại ngần chìa tay. Bàn tay Lam ấm áp mềm mại. Sợi nắng băng qua mái tóc Lam đậu trên tay Hải. Anh ngẩn người và chợt nhớ. Như người ngủ mê mới thức dậy, anh ấp úng:

 

Thầy Nhàn lớp tui khen cô lắm đó, nhứt là khi cô được khen tặng dưới cờ vì bài luận phá cách. Tui nhớ như in thầy nói rằng học không phải là vẹt mà phải đào sâu, suy nghĩ, ứng dụng như trò Lam.

 

Lam cười ròn rã.

Bài luận phá trường chớ… Chỉ tiếc là ít có ai muốn “ phá trường” như Lam.

 

Lệ chen lời.

 

Mi quên rồi sao? Anh Hải cũng là một tên “trộm Phật”, chuyên rao giảng đạo đức học đường, tuyên chiến với các thầy cô…Anh Quân nhà tao phục ảnh lắm.

 

Hải cố nhớ lại những ngày xa xưa. Cái hồi ức êm đềm sao giống như một đám mây nhẹ tênh, lúc vướng vít lúc tan biến. Anh cố sức nắm giữ, nhưng đám mây kia cứ trôi tuột qua kẽ tay, không để lại dấu vết nào.

 

Lam nhìn gương mặt đăm chiêu của Hải. Cô khám phá trong đáy mắt anh cái nhìn trống hoác như chiếc thùng rổng, giống hệt mắt Lệ. Nụ cười trên môi Lam vụt tắt. Cô cảm giác như những người bạn cũ đang bị dẩn dắt bởi một thế lực mà họ không cưỡng được . Nhưng là ai? Cô ướm lời:

 

Anh Hải nè. Anh Quân đâu có làm chi mà bị bắt giam hoài vậy? Bạn bè mà. Anh phải can thiệp để tránh cái oan ức của ảnh chớ. Đôi khi có ai đó thù oán chi với anh Quân?

 

Hải chớp mắt.

 

Ờ… chuyện của Quân tui biết. Thật ra tui cũng cố gắng đưa Quân ra. Tui biết Quân là người tốt. Ngặt nổi không biết sao Quân không chịu bỏ phòng giam…

 

Lệ cũng xác nhận:

 

Đúng vậy. Ảnh tuyệt thực phản đối rồi lại ăn uống bình thường. Hết đói, ảnh nằm lì ở phòng giam. Chẳng biết phản kháng cái gì nữa.

 

Lệ không biết. Anh Hải cũng không biết hả? Hay anh cho Lam gặp Quân đi, có thể Quân muốn nói gì đó với Lam thì sao?

 

Hải bối rối. Một mặt anh muốn nhân cơ hội tháo cho xong cái mớ rối rắm mà Quân đang tạo ra cho anh, nhưng trong anh cũng có chút lo sợ, nhưng sợ gì thì anh không biết.

 

Lệ kéo tay Hải:

 

Đi anh, tụi em có mua cho anh Quân ổ bánh mì và chút trái cây.

 

Hải đi theo hai cô gái về phía trụ sở Uỷ Ban. Người gát cổng thấy Hải lật đật né sang một bên.

 

Phòng giam chỉ có một mình Quân. Những phạm nhân bị bắt vì các tội danh lặt vặt khác hình như không còn trong thôn. Quân nằm trên chiếc ghế dài. Chỉ mới hơn một tuần nhưng trông anh ốm hẳn, nước da xỉn màu, ánh mắt mệt mỏi. Anh mở hé mắt khi nghe lao xao bước chân. Mãi mấy phút sau Quân mới ý thức được mình có người thăm nuôi. Vội vàng, Quân ngồi dậy. Nhưng khi thấy Lam đi cùng Lệ, anh nhăn mày, mặt lạnh tanh.

 

Lam mỉm cười chào Quân. Cô biết Quân sẽ rất khó chịu vì khoảng cách xã hội giữa cô và anh. Không như Lệ, phụ nữ ít câu nệ. Vả lại Lệ đã cho cô biết Quân khá cục tính và tự ái. Không đậu vào lớp mười, lên quận học như Hải và một số bạn bè, Quân quay về với đồng ruộng, cày cấy, nuôi gia súc và trông nom vườn tược. Từ đó, Quân tránh mặt bạn bè, từ chối các cuộc chơi công cộng. Tuy chí thú làm ăn, nhưng Quân không gặp may. Gia đình neo đơn, bố mẹ không khoẻ, Quân không thể thành đạt. Cố gắng lắm Quân mới giữ được đám ruộng và căn nhà giáp bên bờ Tỉnh Thức. Nhưng mấy năm nay, đám  ruộng nằm trong dự án quy hoạch, phần lớn các gia đình khác đều nhận tiền đền bù, sống dật dờ với mảnh vườn ven nhà, chỉ riêng Quân  không hiểu sao cứ nhìn sang bờ kia của giòng Tỉnh Thức là lòng anh sôi sục. Anh nhớ róng riết bờ ruộng cũ, mùi vồng đất cầy ải, tiếng gió lao nhao chà xước như mảnh lụa thiếu nữ, và hương sữa lúa thấm vào hồn anh sâu đến độ anh không muốn rời bỏ. Mảnh ruộng tựa như có linh hồn bám riết, cầu xin anh giữ lấy như giữ nguồn sống cho gia đình cho bản thân. Anh không thể thiếu ruộng, nhưng mấy cái dự án vô hồn kia chắc chắn không cần đến nó. Đã bao năm nay, những dự án hoành tráng toàn hoang hoá, hoặc bỏ mặc cho súc vật cày ải phóng uế. Chẳng ai xử dụng và không đủ nguồn lực để sử dụng. Tất cả nói là dành cho tương lai. Nhưng hiện tại, tương lai của anh và những người quanh anh khá mịt mờ. Anh oán hận những kẽ lấy cớ vì tương lai mà dồn anh và gia đình anh vào con đường cụt. Anh căm giận đám người vô hồn lố nhố bên những công trình hoành tráng mà không thấy những mái tranh rách nát chung quanh. Và trên hết, anh sợ hãi tận tâm can tấm màn sương ẩm ướt xám xịt trên bầu trời thôn Thượng luôn điều khiển tâm trạng anh như cách người ta xáo bài lật ngửa.

 

Giọng Lệ nghèn nghẹn:

 

Anh Quân, em mang bánh mì vô cho anh…Bác gái nhắn anh khai thiệt rồi về. Nhà neo người…

 

Lam quay sang Hải:

 

Anh Hải cho Lam nói chuyện riêng với anh Quân vài phút được không?

Hải lặng lẽ quay đi.Lệ chần chừ một chút rồi bước theo. Lam đến ngồi xuống chiếc ghế dài, sát bên Quân:

 

Người ta nói cả thôn chỉ một mình anh không chịu nhận đền bù. Lam thông cảm, nhưng Lam không hiểu. Một mình anh thì làm được gì?

 

Quân nhìn Lam rồi cười rú lên man dại.

 

Vậy số đông kia làm được những gì?

 

Lam đăm đăm nhìn Quân. Ánh mắt cô loè lên tia hy vọng. Quân không điên cũng không dại. Quân đang phấn đấu với một cái gì đó mà anh tin dù sự vô vọng lớn hơn nhiều. Điều Lam muốn tìm hiểu là niềm tin đó lấy từ đâu ra giữa đám người vô cảm, đang o ép anh bằng mọi cách để đạt cho được mục tiêu.

 

Bề nào thì mọi thứ đã quy hoạch rồi. Có tiền, có chỗ ở mới, mọi người sẽ có cuộc sống mới. Thôn cũng thay đổi, cũng tiến lên..

 

Quân ngắt lời:

 

Thôi bỏ đi. Lập luận nầy ngày nào chẳng ra rả trên loa phát thanh. Cô không cần lập lại.

 

Lam hơi mỉm cười. Cô khích:

 

Anh không muốn nghe ngưới ta nói thì mình phải nói chớ. Anh tuyệt thực, anh im lặng cũng đâu có thay đổi được gì?

 

Quân cúi đầu một lúc. Trán anh nhăn lại, những vết nhăn đau khổ xuất hiện chằng chịt trên gương mặt đen đúa xanh xao. Điện thoại trong túi xách Lam rung mạnh. Lam mở xách lấy điện thoại, nói nhỏ lời xin lỗi rồi quay lưng nghe điện. Khi cô tắt máy quay lại, không còn Quân trong phòng. Cô ngơ ngác nhìn quanh, rồi đẩy cánh cửa  khép hờ bước ra . Hành lang dọc Uỷ Ban trống vắng, Ngoài kia, cạnh băng đá dựa tường rào, người bảo vệ đang ngồi mài dủa một tấm gổ nhỏ có vẻ như không biết chuyện gì xảy ra. Lam vội vã chạy đến hỏi. Người bảo vệ lắc đầu nhớn nhát chỉ chỏ. Anh ta quẳng miếng gỗ xuống chân ghế , thong thả đi vào văn phòng Uỷ Ban. Có vẻ như Quân không phải là mối lo nên trông anh ta khá bình thản.

Lam bước nhanh ra cổng. Cô thấy Hải đang trò chuyện với Lệ bên kia đường, gần quán cà phê karaokê có tấm bảng vẽ hình một cô ca sĩ mặc áo xuyên thấu lấp lánh kim tuyến.

 

Lam suy nghĩ một giây. Cô quyết định đi về phía ngược lại, xuôi con đường đất dẫn ra bờ Tỉnh Thức. Linh tính mách cô Quân đang đi về phía đó. Chuông điện thoại rung mạnh trong túi xách. Số điện thoại lạ. Cô vừa đi vừa nghe một cách dè dặt. Tiếng nói gấp gáp, quen quen:

 

Tui chờ cô chỗ cây phượng bên sân bóng hồi xưa…

Anh Quân phải không? Lam biết rồi. Đừng đi đâu nghe. Chờ Lam…

 

Đó không còn là sân bóng mà thay bằng một khu phức hợp chợ và phố nối tiếp nhau.   Bóng chiều chập choạng đã bao phủ hoàn toàn khu phố. Sương mù cùng màn đêm là anh em với nhau. Chúng hoà quyện thấm đẫm khiến cho những cột đèn đường vàng úa  quằn xuống ngã bóng lên dáng đi tội nghiệp của những công nhân của dự án thể thao gần đó đang tất tả ra về. Chủ nhân của các quán cà phê, games ,ka rao kê  nhăn nhở chào khách ra vào giữa những âm thanh nhạc hiện đại rậm rực. Lam rùng mình. Cô đang có cảm giác lạnh và tê. Cảm giác nầy cô đã từng nghe Lệ và một số người khác bên thôn Hạ kể lại. Cô không tin, nhưng cô có cảm thấy không an. Cô căng mắt để tìm Quân. Chỉ có khu hổn tạp nầy mới là nơi trốn tránh tốt nhất của Quân. Nhưng Lam hơi bực mình. Quân đâu phải là nhân vật gì quan trọng đến nổi phải trốn như vậy. Bằng cớ là người ta chẳng quan tâm đến việc Quân có còn trong phòng giam hay không nữa.

 

Đằng kia là quán cà phê của Lệ. Lam đã nhìn thấy ánh đèn màu cam trong cái quán nhỏ nầy vào đêm Lam về dự đám cưới. Lệ nói cô thích màu cam . Cô chỉ bật đèn trang trí  khi quán mở cửa.

Lam đi thật nhanh. Cửa quán khép hờ. Từ trong vọng ra tiếng nhạc nhè nhẹ. Bài hát “Chim hoạ mi khóc”. Lam dừng một chút để thở rồi thong thả bước vào. Cô nhếch miệng trách móc khi thấy Lệ ngồi bên cạnh Quân.

 

Mình không có thời gian mà Quân còn chơi trò trốn tìm. Một giờ nữa mình phải về bên Hạ rồi. Chú Bảy dặn rước mình ở đầu cầu…

 

Lam im bặt khi hai gương mặt trước mặt cô chợt biến đổi lạ lùng. Hai chiếc miệng méo xệch mở lớn với những đường nhăn khổ ải co lại giống hệt bức tranh “Tiếng thét” của Edvard Munch  mà cô có dịp thưởng lãm  bản in trong một buổi nói chuyện về tìm hiểu tâm lý các nhân vật nổi tiếng qua tác phẩm.

 

Quá bất ngờ và kinh hoảng, Lam cũng thét lên một tiếng rỏ to trước khi bất tỉnh vừa lúc đám sương mù ẩm ướt ồ ạt tuông vào phủ trùm lên căn phòng nhỏ. Bài hát “Chim hoạ mi khóc” vẫn nhè nhẹ những lời thở than như chẳng có chuyện gì xảy ra: “Những giọt mưa đen thối rửa niềm tin .Bóng đêm xuyên qua trái tim. Sự chịu đựng đã vượt qua biên giới, những âu lo không ngày mai. Bình minh có trở lại, cuộc sống có hồi sinh?  Hoạ mi ơi, hãy khóc lên, hãy hót đi..để linh hồn ta còn biết xót đau , cho chút hy vọng này… chút hy vọng… ngày mai...” .

 

_____

Tên một truyn ngắn trong Tập truyện ngắn của Khái Hưng và Nhất Linh.

 

 

>> XEM TIỂU THUYẾT – HỒI KÝ CỦA TÁC GIẢ KHÁC