Kim Hài – Giòng sông Tỉnh Thức – kỳ 4

586

16.11.2017-21:30

Nhà văn Kim Hài

 

>> Giòng sông tỉnh thức – kỳ 2

>> Giòng sông tỉnh thức – kỳ 1

 

Giòng sông Tỉnh Thức

 

TRUYỆN DÀI CỦA KIM HÀI

 

IV.  SÓNG TRÀO

 

 

NVTPHCM- Cái tư thế kỳ lạ của Quân khi qua đời khiến dân Tối Thượng xôn xao. Thái độ thờ ơ, lầm lủi của mọi người dường như biến mất. Họ túm năm tụm ba bàn tán. Vợ chồng ông Quang cũng không ngọai lệ. Lần đầu tiên, ông Quang đến tìm Hải ở Uỷ Ban. Nhưng Hải đi công tác từ sáng sớm. Ông tạt sang nhà Quân. Căn nhà nằm tạm bợ bên bờ sông. Mấy bức vách bằng lá dừa không ngăn được gió, thổi tốc tấm vải che mặt người chết còn nguyên nét nhăn sợ hãi. Ba Quân ngồi thu lu một góc nhà, mắt ráo hoảnh nhìn sửng thằng con trai độc nhất mới ra đi. Ông không tin, dù Quân nằm ngay trước mắt, cứ như đây là một ai khác.

 

Ông Quang khẽ khàng đặt tay lên vai bạn:

 

– Anh Sáu à. Khi nào liệm? Coi giờ chưa? Bà con lối xóm sẽ phụ anh một tay.

 

Ông Sáu co người, gạt tay ông Quang. Như câu nói tích sẵn trong lồng ngực lép, ông hét to:

 

– Tại sao? Có người giết nó. Có người giết con tui… Nó mới hai mươi ba tuổi, chưa vợ chưa con, khoẻ mạnh, lành lặn. Vậy mà mới bị bắt có mấy ngày mà đã chết. Ai giết nó…ai giết nó..?

 

Ông Sáu khóc nghẹn ngào rồi bổ nhào xuống, đấm ngực kêu trời.

 

– Nhà đất mất, con chết..Tui sống sao đây?…

 

Ông Quang chưa kịp thốt lên lời nào an ủi thì có tiếng xe dừng, tiếng lao xao ồn ào phía trước nhà. Trưởng Thôn Tối Thượng bước xuống xe. Một lô một lốc người ào ào kéo theo. Công an, dân quân, các ban ngành, báo chí… ai ai cũng có mặt.

 

Thấy Trưởng thôn, ông Sáu đứng dậy không chào, không hỏi, cộc cằn nói:

 

– Không tiếp khách. Không phúng điếu. Chưa chôn, chưa liệm…Tui…tui…

 

Trưởng thôn khoát tay ngăn mấy dân quân sừng sộ đến gần ông Sáu, từ tốn nói:

 

– Anh Sáu à. Tui rất tiếc cho cái chết của cháu Quân. Anh Sáu đừng hiểu lầm. Cháu Quân ra khỏi uỷ ban bình thường, khoẻ mạnh, có nhiều người làm chứng. Không hiểu tại sao cháu lại bị đột tử trong quán bia của cô Lệ. Nghe nói hai đứa đi chung với nhau. Nhưng giờ cô Lệ mất tích nên còn phải điều tra. Có kết quả tui hứa sẽ thông báo sớm cho anh biết.

 

– Con tui mất sau khi bị bắt giam. Nó phạm tội chi? Giờ nó nằm đây, các ông nói không biết gì hết nghĩa là sao? Hay là vì nó đòi lại miếng đất mấy ông chiếm giữ mà các ông…

 

– Ấy, anh Sáu đừng nói vậy. Tình làng nghĩa xóm. Chúng ta ai cũng muốn phát triển quê mình đi lên. Hy sinh một chút để sau nầy con cháu mình hưởng…

 

– Ha…ha… Con cháu mình hưởng..thằng con độc nhất của tui đã chết, chưa vợ, chưa con. Vậy lấy ai hưởng? Ai hưởng?

 

– Thôn sẽ hổ trợ cho gia đình anh tiền chôn cất cháu. Tương lai, tui hứa sẽ đưa gia đình anh vô diện nghèo, được thôn trợ cấp… Còn..khi nào tìm được cô Lệ, mọi việc sẽ rõ thôi…

 

Ông Sáu không nói nữa. Cặp mắt ông đỏ ngấu vì phẫn uất. Ông vớ lấy cái bát nhang đưa lên cao.. Một cơn gió thốc vào mang theo hơi lạnh và sương mù. Ông Sáu ngồi bệt xuống đất cạnh thi thể Quân. Bát nhang vỡ tan tành bên ông. Đám đông thụt lùi biến trong màn mưa bụi.

 

– Trời ơi, tui chỉ muốn gia đình, con cái đuề huề, sống giản dị với miếng ruộng, miếng vườn cha ông để lại. Cha ông tui sống như vậy hàng mấy đời rồi, sao đến phiên tui lại trắng tay, cơ cực như vầy…

 

Lạnh… lạnh vô cùng. Ông Quang câm nín run rẩy nhìn bạn, cổ họng co lại. Một nỗi tuyệt vọng chết chóc thấm đẫm trong từng tế bào. Cả hai yếu ớt ngóng mắt vào khoảng không tăm tối đang nhận chìm chút ước muốn huyễn hoặc của mình, giờ chỉ còn tựa chiếc đóm tàn xa lắc.

Lệ tỉnh dậy. Đầu cô nhức đau như có hàng trăm cái gai châm chích. Cô không thể nhớ gì ngoài việc mình đến Uỷ Ban thôn. Nhưng đến để làm gì Lệ cũng không biết. Ngoài khung cửa sổ, những giọt mưa lay phay khiến buổi chiều thêm chuyệnh choạng. Buổi chiều, đúng rồi, buổi chiều với sợi nắng thật mềm và Lệ đã rất vui.

 

Tiếng chân vội vã từ bên ngoài. Lam xuất hiện ở cửa sổ rồi cô bước vào như ngọn gió.

 

– Ơn trời, mầy tỉnh rồi. Dậy lẹ lên. Nếu còn đi được phải đi ngay.

– Cái gì? Đi đâu?

 

– Còn đi đâu nữa.? Về nhà tao.

– Nhà mi? Tại sao?

 

Lam nhìn Lệ với ánh mắt khác lạ.

 

– Mầy không nhớ gì hết à? Mầy ngủ li bì… từ khi ở quán…

 

Lệ vẫn nhìn Lam ngu ngơ. Vầng trán hơi nhíu lại một chút rồi giản ra. Lệ nở nụ cười:

 

– Tao chỉ muốn ngủ. Lạ ghê, mấy hôm trước muốn ngủ không ngủ được…

 

Lam không còn chịu nổi. Cô giận dữ lôi Lệ ra khỏi giường.

 

– Mầy đừng giả ngu nữa. Tao chán bản mặt mầy và dân ở thôn nầy rồi. Lúc nào cũng như mới ở trên trời rớt xuống. Mầy đi ngay về nhà tao rồi kể cho tao nghe chuyện gì xảy ra ở quán nước của mầy? Ai giết Quân? Ai đưa mầy về nhà?

 

Lệ mở to mắt:

 

– Giết Quân? Ai? Anh Quân bị giết? (bật cười) Nè, đừng bịa chuyện cho tao sợ. Tao mới gặp anh Quân ở Uỷ Ban.

 

Lam gằn từng tiếng:

 

– Vậy là mầy nhớ lại rồi phải không? Quân trốn theo mầy về quán. Ở đó…

 

Lam tắt nghẹn. Có gì đó khiến cô không thể hiểu nổi. Rõ ràng Quân trốn đi khi Lệ vẫn nói chuyện với Hải. Rồi Lam nhận được cú điện thoại của Quân dẫn dắt cô đến quán của Lệ. Tại đây chính mắt cô nhìn thấy cả Quân và Lệ cùng nằm như chết trong cùng một tư thế. Rồi cô cũng ngất đi. Khi tỉnh dậy cô thấy mình đang ngủ gục trên ghế đá cạnh bờ sông Tỉnh Thức, chú xe ôm hẹn đón đã đánh thức cô.. Cô trở về vì nghĩ mình vừa trải qua một giấc mơ dữ. Ngày hôm sau, tin Quân bị đột tử lan truyền khắp thôn, cô ghé qua nhà Lệ nhìn thấy Lệ đang chìm trong giấc ngủ mê mệt. Tâm trí Lam trở nên hỗn loạn, cô không biết điều gì là thực, điều gì là mơ. Nhưng cô có cảm giác mọi việc diễn tiến xấu đi và những ai liên quan đến Quân đều nên đề phòng.

 

Lệ bỉu môi:

 

– Mắc gì tao đưa anh Quân về quán? Tao thấy mi lộn xộn rồi đó… Học nhiều quá bị tẩu hoả nhập ma hả?

 

Lam không nói gì thêm, thái độ tự nhiên của Lệ khiến cô có cảm giác những suy nghĩ của mình không chính xác lắm. Nhưng có một điều gì đó thúc giục Lam phải đưa Lệ đi khỏi căn nhà nầy. Bằng giọng nói chắc nịch, đầy uy lực sai khiến, cô nắm tay Lệ:

 

– Hãy nghe lời tao. Dậy và theo tao.

 

Không hiểu sao Lệ ngoan ngoãn đứng lên liu ríu theo chân Lam. Cả hai nhanh chóng băng qua cây cầu bắt ngang giòng Tỉnh Thức.

 

Đằng sau, thôn Tối Thượng chìm đắm trong màn sương xám. Dưới chân Lệ và Lam, giòng nước âm vang đùng đục như tiếng nấc nghẹn mơ hồ. Nhưng phía trước, thôn Hạ, đèn nhà dân đã thắp sáng làm hừng lên một khoảng trời.

 

Từ thành phố Hải đã được tin Quân bị đột quỵ, Lệ mất tích. Hải lo lắm, nhưng anh không thể về ngay. Hợp đồng giao dịch chưa được ký vì phía đối tác không chấp nhận một điều khoản nào đó. Hải không đủ khả năng để hiểu nội dung đối thoại của đại diện đối tác và gã thông dịch. Hầu như trong suốt buổi họp, gã thông dịch không hỏi anh bất cứ điều gì. Rõ ràng tất cả đã được truyền đạt chi tiết cho gã thông dịch và gã có toàn quyền gật hay lắc với đối tác. Hải chỉ ngồi, suy đoán và ngáp vặt. Khi ra về gã thông dịch chửi thề luôn miệng. Lúc Hải thắc mắc, gã nhếch mép mà không nhìn anh:

 

– Tôi sẽ báo cáo trực tiếp cho chị Thuỷ.

 

Hải sôi máu:

 

– Vậy tui ở đây để làm gì?

 

Gã cười nhẹ:

 

– Anh phải ký nháy vô biên bản. Tôi chỉ làm công việc phiên dịch thôi mà…

 

Hải tức đến nghẹt thở. Cách xa đám sương mù, lý trí anh linh hoạt hẳn. Anh quyết định nhanh chóng:

 

– Tôi chỉ ký khi biết nội dung. Chiều nay tôi về thôn. Ở nhà nhiều chuyện không chờ được. Anh có thể thay tôi ký bản ghi nhớ. Bề nào chị Thuỷ cũng mới là người quyết định chính thức.

 

– Nhưng tôi chỉ là người thông dịch.

 

Hải gật đầu:

 

– Thật tuyệt vì anh là người thông dịch.

Ngay chiều hôm đó, Hải trả phòng khách sạn đón xe trở về.

 

Nhà của Lam đơn giản như một căn phòng mở rộng, nằm lọt thỏm giữa khu vườn trồng toàn dừa. Lâu quá rồi không liên lạc với nhau nên Lệ chẳng nhớ gì. Lam nói:

 

– Mấy năm mình mới về một lần, chỉ tạt qua rồi đi. Ba má mình đã già, bịnh nhiều nên ở thành phố cho tiện thuốc thang. Căn nhà nầy giao chú Bảy trông coi giùm…

 

Lệ nhìn lên những ngọn dừa lay động, óng ánh chút hào quang từ mảnh trăng non thượng tuần. Cô chép miệng:

 

– Hồi đó vườn dừa còn thấp chủn à. Hai đứa mình hay đi thu dọn nách dừa để chuẩn bị cho mấy bẹ bông đậu trái…

 

Lam cười nhẹ:

 

– Có lần gặp cả gia đình chuột đang đẻ, mi la lối nhảy như con loi choi..

– Ừa, đất mình, dừa mọc bạt ngàn, đồng lúa cũng thẳng cánh cò…

 

Lam thở dài:

 

– Lệ nè. Mình về đây cốt làm cho xong cái luận án. Nhưng càng ngày càng thấy nhiều điều khác thường. Tâm tư, tình cảm con người ở đây vừa lạ vừa phức tạp. Có vẻ như không ai thực tình sống, kể cả cái chết.

 

Lệ giật mình. Có điều gì khiến cô chợt nhớ

.

– Hình như hồi nãy, mầy có nói gì đến chuyện ai đó chết phải không?

– Mầy nghĩ vậy à? (Lam khéo léo hỏi dò).

 

Lệ im lặng. Cô có cảm giác Lam đang giấu cô điều gì đó. Nhưng với cô đã từ rất lâu rồi mọi thứ không còn quan trọng. Cô chỉ cần làm ăn chăm chỉ, theo thời, có tiền sống là cô an tâm. Tuy nhiên gần đây, nhất là khi có sự xuất hiện của Lam, cô không an giấc. Cứ tựa như có điều gì đó đánh thức cô, lôi kéo cô đi chệch những ý nghĩ thường ngày.

 

Có tiếng chuông điện thoại. Lệ sờ túi quần mình. Cô không mang điện thoại. Chuyện lạ hiếm có. Lúc cô đang suy nghĩ, Lam chậm chạp lục túi xách và thận trọng trả lời:

 

– Dạ, tôi đang nghe.

 

Rồi bỗng giọng cô vang lên dồn dập, mừng rỡ:

 

– Anh về rồi hả? Anh qua nhà Lam được không? Anh còn nhớ đường. Vậy tốt quá. Có nhiều chuyện trao đổi qua điện thoại không tiện…

 

Cô tắt điện thoại, trả lời ánh mắt dò hỏi của Lệ:

 

– Hải sẽ tới đây. .. Tao ra cầu đón. Có bánh mì khô, sữa hộp trong tủ bếp, mi ăn một chút, đừng đi đâu nghe…

 

Hải về đến Uỷ Ban thôn Tối Thượng lúc ba giờ chiều. Sương mù ẩm ướt bám quanh những tấm kiếng cửa tạo nên hàng trăm vệt nước dài chảy lặng lẽ trên các mảng tường sơn màu bạc. Không có mấy người dân đến đây liên hệ hành chánh hoặc công vụ. Vã lại, ngôi nhà quá lớn, quá lạnh lẽo khiến toàn cảnh trông vắng vẻ hơn. Một tấm bảng chiếu la de chạy hàng chữ bằng điện tử nằm ngay trên cao của cổng chính, thông báo: “Cơ quan bận họp. Yêu cầu mọi liên hệ phải được giải quyết trước 3 giờ PM”.

 

Hải nhìn đồng hồ. Chắc giờ nầy mọi người đều tụ tập ở phòng họp. Hải không thích những buổi họp kéo dài lê thê với sự độc diễn của Trưởng Thôn. Anh định lẻn trở ra nhưng bà Thuỷ xuất hiện từ ngoài cổng đã đưa tay ra hiệu.

 

Bà Thuỷ là một phụ nữ kiêu căng và khá độc tài trong công việc. Bà luôn luôn tự hào là người độc nhất tốt nghiệp khoá Dược sĩ cao cấp chịu về quê làm việc. Bà khoe rằng Thành phố đã mời chào bà ở lại, nhưng bà đã thẳng thừng từ chối. “Ai cũng muốn ở sung sướng thì ai sẽ chịu nhận gian khó đây”*. Đó là câu nói bà luôn lập đi lập lại trong các buổi họp, buổi tiệc đông người. Gia đình bà Thuỷ không ai làm việc trong chính quyền. Tuy bố mẹ bà là chủ một nhà máy xay xát lúa, nhưng hai bên nội ngoại đều là những gia đình thuần nông. Bà Thuỷ là con gái duy nhất, hai anh trai bà theo nghiệp cha, riêng bà Thuỷ được đưa lên tỉnh học. Mục đích của gia đình là muốn kiếm cho bà một tấm chồng xứng đáng, thoát khỏi cuộc sống nông thôn cực nhọc. Nào ngờ, bà Thuỷ thi đâu đậu đấy. Tấm bằng Dược sĩ là vòng hoa nguyệt quế đánh tan nhữg lời xầm xì bán tán dè biểu về “ cô thiếu nữ quá tuổi” ở quê nhà. Bà Thuỷ rộn ràng vinh quy về thôn và nhanh chóng được đề bạt nắm giữ mảng y tế thôn Tối Thượng.

 

Khi vừa mới về thôn, bà Thuỷ háo hức muốn đem hết sở học để làm rạng rỡ gia đình. Nhưng rồi qua thời gian, khi những mảng sương mù đè nặng lên bầu trời thôn Tối Thượng, cũng như bao người khác, sự biến đổi dần dà hoàn tất một bà Thuỷ hiện tại.

 

Hải không ưa bà Thuỷ, nhưng không hiểu sao anh vẫn cúc cung và thuận theo tất cả những gì bà yêu cầu. Anh lặng lẽ quay lại, đi về phía bà rồi chợt nhận ra mình đang đứng trước cửa phòng họp thôn Tối Thượng. Bà Thuỷ biến mất trong đám người đứng ngồi cạnh chiếc bàn rộng chạm trỗ nặng nề hình Long Phượng.

 

Mọi người vỗ tay rồi dạt sang một bên khi Hải đi vào. Trong khi anh đang còn ngơ ngác thì tiếng Trưởng Thôn oang oang phấn khích:

 

– Tháng này thôn ta đã hoàn thành xuất sắc 99% kế hoạch đền bù đất và nhà ở cho dân, giải phóng hoàn toàn 95% đất sạch cho các dự án mới. Hy vọng hết năm nay, các dự án bắt đầu khởi công.

 

Trưởng phòng Nông Nghiệp gãi đầu lúng búng:

 

– Nhưng sản lượng lúa giảm mạnh. Dân sẽ không đủ ăn chờ mùa giáp hạt. Yêu cầu bên phòng xã hội có kế hoạch trợ giúp.

 

Phòng xã hội im lặng một phút rồi ngần ngừ:

 

– Chúng ta hy vọng các nhà đầu tư sẽ giúp đỡ nhập gạo từ các nước láng giềng…

 

Hải lẩm bẩm như nói với mình:

 

– Làm sao mà một thôn thuần nông có những ruộng lúa màu mỡ nhất lại thiếu gạo?

 

Câu nói của anh đột nhiên vang lớn trong hội trường (anh không ngờ trước chỗ ngồi của mình có gắn máy khuyếch đại âm thanh). Mọi gương mặt, mắt nhìn đều hướng về phía Hải. Một nỗi sợ hãi vô cớ dâng lên khiến ruột Hải thắt lại, Anh cảm giác mình vừa nói một điều gì sai trái, rất sai trái và không đúng chuẩn mực của thôn Tối Thượng. Hải cúi gằm mặt xuống sát bàn.

 

– Cậu Hải có những thắc mắc quá nông cạn. Có lẽ cậu bị ảnh hưởng bởi những thường dân ngu dốt không biết hy sinh lợi ích bằng móng tay để đổi lấy một tương lai tươi sáng nhờ khoa học, công nghệ hiện đại. Cậu có thấy mình xứng đáng đảm trách nhiệm vụ của mình mà không đi chệch kế hoạch của Thôn không? Đề nghị mọi người cho ý kiến.

 

Hải lắp bắp:

 

– Tôi…tôi… không có ý đó..Tôi chỉ muốn đưa ra câu hỏi để tìm một giải pháp…

 

Bà Thuỷ mỉm cười. Bà đưa bàn tay trắng nuột với những móng sơn xanh màu mạ ánh kim tuyến đặt lên vai Hải trong khi mũi giày đạp khẽ chân anh dưới gầm bàn.

 

– Tôi nghĩ cậu Hải không được khoẻ sau chuyến đi khó khăn lên thành phố. Cậu cần được nghỉ ngơi và điều trị thích hợp. Việc thương thảo hợp đồng với các đối tác Châu Âu luôn luôn khiến ta căng thẳng. Các anh cứ chuyển cậu ấy qua bộ phận y tế của tôi. Sau khi điều trị, tôi có nhiều việc cần đến trình độ của cậu Hải. Có ai không đồng ý?

 

Tất nhiên không ai có ý kiến gì. Đó là thói quen thành nếp. Bà Thuỷ cười nụ, một lần nữa đạp khẽ chân Hải. Bà khoát tay. Một bảo vệ xuất hiện cạnh Hải ra hiệu. Hải đứng dậy đi theo anh ta như một cái máy.

 

Phòng điều trị y tế nằm cạnh khu tạm giam của Ban An Ninh thôn. Hải xăm xăm đến. Anh muốn xin mấy viên thuốc nhức đầu. Có lẽ anh bị cảm hoặc rối loạn tiền đình vì luôn có cảm giác xoay xoay, lềnh bềnh, không tự chủ được.

 

Người bảo vệ quen thuộc đột ngột biến mất tăm. Có thể anh ta bận canh gác cổng ngoài quan trọng hơn việc theo chân Hải. Cửa phòng y tế khép hờ. Bên trong không có ai. Nhân viên y tế gồm một bác sĩ và hai y tá.. nhưng hôm nay cả bác sĩ và y tá đều vắng mặt. Bệnh nhân thăm khám cũng không. Chuyện dễ hiểu, bởi nếu bệnh qua loa, dân thôn chẳng ai buồn đến, họ dùng ba thứ cây lá quanh vườn là xong. Còn nếu bịnh nặng, họ cũng chẳng đủ tiền để trả cho những xét nghiệm và những toa thuốc đầy chữ. Vì thế, họ phó mặc cho số mệnh, cho những bài thuốc rẻ tiền dân dã.

 

Hải ngồi lên mép cái giường sắt ngoài cùng cạnh cửa sổ. Anh cố gắng định thần tự tìm hiểu xem tại sao mình thức mà cứ như người mơ ngủ. Kể từ ngày trở về thôn, anh nhớ mình có một mục đích nào đó rất bay bổng. Nhưng điều gì đã kéo anh chạy quanh cái guồng máy vừa lạ lùng vừa chệch hướng. Những cơn gió âm thầm đưa cả bầu trời u ám, ẩm mốc bao trùm xóm làng khiến tâm trí anh luôn mờ mịt rầu rỉ. Đôi lúc anh cảm giác mình chạm được vào khối lửa ấm áp trán năng lượng như ngày xưa, nhưng chỉ một tích tắc sau, làn sương lạnh giá ập đến khiến anh chới với, mụ mị tựa người mê ngủ. Thỉnh thoảng, đôi lúc, màn sương nhạt mỏng để lộ vài khoảng xanh trên bầu trời mây, anh phấn khích, nôn nao muốn làm một điều gì đó. Nhưng rồi mọi thứ tan biến vô vọng khi sợi nắng hiếm hoi bị co rút lên cao nhanh như lúc đến.

 

Hải lục tìm trên kệ một viên thuốc Paracetamol. Anh nuốt ực với chút nước còn sót trong chai nước suối của ai đó bỏ quên trên bàn khám. Khi ngẩng đầu nuốt thuốc, mắt anh chợt nhìn qua cửa sổ. Một bóng người từ trong phòng giam của ban An ninh bước ra rất nhanh. Hải nấc nghẹn. Đó là Quân. Cái bóng chạy rất nhanh rồi biến mất sau bụi trà hàng rào. Hải thảng thốt vứt chai nước xuống, tông cửa đuổi theo cái bóng.

 

Hải thấy mình đứng chơ vơ trên con đường thênh thang kéo dài đến quảng trường thôn. Không có ai ngoài anh và vài dân quân tay cầm gậy bảo vệ đang vòng quanh khu đất trống cạnh dự án mở trường đại học. Hải dụi mắt cố nhìn xuyên qua đám sương mù đang trải mênh mông bốn hướng. Cái mục tiêu Hải đang muốn tìm như không hề tồn tại. Mình bị bệnh hoang tưởng chăng? Hải giật mình sợ hãi. Dạo nầy anh hay mệt mỏi, rồi những cơn ác mộng và hằng trăm tiếng nói xuất hiện trong đầu. Đúng là anh bịnh, bà Thuỷ đã bảo thế. Có thể nào anh đã là người vô dụng? Anh cố trấn tỉnh nhưng một nỗi thất vọng ê chề bản thân mình xâm chiếm toàn bộ ý thức của Hải. Anh cảm nhận được rằng mình đang theo đuổi một điều gì đó rất phi lý, rất đáng sợ, nhưng không biết vì sao và vì ai. Hải ngồi thụp xuống đám cỏ ướt và ngay lúc ấy anh nghe tiếng chuông điện thoại giục giả liên hồi…

 

 

>> XEM TIỂU THUYẾT – HỒI KÝ CỦA TÁC GIẢ KHÁC