Kim Hài – Giòng sông Tỉnh Thức – kỳ 5

540

16.5.2018-23:00

 Nhà văn Kim Hài

 

Giòng sông Tỉnh Thức

 

TRUYỆN DÀI CỦA KIM HÀI

 

V. XÁC SỐNG

 

NVTPHCM- Khi Hải rút được chiếc điện thoại trong túi quần ra, tiếng chuông đã im bặt. Anh gọi lại mấy lần vẫn không nghe hồi âm. Số lạ. Hải mân mê cái điện thoại, ngẩn ngẩn ngơ ngơ nhìn về phía khu phố chợ giờ đã sáng đèn. Tiếng nhạc văng vẳng theo gió dịu dàng vuốt ve thính giác Hải. Tim Hải chợt bóp nhẹ. Một luồng khí ấm chầm chậm  lan toả lên đầu. Anh nhớ, nhớ rất nhiều, đầu tiên là màu đỏ ngọc, màu mắt thỏ, rồi anh định hình được nổi nhớ của mình: Lệ. Lệ đang ở kia, trong dãy phố chợ đầy tiếng nhạc. Hải vội vàng bước. Nhưng anh chợt khựng lại . Lệ đã chết cùng với Quân. Người ta không tìm thấy Lệ sau đó. Tia sáng lý trí chuẩn xác đã bùng nổ giữa vô vàn u mê. Hải tê cứng người, nổi đau đớn vì mất Lệ khiến Hải như thoát ra khỏi đám sương mù huyển hoặc. Nếu Lệ không chết, bỏ trốn vì sợ hãi, cô nhất định không mang theo điện thoại của mình. Nhưng có thể một người nào đó cho cô tá túc tạm thời phải có điện thoại. Có thể cú điện thoại vừa rồi là của Lệ? Nhưng ai? Anh nghĩ ra một cái tên, Lam. Đúng rồi, chỉ có Lam là người biết được chuyện gì xảy ra với Lệ. Hải lần tìm những cuộc gọi gần nhất.. Anh bấm máy.

 

Giòng Tỉnh Thức đang chảy mạnh. Cây cầu bắt ngang sông rung lắc dữ dội. Với những ai đã quen với những chiếc cầu bê tông cốt sắt sẽ thấy sợ, nhưng Hải cũng như các cư dân Tối Thượng quá quen với những cây cầu “lắc lẻo gập ghềnh khó đi..” thì độ rung lắc nầy không làm anh chùn bước. Anh chỉ ngạc nhiên vì cầu mới xây được hai năm và số tiền đầu tư không nhỏ. Thế nhưng độ bền của cây cầu chẳng đáng tin, nhất là khi thôn đang xây con đập “vĩ đại” phía thượng nguồn và giòng sông bị xói lỡ từng ngày.

 

Hải dừng một chút ở giữa cầu. Nước đổ về sùi bọt đục ngầu rồi dần thẩm màu dưới ánh hoàng hôn. Mọi khi, nước chỉ gào to trên những tảng đá lăn lóc vô số bên bờ thôn Tối Thượng, còn bờ bên kia vẫn êm ả xuôi giòng. Nhưng hôm nay lại khác. Những con sóng dập dềnh cuồn cuộn kêu rêu tức giận vì đá cản đường đã tràn sang bờ bên kia, khiến giòng nước sâu thẳm tối đen như muốn nhận chìm nốt chút nắng nhạt cuối ngày trên đầu những ngọn dừa thôn Tối Hạ.

 

Bỗng nhiên lòng Hải bồn chồn không an. Anh hóng mắt nhìn phía cuối cầu. Không thấy bóng ai. Một làn sương ảm đạm tràn tới chân Hải và đổ lên người anh thứ nước mưa lạnh lẻo trơn ướt. Hải chùn bước. Cây cầu như nhún nhảy dưới chân. Đêm tối thật mau. Giờ thì anh không nhìn thấy ánh đèn điện của phố chợ và cũng không nhận ra được hàng dừa xoả tóc bên bờ kia của giòng Tỉnh Thức. Hải mệt mỏi ngồi sụp xuống, bần thần bởi những tiếng gầm khủng khiếp từ phía xa . Và anh chợt thấy một khối nước khổng lồ băng băng đến như sắp nuốt chửng mình. Hải vẫn chưa hiểu điều gì đang xảy đến. Chỉ có nổi sợ khủng khiếp tràn ngập anh. Hải lùi dần, lùi dần rồi cuống cuồng bỏ chạy.  Cuối cùng anh ngã sấp vào một cánh cổng  cọc nhọn và mắc vào đó như bám vào một cái móc áo. Nước trùm qua anh. Những âm thanh rách nát đổ vỡ bao phủ anh. Mắt Hải không nhìn quá được khoảng xa một mét, nhưng tâm trí anh trở nên minh mẩn hơn lúc nào hết.

 

Vỡ đập rồi.

 

Cái đập nghìn tỉ đã ngốn của dân Tối Thượng mấy trăm hecta ruộng đồng cùng hàng trăm căn nhà, đình chùa, hàng chục di tích văn hoá chìm  sâu vào lòng hồ tích nước. Những hứa hẹn hoa mỹ về lợi ích của cái đập không làm cho người dân quên đi nổi buồn mất đất mất nhà nhưng dù sao vẫn có chút hy vọng về một tương lai tươi sáng khi con đập hoàn thành. Hải đã từng dẫn đoàn đến từng nhà dân giải thích cho họ. Anh  say sưa nói hết những hiểu biết của anh về đập thuỷ điện và  hết lòng vửng tin một cuộc đổi mới sẽ mang đến ấm no hạnh phúc cho dân thôn. Và giống như mọi cấp chính quyền thôn Tối Thượng, anh không nghĩ đến những bất cập, những di hại để mọi người đề phòng hoặc chuẩn bị tinh thần bởi dễ hiểu tất cả cán bộ đều phải đi cùng một hướng , một lề, không quay ngược. Và hôm nay, khi con đập vừa mới hoàn chỉnh, chưa kịp nhiệm thu thì nước đã dâng tràn ngập thôn làng?  Những hậu quả khủng khiếp nào đang xảy đến cho những người dân đang sống hai bên dòng Tỉnh Thức, cho những khu tái định cư tạm bợ, cho cả những người cố bám vào giòng Tỉnh Thức để sinh sống?

 

Bây giờ Hải đã nghe thấy rất nhiều tiếng kêu la, từ xa, đến gần rồi vụt ngang qua anh xuôi về cuối giòng. Hải há miệng thở, anh quơ tay, đạp chân muốn bơi đi tự do để tìm chỗ ngoi lên nhưng có cái gì như những bàn tay níu ghì anh xuống.  Rã rời, Hải không còn sức chống đỡ, anh để mặc cho những cơn sặc nước lấy dần đi chút không khí còn lại trong lồng ngực. Đêm vẫn đen màu mực như muốn che dấu những tàn phá khủng khiếp đang bao trùm thôn Tối Thượng.

 

Buổi sáng lờ nhờ tựa miếng dải nhớt kéo lê qua quảng trường. Tấm áo của Hải không phải móc vào cọc rào mà chính xác là hàng cọc sắt bao quanh khu dự án trường Đại Học. Có lẽ nhờ vậy mà Hải thoát chết. Ở đây nước rút nhanh. Quanh Hải nước chỉ còn ngập đến mắt cá chân, nhưng sâu phía Bắc của dự án, những cánh đồng nhuốm màu  đỏ gạch nước sông. Và xa hơn, một vài mái nhà nát dập dềnh như phao nổi…

 

Cái lạnh thấm qua lần áo mỏng. Hải hắt hơi liên tục và anh tỉnh dậy ngay lập tức, nhưng phải đến một lúc Hải mới nhận thức được vị trí của mình. Anh hối hả tháo gở hàng nút trước để kéo mình khỏi những móc cọc. Cái áo rách mướp te tua. Anh chậm chạp tìm thanh ngang hàng rào để tụt xuống.

 

Trưởng thôn Tối Thượng nhìn cánh đồng nước bát ngát với đôi mắt lạnh lùng. Đi cạnh ông là bà Thuỷ cùng hai cán bộ uỷ ban. Tất cả bọn họ đứng ngồi trên chiếc thuyền đuôi tôm đang rẻ nước. Sóng chòng chành tạt những giọt nước li ti lên áo mọi người. Bà Thuỷ né người lấy một chéo khăn choàng phủi nhẹ áo mình.  Trên đôi ba nóc nhà sót vẫn còn những cái vẩy tay cuống quýt của vài gia đình chưa kịp chạy thoát. Trưởng Thôn khè giọng:

 

Sao tụi nó nói đã tản cư dân lên hết trụ sở rồi?

Dạ, chắc những nhà nầy không chịu di dời… chớ… tụi em… Hay mình vớt họ…

 

Chiếc thuyền không dừng lại vẫn hướng mũi về phía trước. Bà Thuỷ khoát tay:

 

Đây là ghe thị sát. Điện cho tụi phòng chống thiên tai. Biểu tới ngay.

Dạ…A  lô…A lô…A  lô… Chị ơi..mất sóng rồi…

 

Không ai có ý kiến gì. Chỉ có tiếng máy ghe gầm gừ trên biển nước. Anh cán bộ gọi điện ngần ngừ một chút rồi đút điện thoại vào túi quần.

 

Sương mù đè nặng trên mặt nước đỏ quạch, tầm nhìn giới hạn nhưng ai cũng biết đồng ruộng nhà cửa đã chìm ngập trong nước rồi. Chiếc ghe đánh một vòng lớn ra phía cận sông. Gương mặt Trưởng Thôn tư lự:

 

Sao tụi nó xả lũ mà không điện cho Uỷ Ban? Bẻ lái ngược lên đập coi…

 

Nước vẫn tràn trề như vừa qua một trận lụt lớn. Hai phần ba họng xả đã đóng nhưng giòng nước vẫn băng băng tràn xuống hạ lưu tạo nên vô số âm thanh trầm đục nham hiểm dưới lòng hồ. Một vết nứt to toang hoát như con hẻm sâu dài ngoằn, nổi rõ trên thành đập. Đó là lý do xả lũ. Bà Thuỷ kêu to:

 

Coi kìa. Trên đó có vết nứt. Tụi nó làm ăn kiểu gì vậy? May không phải mùa lũ, bằng không chắc cả khu dự án” City Center” của tui ngập hết. Phải kiểm điểm thiệt nặng tụi nầy.

 

Trưởng phòng địa chính hùng hổ:

 

Mình tới hiện trường chụp hình lấy bằng chứng. Đập chưa nhiệm thu mà đã vận hành là sao?

 

Đường đi vào khu quản lý dự án cách chỗ ghe dừng khoảng trăm mét. Đất bùn phủ một lớp đỏ dày nhầy nhụa trên nền bê tông. Đứng đón đoàn là hai nhân viên thấp bé, chân đi bốt nhựa cao tận đầu gối. Người lớn tuổi nhất vuốt vuốt tóc ra vẻ bối rối:

 

Trưởng Thôn…

 

Trưởng phòng địa chính hất hàm:

 

Thôn đi kiểm tra. Báo cho ban quản lý .

Dạ, ban Quản lý đi họp chưa về. Nhưng ….nhưng…đoàn không vô được ạ. Ban quản lý có lệnh cấm người lạ vào đập.

 

Bà Thuỷ đanh giọng:

 

Chúng tôi là chính quyền chứ đâu phải người lạ. Mấy chú xả lũ vô tội vạ, không thông báo. Chạy máy khi chưa có phép vận hành. Mở cửa ra…

 

Dạ, nhưng đây là vùng thuộc quyền quản lý của đập nên không ai được vào.

Đập thuỷ điện trên đất Tối Thượng là do thôn quản lý. Anh không hiểu hả?

 

Dạ theo như giấy phép đầu tư xây dựng, đây là vùng tự quản riêng thuộc tập đoàn Thuỷ Điện AW. Giấy phépdo chính UB cấp và …

 

Trưởng phòng Địa Chính gầm gừ:

Láo. UB cấp thì UB cũng có quyền rút. Hiểu không?

 

Tên nhân viên thấp bé bước lên trước, giọng trọ trẹ, hách dịch:

 

Đây là đặc khu riêng. Hợp đồng đầu tư thực hiện theo quy trình của Nhà Nước. Chính quyền cũng phải tuân thủ pháp luật khi đã ký thoả thuận. Chỉ có Ban Thanh tra Chính phủ mới được phép vào.

 

Trưởng Thôn mặt hầm hầm khoát tay:

Về… Không cần vào. Ngày mai họp Uỷ ban lập đoàn thanh tra…

 

Bà Thuỷ ngơ ngác:

 

Ủa , sao lại là vùng tự quản? Đất đai là sở hữu của thôn. Vậy mà tụi nó dám cấm chính quyền..

 

Tiếng nói của bà Thuỷ trôi tuột về phía sau hoà lẩn vào tiếng máy ghe rẽ nước.

 

Khi lê đến được khoảng đất khô ráo nhất dưới chân tượng đài, Hải mới cảm thấy cái lạnh thấm tận bên trong lồng ngực. Anh húng hắng ho. Giữa hai cơn ho một thoáng ký ức ẩn hiện. Hải đột nhiên nhớ quay quắt mảnh vườn nhỏ bên hông nhà trồng đầy rau tần , bạc hà, chanh, tằc, những loại cây,rau chỉ cần đất khô ẩm là lớn vùn vụt. Những đám rau tần dày lá mềm mượt một lớp lông tơ toả mùi thơm đặc trưng. Bài thuốc trị ho dân dã đượm mùi của đất, của sương và thấm đẫm những lời nói êm ái vỗ về của mẹ thời thơ ấu giờ bỗng tái hiện như mới hôm qua. Tuổi nhỏ của anh lớn lên trong hương thơm của rau cỏ cây hoa. Mảnh vườn ruộng đó liệu có còn?  Mắt Hải dỏi về phía xa. Không gì ngoài  nước đỏ một màu. Hải đứng bật dậy. Cái áo sơ mi rách te tua rơi nằm nhúm nhó trên nền bê tông đang bục rữa.

 

Có tiếng xuồng máy kêu lạch bạch . Hải vội vàng lội nước hướng về phía cây cầu. Nước sông vẫn tràn bờ lém sát cạnh khu đất của dự án Trường Đại Học. Chiếc ghe đi thị sát vùng bị lũ đã trở về nằm chênh vênh. Hải nhảy lên ghe và không hiểu sao anh cũng xử dụng được tay lái điều khiển mủi ghe hướng đến khu nhà tái định cư của người dân thôn Thượng.

 

Nước mênh mang là nước. Nước đỏ rực và sôi sục nhấn chìm hết hoa màu. Không một mái nhà nào sót lại sau lũ. Không định hướng được, chiếc ghe máy xoay tròn và Hải chợt nhìn thấy những cánh tay vẩy gọi từ một toà nhà xây dựng dở dang toạ lạc sau lưng dự án sân vận động thông minh của Thôn Tối Thượng.

 

Hầu hết người dân còn sống sót đều tụ tập trong toà nhà nầy. Dù chưa hoàn thành nhưng chí ít đây cũng là một nơi tạm trú vửng chải cho những gia đình mất nhà. Cả đời chưa bao giờ được sống trong những căn phòng lát gạch hoa, trần bê tông, nên mặt ai cũng ngơ ngáo . Họ đi loanh quanh cùng với vợ chồng con cái ông bà, ôm trong tay mấy bộ quần áo hoặc chăn mền cũ mèm , lúng túng không biết đặt để nơi đâu hoặc chọn chỗ nào. Ít người dám mon men lên lầu ba hoặc bốn, có lẽ vì không quen ở trên cao. Toà nhà rộng thênh thang dự tính để làm chỗ ở cho các vận động viên , gọi nôm na là làng thế vận. Không một người dân thôn Tối Thượng hiểu được ý nghĩa của làng thế vận và cũng chưa một lần nào trong đời đứng trong lòng căn nhà thênh thang nầy Cái cảm giác mình đang ở giữa cánh đồng mông quạnh khiến họ bối rối. Họ không thể sinh hoạt riêng tư giữa cánh đồng trống , vì thế họ đi lòng vòng với gương mặt thất thần còn nguyên nét nhăn nhúm sợ hãi như những xác sống vật vờ.

 

Hải nhìn thấy ông bà Quang đang đứng ở đầu căn nhà. Anh đến gần , lặng lẽ cầm lấy bọc chăn mền trên tay mẹ. Ông Quang nhìn anh trân trối. Bà Quang kể lể những câu rời rạc:

 

Trời không mưa, không gió… Tự dưng nước lên… Giữa đêm… Mất hết… Mất hết rồi…

 

Rồi bà dừng lại nửa chừng, hỏi một câu như trẻ con:

 

Con à, thôn sẽ làm nhà lại cho ba má hả? Người ta nói sẽ phát gạo muối, thức ăn, lo hết mọi thứ. Nhưng chừng nào hả con?

 

Hải ôm mẹ và an ủi bảo mẹ đừng nói nữa. Rồi sẽ ổn thôi. Hải cảm thấy lạnh. Anh đang ở trần mà sương mù luôn thốc những hạt nước li ti qua những cánh cửa mở rộng. Anh chưa hiểu hết những gì xảy ra đêm hôm qua. Anh cố suy nghĩ thật logic, vận dụng hết lý trí và sự hiểu biết của mình giữa tấm màn tăm tối của ý thức. Thân hình bà Quang run rẩy trong vòng tay Hải. Hải cúi sát mặt mẹ, anh hơi rùng mình khi nhìn thấy gương mặt xám ngoắt của bà. Một gương mặt chất chứa nổi tuyệt vọng, khổ ải của một đời nông dân lầm lủi, chịu đựng bao tầng thua thiệt áp bức. Hải bàng hoàng. Một cơn đau quặn từng hồi trong lòng Hải. Nó như một giòng dung nham lỏng bắn những tia nóng bỏng vào tim, vào những đám mây mù bao quanh tâm trí anh. Hải từ tốn đẩy mẹ ra. Anh vổ vai ba rồi hướng ra cửa chính, xuyên qua những con người vật vờ.

 

Ông Sáu, ba Quân, chặn Hải lại ngay tại bậc thềm làng thế vận. Hải bối rối bởi anh không có can đảm đối mặt với nổi đau của người cha vừa mất đứa con trai độc nhất của mình.

 

Hải à, cháu có rảnh không?

 

Hải trố mắt nhìn ông. Anh ngạc nhiên khi nghe giọng nói rõ ràng và cương quyết của ông, một người dân trong thôn Tối Thượng. Cách nói nầy Hải đã không còn nghe từ lâu lắm rồi. Bác Sáu cũng không có thái độ nầy cũng từ lâu lắm rồi. Và chính anh cũng rất ngạc nhiên khi nhận ra mình lại quan tâm rất nhiều đến câu chuyện ông Sáu sẽ nói với anh.

 

Cả hai ngồi trên bậc thềm nhìn ra sân vận động mông mênh. Thảm cỏ nhân tạo bị cong vênh chỗ lồi chỗ lỏm, nhìn như những đợt sóng nhấp nhô. Ông Sáu thở dài. Giọng ông trở nên khàn đục như màn mây xám trầm tích trên bầu trời thôn.

 

Thằng Quân đã đi thiệt rồi Hải à. Cái hòm chưa kịp chôn đã trôi theo giòng nước. Bác chỉ ngủ quên có một tích tắc mà không kéo kịp cái hòm. Được cái nó trôi nhẹ lắm, nhẹ như trong hòm không có người nào.Vậy cũng hay. Để nó trôi ra sông ra biển, chớ nước ngập trắng đồng lấy đâu ra chỗ.

     

Hải nghẹn lời. Khó mở lời an ủi bác Sáu. Một hình ảnh thoáng qua. Suýt chút nữa anh buột miệng kể với ông về cái bóng của Quân khi anh ở phòng Y Tế. Bác Sáu bất ngờ chuyển câu chuyện:

 

Nông thôn mới là cái gì hả cháu? Thằng Quân nó cứ lải nhải với bác rằng chính nông thôn mới đã đuổi dân thôn  mình về khu định cư. Nông thôn mới lấy ruộng của mình để xây mấy cái như vầy. Nông thôn mới khiến dân thôn không còn ruộng tốt để làm nên không đủ gạo, không chỗ nuôi heo nuôi bò…

 

Hải trệu trạo những lời cũ rích như con bò nhai nắm rơm khô. Nắm rơm mới đây từng rất ngon, vậy sao hôm nay vì cớ gì anh cảm nhận vị đắng chát đậm dần trong cổ họng.

 

Thế giới bây giờ khác trước bác à. Phải hiện đại, phải đổi mới để người dân được hưởng những tiện ích của thời đại khoa học công nghiệp. Chúng ta phải xài máy cày thay trâu bò. Phải tưới tiêu bằng thuỷ điện để tiết kiệm công sức và điều hoà nguồn lương thực (Hải nuốt nước miếng khó khăn, nói tiếp). Con trẻ thôn mình phải có chỗ học hành tử tế chớ không phải tốn tiền chạy vạy lên thành phố khiến nhiều gia đình phải cho con bỏ học. Cũng như phải có bệnh viện lớn, thầy thuốc giỏi… nhiều nhiều thứ lắm bác à…

 

Bác Sáu cười khẩy:

Vậy chục năm qua dân thôn được cái gì hở con..?

 

Hỏi xong ông đứng dậy như không cần câu trả lời của Hải. Ông bước xuống các bậc thềm. Dáng ông lẻ loi, cô độc giữa cái sân banh bát ngát vắng vẻ.

 

Đến phiên Hải ngẩn người. Những câu hỏi của bác Sáu có một thời anh cũng đã đặt ra và tự anh ru ngủ mình giữa đám sương mù miên viễn. Tại sao bây giờ anh mới nghĩ đến?. Tại sao giòng máu phản biện của một giáo viên Toán đã nguội lạnh qua nhiều năm tháng, đột nhiên một ngày trổi dậy?

 

Hải nhìn lên cao. Gió vẫn cuồn cuộn sương mù. Không phải trên đó mà từ đây, ngay tại nơi nầy. Anh quay đầu nhìn vào trong căn nhà thế vận. Những bóng người, lạ có quen có, thẩn thờ qua lại ngang cửa sổ. Trong đó, anh biết có ba má anh, đang vật vờ tuyệt vọng vì một tương lai mịt mờ, vì cuộc sống của họ đang bị đẩy càng lúc càng xa cái giềng mối bao đời thân thiết. Cả Lệ, tình yêu non trẻ của anh, đã khác lạ, đã trôi dạt đâu đó. Tim Hải thắt lại. Một nổi thương xót dâng lên, ban đầu nhẹ nhàng, mờ nhạt, nhưng sau đó rõ dần, lớn dần. Những người nông dân chân lấm tay bùn kia đã từng nuôi sống anh, cưu mang anh từ cả trước khi anh chưa thành hình, khi anh chỉ là một tế bào theo giòng máu đỏ luân lưu tự thuở xa xăm , tự thuở tổ tiên ông bà khai hoang lập ấp. Anh là một phần máu thịt của thôn làng. Máu thịt ấy đang khô dần, cạn kiệt bởi thứ vật chất dễ tàn lụi, dễ rã tan chiếm phần. Anh sợ hãi rằng chẳng bao lâu nữa, những thân quen ruột rà đó sẽ không còn. Không ai nhận ra nhau . Chỉ có những xác sống lạnh lẻo bàng quan nghi kỵ.

 

Chưa bao giờ Hải cảm nhận được sự mất mát  đang đe doạ anh và mọi người lớn đến như vậy. Có phải chính tình yêu con trai, nổi đau đớn vì sự mất mát của mình mà bác Sáu không khuất phục? Có phải vì những cơn tê buốt sâu thẳm khi nhìn thấy ba má, khi mất Lệ mà Hải phản kháng với những sáo điều bó chặt anh từ cái ngày bị biến đổi? Anh không biết, nhưng cảm tính trong anh đang lấn lướt bào mòn dần tấm màn sương xám. Anh đứng dậy, chạy quáng quàng đuổi theo bác Sáu để nói với bác rằng có thể Quân còn sống, có thể còn hy vọng. Nhưng một lần nữa màn sương u tối lạnh ngắt hất tung anh khỏi những bậc tầng cấp. Anh loạng choạng bổ nhào vào tấm vỏng ẩm ướt như cái mồm đầy giải rớt của con quái vật.

 

 (Trích trong truyện dài Giòng Sông Tỉnh Thức)

 

 

>> XEM TIỂU THUYẾT – HỒI KÝ CỦA TÁC GIẢ KHÁC