Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Phạm Tường Hạnh

613

Vào sáng 17.7, tại TPHCM, Hội Nhà văn Việt Nam cùng gia đình nhà văn Phạm Tường Hạnh tổ chức Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Phạm Tường Hạnh (1920-2020), một cây bút gắn bó với Nam Bộ trong kháng chiến cứu nước.

Đến tham dự có nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN, nhà văn Trần Văn Tuấn – Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu và nhà thơ Phan Hoàng –  Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cùng đông đảo nhà văn, nhà báo các thế hệ quen biết nhà văn Phạm Tường Hạnh như: Đoàn Minh Tuấn, Mai Quốc Liên, Tô Hoàng, Thái Thăng Long, Lưu Trọng Văn, Hoàng Đình Quang, Trần Quốc Toàn, Lê Thị Kim, Trương Tuyết Mai, Võ Văn Nhơn, Cao Xuân Sơn,… và đông đảo khách mời.

Nhà văn Phạm Tường Hạnh tên khai sinh là Phạm Trọng Hân, sinh ngày 17.7.1920, mất năm 2013, quê gốc ở Thái Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, ông từng làm Trưởng ty Thông tin ở tỉnh Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương ngày nay), rồi đi giải phóng quân, làm chủ bút báo Quân khu 8.

Bức vẽ chân dung ông Phạm Tường Hạnh được họa sĩ Lê Sa Long trao tặng cho gia đình nhà văn.

Sau Hiệp định Genève, ông tập kết ra Bắc, làm biên tập viên Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1958, ông vào Vĩnh Linh, Quảng Trị làm biên tập của Báo Thống Nhất. Năm 1962, ông trở lại làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhiều bạn đồng nghiệp trân trọng gọi Phạm Tường Hạnh là con ong cần cù, dâng mật ngọt cho đời. Sau tác phẩm đầu tay “Vợ chồng Bảy Thẹo”, ông cho ra đời các tác phẩm: “Búp bê Đức sang Việt Nam”, “Buổi sáng trên bến Nhà Rồng”, “Ngọn lửa Krông Jung, Đất Sài Gòn”…

Cả đời viết văn, Phạm Tường Hạnh tuy viết nhiều thể loại, nhưng sở trường của ông là ký sự. Những tác phẩm viết bằng thể ký của ông có giá trị lịch sử, giá trị nhân văn sâu sắc. Ký sự “Vua Phật Lưu Công Danh đi kháng chiến” – sự kiện xôn xao dư luận xã hội lúc bấy giờ, là một ví dụ. Chất liệu đời thực, sự nghiệp của “Phật sống” Lưu Công Danh ly kỳ, hấp dẫn. Từ chất liệu quý giá ấy, Phạm Tường Hạnh đã “thổi” vào đó tất cả tâm sự, nhiệt huyết của ông với dân với nước.

Với những cống hiến cho nước nhà, nhà văn Phạm Tường Hạnh được Nhà nước trao tặng nhiều huân huy chương cao quý, như: Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng ba, Huân chương Chiến thắng hạng ba, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, giải thưởng của Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam… Nhà xuất bản Văn học vừa in lần thứ hai Tuyển tập Phạm Tường Hạnh, sách dày 1.130 trang, có bổ sung nhiều tác phẩm mới.

Giáo sư-Tiến sĩ Mai Quốc Liên cho rằng lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Phạm Tường Hạnh là dịp để chúng ta quay trở lại với văn học cách mạng, cùng học tập, kế thừa những tâm huyết của các bậc đàn anh, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước. ”Tưởng niệm nhà văn Phạm Tường Hạnh hôm nay, cũng như các nhà văn như Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân… chúng ta đều một lòng hướng về cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc với những con người do cuộc chiến đấu đó sản sinh ra. Từ đó kế thừa và phát huy trong giai đoạn mới”.

Theo VOV/VHSG