Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lại áng hùng văn Tuyên ngôn Độc lập

759

Trần Ngọc Tuấn

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2.9.1945, khai sinh ra nước Việt Nam mới. Ngoài giá trị lịch sử trọng đại, giá trị tư tưởng nhân văn sâu sắc, Tuyên ngôn Độc lập còn là một áng hùng văn chính luận kiệt xuất. Nó là đỉnh cao, có tính tiên phong, mẫu mực của thể văn xuôi chính luận Việt Nam hiện đại, mà những người về sau là như Lê Duẩn, Trường Chinh (Sóng Hồng), Phạm Văn Đồng… kế thừa, phát huy.

So với bài thơ “Thần” Nam quốc sơn hà (tương truyền là của Lý Thường Kiệt, xem như là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên), với bản tuyên ngôn lần thứ hai Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi (viết thay Lê Lợi), thì Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh có phần đặc biệt khác về thể loại, dung lượng, kết cấu, tư tưởng, tâm huyết, bút pháp. Nhất là hoàn cảnh lịch sử mà nó ra đời. Vì tính chất quan trọng đó, có thể nói, Tuyên ngôn Độc lập thể hiện rõ nhất quan điểm viết của Hồ Chí Minh: Xuất phát từ mục đích viết, đối tượng người đọc để quyết định nội dung và hình thức viết. Tính từ ngày 26.8.1945 Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, đến ngày đọc bản tuyên ngôn thì chỉ vẻn vẹn trong một tuần lễ. Nếu không phải là người có khối óc tinh thông, trái tim cháy bỏng nhiệt huyết, tất không thể có áng văn trác việt như thế!

Cũng mở đầu bằng từ “Hỡi…”, nhưng nếu Nguyễn Đình Chiểu trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đầy bi ai (“Hỡi ôi! Súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ”), thì giọng điệu của Tuyên ngôn Độc lập gọn khỏe hơn, âm vang rắn rỏi hơn: “Hỡi đồng bào cả nước…”. Nó vừa là lời mở đầu của bài văn, là lời chào, vừa là lời kêu gọi, hiệu triệu. Không phải không có lý khi mà Hồ Chí Minh viết ở phần kết thúc với lời thề mạnh mẽ nói thay cho toàn thể đổng bào: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Liên hệ như thế để thấy rằng, với tầm nhìn và sự lo lắng xa rộng, không phải đến năm 1946, khi Pháp quay lại xâm lược, Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, mà ở văn bản có tính chất tuyên bố này, Hồ Chủ tịch đã chuyển tải thông điệp cấp bách ấy. Mấy mươi năm viết văn ở ngoại quốc với việc dùng nhiều thuật ngữ chính trị xã hội hiện đại trên nước Pháp, trên báo chí nước ngoài, thế mà Hồ Chí Minh không dùng từ “nhân dân” mà gọi “đồng bào”. “Đồng bào” là có ý gợi để chỉ cùng chung huyết thống dân tộc, cùng một bào thai.

Trong Chân dung và đối thoại, nhà thơ Trần Đăng Khoa có ghi lại lời của nhà thơ Tố Hữu khi “cánh chim đầu đàn thi ca cách mạng” này được phỏng vấn: “Sau chiến thắng (Điện Biên Phủ, 1954 – người viết), tôi lên Bác ngay. Lên xin ý kiến Bác xem cần tuyên truyền thế nào. Có điều lạ là Bác rất bình thản, Bác bảo: Đây chỉ là chiến thắng bước đầu thôi. Sao các chú cứ rối lên thế. Ta đánh thì tất nhiên sẽ thắng… Nhưng đừng rối lên. Phải cảnh giác. Chiến tranh chưa kết thúc đâu. Kẻ thù của ta bây giờ không phải là Pháp nữa, mà là Mỹ…”. Chúng ta không quá suy diễn khi cho rằng tầm nhìn xa rộng đó đã được Hồ Chí Minh thấy từ gần 10 năm trước trong Tuyên ngôn Độc lập. Đó là việc viện dẫn theo cách “lấy gậy ông đập lưng ông” hai bản tuyên ngôn của nước Mỹ và của Cách mạng Pháp – một đối thủ lâu dài và một thế lực thù địch trước mắt – vào phần cơ sở pháp lý cho bản tuyên ngôn của mình.

Nếu cơ sở làm nên chân lý vững bền xuyên suốt trong Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi là tư tưởng nhân nghĩa: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “bại nhân nghĩa nát cả đất trời”, “đem đại nghĩa để thắng hung tàn”, “cấp cho vài nghìn cỗ ngựa”… Thì Tuyên ngôn Độc lập được xây dựng trên ba cơ sở như một chiếc kiềng ba chân vững chắc: pháp lý, thực tiễn và nhân nghĩa, nhằm bác bỏ các luận điệu gian trái “khai hóa”, “bảo hộ” của thực dân Pháp trên các phương diện lý thuyết, thực tế (tội ác của Pháp) và hành động nhân đạo của Việt Minh, cũng như việc làm phi nhân nghĩa của thực dân Pháp. Tuy vậy, nếu tinh ý sẽ thấy rằng, Hồ Chí Minh không đưa các Hội nghị Tehran (tổ chức tại Iran, năm 1943), Hội nghị Cựu Kim Sơn (San Francisco, Hoa Kỳ), những hội nghị có tính pháp lý rất cao này vào phần cơ sở pháp lý ở đoạn đầu, mà phải đến gần cuối văn bản, Hồ Chủ tịch mới viện dẫn. Đây là cách lập luận cực kỳ khôn khéo, nhằm tăng thêm tính thuyết phục, như thủ pháp ra đòn “knork-out” sau cùng, thủ pháp “giọt nước tràn li” của lập luận!

Tuyên ngôn Độc lập có một hệ thống từ ngữ đóng vai trò gắn kết văn bản vô cùng chặt chẽ, đến mức “con kiến cũng khó bò lọt”. Đó là các từ ngữ: “đó là…”, “thế mà…”, “về…”, “tuy vậy…”, “bởi thế cho nên…”, “vì những lẽ trên…”. Hồ Chí Minh cũng đã sử dụng những câu văn có sự chính xác ngôn từ đến mức… “nghiệt ngã”. Nhiều người đã đọc sai như thế này: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”. Hồ Chủ tịch không viết như thế, mà đưa từ “đều” lên trước hai từ “sinh ra” nhằm nhấn mạnh sự bình đẳng. Hay như trong đoạn tuyên bố, Người viết: “Tuyên bố thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam”. Tôi lại thấy nhiều người trích dẫn sai như sau: “Tuyên bố thoát li hẳn quan hệ với thực dân Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí với nước Việt Nam”. Trích như vậy là chưa thấy được sự tinh ý của Hồ Chí Minh. Ở đây cần hiểu là, với nước Pháp văn minh, chúng ta vẫn quan hệ, chỉ thoát li quan hệ với mặt xấu, mặt “thực dân” của nước Pháp mà thôi. Không thể thay từ “về” bằng từ “với” được, vì từ “về” là đơn phương, còn từ “với” là song phương. Chỉ xóa bỏ những hiệp ước do Pháp đơn phương áp đặt cho Việt Nam mà thôi.

Ở đoạn kết, phần tuyên bố độc lập, Hồ Chí Minh đã khôn khéo vận dụng thao tác tăng tiến trong lập luận, vế sau mạnh hơn, vững chắc hơn vế trước, vừa như có sự đối thoại tranh luận với đối tượng người nghe, nhất là các thế lực thù địch: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”.

Từ “có quyền”, Hồ Chí Minh khẳng định cao hơn: “sự thật”, và cuối cùng là lời thề “quyết” gìn giữ nền độc lập. Lời thề ấy đã thành hiện thực khi cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ đã thành công sau đại thắng chiến dịch Điện Biên Phủ, mùa hè 1954.

T.N.T